Các thuộc tính của tình hình tội phạm – Tư vấn luật, Tư vấn đầu thầu, dịch vụ luật sư
Nghiên cứu các thuộc tính của tình hình tội phạm giúp chúng ta có phương pháp chuẩn mực để thay đổi các căn cứ pháp lý về tính xã hội, tính pháp lý, tính lịch sử và tính tiêu cực của tội phạm đang diễn ra. Bài viết được tổng hợp và sưu tầm trên internet giúp các bạn đọc và hiểu hơn khi đánh giá tội phạm.
– Mang tính xã hội
Tình hình tội phạm được hình thành từ những hành vi xã hội được luật hình sự xem là tội phạm và do những cá nhân sống trong xã hội thực hiện dưới tác động qua lại của nhiều mối quan hệ xã hội đa dạng phức tạp mà chủ yếu là những quan hệ xã hội tiêu cực. Tình hình tội phạm cũng tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, luôn xâm hại đến các quan hệ xã hội, phá vỡ những giá trị xã hội làm đảo lộn trật tự xã hội. Tình hình tội phạm sẽ thay đổi và mất đi cùng với sự thay đổi hiện tượng xã hội : kinh tế chính trị, tâm lý tư tưởng …
Mức độ và tính chất của tình hình tội phạm tại các hệ thống kinh tế-xã hội khác nhau và tại các quốc gia khác nhau có mỗi tương quan chặt chẽ với hoàn cảnh sống và hoạt động của con người nơi đó. Những dạng tình hình tội phạm cụ thể được xác định bởi xã hội và quốc gia. Trong những quốc gia khác nhau có đặc trưng riêng của mình trong cách hiểu tội phạm và không phải tội phạm.
Nghiên cứu đặc điểm này mang lại những giá trị về mặt nhận thức và thực tiễn cụ thể: Khi giải thích về qui luật phát sinh và phát triển của tình hình tội phạm luôn xuất phát từ những hiện tượng xã hội tồn tại trong sự tác động lẫn nhau với tình hình tội phạm. Phòng ngừa tội phạm phải sử dụng các giải pháp xã hội tác động đến các quan hệ xã hội
– Mang tính pháp lý
Tội phạm là khái niệm được định nghĩa bởi đạo luật hình sự, những hành vi tạo nên tình hình tội phạm trong xã hội là những hành vi bị luật hình sự cấm đoán bằng việc đe dọa áp dụng hình phạt
Tính pháp lý của tình hình tội phạm là dấu hiệu mang tính hình thức nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng khi nghiên cứu và đánh giá về tình hình tội phạm trong xã hội, cho phép chúng ta có thể phân biệt được tội phạm với các vi phạm pháp luật, các hành vi tiêu cực trong xã hội. Từ đó có thể xác định chính xác đối tượng nghiên cứu của tội phạm học
Sự thay đổi của pháp luật hình sự theo hướng thu hẹp hay mở rộng phạm vi trừng trị thì đều ảnh hưởng trực tiếp đến các thông số cơ bản của tình hình tội phạm trong thực tế
Ví dụ Việc buôn bán tem phiếu, rượu thuốc lá không còn được xem là tội phạm trong bộ luật hình sự hiện nay. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường, tin học lại trở thành những tội phạm chính thức mới.
Qua đây, có thể nhận định rằng, đánh giá tình hình tội phạm trong xã hội cần phải lưu ý đặc điểm pháp luật hình sự, cần phải dựa vào những qui định của luật hình sự về tội phạm và người phạm tội cũng như các dấu hiệu tội phạm khác
hoàn thiện pháp luật hình sự cũng được xem là biện pháp tăng cường hiệu quả phòng chống tội phạm trong xã hội.
– Mang tính thay đổi về mặt lịch sử
Tình hình tội phạm không phải là hiện tượng bất biến trong xã hội mà nó có sự thay đổi và mất đi trong những điều kiện lịch sử nhất định. Ví dụ Tình trạng mua bán tem phiếu thời kinh tế tập trung.
Tình hình tội phạm có thể thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội khác nhau trong lịch sử, và ngay trong cùng 1 hình thái kinh tế xã hội nếu có sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp thì tình hình tội phạm cũng có sự thay đổi.
Số lượng các hành vi bị coi là tội phạm trong những giai đoạn lịch sử khác nhau là có sự khác nhau.
Tình hình tội phạm luôn có sự vận động và thay đổi từ đơn giản đến phức tạp từ thô sơ đến tinh vi hiện đại, sự thay đổi này được thể hiện trong phương thức thủ đoạn công cụ, phương tiện phạm tội ở những giai đoạn lịch sử khác nhau là có sự khác nhau
Ví dụ Tội phạm với các phương thức phạm tội mới : ăn cắp mã số thẻ tín dụng bằng cách dùng camera, hacking trên mạng Internet …
Nghiên cứu tình hình tội phạm thì phải đặt nó trong từng điều kiện lịch sự để có thể hiểu được bản chất của nó, qui luật hình thành và phát triển của nó để từ đó có thể dự đoán được khuynh hướng vận động phát triển của tình hình tội phạm trong tương lai và phòng ngừa tội phạm cũng phải được tiến hành cho phù hợp với từng điều kiện lịch sử cụ thể và có thể thay đổi, hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa cho phù hợp với sự thay đổi của lịch sử
– Mang tính tiêu cực
So với các hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội thì tình hình tội phạm vừa mang tính tiêu cực vừa thể hiện sự nguy hiểm cao nhất cho xã hội vì nó gây ra những thiệt hại về mọi mặt cho đời sống xã hội, được thể hiện ở 3 phương diện ( được định lượng khá rõ rệt )
+ Thiệt hại về vật chất ( Ví dụ: chi phí khổng lồ chi trả cho công tác đấu tranh phòng, chống, phục hồi công lý, hình phạt cho người phạm tội…)
+ Thiệt hại về thể chất: sinh mạng sức khỏe
+ Thiệt hại về tinh thần
Đánh giá về tình hình tội phạm, việc nghiên cứu về tình hình tội phạm cần phải xem xét các thiệt hại về nhiều mặt mà nó đã gây ra cho đời sống xã hội, phòng ngừa tội phạm luôn phải được coi trọng và ưu tiên trong các chương trình và kế hoạch của quốc gia cũng như từng địa phương
– Mang tính phổ biến
Tình hình tội phạm với tư cách là hiện tượng phổ biến chứa đựng tổng thể những hành vi phạm tội và những người thực hiện chúng trong không gian và thời gian xác định. Tình hình tội phạm không phải là sự tổng hợp những hành vi phạm tội riêng lẻ một cách cơ học mà là hiện tượng xã hội mang tính phổ biến, chứa đựng những dấu hiệu đặc thù riêng về lượng và chất có liên hệ mật thiết với nhau tạo thành một thể thống nhất.