Các vấn đề tâm lý thường gặp

Nếu như bạn không mắc phải những rối loạn tâm lý dẫn đến bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay rối loạn lưỡng cực; nhưng thỉnh thoảng vẫn trải qua những cảm xúc khó chịu hay căng thẳng, mất tinh thần thì đây là mục dành cho bạn.

Về mặt định nghĩa, ranh giới giữa các vấn đề tâm lý (kiểu như cảm xúc lên xuống) thường ngày với những rối loạn bệnh lý không quá khó để phân biệt. Tuy nhiên nếu nói chỉ có rối loạn bệnh lý mới gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi ngay cả những vấn đề tâm lý hàng ngày như thi thoảng cảm thấy không vui, chán nản, lo lắng, mất ngủ, giận dữ hay căng thẳng, cảm giác bị ngợp hay áp lực… cũng gây không ít khó khăn cho rất nhiều người. Đặc biệt là ở thời buổi hiện tại, khi con người phải suy nghĩ, lo toan nhiều việc khác nhau.

Xin hãy yên tâm vì 100% tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những cảm xúc như trên. Đó cũng là hệ quả của lối sống nhanh, áp lực, làm việc trong môi trường nhiều cạnh tranh và thiếu sự cân bằng các yếu tố khác trong cuộc sống.

Nội tiết tố (hormone), dinh dưỡng (nutrition) và thói quen sinh hoạt là 3 yếu tố chính ảnh hưởng tới cảm xúc hàng ngày của chúng ta. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy cuộc sống rất khó khăn, buồn bực không rõ nguyên nhân – có thể là do bạn hoạt động quá nhiều mà quên mất việc thư giãn và chăm sóc bản thân.

Về yếu tố nội tiết, phụ nữ thường trải nghiệm cảm giác khó chịu nhiều hơn đàn ông, nhất là trước kỳ kinh nguyệt, rụng trứng hay tiền mãn kinh. Họ sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn, hay giận dữ vô cớ, rối loạn khí sắc (mood swing) và thậm chí chỉ một chuyện cỏn con cũng có thể làm họ khóc. Đàn ông ít gặp hơn rất nhiều nhưng không có nghĩa là không có – vì họ cũng có “period” riêng của họ, cho dù hiếm khi xảy ra – và nguyên nhân cũng là từ hormone.

Về yếu tố dinh dưỡng, ăn uống thiếu chất – đặc biệt là không ăn đủ rau quả, thịt, cá, thiếu chất mỡ… cũng gây ra rối loạn cảm xúc dạng nhẹ. Đặc biệt là một ngày phải ăn đủ 3 bữa, vì nếu bỏ bữa sáng thường xuyên sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác về thể chất sau này, chứ không chỉ một mình yếu tố tâm lý.

Cuối cùng là thói quen sinh hoạt. Nếu như sinh hoạt điều độ là chìa khóa của sự khỏe mạnh thì đương nhiên, sinh hoạt vô tổ chức, bừa bãi sẽ khiến người ta dễ dàng cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Ngủ đủ giấc, dậy sớm, chịu khó vận động cơ thể (ít nhất là cũng phải đi bộ hàng ngày), tập thở… là những yêu cầu cơ bản để có thể duy trì lối sống khỏe mạnh. Nếu bạn quá căng thẳng, ít quan tâm đến bản thân, khả năng cao là nó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên cả thể chất lẫn tâm lý của bạn.

Các bước bạn có thể làm ngay để cải thiện tâm trạng của mình vào những ngày căng thẳng:

– Ăn uống đủ chất

– Mua Vitamin tổng hợp, đặc biệt là Vitamin B Complex (B1,B2,B3,B6,B12), Ma-giê, Kẽm, Sắt, Kali, dầu cá (Omega 3 hoặc Omega 3-6-9).

– Thuốc bổ như Ginko Biloba cũng giúp não bộ hoạt động tốt hơn.

– Các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà chiết xuất từ lá quả mâm xôi (Raspberry leaf), cây hương thảo (rosemary), hoa oải hương (lavender), hay rễ cây nữ lang (Valerian root)… đều có tác dụng điều chỉnh cảm xúc, điều hòa giấc ngủ, thư giãn và cân bằng nội tiết. Các bạn có thể tìm mua nhãn trà của Yogi Tea hoặc Traditional Medicinals.

– Tập thể dục: Đi bộ, chạy, tập yoga nhẹ nhàng hoặc chơi thể thao sẽ sinh ra endorphine – chất hóa học tạo ra cảm giác “hạnh phúc” cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy vận động đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện trí nhớ và cảm xúc.

– Tập thở hoặc thiền tại chỗ: Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, khó chịu, các bạn có thể tập trung vào hơi thở. Có thể thực hành bằng phương pháp thở đếm (1-2-3 hít vào, ngưng 1-2-3, thở ra 1-2-3 hoặc dài ngắn bao lâu tùy bạn muốn). Hoặc mỗi lần thở, hít vào, hãy nghĩ rằng bạn đang đón nhận nguồn năng lượng tích cực, và thở ra những lo âu, phiền muộn, giận dữ. Duy trì làm vậy ít nhất 5 phút mỗi ngày và trước khi đi ngủ – bạn sẽ cảm thấy khác hẳn.

Tác giả: Khánh Linh

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…