Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm
Chất lượng là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi đơn vị cần lưu ý, chất lượng sản phẩm không đơn giản chỉ là đáp ứng nhu cầu về mẫu mã, công dụng… mà còn phải hài hòa mọi nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng tới chất lượng của chính hàng hóa/dịch vụ đó.
Vậy, đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp cần lưu tâm?
1. Men – Con người
Trong mọi nền sản xuất, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm, cho dù là lãnh đạo doanh nghiệp, công nhân và cả người tiêu dùng.
-
Ở phía Ban Lãnh đạo: Sự đột phá của công nghệ cũng như sự khắt khe của thị trường đã buộc người quản trị phải nhạy bén trong việc nắm bắt các xu thế. Theo đó, người lãnh đạo cần đưa ra tầm nhìn và tạo dựng sự đồng thuận về vấn đề xây dựng thương hiệu, bao gồm trong đó là các nội dung về đảm bảo chất lượng sản phẩm.
-
Ở phía đội ngũ lao động: Trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật và tinh thần lao động… của đội ngũ công nhân chính là những yếu tố quyết định đến chất lượng hàng hoá dịch vụ. Suy cho cùng, nền sản xuất có được tự động hoá thì con người vẫn là nhân tố tham gia trực tiếp vào việc sản xuất sản phẩm thông qua các công việc đòi hỏi sự sáng tạo, nhạy bén.
Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải đào tạo nhân sự của mình vừa có trình độ chuyên môn giỏi, vừa có tay nghề thành thạo, cũng như nắm vững quy trình sản xuất và tư duy quản trị khoa học. Tiếp đến là thúc đẩy tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của nhân viên, thổi hồn vào hoạt động quản trị chất lượng bằng sự đổi mới và bắt kịp xu hướng luôn thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải cho nhân viên của mình cơ hội tiếp cận công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, duy trì sự ổn định và nâng cao dần chất lượng sản phẩm.
2. Methods – Phương pháp
Phương pháp là những cách thức, có tính đường lối được chủ thể sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ quản trị chất lượng. Một phương pháp hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, đảm bảo độ an toàn, độ tin cậy trong suốt chu kỳ của sản phẩm; đồng thời quyết định các yếu tố cạnh tranh của sản phẩm (chất lượng, giá cả, thời hạn….).
Thực tế, các yếu tố sản xuất từ nguyên liệu đầu vào cho tới năng lực người lao động dù có ở trình độ cao, nhưng nếu doanh nghiệp không có phương thức quản lý hiệu quả sẽ khiến sự phối hợp giữa các phòng ban trong tổ chức không hiệu quả… sẽ không thể tạo ra một sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp cũng như áp dụng và vận hành hệ thống cần phải được xem xét một cách toàn diện. Điều này được thể hiện trong nhận thức hiểu biết về chất lượng và trình độ của cán bộ quản lý, khả năng xây dựng chính xác mục tiêu, chính sách chất lượng và chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch chất lượng… Doanh nghiệp có thể tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia quản trị sản xuất hay các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số sản xuất để dễ dàng hơn trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình.
3. Machines -Thiết bị
Máy móc, thiết bị là yếu tố đóng vai trò quyết định việc hình thành sản phẩm nói chung và chất lượng sản phẩm nói riêng. Do vậy, chất lượng và tính đồng bộ của máy móc, thiết bị sản xuất sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, máy móc công nghệ hiện đại còn giúp doanh nghiệp giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, giảm tác động xấu đến môi trường… Đây chính là vũ khí cạnh tranh hữu hiệu đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong nền sản xuất hiện đại.
Từ thực tế trên, việc đầu tư mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các doanh nghiệp cần từng bước dịch chuyển và đổi mới cơ sở vật chất bao gồm: hệ thống dây chuyền sản xuất công nghệ, hệ thống đo lường và kiểm tra chất lượng. Tránh mua những máy móc cũ vì hệ thống sẽ tiêu tốn nhiều nguyên – nhiên liệu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý các giải pháp công nghệ hiện đại giúp ích cho việc quản lý máy móc hiệu quả.
4. Materials – Nguyên vật liệu
Nguyên vật liệu là yếu tố trực tiếp cấu thành nên sản phẩm. Do đó, tính chất của nguyên vật liệu sẽ quyết định trực tiếp đến chất lượng thành phẩm mà doanh nghiệp sản xuất. Do vậy, muốn có sản phẩm đảm bảo chất lượng, buộc doanh nghiệp chú trọng trước tiên đến vấn đề chất lượng nguyên vật liệu, mặt khác phải đảm bảo các nhà cung ứng cung cấp những nguyên vật liệu đúng số lượng, đúng chất lượng, đúng kỳ hạn, giúp hoạt động sản xuất thực hiện liên tục, trơn tru theo đúng kế hoạch.
Doanh nghiệp cần lưu ý rằng, bất kỳ nguyên vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất đều gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, tính đồng bộ trong chất lượng nguyên vật liệu đầu vào là yếu tố quan trọng, buộc mỗi tổ chức chú trọng và nghiên cứu kỹ càng.
Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mang tính vĩ mô
1. Hiệu lực của cơ chế quản lý
Sự phát triển, mở rộng của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc chặt chẽ vào cơ chế quản lý, hành lang pháp lý của mỗi chính phủ, bao gồm cả việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của chính các đơn vị.
Cụ thể, cơ sở của hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chính là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, mọi doanh nghiệp cần xây dựng, áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do chính nhà nước ban hành. Đây chính là nền tảng đảm bảo sự bình đẳng và phát triển ổn định quá trình sản xuất, đảm bảo uy tín và quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
2. Điều kiện kinh tế xã hội
Thông thường, khi mức sống xã hội còn thấp, sản phẩm khan hiếm thì yêu cầu của người tiêu dùng chưa cao. Lúc này, người tiêu dùng chưa quá khắt khe vào việc tiêu dùng sản phẩm.
Nhưng khi đời sống xã hội tăng lên cùng với ngày càng nhiều đơn vị tham gia vào quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm, thì đòi hỏi về chất lượng cũng tăng theo. Điều này đã khiến người tiêu dùng trở nên khắt khe hơn trong việc lựa chọn và tiêu thụ, thế nhưng, đôi khi họ chấp nhận mua sản phẩm với giá cao tới rất cao để có thể thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình.
3. Những yêu cầu của thị trường
Nhu cầu thị trường là một trong những nhân tố cụ thể chi phối vấn đề chất lượng sản phẩm các doanh nghiệp. Đây không chỉ là điểm xuất phát của quá trình quản lý chất lượng, mà còn là động lực, định hướng cho mỗi đơn vị ngày càng hoàn thiện tốt hơn chất lượng sản phẩm.
Theo đó, nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, sẽ khiến người tiêu dùng tăng khả năng chi trả và sẵn sàng chi trả để có được.
Để làm tốt việc này, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng dự báo, sẵn sàng các kế hoạch để đối phó rủi ro tiềm tàng xuống thấp nhất. Cuối cùng, và từ dự báo có thể chuyển thành ‘tính toán’ nhu cầu thị trường với độ chính xác cao.
4. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng rất lớn tới mọi hoạt động của nền sản xuất hiện đại. Công nghệ mới giúp tất cả các bên có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ vào việc chu kỳ công nghệ sản phẩm được rút ngắn, chất lượng sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng…
Do vậy, các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi những biến động của thị trường về sự đổi mới của khoa học kỹ thuật (bao gồm các vấn đề nguyên vật liệu, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị…) để điều chỉnh một cách nhanh chóng lộ trình phát triển của mình. Có như vậy mới có thể kịp thời nhằm hoàn thiện chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng một cách triệt để yêu cầu của người tiêu dùng.
Kết
Hy vọng qua bài viết doanh nghiệp có thể nhận biết được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm từ đó đối chiếu với doanh nghiệp để cải tiến. Có thể thấy, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì không còn cách nào khác là phải có một hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
TĂNG HIỆU SUẤT LÀM VIỆC LÊN GẤP 3 LẦN VỚI FMRP, TẠI SAO KHÔNG?
Đăng ký miễn phí
Số lượt xem: (66)