Các trường THPT năng khiếu thể thao ở TP.HCM: Rối và bấp bênh!
TT – “Nếu không được đặc cách vào Trường Phú Nhuận, em chấp nhận thi lại để có thể vào các trường THPT thường chứ không vào học tại các trường năng khiếu thể thao dù ở trường này em sẽ được ưu đãi rất nhiều”. Vì sao đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm chọn quyết định này?
Hoạt động èo uột, cơ sở vật chất thiếu thốn
Tuy Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao (43 Điện Biên Phủ, quận 1) có bề ngoài rất hoành tráng với sáu tầng lầu nhưng không gian trường dành cho việc học của tất cả HS chỉ “gói gọn” ở tầng sáu. Chưa hết, sân chơi cũng như khoảng không dành cho các hoạt động tập thể chỉ là khoảng hành lang dọc theo các phòng học.
Những dãy lầu còn lại là phòng của ban giám hiệu và là chỗ ở của các VĐV chuyên nghiệp. Ngay cả khi tập luyện chuyên môn, một HS cho biết: “Mang danh là trường thể thao nhưng đến giờ luyện tập chuyên môn thì tụi em phải đến… sân Hoa Lư hoặc Nguyễn Tri Phương để tập”.
Còn ở Trường năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định, cơ ngơi của trường có thể coi là “xịn” nhất nhì TP.HCM với diện tích hơn 5,25ha (đạt chuẩn quốc gia) và chi phí đầu tư xây dựng cũng được xếp vào dạng VIP với hơn 63,9 tỉ đồng (chỉ tính ở giai đoạn 1). Hiện nay, trường đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2 với kinh phí khoảng 40 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo một số phụ huynh thì trường giống như “chiếc bánh ngon nhưng rỗng ruột”. Cụ thể, trường tuyển sinh đầu vào ở các môn: bóng đá, bóng ném, bóng bàn, điền kinh, võ thuật, cầu lông, cờ… nhưng thực chất hiện trường chỉ đào tạo các môn: bóng đá, võ, điền kinh và bóng ném do… thiếu nơi tập luyện. Vì thế HS chuyên ở các môn thể thao khác mà “lỡ” đăng ký vào trường thì chỉ còn biết… mếu! Theo hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Định Hà Hữu Thạch, chỉ mong rằng tình hình sẽ sáng sủa hơn khi trường hoàn thành giai đoạn 2.
Nhưng “giai đoạn 2” của cả hai trường năng khiếu TDTT của TP.HCM không biết đến bao giờ mới được hoàn thành khi giám đốc Sở TDTT TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi cũng không biết được”. Và lý do của điều này là do vướng ở khâu giải tỏa, đền bù.
Ngày càng đìu hiu
Cơ sở vật chất èo uột đã khiến cả hai trường năng khiếu này cùng lâm vào cảnh… đìu hiu. Như Trường Nguyễn Thị Định, trong hơn 190 HS khối 12 năm nay của trường thì chỉ có khoảng… 30 HS là “đạt chuẩn”. Còn ở Trường TDTT TP.HCM, phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Ba cho biết trong hơn 120 HS khối 12 của trường chỉ có khoảng 50% là đáp ứng được phần nào yêu cầu của trường.
Để tránh trường hợp lãng phí ngân sách đào tạo, ban giám hiệu các trường thừa nhận phải tuyển “nóng” từ các HS trượt cả bốn nguyện vọng hay các HS ở gần trường. Chính vì cách “chữa cháy” như vậy mà việc tổ chức dạy và học cũng gây nhiều rắc rối cho giáo viên và HS. Chẳng hạn như các lớp 12 ở Trường THPT Năng khiếu TDTT đều tồn tại song song ba hệ: hệ A, hệ B và hệ năng khiếu.
Việc đào tạo “hỗn hợp” như vậy đã khiến kết quả tốt nghiệp lớp 12 năm học trước của trường chỉ đạt trên 60%, hay tỉ lệ tốt nghiệp lớp 9 ở các năm từ 2003, 2004 chỉ là 54%. Có lẽ từ những “dư âm” đó mà năm nay trường không thể mở nổi các lớp 6, 7, 9 dù luôn tuyển sinh đầy đủ cả cấp II, III. Cơ sở vật chất đã không đáp ứng được nhu cầu về tập luyện mà kết quả đào tạo lại thấp khiến việc không hút được HS là điều hiển nhiên.
Ngành TDTT thành phố từng tuyên bố Trường THPT Năng khiếu TDTT nói riêng sẽ nhanh chóng là môi trường giáo dục toàn diện cho VĐV trẻ trong lứa tuổi cấp II, III trong giai đoạn 2001-2010. Thế nhưng đến nay, mặc dù đã đi hơn phân nửa đoạn đường nhưng lời hứa hẹn trên vẫn chỉ là… lời hứa. Và với tốc độ hoàn thiện các trường trên như hiện nay thì tới bao giờ “mơ ước” trên mới thành sự thật?