Các vụ bạo hành trẻ em ở trường học và ngoài xã hội ở Việt Nam
Bạo hành trẻ em luôn được đánh giá là một vấn nạn cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê về những vụ bạo hành trẻ em ở trường học và ngoài xã hội ở Việt Nam.
Mục Lục
1. Bạo hành trẻ em là gì?
Trong giai đoạn gần đây thì rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được đưa trên các phương tiện truyền thông đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến rất nhiều người về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Bảo vệ trẻ em và quyền lợi chính đáng của trẻ em giờ đây đã không còn là trách nhiệm riêng của mỗi gia đình mà nó cần sự chung tay của cả xã hội để tạo ra môi trường phát triển và giáo dục tốt nhất cho trẻ em. Tất cả những hành vi cố ý gây tổn hại đến tinh thần, thể xác của trẻ em đều bị pháp luật xử lý.
Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, bạo hành trẻ em về bản chất được hiểu là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dùng, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiện tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em, kể cả cha mẹ, người trông nom hay đứa trẻ khác.
Còn tại Việt Nam, khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 có giải thích tương tự về bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Theo Cục bảo vệ cộng đồng, trẻ em và người khuyết tật của Queensland, Úc thì bạo hành trẻ em được chia thành 5 dạng là bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bạo hành tâm lý, bỏ bê và lạm dụng.
Trẻ ở bất cứ độ tuổi nào đều có thể là nạn nhân của các vụ bạo hành trẻ em. Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay đang ở mức báo động.
2. Điều kiện, nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em
Thời đại mới khiến cho cuộc sống của hầu hết gia đình trở nên gấp gáp và vội vàng hơn, nhất là với những gia đình ở đô thị. Ba mẹ sáng sáng đi làm, chiều chiều, có khi là chiều tối, tối muộn mới về đến nhà. Khoảng thời gian dành cho con cái cũng vì thế mà ít đi.
Cũng may còn một phương án cứu cánh là nhờ người trông trẻ, họ hàng, bạn bè thân chăm con giúp. Nhưng ba mẹ không nên quá yên tâm khi không trực tiếp chăm sóc con. Nạn bạo hành trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ đứa trẻ nào và bất cứ ai cũng có thể trở thành “thủ phạm”. Các vụ bạo hành trẻ em trong gia đình gần đây tại Việt Nam đã chứng minh điều này.
Ngay cả chính ba mẹ ruột còn trực tiếp ra tay hoặc tiếp tay cho hành vi bạo hành với con ruột của mình. Đó là sự thật đau lòng. Vậy mới thấy, nếu không kiểm soát được bản thân thì một ngày nào đó, ba mẹ cũng có thể ra tay với chính đứa con yêu của mình.
Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Người lớn, trong đó có nhiều bậc cha mẹ, chưa hiểu hết về các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cứ ngỡ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nhiều người lớn coi việc đánh trẻ là đang giáo dục trẻ nên người. Kể cả ở trường mẫu giáo, trường học cũng vậy. Giáo viên, người chăm trẻ đánh mắng vì trẻ không chịu ăn, không chịu năm yên khi ngủ… Do vậy, bà mẹ cần chọn được trung tâm giữ trẻ hoặc trưởng mẫu giáo uy tín và thường xuyên giám sát quá trình học tập của con.
Tình trạng bạo lực còn xảy ra nhiều với các bé gái do bất bình đẳng giới. Quan niệm “Con trai nối dõi tông đường, còn con gái là con nhà người ta” đã dẫn đến bao nhiều vụ bạo hành với trẻ em gái, Hy vọng các bậc cha mẹ có cái nhìn đúng hơn về giới tính của con và không phân biệt đối xử.
3. Thực trạng bạo hành trẻ em ở trường học và ngoài xã hội ở Việt Nam
3.1. Thống kê về tình trạng bạo hành trẻ em
Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Nguyên nhân trước hết là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ. Nhiều người coi chuyện đánh con là bình thường. Sự dồn nén tâm lý của một người do những khó khăn về kinh tế hoặc vì các chất kích thích… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em.
Thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua cho thấy sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu… đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.
Công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 30 trường hợp giải cứu khẩn cấp.
Phòng Tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có 511 người đến tham vấn trực tiếp, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số phụ nữ đến các Ngôi nhà bình yên ở Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian này là 72 người, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 4-2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình cũng tăng từ 30-300%.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, bạo lực trẻ em trong gia đình có những ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hại, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung. Nhiều trẻ không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thậm chí học theo hành vi của người lớn, tiến hành bạo lực với người khác. Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thường có xu hướng thiếu tin tưởng vào người lớn; có em bỏ nhà ra đi; chán nản, có ý nghĩ tự tử thậm chí có em đã tự tử…
Dẫn chứng từ thiết bị Scan MRI (quét não bộ) đo chỉ số IQ của trẻ em cho thấy, nếu trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay là nhân chứng của những hành động này trong 3 năm đầu đời, hàm lượng chất xám bị giảm đi đáng kể.
3.2. Những vụ bạo hành trẻ em gây phẫn nộ ở Việt Nam
* Cô bảo mẫu dùng dao dọa trẻ
Sáng 26/11/2017, clip bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh thuộc phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM hành hạ trẻ được đăng tải trên báo chí khiến dư luận chấn động.
Theo nội dung clip, 3 bảo mẫu của trường mầm non này liên tục dùng tay, chân, các vật dụng khác để đánh trẻ; thậm chí dùng cả dao dọa trẻ…
Công an quận 12 đã triệu tập bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, chủ trường mầm non tư thục Mầm Xanh) cùng 2 bảo mẫu lên trụ sở công an làm việc. Tại cơ quan điều tra, bà Linh thừa nhận đánh dằn mặt các bé từ 12 tháng đến 5 tuổi do các bé hiếu động.
* Bé trai 1 tuổi bị đánh chấn thương sọ não ở Hà Nội
Tháng 8-2017, vụ việc bé trai T.T. A. (14 tháng tuổi) ở Hà Nội bị bạo hành dã man tới nỗi chấn thương sọ não khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Cháu T. A. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, co giật, mắt bị giãn, bầm tím toàn thân và xây xước ở bộ phận sinh dục, cổ. Không có người thân của cháu đi cùng.
Ngày 5-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để điều tra làm rõ nguyên nhân cháu bé T.A bị hành hung dẫn đến chấn thương sọ não. Được biết, mẹ của bé T.A đang thụ án tù nên đã nhờ bạn bè chăm sóc. Một trong số những người bạn của mẹ bé đã đưa bé T.A vào viện.
* “Dì ghẻ” bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong
Ngày 25/11/2022, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bé gái N.T.V.A (8 tuổi) bị bạo hành đến tử vong tại căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh. Sau 1 ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995) và Nguyễn Kim Trung Thái (sinh năm 1985, cha của bé N.T.V.A).
Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang là tàn nhẫn, mất nhân tính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… nên cần áp dụng mức án cao nhất. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang tử hình về tội “Giết người,” 3 năm tù về tội “Hành hạ người khác,” tổng hợp hình phạt là tử hình.
Đối với Nguyễn Kim Trung Thái, bị cáo đã bỏ mặc, chửi bới, đánh đập cháu A., không can ngăn mà còn đồng phạm giúp sức với Trang về tội “hành hạ người khác.” Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái bị tuyên án 3 năm tù về tội “Hành hạ người khác,” 5 năm tù về tội “che giấu tội phạm”; tổng hợp hình phạt là 8 năm tù.
Theo nội dung vụ án, Nguyễn Võ Quỳnh Trang sống chung như vợ chồng với Nguyễn Kim Trung Thái và ở cùng con riêng của Thái là cháu N.T.V.A. tại căn hộ chung cư Saigon Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh).
Trong quá trình sống chung, Trang tức giận việc gia đình Thái không cho Thái kết hôn với Trang và việc Thái không muốn có con chung với Trang. Do đó, trong thời gian Trang ở nhà cùng cháu A. học trực tuyến, từ ngày 7-22/12/2021, Trang đã dùng tay, chân, cây gỗ, roi, cây kim loại (là ống nối của máy hút bụi) đánh đập, hành hạ dã man cháu A. bằng nhiều cách thức khác nhau, trong nhiều ngày, nhiều giờ.
Từ 14 giờ 51 phút đến 18 giờ 6 phút ngày 22/12/2021, Trang dùng tay, chân và cây gỗ là hung khí nguy hiểm đánh đập, đạp mạnh liên tục, dồn dập vào các vùng trọng yếu trên cơ thể của cháu A. dẫn đến cháu tử vong trước khi vào bệnh viện cấp cứu. Nguyễn Kim Trung Thái trong các ngày 7, 10, 11, 12/12/2021 đã chứng kiến Trang nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu A. nhưng không can ngăn mà còn tham gia cùng Trang đánh đập, hành hạ cháu A.
4. Các giải pháp hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em
Cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật vệ bảo vệ trẻ em; sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Internet, trong đó có những quy định cụ thể về việc quản lý các trang web, các trò chơi game online trực tuyến nhằm tiếp thu những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của giới trẻ, đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực mà loại hình giải trí này gây ra.
Cần phải thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội. Môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phát triển đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên đến tận thôn, bản, khu, ấp…
Để tìm hiểu thêm về vấn đề bạo hành trẻ em, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết: Giáo dục con bằng đòn roi cha mẹ có vi phạm pháp luật?
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Các vụ bạo hành trẻ em ở trường học và ngoài xã hội ở Việt Nam. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.