Cách làm bánh trung thu bằng bột mì thơm ngon, hấp dẫn tại nhà | Cleanipedia
Để làm được điều đó, tay nghề của bạn không nhất thiết phải như những thợ bánh chuyên nghiệp nhưng đòi hỏi bạn phải có kỹ năng cơ bản của một người làm bánh là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ từ khâu chọn bột mì đến làm nhân, vỏ bánh và nướng bánh.
Mục Lục
1. Các loại bột mì thường được dùng làm vỏ bánh trung thu
Độ ngon của bánh trung thu phụ thuộc rất lớn vào công đoạn chọn nguyên liệu làm vỏ. Trên thực tế, bột mì chính là nguyên liệu thường được chọn làm vỏ bánh nhưng không nhiều người biết rằng bột mì lại có rất nhiều loại, bao gồm:
1.1. Bột bánh mì
Bột bánh mì là loại bột quen thuộc với những ai có niềm yêu thích với việc làm bánh. Loại bột này có hàm lượng protein khá cao, rất phù hợp với những ai thích kiểu vỏ bánh trung thu truyền thống. Vì vỏ bánh sau khi chín có độ khá giòn và hơi cứng. Nhưng nếu thích ăn bánh mềm, bạn nên pha bột bánh mì cùng với các loại bột khác.
1.2. Bột bánh ngọt
Làm bánh nướng trung thu bằng bột bánh ngọt có ưu điểm là vỏ bánh sẽ mềm. Tuy nhiên độ mềm và ẩm khá cao sẽ khiến bánh dễ xuống dầu, gây hạn chế trong quá trình bảo quản. Do đó, thời hạn sử dụng bánh cũng sẽ thấp.
1.3. Bột mì đa dụng
Bột mì đa dụng hay còn gọi bột mì số 8. Thoạt nghe “đa dụng” cũng đủ hiểu đây là loại bột có thể góp mặt trong nhiều công thức làm bánh khác nhau. Nhưng với cách làm bánh trung thu bằng bột mì, đây không hẳn là lựa chọn phù hợp. Lý do là vì bột nướng lên sẽ có độ cứng và khô. Thậm chí phải mất đến 3 ngày sau, bánh mới mềm.
Để vỏ bánh trung thu sau khi thành phẩm có được độ mềm, ẩm nhất định, người ta thường trộn thêm khoảng ¼ – ½ lượng baking soda.
Ngoài ra, các thợ bánh còn bật mí bí quyết làm bánh trung ngon, mềm là pha theo tỷ lệ: ½ bột mì đa dụng với ½ bột bánh ngọt.
1.4. Bột mì làm bánh nướng trung thu trộn sẵn
Với tính tiện lợi, bột mì làm bánh nướng trung thu trộn sẵn được nhiều người lựa chọn. Loại bột này rất phù hợp với những ai mới tập tành làm bánh. Vì bạn không phải tốn công sức để chọn bột, trộn bột, phân chia tỷ lệ hay nêm nếm gia vị.
Ngoài nêm sẵn gia vị, bột này cũng được bổ sung các chất phụ gia giúp tăng độ mềm, xốp cho bánh. Đây cũng chính là ưu điểm khi làm bánh trung thu với bột mì trộn sẵn. Tuy nhiên sẽ khó cân chỉnh gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị. Do đó, bạn sẽ phải cẩn thận hơn trong bước nêm lại gia vị theo sở thích của bạn và gia đình.
2. Nguyên liệu cần chuẩn bị khi làm bánh trung thu bằng bột mì
Cleanipedia sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh trung nhân đậu xanh bằng bột mì đa dụng. Nguyên liệu gồm có:
-
Bột mì đa dụng: 500g;
-
Bột bánh dẻo: khoảng 1 chén;
-
Nhân đậu xanh nhuyễn: 500g;
-
Nước đường bánh nướng: 500g;
-
Lòng đỏ trứng gà: 3;
-
Baking Soda: ⅓ thìa cà phê;
-
Dầu ăn: 100g;
-
Dầu mè: 1 thìa cà phê.
-
Nước.
3. Cách làm bánh trung thu bằng bột mì thơm ngon, hấp dẫn
Ngoài cách làm bánh trung thu thập cẩm, cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh, cách làm bánh trung thu bằng bột mì hoàn toàn không phức tạp như nhiều người nghĩ. Chỉ với 5 bước đơn giản sau, bạn dễ dàng cho ra lò những mẻ bánh thơm ngon, nức mũi.
3.1. Làm nước đường
Nguyên liệu:
-
Đường nâu hoặc đường hoa mai: 1 kg;
-
Chanh: 1,5 quả;
-
Mạch nha: 30g;
-
Nước: 600ml.
Cách làm nước đường:
-
Bước 1: Vắt 1 quả chanh lấy nước cốt, cho thêm đường rồi bắt lên bếp đun.
-
Bước 2: Cho thêm ½ vỏ quả chanh còn lại vào khuấy cùng cho đến khi sôi thì chỉnh lửa nhỏ, vớt bọt.
-
Bước 3: Tiếp tục cho mạch nha vào đun thêm khoảng 30 phút ở lửa thật nhỏ cho đến khi nước đường chuyển sang màu nâu cánh gián thì tắt bếp.
-
Bước 4: Đậy kín, giữ trong 4 ngày đến 1 tuần.
3.2. Làm nhân bánh
Nguyên liệu: đậu xanh, nước, muối, đường.
Cách làm nhân đậu xanh:
-
Bước 1: Đậu xanh ngâm trong 4 tiếng, rửa sạch, loại bỏ hạt lép.
-
Bước 2: Cho đậu xanh vào nồi, thêm 600ml nước và một ít muối đem đun ở lửa vừa. Đun cho đến khi nước gần cạn thì đậy nắp nồi rồi nấu tiếp ở lửa nhỏ cho đến khi nước cạn hẳn rồi tắt bếp.
-
Bước 3: Đem xay nhuyễn phần đậu xanh sền sệt đã nấu ở trên cùng với đường.
-
Bước 4: Bắt chảo lên bếp, cho vào khoảng 80ml dầu ăn. Sau đó cho đậu xanh đã xay nhuyễn vào sên trong khoảng 15 phút. Sau đó bạn cho thêm 1 chén bột dẻo vào sên cùng.
Để nhân bánh thơm và ngon hơn, bạn có thể cho thêm một ít mứt bí và nước hoa bưởi. Sên cho đến khi khi phần nhân quyện lại thành 1 khối thì tắt bếp và để nguội. Sau khi nhân nguội, bạn vo thành các viên tròn, nhỏ khoảng 35g.
3.3 Làm vỏ bánh trung thu bằng bột mì
-
Bước 1: Trộn đều bột mì đa dụng và Baking Soda. Để bột mịn hơn, bạn nên lọc qua rây.
-
Bước 2: Cho dầu ăn, lòng đỏ trứng và nước đường vào hỗn hợp trên và trộn đều. Khi làm vỏ bánh trung thu bằng bột mì, người ta thường cho thêm nước tro tàu ở bước này để vỏ bánh mềm, lên màu đẹp và thơm lâu hơn.
-
Bước 3: Cho hỗn hợp trên ra khay và trộn đều. Lúc này, bạn chưa thể chia bột vì bột còn khá nhão. Đợi sau khoảng 30 phút, bột sẽ mịn và dẻo hơn. Lúc đó, bạn chia thành nhiều phần nhỏ để làm vỏ bánh.
3.4. Nặn bánh
-
Bước 1: Cán mỏng phần vỏ bột. Cho nhân bánh vào giữa. Dùng tay nắn phần vỏ phủ đều xung quanh nhân bánh.
-
Bước 2: Quét một ít dầu ăn vào khuôn. Cho phần bánh trên vào khuôn, ấn mạnh để tạo hình. Sau đó lắc nhẹ vài cái để lấy bánh ra.
3.5. Nướng bánh trung thu
-
Bước 1: Phết bánh. Bạn trộn đều hỗn hợp gồm: 1 lòng đỏ trứng gà, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê dầu mè và nước. Bạn quét một lớp mỏng và đều lên phần mặt và thành bánh trung thu. Đây là bước rất quan trọng để giúp bánh khi chín có màu vàng ươm, đẹp mắt.
-
Bước 2: Cho bánh vào lò nướng và nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong 10 phút. Sau đó lấy bánh ra và phết thêm 1 lần nữa. Bạn cho bánh trở lại vào lò để nướng thêm khoảng 5 phút.
Sau khi đã hoàn thành công đoạn nướng bánh trung thu, bạn cần chờ thêm khoảng 2 ngày để nhân mềm, kết dính với nhau.
Trên đây là cách làm bánh trung thu bằng bột mì đơn giản, thơm ngon mà ai cũng có thực hiện ngay tại nhà. Thường xuyên truy cập Cleanipedia để đón đọc thêm nhiều bài viết bổ ích nhé!
>>> Xem thêm:
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.