Cách điều trị đái dầm ở người lớn
Rất nhiều người nghĩ rằng đái dầm chỉ xảy ra ở trẻ em, nhưng trên thực tế đái dầm xảy ra ở 1-2 % người lớn. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ khi thức dậy với chăn hoặc quần bị ướt, nếu chỉ thỉnh thoảng hoặc một lần ở tuổi trưởng thành xảy ra đái dầm thì không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu đái dầm dai dẳng và thường xuyên thì đó có thể là triệu chứng của một số bệnh lý.
1. Đái dầm ở người lớn là bệnh gì?
Nếu xuất hiện tình trạng đái dầm ở tuổi trưởng thành, bác sĩ có thể chẩn đoán người này mắc bệnh tiểu dầm ban đêm (tên tiếng Anh là Nocturnal enuresis). Có một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
- Thận sản xuất nước tiểu nhiều hơn bình thường do không cung cấp đủ hormone chống lợi tiểu (ADH) hoặc thận không đáp ứng tốt loại hormone này.
- Một dạng bệnh tiểu đường được gọi là bệnh tiểu đường insipidus hay đái tháo nhạt, nguyên nhân cũng do giảm sản xuất hormone ADH gây rối loạn khả năng điều chỉnh cân bằng lượng nước trong cơ thể và khiến thận hạn chế khả năng giữ nước gây tiểu nhiều.
- Bàng quang không thể giữ nước tiểu do không đủ chỗ trong bàng quang, nước tiểu có thể bị rò rỉ.
- Bàng quang tăng hoạt (Overactive bladder). Bình thường, cơ bàng quang sẽ co bóp khi bạn muốn đi tiểu, nhưng trong bàng quang tăng hoạt, các cơ này co bóp đột ngột, không tự chủ, khiến đi tiểu không đúng lúc.
- Dược phẩm. Một số loại thuốc có thể gây kích thích bàng quang, như thuốc ngủ hoặc thuốc chống loạn thần như: Clozapine (Clozaril, FazaClo, Versacloz) hay Risperidone (Risperdal)
Đái dầm cũng có thể là do các bệnh ảnh hưởng đến khả năng dự trữ và giữ nước tiểu của cơ thể, như ung thư bàng quang và ung thư tuyến tiền liệt. Hoặc các bệnh lý về hệ thần kinh trung ương (não và cột sống), như rối loạn co giật, đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson.
Một số nguyên nhân có thể khác của đái dầm ở thanh niên và người lớn gồm:
- Niệu đạo bị chặn
- Táo bón
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi thở
- Sa các tạng trong vùng chậu
- Vấn đề với cấu trúc giải phẫu của bàng quang hoặc cơ quan của hệ tiết niệu
- Phì đại tiền liệt tuyến
- Sỏi đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
2. Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ khám thực thể và hỏi về các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh tật trước kia của bạn. Do đó, nếu có triệu chứng đái dầm thì bạn nên ghi lại các nội dung dưới đây, để cung cấp thông tin chính xác nhất cho bác sĩ khi đi khám, như:
- Tần suất đái dầm như thế nào và khoảng mấy giờ thì đái dầm xảy ra?
- Lượng nước tiểu chảy ra nhiều hay ít?
- Bạn đã uống gì và uống bao nhiêu trước khi đi ngủ?
- Có các triệu chứng nào khác đi kèm không?
Bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn đến đái dầm như:
- Phân tích nước tiểu để tìm dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác của thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
- Nuôi cấy nước tiểu để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Đo niệu dòng (Uroflowmetry). Bạn sẽ đi tiểu vào một cái phễu đặc biệt để đo lượng lượng nước tiểu và tốc độ chảy nhanh như thế nào.
- Nước tiểu tồn lưu sau đi tiểu (Postvoid residual urine). Xét nghiệm này đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi bạn đã đi tiểu.
3. Điều trị
Bác sĩ có thể bắt đầu điều trị bằng cách hướng dẫn bạn nên thực hiện một vài thay đổi trong thói quen hàng ngày và ban đêm như:
- Luyện tập nhịn đi tiểu và đi tiểu vào thời gian đã được cố định. Khi bị kích thích đi tiểu, bạn hãy nhịn đi tiểu từ 5 đến 10 phút và sau đó cứ tăng dần thời gian giữa hai đi tiểu. Điều này sẽ giúp bàng quang luyện tập để giữ nhiều nước tiểu hơn.
- Không uống chất lỏng trước khi đi ngủ sẽ không tạo ra nhiều nước tiểu. Ngoài ra, bạn cần tránh caffeine và rượu, do hai đồ uống này có thể kích thích bàng quang khiến bạn đái dầm.
- Đặt báo thức để đánh thức bạn dậy đi tiểu vào một thời gian cố định trong đêm.
- Thử sử dụng thiết bị báo động khi bạn đái dầm được gắn nó vào đồ lót hoặc miếng dán trên giường, thiết bị này sẽ cảnh báo bằng cách rung hoặc phát ra tiếng nhạc ngay sau khi bạn bắt đầu đái dầm.
- Uống thuốc. Một số có thể giúp điều trị đái dầm như Desmopressin (DDAVP) làm giảm khả năng sản xuất nước tiểu của thận hoặc các thuốc khác nhằm giúp kiểm soát bàng quang tăng hoạt như: Darifenacin (Enablex), Imipramine (Tofranil), Oxybutynin (Ditropan), Tolterodine (Detrol) …
Nếu thuốc và các phương pháp điều trị trên không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyến nghị các phương pháp sau:
- Phẫu thuật mở rộng bàng quang (Bladder augmentation) sẽ làm cho bàng quang có kích thước lớn hơn do đó làm tăng lượng nước tiểu nó có thể giữ.
- Kích thích dây thần kinh phế vị để kiểm soát bàng quang tăng hoạt, bằng cách đặt một thiết bị dưới ngực của người bệnh để gửi các tín hiệu đến dây thần kinh ở thắt lưng nhằm kiểm soát dòng chảy của nước tiểu.
Một số mẹo đối phó với tình trạng đái dầm
Cho đến khi kiểm soát được tình trạng đái dầm, bạn có thể thực hiện một số bước đơn giản như sau:
- Đặt một tấm phủ chống thấm lên giường để tránh làm ướt đệm.
- Mặc đồ lót thấm nước hoặc bỉm trước khi đi ngủ.
- Sử dụng các sản phẩm làm sạch và dưỡng da để ngăn ngừa da bị kích ứng do nước tiểu tiếp xúc với da trong đêm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com, mayoclinic.org