Cách chăm sóc cây VẢI sai quả | Chăm sóc cây vải cho sai quả, quả to
Mục Lục
Cách chăm sóc cây VẢI sai quả
Vải là loại trái cây được yêu thích nhờ hương vị thơm ngon. Ngoài ra, loại quả này còn có tác dụng kháng ung thư, điều hòa huyết áp, bảo vệ tim mạch, giàu vitamin C, vitamin E, vitamin K, tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da…
Để cây vải ra hoa được tốt ta cần phải chăm sóc theo quy trình của cả 1 năm. Khi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cây trồng phát triển nhanh hơn, cây có khả năng ra hoa, đậu trái cao và chất lượng được cải thiện hơn rất nhiều.
Vải là cây lâu năm, thích ứng rộng, từ Nghệ An, Thanh Hoá trở ra, đều trồng được. Vải có bộ rễ mạnh, chịu hạn, không chịu được úng. Dưới đây là cách chăm sóc cây vải SAI QUẢ mà bà con nên tham khảo:
1/ Đất trồng
Cây vải có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ, đất vàng, đất cát pha, đất phù sa, đất thịt…. Yêu cầu quan trọng nhất của đất trồng vải là phải thoát nước, tầng đất dày. Cây thường được trồng vào 2 vụ chính đó là vụ Xuân (tháng 3-4) và vụ Thu (tháng 8-9).
Đào hố trồng vải thiều không khác so với những loại cây trồng khác nhưng cần chú ý đến điều kiện đất trồng. Với vùng đất bằng thấp thì nên đào hố rộng 70 – 80cm, sâu 70cm. Còn đối với đất đồi thì đào hố rộng 70 – 80cm, sâu 80 – 100cm.
Trước khi trồng nên bón lót với phân chuồng hoai mục, vôi rồi phơi ải khoảng 15-20 ngày nhằm loại trừ các mầm bệnh gây hại cho cây.
2/ Chọn giống và trồng vải
Hiện nay trên thị trường có những giống vải như vải thiều Thanh Hà, vải thiều Phú Hộ, vải Xuân Đỉnh… Bạn có thể lựa chọn giống tùy vào điều kiện và sở thích.
Thông thường vải được nhân giống bằng hạt, chiết cành hoặc ghép. Tuy nhiên, rất ít người trồng vải bằng hạt vì cây lâu cho trái, năng suất không cao. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn nên tìm mua cây vải giống ở các vựa giống.
Bới 1 lỗ nhỏ ở giữa hố đã đào sẵn, đặt cây con vào, dùng tay lấp đất và ấn chặt đất xung quanh miệng hố. Trồng xong nên dùng cọc để chèn xung quanh gốc để tránh gốc cây bị lung lay. Nếu trồng lúc trời không mưa thì cần tưới đẫm nước cho cây vải.
3/ Tỉa cành tạo tán, một biện pháp cần thiết cho cho vải
– Để cây tránh hiện tượng tranh chấp dinh dưỡng giữ các cành, tán. Sau mỗi vụ thu hoạch cần tiến hành tỉa cành, tạo tán. Loại bỏ các cành tăm, cành nhỏ, cành sâu, cành bệnh và giữ lại các cành cơ bản
4/ Chăm sóc cây vải thời kỳ ra hoa đậu quả
Khi cây vải ra hoa cần ngừng hẳn tưới nước, giữ cho vườn cây ở mức khô hạn cục bộ từ 10-15 ngày mới tưới đẫm nước liên tục 2-3 ngày rồi dứt hẳn để kích thích cho hoa nở đồng loạt, tập trung.
Đặc biệt trong thời kỳ cây vải ra hoa nên tiến hành dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc giữ ẩm thường xuyên cho vườn cây. Nếu để vườn khô, cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều. Ngược lại tưới quá nhiều, độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ cao làm cho các mô non ở cuống và hoa trương lên đột ngột cũng rụng nhiều.
5/ Phòng trừ sâu bệnh cho cây vải
Trồng cây vải có rất nhiều sâu hại nếu chăm sóc không kỹ như nhện lông nhung, bệnh thối hoa khá nghiêm trọng nếu không có cách khắc phục ngay.
Do đó khi phát hiện bệnh do nhện tấn công cần thu gom những lá bị nhện đem đốt để tránh lây lan. Dùng các loại thuốc trừ nhện như Pegasus 500ND, Ortus 5SC phun ngay sau khi lộc non mới nhú.
Ngoài ra cũng nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu bán ở các cửa hàng uy tín để phun trừ kịp thời các loại sâu hại như: bọ xít xanh, bọ xít vai nhọn, câu cấu, rệp hại hoa, sâu đục cuống quả v.v… Với sâu đục quả, thường xuyên kiểm tra các lứa sâu để phun làm 3 đợt chính: cuối tháng 4, cuối tháng 5 và giữa tháng 6 mới hiệu quả.
Trong thời gian ra hoa nếu gặp mưa phùn, thiếu ánh sáng, cây vải thường bị các bệnh thối hoa như mốc sương, sương mai, thán thư tấn công gây hại. Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như: Boóc-đô 1%, Ridomil MZ 0,2%, Anvil 0,2%, Score 0,1% hoặc Aliette 80 WP 0,15% để phun phòng làm 2 lần: lần 1 khi cây mới ra giò, lần 2 khi các giò hoa đã nở được 5-7 ngày cho kết quả rất tốt.
6/ Chăm sóc vải sau thu hoạch
Vải sau khi thu hoạch quả cần tỉa bỏ các cành khô, cành sâu bệnh, cành nằm trong tán và cành vượt. Đồng thời cắt phần ngọn đầu tán lá (phần cuống hoa, cuống chùm quả còn sót lại) để tạo tán tròn đều, tạo điều kiện cho mầm cành thu mọc cùng lúc. Sau đó tiến hành bón phân để phục hồi và phát triển bộ rễ, lá. Lượng bón trung bình cho 10 m2 bóng tán: 0,3-0,5 kg urê + 1-2kg lân supe + 5-10 kg phân chuồng.
Đối với cây trung tuổi, sức sinh trưởng đã hạn chế hoặc cây trẻ nhưng phát triển kém nên có đợt lộc cuối cùng ra cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Khi đó có thể tưới đạm pha loãng để bản lá được to, rộng, lá dày, màu xanh đậm; tránh bón sâu, bón quá nhiều dẫn đến cây ra lộc đông. Ở giai đoạn này cần phòng trừ nhện lông nhung hại vải. Trước khi nhú đợt lộc cuối thu phải diệt trừ sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu như Pegasus 500ND, Ortus 3SC, Regent 800 WP… Sau khi lộc đã phát dài hết, cần kiểm tra và ngắt bỏ ngay những đoạn mầm lộc đã bị nhện lông nhung làm xoăn lá.
Nguồn: Sưu tầm
———————————————————————————————
Những dòng nguyên liệu Công ty chúng tôi đang cung cấp TẠI ĐÂY.