Các vấn đề có liên quan đến thị giác (Phần 1)

Các vấn đề có liên quan đến thị giác (Phần 1)

Các vấn đề có liên quan đến thị giác (Phần 1)

1. Trường thị giác (Visual Field):

Chúng ta biết rằng tạo hóa tạo ra con người có 2 con mắt, 2 con mắt phối hợp nhau theo sự điều khiển của não bộ để nhìn ngắm, quan sát, thấy và cảm nhận… 2 con mắt có 2 góc nhìn khác nhau vì thế người ta thường nói: “nhân quan lưỡng thị” (nhìn bằng 2 con mắt). Vùng nhìn hay khu vực nhìn thấy của 2 con mắt được gọi là “trường thị giác” hay vùng nhìn. Trường thị giác là thuật ngữ nói đến phạm vi, giới hạn vật lý về khu vực mà thị giác có thể nhìn thấy được. Trường thị giác được hình thành bởi góc nhìn vật lý theo hướng tung hoành mà chuẩn để đo đạt (bằng độ) là trực nhìn và độ cao chuẩn của đường tầm mắt. Nghĩa là các tín hiệu thị giác, hình ảnh được bố trí hay xuất hiện ở khu vực bên ngoài trường thị giác thì chúng ta sẽ không nhìn thấy hoặc không rõ (bao gồm những người bị thiểu năng về thị giác). Về mặt lý thuyết thì khi chúng ta phóng tia nhìn dưới dạng đường thẳng ra phía ngoài để quan sát hay ngắm nhìn thì người ta coi đó là “trục nhìn” từ trục này người ta đo độ mở rộng và khả năng nhìn rõ của con mắt theo hướng tung và hoành.

thi giac 1

Như vậy, từ trục nhìn người ta mở số đo độ mở của góc nhìn lý tưởng (tức là góc nhìn này bảo đảm khả năng nhìn thấy tốt nhất, hình ảnh được nhìn thấy không bị biến dạng). Người ta thí nghiệm và cho thấy rằng góc nhìn cho hiệu quả thấy tốt nhất là 300 về độ cao và 300 về độ ngang. Như vậy vùng nhìn tốt nhất là hình tròn có đường kính (mọi chiều) là kết quả của góc mở của mắt là 300. Nếu chúng lấy góc nhìn trên và dưới đều bằng nhau là 450 thì góc dư 150 là khu vực mà chúng ta nhìn thấy không rõ hay bị méo.

Vì thế chúng ta có vùng nhìn (hay trường nhìn, thị trường) là hình tròn có đường kính mà góc nhìn là 900 (trên 450 và dưới là 450). Đây là vùng nhìn lớn cho thấy có phần không thể nhìn rõ, chính xác. Còn vùng nhìn thật rõ là 300, có đường kính là 700 (350 trên và 350 dưới).

thi giac 2

Trường thị giác là khái niệm hoàn toàn vê fkhoa học vật lý chứ không phải là cảm giác thị giác. Nó là một trong những vấn đề về nhãn khoa.

Khi nói đến trường thị giác chính là nói đến khả năng hay sự giới hạn của sự nhìn thấy, nhận biết của con mắt trong phạm vi nhất định. Có những người mà thị giác không bình thường thì trường nhìn của họ bị giới hạn chứ không giống với người có thị giác khỏe mạnh.

Trường nhìn của mọi người bình thường (không bị khuyết tật thị giác) đối với vật thể cụ thể nào đó tùy thuộc vào cách nhìn vật lý, bao gồm: góc nhìn (Point of view), tầm nhìn (View level) và khoảng cách (Distance).

Trong khoa học viễn cận (Perspective) thì khái niệm về trường nhìn thay đổi rất rõ trong cách vẽ phối cảnh với một hay hai dường tầm mắt hay cách vẽ phối cảnh với một điểm biến hoặc hai điểm biến.

Hình minh họa về khả năng mở rộng vùng nhìn và khả năng thấy rõ

 

thi giac 3

thi giac 4

2. Tín hiệu thị giác (Visual Sign):

Về ý nghĩa truyền thông thì tín hiệu là dạng ngôn ngữ có sức tác động trực tiếp đến con người thông qua 2 giác quan, quan trọng nhất là thính giác và thị giác. Nói rõ hơn thì tín hiệu là một sự vật hoặc thuộc tính vật chất được cảm nhận qua giác quan của con người như: âm thanh, màu sắc, ánh sáng, hình vẽ, vật thể. Nói cách khác tín hiệu phải là dạng vật chất kích thích đến giác quan con người và con người cảm nhận được. Nó đại diện cho một cái gì đó gọi ra, gợi tả một cái gì đó, tức là cái gì mà nó đại diện cho không trùng hợp với nó.

Tín hiệu thị giác hàm chứa những yếu tố như sau: Văn hóa, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, lịch sử, hình thái giao tiếp, đẳng cấp chuyên môn: như trình độ thẩm mỹ, kỹ thuật thể hiện. Nhìn tổng quan chúng ta thấy có 2 dạng tín hiệu thị giác: Một là dạng có quy ước, hai là dạng không có quy ước (dạng tín hiệu tổng hợp do sự sáng tạo của nghệ sĩ thị giác).

Nói chung tín hiệu thị giác có khả năng thông tin mà con mắt có thể nhận thấy và cảm nhận dược. Thí dụ: Ánh đèn của ngọn hải đăng giúp cho tàu thuyền  di chuyển vào ban đêm; đèn xanh vàng đỏ ở các giao lộ cũng là tín hiệu giao thông được cảm nhận bằng con mắt. Logo, biểu tượng cũng là một dạng tín hiệu thị giác. Một cái gật đầu cũng là tín hiệu thị giác thể hiện sự bằng lòng.

Có 2 hình thái tín hiệu thị giác:

a. Tín hiệu cụ thể được nhìn thấy bằng mắt như những hình ảnh trong thiên nhiên, hình vẽ, hình ảnh, động tác, sự vận động, sự chuyển động trong đời sống xã hội do sự tác động của tự nhiên hay nhân tạo.

b. Tín hiệu mà con mắt cảm nhận thông qua sự phối hợp do con người chủ động tạo ra. Đó là do sự giao thoa của các tín hiệu hay các yếu tố thị giác.

Xét về giá trị thông tin và giá trị sáng tạo thì tín hiệu thị giác có các cấp độ: Tín hiệu có ý nghĩa, tín hiệu khó hiểu, vô nghĩa không rõ ràng; tín hiệu đơn nghĩa hay đa nghĩa; tín hiệu không có tính thẩm mỹ, tín hiệu thuộc lĩnh vực mỹ thuật, tín hiệu thuộc các lĩnh vực khác: văn tự, múa, sân khấu tạp kỹ… Về mặt lý luận thì tín hiệu thị giác có khi không phải là yếu tố thị giác. Yếu tố thị giác là dạng tín hiệu thị giác mang ý nghĩa là các yếu tố hình thức để tạo hình, tạo dáng trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Tín hiệu thị giác khác yếu tố thị giác ở chỗ có khi nó ở dạng tự nhiên không thông qua sáng tạo của con người; cũng có khi nó là một phần của sự sáng tạo. Ví dụ: một cánh hoa trong thiên nhiên là một tín hiệu thị giác ở dạng tự nhiên (do thiên nhiên tạo ra) còn một mảnh thật nhỏ của một hình vẽ do họa sỹ tạo ra là một tín hiệu thị giác có sự tham gia của ý thức sáng tạo. Nói chung, bản thân một tín hiệu thị giác cho dù thiên nhiên hay nhân tạo khi chưa có sự phối hợp, tổ chức trọn vẹn của sự sáng tạo đúng nghĩa thì nó chưa trở thành hay chưa được gọi là hình tượng thị giác. Vì thế khi nói đến tín hiệu thị giác thì chúng ta nên đánh giá nó đang ở hình thái nào: thuộc dạng tự nhiên hay nhân tạo. Nếu là dạng nhân tạo thì nó có thể liệt vào dạng nghệ thuật chưa.

Trong chiều dài lịch sử văn hóa nghệ thuật truyền thông, trình độ văn minh, đẳng cấp giao tiếp chúng ta nhận thấy có một số biểu hiện của ngôn ngữ tín hiệu đã trải qua các dạng hình thức như sau: Mô tả, biểu tượng, ẩn dụ.

Nhìn tổng quan chúng ta nhận thấy có 2 dạng tín hiệu chính.

* Một là, tín hiệu dạng biểu tượng có tính quy ước (Conventional). Nó có thể thuộc dạng quy ước xã hội, quy ước theo chuyên ngành, quy ước huyền thoại hay quy ước nghệ thuật (tùy theo từng loại hình nghệ thuật cụ thể). Tín hiệu trong lĩnh vực giao thông, về địa hình (đèn đỏ tại các giao lộ, biểu tượng về đường dốc, tốc độ; tín hiệu về chiến tranh, chim bồ câu, chim ưng), tín hiệu về thời tiết khí hậu (biểu tượng mây, mưa, sóng…); tín hiệu về đạo đức, về tôn giáo, về nghệ thuật, về giáo dục, về tình cảm giá đình (chữ Thọ, chữ Phúc, Song Hỷ, chữ Cát, chữ Tài, chữ Lộc…) tín hiệu về thương mại. Những tín hiệu nói trên được các họa sỹ đồ họa sáng tạo, tin lọc, sáng tạo thành những biểu trưng rất đẹp và trở thành kho tàng biểu tượng trong văn hóa giao tiếp. Ngày xưa tín hiệu thị giác còn là những chữ tượng hình (linh tự tượng hình) do người tiền sử tạo ra.

* Hai là, tín hiệu tổng hợp không mang tính quy ước (Inconventional) là dạng tín hiệu khêu gợi sự liên tưởng tinh thần không có thông lệ mà do sự sáng tạo và cái riêng (độc lập hoặc kết hợp) của con người thể hiện (công chúng, nghệ nhân hay nghệ sĩ) đây là dạng hình tượng hay tác phẩm nghệ thuật thị giác – thính giác hay tổng hợp (trong ca múa) những tín hiệu này trở thành tác phẩm nghệ thuật mang tính ẩn dụ, giá trị sáng tạo cho nên người xem không dễ dàng hiểu ngay… mà phải do những giới chuyên môn nhìn nhận và cảm nhận.

Hình minh họa về tín hiệu thị giác

thi giac 5

Biểu tượng hòa bình – Tín hiệu giao thông

thi giac 7

Chữ Thọ – Chữ Song Hỷ – Chữ Lộc

thi giac 8

Chữ tượng hình của Ai Cập cổ

Những tín hiệu này được cảm nhận không phải do những giác quan bình thường mà là những giác quan đã được trải nghiệm qua học tập và sáng tạo với nhiều hình thái: Giống thật, đơn giản, cách điệu, cường điệu, biến điệu, bóp méo, ẩn dụ, biến hình, lập thể hay siêu thực. Đó là những dạng hình tượng trong kho tàng nghệ thuật tri thức.

3. Tập hợp thị giác (Visual Collection):

Tập hợp thị giác là thuật ngữ nói tới tình huống mà những yếu tố thị giác được bố trí theo những nhóm có tổ chức chứ không sắp đặt tản mạn làm phân tán thị giác. Nghĩa là nếu những yếu tố thị giác được sắp xếp mà không tạo được sự thu hút thị giác thì không thể gọi là tập hợp thị giác.

Tập hợp thị giác có khi là một nhóm các yếu tố thị giác hay tín hiệu thị giác được phân bố, bố cục theo một trật tự bất kỳ nào đó để tạo nên sự chặt chữ có sức lôi cuốn thị giác.

Cũng có trường hợp nó là sự tập hợp, bố trí những yếu tố, tín hiệu thị giác đơn lẻ thành một cụm, một tổ hợp theo trật tự nào đó. Cũng có khi nó là một dạng tập hợp thị giác nhiều cụm, nhiều tổ hợp nhóm yếu tố thị giác được bố trí có hệ thống chính phụ rõ ràng và tạo cho chúng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Nghĩa là nó có những mức độ quy mô khác nhau.

Để tạo thành “một tập hợp thị giác” chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau:

– Vị trí của các hình thể, của các yếu tố thị giác hay các yếu tố hình thức đơn lẻ được chúng ta bố trí, phối hợp phải có sự liên kết gắn bó với nhau.

– Độ lớn của các hình thể, của các yếu tố thị giác, tín hiệu thị giác được chúng ta bố trí, phối hợp, điều tiết phải có sự lớn nhỏ, tương phản lý trên cơ sở có sự chủ động tạo nên sự tương quan, cộng hưởng chặt chẽ.

– Chiều hướng của các hình thể, của các yếu tố thị giác hay các yếu tố hình thức được chúng ta bố trí, phối hợp, liên kết phải có hệ thống chính, phụ tạo nên sức hút thị giác mạnh.

– Màu sắc của các hình thể, của các yếu tố thị giác hay các yếu tố hình thức được chúng ta bố trí, phối hợp, liên kết phải có hệ thống chủ đạo, có sự xử lý về sắc độ, cường độ hợp lý, đúng chỗ đúng độ, tạo được sự hấp dẫn thị giác mạnh mẽ hay tinh tế chứ không gây nên sự rời rạc, tản mạn.

Nên nhớ rằng tập hợp thị giác cũng có những cấp độ về giá trị thẩm mỹ ít hay nhiều và khả năng truyền thông: rõ ràng, dễ hiểu hay khó hiểu, phức tạp. Nghĩa là tập hợp thị giác chưa hẳn đã là hình tượng nghệ thuật thị giác. Nó chỉ là mức độ bố trí tín hiệu thị giác hay yếu tố thị giác mà thôi.

4. Lực thị giác (Visual Force):

Lực thị giác là một hình thái của sức hút thị giác. Nó chính là khả năng thu hút thị giác một cách vô hình của các yếu tố hình thức (yếu tố thị giác) được chúng ta sử dụng, phối kết với nhau theo chủ ý nào đó. Không phải cứ có được một số các yếu tố thị giác và sắp xếp chúng là có được ngay lực thị giác.

Có trường hợp sắp xếp chúng ta đạt được sức hút toát ra từ sự tương tác, cộng hưởng giữa chúng với nhau. Cũng có trường hợp phối kết mà không đạt được hiệu quả này. Nghĩa là nó bị phân bố rời rạc, tản mạn.

Lực thị giác là thuật ngữ dùng để chỉ khả năng, hiệu quả tác động của các yếu tố thị giác, các yếu tố hình thức mà người nghệ sỹ bố trí trong tác phẩm nhằm mục đích kích thích con mắt người xem. Nó là một khái niệm dùng để nói tới mức độ thu hút mà con mắt bị lôi cuốn bởi một hình tượng, vật thể nào đó thông qua ý thức, khả năng trình bày, bố trí do bàn tay, trí tuệ của nghệ sỹ sắp đặt.

Lực thị giác là sức lôi cuốn con mắt người xem theo mức độ nào đó. Có khi chúng ta không tạo nên lực thị giác tốt hay mạnh mà chỉ là sự lôi cuốn yếu, không làm cho con mắt người xem phải dừng lại lâu (cho dù rất yếu), để quan sát hay ngắm nghía.

Lực thị giác được coi là mạnh khi các yếu tố thị giác được bố trí theo cụm nhóm tại một vị trí thích hợp với quy luật tập trung, hấp dẫn thị giác. Nghĩa là nếu chúng ta biết cách đặt những yếu tố thị giác ở một vị trí thích hợp thì nó có khả năng gây nên lực thị giác tốt, hấp dẫn thị giác người xem. Nếu không biết cách sắp xếp, chọn vị trí thì lực thị giác sẽ kém đi.

Khi nói tới “Lực thị giác tốt” nghĩa là người ta đề cập đến tình huống mà con mắt được lôi cuốn vào yếu tố thị giác (hay còn gọi là các hình thức trong tác phẩm) một cách mạnh mẽ khi chúng được bố trí gần trung tâm hay bố trí thành cụm nhóm chặt chẽ.

Còn khi nói tới “lực thị giác yếu” là trường hợp mà các yếu tố thị giác được bố trí xa trung tâm và nó kéo mắt chúng ta rời ra khỏi khu vực trung tâm của không gian hay bố trí rời rạc, tản mạn.

thi giac 9

Giải thích: Ở hình A hình vuông trắng không tạo nên lực thị giác hay sự thu hút con mắt người xem. Ở hình B có lực thị giác hơn hình A. Ở hình C có sức hút thị giác mạnh bởi vì điểm tròn bị lệch sang một bên gây sự chú ý cho người xem.

Để tạo được lực thị giác thì chúng ta cũng phải thực hiện được đúng, đủ các yêu cầu của tập hợp thị giác.

Chúng ta phải hiểu rằng: tập hợp thị giác là sự phối kết mang tính hữu hình còn lực thị giác là sức hút vô hình, là hiệu quả cụ thể của biện pháp phối hợp, bố trí.

Giao hai tập hợp thị giác có hình thức, cách bố trí hoàn toàn giống nhau vị trí, độ lớn, chiều hướng, màu sắc cho hai người xử lý, sáng tạo thêm theo chủ ý, thị hiếu, xúc cảm của mình. Sau sự xử lý riêng của mỗi người bằng cách gia giảm, thay đổi chút ít thì chúng ta có thể đánh giá được tài năng tạo được sức hút thị giác của từng cá nhân. Nghĩa là khi ấy sức hút thị giác hay lực thị giác của hai tập hợp thị giác đó có khi sẽ thay đổi không giống nhau.

Nói cách khác, nếu yếu tố thị giác có cùng một tính chất giống về hình dạng, màu sắc, chất liệu và nếu chúng được bố trí ở khu vực trung tâm của khoảng không gian hợp với trường thị giác thì tạo nên lực thị giác mạnh hơn. Còn nếu bố trí chúng ở xa trung tâm thì lực thị giác sẽ yếu và có vẻ nhẹ hơn, làm cho người ta có cảm giác như nó sắp rơi ra khỏi không gian được hoạch định.

Như vậy, lực thị giác tùy thuộc vào vị trí (Position), hình thái của tập hợp thị giác, tùy vào hình dạng đặc biệt, màu sắc, chất liệu của các yếu tố thị giác hay còn gọi là yếu tố thị hình thức. Đặc biệt chiều hướng (Direction), hình thế của các yếu tố thị giác hướng tới cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên lực thị giác.

Do đó lực thị giác tất yếu phải thực hiện được cái gọi là định hướng thị giác. Lực thị giác mà không dựa vào hướng thị giác được dự kiến thì sẽ vô tác dụng, không có ý nghĩa gì. Nói chung lực thị giác phải cùng một lúc giữ cả vai trò là lực định hướng.

Như đã nói ở trên, sự đột biến hay yếu tố bất ngờ trong yếu tố thị giác, của hình dạng cũng có khả năng gây được sức hút thị giác.

Vậy thì chúng ta phải nghiên cứu và nhìn nhận sự hợp lý khi nói rằng cần có lực định hướng (Direction force) để xác định hay hướng dẫn mục tiêu nhìn của người xem đối với nội dung và hình thức tác phẩm theo chủ ý của nghệ sỹ.

Trên thực tế, nếu không có sự xuất hiện của những yếu tố thị giác trong không gian thì sẽ không có lực thị giác. Nghĩa là trước mắt chúng ta là khoảng trống.

Tuy nhiên phải nói một cách nghiêm túc rằng trong tác phẩm “những khoảng trống” mà người nghệ sỹ cố ý chừa ra hay tạo nên cũng chính là yếu tố thị giác. Bởi lẽ, khi ấy nó là “yếu tố không gian” là một trong những yếu tố thị giác.

5. Sức hút thị giác (Visual Attraction):

Sức hút thị giác cũng là hình thái của lực thị giác. Nó là sức hấp dẫn, mức độ thu hút cái nhìn của người xem vào một yếu tố đơn lẻ hay tập hợp thị giác nào đó. Nó là một hình thái của lực thị giác.

Sức hút thị giác là mức độ hấp dẫn của lực thị giác. Nó có được là do hiệu quả của các giải pháp bố trí, thể hiện các yếu tố thị giác đơn lẻ hay một tập hợp thị giác.

Mức độ mạnh hay yếu của sức hút này tùy thuộc vào một số yếu tố cơ bản như sau:

thi giac 10

a. Vị trí của yếu tố thị giác so với tổng diện tích không gian dự kiến trưng bày.

b. Độ lớn của yếu tố thị giác (so với diện tích không gian mà các yếu tố thị giác này được bố trí bên trên nó).

c. Tính chất đặc biệt về hình dạng của các yếu tố hình thức.

d. Màu sắc (nóng lạnh) của các yếu tố thị giác.

e. Cường độ, sắc độ của các yếu tố thị giác (có khi yếu tố thị giác nhỏ nhưng cường độ, sắc độ mạnh cũng có trường hợp ngược lại).

f. Chất liệu của các yếu tố thị giác (cảm giác do chất liệu được tạo ra hay gợi nên: nhám, thô, sần, mịn, bóng láng hay trong hoặc đục).

g. Chiều hướng của yếu tố thị giác (lên, xuống, qua lại hay hướng về đâu: quay vào trọng tâm hay chạy ra ngoài khung tranh…).

h. Tính chất, cách thức bố cục của tập hợp thị giác (rời rạc hay chặt chẽ).

i. Mức độ tương phản của các yếu tố thị giác.

Do vậy, muốn làm giảm hay tăng sức hút thị giác thì nhà nghệ sỹ phải điều chỉnh mức độ mạnh hay yếu hay vị trí, chiều hướng, mức độ tương phản, đổi màu của các yếu tố nói trên.

Minh họa về tập hợp thị giác, hướng thị giác và lực thị giác

thi giac 11

Khái niệm về cách tạo sức hút thị giác (từ A → B → C mạnh dần lên)

thi giac 12

Sự thu hút thị giác thay đổi do cách bố trí và thay đổi họa tiết

thi giac 13

6. Lực định hướng (Directional Force):

Lực định hướng là sức hút vô hình dẫn con mắt người xem theo một hướng nào đó mà nghệ sỹ mong muốn.

Từ thuật ngữ này chúng ta có hai ý nghĩa cần quan tâm như sau:

a. Lực (Force): là sức mạnh vô hình có được do tác động của sự cộng hưởng xuất phát từ sự bố trí phối hợp các yếu tố thị giác (hay các yếu tố tạo hình) theo một trật tự bố cục có chủ định.

b. Hướng hay chiều hướng (Direction): Giữa hai ý này là động từ “định”, xác định, chủ ý định trước.

Như vậy chúng ta có ba việc phải làm như sau:

– Thứ nhất làm sao để tạo ra “lực”, sức hút thị giác, sự lôi cuốn cái nhìn của người xem.

– Thứ hai xác định cái hướng mà tác giả muốn cho con mắt người xem phải nhìn. Nghĩa là người xem pải nhìn theo hướng mà mình muốn. Mình gián tiếp điều khiển cái nhìn, dẫn dắt hướng nhìn ở con mắt của họ.

Do đó, vấn đề được đặt ra là: người xem phải nhìn, nhưng nhìn hướng về đâu? Nhìn vật này có dẫn đến phải nhìn tiếp vật kia hay không và cuối cùng là đường đi của tia nhìn được nghệ sỹ cố tình dẫn dắt từ chỗ nào cho đến điểm nào thông qua sự thực hiện các tập hợp thị giác một cách có hệ thống, có định hướng.

Vậy thì công việc của nghệ sỹ thị giác là tập hợp các yếu tố hình thức, yếu tố thị giác theo một tổ chức nào đó để có thể gây nên sức hút, sự lôi cuốn vô hình đồng thời phải dự kiến các hướng nhìn, hướng dẫn mắt từ các phía vào các nhóm, đi từ phụ đến chính, vào trọng tâm, điểm nhấn của tác phẩm.

Lực định hướng có vai trò tương tự như là những đường dẫn mắt (Visual Lines) được thể hiện dưới dạng các đường nét ẩn tàng (Implied Lines), nét vô hình…. Nó chính là loại đường nét bí mật (Secret Lines) lúc ẩn lúc hiện, thoạt nhìn không thể nào phát hiện được. Lực định hướng có nhiệm vụ hướng dẫn nhìn của người xem đi từ các nhóm phụ đến chính và ngược lại một cách thật tinh tế.

Vấn đề là phải làm sao để có được “lực”, có được sức mạnh để thu hút, định hướng, chỉ ra hướng nhìn cho người xem. Để tạo được sức mạnh này là phải nhờ vào tài năng và kinh nghiệm của nhà sáng tác.

Như vậy lực dẫn mắt không tách rời đường dẫn mắt và đường dẫn mắt cũng không tách rời sự xác định hướng nhìn của tác giả vào trọng tâm tác phẩm hay một vị trí nào đó. Đường dẫn mắt có được là do sự chủ động thực hiện của người sáng tác. Nó là những đường nét lúc ẩn lúc hiện.

Thí dụ, bố trí một người đang chạy trong khoảng không gian nào đó thì vị trí và khoảng cách rất quan trọng, bởi vì, từ vị trí khoảng cách của người này cho đến mép tranh và ở hướng chạy tới của anh ta sẽ gây ra hai tình huống:

Một là người đó có vị trị tốt: đứng trong tranh.

Hai là anh ta có vẻ như muốn vượt ra ngoài khung tranh. Nếu khoảng cách phía trước mặt cho đến mép tranh ít hơn khoảng phía sau lưng anh ta. Trương hợp thứ hai gây ra cảm giác không tốt về lực và hướng thị giác (người chạy bị đẩy ra ngoài bức tranh).

Còn nữa, tư thế của thân hình cũng phải có độ xiên, sự thống nhất về chiều hướng cũng như các chi tiết kèm theo trên mái tóc, y phục hơp lý với lực chạy tới thì sự chuyển động mới được hình thành. Đó là lực định hướng kèm với tư thế hình thể và trạng thái chuyển động.

Như vậy, trước hết yếu tố vị trí giữ vai trò quan trọng trong lực thị giác. Theo truyền thống thì tỷ lệ vàng (Golden Mean) là phương tiện để tìm vị trí tốt trong bố trí hình tượng làm trọng tâm của tác phẩm.

Một tín hiệu hay yếu tố thị giác xuất hiện (hay được bố trí) ở vị trí khác nhau sẽ cho ta lực thị giác khác nhau. Thông thường nếu nó xuất hiện ở vùng trung tâm của hình, của không gian thì chúng có vẻ nhẹ hơn khi chúng được bố trí ở vị trí xa tâm của nền vẽ.

Chúng ta có công thức về lực thị giác theo từng mức độ:

– Lực thị giác = Sự hiện diện của yếu tố thị giác có sức bắt mắt ở một vị trí cụ thể trong tác phẩm thị giác.

– Hướng thị giác = Sự hiện diện của một số yếu tố thị giác thông qua sự chủ động bố trí một cách có hệ thống, theo một số chiều hướng định sẵn để dẫn con mắt người xem về mục tiêu ở một vị trí cụ thể trên không gian hai hay ba chiều của tác phẩm mà tác giả mong muốn.

Để tạo được lực thị giác (sự thu hút con mắt người xem) chúng ta cần được quan tâm thiết lập các yếu tố cơ bản như sau: Đường dẫn mắt (chiều hướng của nét hay mảng màu hoặc của hình có sự liên kết theo chủ định của tác giả tạo nên đường nét vô hình từ một bộ phận này đến một vị trí nào đó trong tac phẩm mà người nghệ sỹ mong muốn).

Trong nghệ thuật thị giác thì sự có mặt hay vắng mặt sự chuyển động hay còn gọi là “cái động” luôn tùy thuộc vào là sự biểu hiện của sự tồn tại hay không tồn tại của các lực thị giác và lực định hướng. Sự chuyển động theo nhịp nhanh hay chậm tùy theo lực định hướng được thể hiện bằng những hình thái, cường độ, nhịp độ của màu sắc, ánh sáng, đường nét cũng như sự ẩn hiện của cảm giác về chất liệu.

Nói cách khác sự quan hệ giữa không gian và lực thị giác trên cơ sở vị trí không gian của yếu tố thị giác là rất quan trọng.

Lực thị giác được xác lập tốt hay không trong không gian (hai chiều lẫn ba chiều) là tùy thuộc vào việc nó có được một vị trí hợ lý và có hướng cùng với cường độ của nguồn lực tạo nên hiệu quả chuyển động thị giác hay không.

Như vậy công thức tiếp theo sẽ là:

– Lực thị giác tốt = Các yếu tố thị giác + Vị trí tốt + hiệu quả của màu sắc, chất liệu.

– Chuyển động = Lực thị giác + Hướng + Cường độ, sắc độ của màu sắc + Tính chất tĩnh động của đường nét được sử dụng (do tả hay gợi).

Để tạo được cái gọi là lực vô hình về thị giác thì đòi hỏi người xử lý phải có trình độ tay nghề, trình độ thẩm mỹ, kinh nghiệm xử lý bố cục, sự tinh tế, cảm xúc, trực giác tốt về lĩnh vực nghệ thuật thị giác.

Các cách phối trí theo lực định hướng tạo nên sự chặt chẽ trong bố cục và nhấn mạnh được trọng tâm tác phẩm

thi giac 14

Gợi ý các cách bố cục từ 5 hình tròn: 4 đen và 1 trắng (có thể tăng độ lớn, đổi vị trí hay cắt bớt hình) với mục đích là tạo sự thu hút thị giác vào một số điểm nhấn).

thi giac 15

>>> Tại sao phải nghiên cứu về thị ảo giác?

>>> Tác dụng của các màu đối với thị giác

>>> Phân cấp thị giác trong thiết kế