Các quan niệm lý thuyết về an ninh phi truyền thống

CÁC QUAN NIỆM LÝ THUYẾT VỀ AN NINH
PHI TRUYỀN THỐNG

 

 Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt là thập
niên đầu thế kỷ XXI, thế giới có nhiều biến động phức tạp vượt qua khuôn khổ
dự báo của giới nghiên cứu về một thế giới hòa
bình, ổn định và thịnh vượng
. Trong thế giới đương đại, bên cạnh mối đe dọa
về quân sự, vẫn tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa đến an ninh con
người, an ninh quốc gia như: khủng bố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ma túy, tội
phạm xuyên quốc gia… Trong bối cảnh đó, những nhận thức về an ninh cũng thay
đổi nhanh chóng. Bên cạnh những quan niệm đã và đang được sử dụng xung quanh
chủ đề này như: an ninh tập thể, an ninh chung, an ninh toàn diện…, xuất hiện
thuật ngữ an ninh phi truyền thống (non-traditional security).

Bắt đầu được nói đến vào những năm 80 của thế kỷ XX, sử
dụng nhiều trong thập niên đầu thế kỷ XXI, an ninh phi truyền thống trở thành
một thuật ngữ phổ biến trong các hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế, hợp tác
song phương, đa phương giữa các quốc gia, các tổ chức cũng như các chủ thể khác
trong quan hệ quốc tế đương đại. Tuy nhiên, trên
thế giới hiện nay có rất nhiều cách hiểu, quan niệm khác nhau về an ninh phi
truyền thống.
Giới nghiên cứu trong nước và quốc tế hiện nay chưa thống
nhất được một khái niệm hoàn chỉnh xung quanh thuật ngữ này. Tùy thuộc vào cách
nhìn nhận, góc độ, lĩnh vực tiếp cận, hoàn cảnh cụ thể mà từng nhà nghiên cứu
đưa quan niệm khác nhau về an ninh phi truyền thống.

Trong giới nghiên cứu phương Tây, Richard H. Ullman1 có lẽ là người đầu tiên đưa ra quan
niệm ngắn gọn và cô đọng nhất về an ninh phi truyền thống. Trong bài viết mang
tính tiên phong và cách mạng của mình vào năm 1983, ông cho rằng an ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa
hẹp là bảo vệ nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ
mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao
gồm: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, an ninh môi trường,
di cư bất hợp pháp, an ninh năng lượng và an ninh con người
1.

Nhìn nhận dưới một góc độ khác, Mely Caballero Anthony
quan niệm mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể được định nghĩa là: thách thức đối với sự tồn vong và thịnh
vượng của các quốc gia, dân tộc, xuất hiện chủ yếu trong các nguồn phi quân sự,
chẳng hạn như thay đổi khí hậu, suy thoái môi trường xuyên biên giới và nguồn
tài nguyên cạn kiệt, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư bất hợp pháp, tình
trạng thiếu lương thực, buôn lậu, buôn bán ma túy và các hình thức khác của tội
phạm xuyên quốc gia
1. Từ định
nghĩa này có thể thấy rằng, an ninh phi truyền thống thường có đặc điểm chung
là bao hàm những yếu tố phi quân sự, không tồn tại trong phạm vi một quốc gia,
dân tộc; nó phát triển, lan tỏa và được truyền đi nhanh chóng nhờ xu thế toàn
cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ. Điều đó cho thấy, những vấn đề an ninh phi
truyền thống có số lượng nhiều hơn và hậu quả nguy hiểm đáng sợ hơn những vấn
đề an ninh truyền thống.

Còn theo Amitav Acharya1,
an ninh phi truyền thống là “các thách
thức đối với sự tồn vong và chất lượng cuộc sống của con người và nhà nước có
nguồn gốc phi quân sự như thay đổi khí hậu, khan hiếm nguồn lực, bệnh dịch,
thiên tai, di cư không kiểm soát, thiếu lương thực, buôn người, buôn ma túy và
tội phạm có tổ chức
”1. Trong
cách tiếp cận vấn đề an ninh phi truyền thống này, hai đối tượng bị thách thức
trực tiếp ở đây là nhà nước và con người.

Tại châu Á, Trung
Quốc có thể xem là nước có số lượng học giả nghiên cứu về an ninh phi truyền
thống thống nhiều nhất, đặc biệt sau sự kiện ngày 11-9-2001 – khi 2 tòa tháp
của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York bị bọn khủng bố đánh sập – rồi
thế giới liên tiếp những xảy ra những cuộc khủng bố ở nhiều nơi, cộng thêm tình
trạng bạo lực, dịch bệnh diễn ra trong và ngoài biên giới Trung Quốc… thì
giới nghiên cứu Trung Quốc quan tâm đến vấn đề này gia tăng. Theo chiều hướng
đó, bước đầu có thể hình dung được giới học giả Trung Quốc quan niệm an ninh
phi truyền thống như thế nào?

Theo giới học giả Trung Quốc, các vấn đề an ninh phi
truyền thống ở Trung Quốc hiện nay được chia thành năm nhóm:

Một là, vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững
(sustainable development), bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên,
môi trường sinh thái toàn cầu và kiểm soát phòng chống dịch bệnh;

Hai là, mối đe dọa an ninh đến sự ổn định khu vực và quốc tế
(regional and international stability), bao gồm an ninh kinh tế, an sinh xã
hội, quyền con người và người tị nạn;

Ba là, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (transnational organized
crimes) bao gồm cả buôn người và buôn bán ma túy;

Bốn là, tổ chức tồn tại ngoài nhà nước (non-state
organizations) thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là sự đe dọa của khủng bố
quốc tế;

Năm là, vấn đề an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn
cầu hóa, bao gồm cả an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di
truyền (genetic engineering security)1.

Ở cấp độ hợp tác, tổ chức khu vực,
an ninh phi truyền thống cũng được đưa ra thảo luận và có quan niệm cụ thể, rõ
ràng, tiêu biểu như trong Tuyên bố chung
ASEAN – Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống
thông
qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu, giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 1-11-2002.
An ninh phi truyền thống được hiểu là những
vấn đề về các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố và ma
túy đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới
đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực
.

Cũng trong tuyên bố trên, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung
Quốc bày tỏ “sự quan ngại về những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng
gia tăng như buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố,
buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao”.
Đồng thời, Hội nghị xác định nội dung hợp tác về các vấn đề “an ninh phi truyền
thống” bao gồm các cơ chế và khả năng hợp tác cụ thể về: phòng chống tội phạm
ma túy; phòng chống tội phạm buôn bán người; chống cướp biển; chống tội phạm
khủng bố; chống buôn lậu vũ khí; chống tội phạm rửa tiền; chống tội phạm kinh
tế quốc tế; chống tội phạm công nghệ cao1.

Nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính của tổ chức quốc tế, theo
Liên Hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm bảy lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường,
con người, cộng đồng và chính trị1.

Song trùng với khoảng thời gian xuất hiện các quan niệm
về an ninh phi truyền thống của những học giả trên thế giới được công bố, ở
Việt Nam, thuật ngữ an ninh phi truyền thống cũng bắt đầu được sử dụng, đồng
thời cũng là chủ đề hấp dẫn đối với giới nghiên cứu nói chung, khoa học chính
trị, an ninh, quốc phòng nói riêng. Theo xu hướng đó, một số quan niệm về an
ninh phi truyền thống của giới học giả Việt Nam cũng được hình thành, xem an
ninh phi truyền thống bao gồm các vấn đề: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn
bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, HIV/AIDS, dịch bệnh, nhập cư bất hợp
pháp, đói nghèo, chênh lệch phát triển, xuống cấp môi trường, thảm họa thiên
nhiên, an ninh thông tin, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD)…2. 
Những nhân tố phi quân sự như: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa
khủng bố, an ninh tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh khoa học – kỹ
thuật, hiệu ứng nhà kính với sự nóng lên của trái đất và mất cân bằng sinh thái
(an ninh môi trường sinh thái), buôn lậu ma túy, dịch bệnh truyền nhiễm (đối
với con người, gia súc và cây trồng), tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc
gia, rửa tiền, tấn công mạng, di dân bất hợp pháp, bùng nổ dân số, cạn kiệt
nguồn nước, cướp biển, kinh tế ngầm… đều thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền
thống1.

Ở cấp độ khu vực, giới học giả Việt Nam cũng đưa ra một
số cách tiếp cận đối với vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á. Theo đó,
an ninh phi truyền thống trong khu vực bao gồm các lĩnh vực: an ninh môi
trường; an ninh năng lượng; an ninh kinh tế; an ninh con người; an ninh biển;
khủng bố và chống khủng bố; thiên tai, dịch bệnh1.

Nhìn lại các quan niệm nêu trên có thể thấy hiện nay có
hai trường phái:

Trường phái thứ
nhất
quan niệm an ninh phi truyền thống an ninh tổng hợp, bao
gồm an ninh quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường. An ninh phi truyền
thống không đối lập với an ninh truyền thống mà là mở rộng nội hàm của khái
niệm an ninh truyền thống – vốn lấy an ninh quân sự làm trung tâm. Căn cứ xuất
phát của quan niệm này là do tính tương đối của an ninh phi truyền thống, một
mối đe dọa an ninh phi quân sự có thể chuyển hóa thành xung đột vũ trang, chiến
tranh.

Trường phái thứ hai quan niệm an ninh phi truyền thống đối lập với an ninh
truyền thống, không bao hàm an ninh quân sự. Trường phái thứ hai rõ ràng hơn về
mặt ngữ nghĩa, nhưng cũng thừa nhận, các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể
dẫn tới xung đột, chiến tranh. Ở Việt Nam, quan điểm chính thống và quan niệm
của hầu hết các học giả theo cách tiếp cận của trường phái thứ hai, tức quan
niệm an ninh phi truyền thống là đối lập với an ninh truyền thống, tức bao gồm
các lĩnh vực an ninh ngoài quân sự, phi vũ trang.

Dù còn nhiều quan niệm rất đa dạng, song có thể
định dạng một số đặc điểm chủ yếu
sau của an ninh phi truyền thống:

– Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ảnh
hưởng trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, mang tính xuyên quốc gia, đa quốc gia. Nó có thể phát sinh từ một
quốc gia này nhưng có khả năng lan tỏa với tốc độ nhanh, phạm vi rộng đến quốc
gia khác (biến đổi khí hậu, tội phạm mạng, dịch bệnh lây lan nhanh ở người, gia
súc và cây trồng…).

– Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường do các tác nhân tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nước, nhóm người
hoặc cá nhân
tiến hành; còn an ninh truyền thống là xung đột giữa quân đội
các nhà nước.

– Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc
cộng đồng
, rồi quốc gia-dân tộc; còn an ninh truyền thống uy hiếp trực
tiếp đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia-dân tộc.

– Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có cả những vấn
đề mang tính phi bạo lực (kinh tế,
văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh…) và những vấn đề mang tính bạo lực, nhưng đó là bạo lực
phi quân sự (khủng bố, tội phạm có tổ chức…)

– Giải quyết an ninh phi truyền thống nhấn mạnh đến hợp tác, sử dụng biện pháp ngoại giao,
kể cả ngoại giao giữa quân đội các nước. Còn an ninh truyền thống thường lấy
biện pháp vũ trang – quân sự là chính, còn ngoại giao là hỗ trợ.

– Về mặt thời gian, an
ninh phi truyền thống xuất hiện muộn hơn an ninh truyền thống
. Tuy nhiên,
cần phải thấy rằng, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đã xuất hiện từ rất
lâu trong lịch sử (dịch bệnh, khan hiếm lương thực, khủng bố…) nhưng do diễn
ra ở phạm vi nhỏ hẹp, quy mô chưa lớn, truyền thông chưa phát triển hoặc vấn đề
quyền con người chưa được quan tâm, nên ít hoặc không được quan tâm. Còn ngày
nay, do tác động của toàn cầu hóa, mặt trái của sử dụng thành tựu cách
mạng khoa học – công nghệ, sự mở rộng các phương tiện truyền thông đa phương
tiện,… các vấn đề an ninh phi truyền thống có điều kiện phát tác nhanh, lan
tỏa rộng, ảnh hưởng lớn, trở thành mối quan tâm toàn nhân loại.

Các mối đe dọa
an ninh phi truyền thống hủy hoại an ninh quốc gia dần dần
lâu dài hơn so với các vấn đề an ninh
truyền thống, vì nó tác động đến các yếu tố mang tính hạt nhân hoặc bệ đỡ cho
ổn định và phát triển (cá nhân con người, cộng đồng xã hội, hệ thống thể chế,
hạ tầng kỹ thuật chiến lược và môi trường sống)

– An ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống là hai
mặt của khái niệm an ninh toàn diện. Vì vậy, an ninh phi truyền thống và an
ninh truyền thống cùng tác động đến xây dựng chiến lược an ninh quốc gia… đảm
bảo ổn định và phát triển của quốc gia.

Từ các dấu hiệu đặc trưng nêu trên có thể khái
quát: An 
ninh phi truyền thống là việc đảm bảo an toàn, không có hiểm
nguy cho cá nhân con người, quốc gia dân tộc và toàn nhân loại trước
các mối đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi
trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính,
tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới, chủ nghĩa khủng bố… Các mối đe dọa an ninh
phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng mang tính khu vực hoặc
toàn cầu, do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn
cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học – công nghệ.

Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tuy không
thách thức trực tiếp chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng uy hiếp và
hủy hoại các yếu tố tạo nền tảng cho sinh tồn và phát triển của cá
nhân con người, cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc và toàn nhân loại.
Một số mối đe dọa an ninh phi truyền thống có nguồn gốc nhân tạo, có
chủ thể mang tính tổ chức, nhưng đó là các chủ thể ngoài nhà nước;
nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác lại không có chủ thể
rõ ràng, thường phát sinh từ các tác nhân thiên tạo. Không ít mối đe
dọa đối với con người đã xuất hiện trong lịch sử nhưng do giới hạn
của điều kiện bối cảnh nên phạm vi lan tỏa chưa rộng, sức uy hiếp
chưa lớn. Ngày nay, do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường,
của toàn cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ, các
mối đe dọa đó có khả năng lan tỏa rộng lớn hơn, sức uy hiếp mạnh
hơn, nên được xem là an ninh phi truyền thống. Khác với an ninh truyền
thống giải quyết chủ yếu bằng biện pháp quân sự, còn biện pháp
ngoại giao chỉ đóng vai trò hỗ trợ, thì an ninh phi truyền thống lại
chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, hợp tác giữa các
quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, phân biệt an ninh phi truyền thống và an ninh
truyền thống trong từng trường hợp cụ thể
nhiều khi cũng chỉ mang tính tương đối.
Chúng có thể chồng xếp, đan cài và chuyển hóa cho nhau. Chẳng hạn, khi xem xét
hiện tượng chủ nghĩa khủng bố, từ góc độ chủ thể tiến hành thì mang tính chất
an ninh phi truyền thống (do tổ chức ngoài nhà nước tiến hành), nhưng từ góc độ
hành vi lại là an ninh truyền thống (sử dụng bạo lực). Hoặc bạo loạn chính trị,
nếu xét về bản chất là an ninh truyền thống, nhưng nếu xét phương thức sử dụng
công nghệ mạng truyền tin gây hiệu ứng nhanh để tập hợp thành đám đông, lại là
an ninh phi truyền thống. Hoặc các vấn đề tranh chấp nguồn nước, an ninh hàng
hải, an ninh nghề cá, vấn đề dân tộc, tôn giáo có thể chuyển hóa từ an ninh
phi truyền thống thành an ninh truyền thống nếu thiếu biện pháp kiểm soát hiệu
quả.

*

*   *

An ninh phi truyền thống là vấn đề mới và phức
tạp, không hẳn đối lập với an ninh truyền thống, mà là một cách
tiếp cận bổ sung thêm cách nhìn an ninh toàn diện. Nhiều mối đe dọa
an ninh phi quân sự đã xuất hiện từ trong lịch sử, nhưng diễn ra ở quy
mô nhỏ, ảnh hưởng chưa lớn, nhưng từ sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt
và trật tự thế giới hai cực bị sụp đổ, khi kinh tế thị trường thâm
nhập vào mọi ngõ ngách của thế giới, khi  toàn cầu hóa trở thành xu thế lớn lôi
cuốn các dân tộc tham gia, khi cách mạng khoa học – công nghệ phát
triển như vũ bão,… đã tạo môi trường, điều kiện cho các thách thức
an ninh phi quân sự gia tăng, phạm vi ảnh hưởng mở rộng, tính chất và
mức độ uy hiếp lớn lên. Quan niệm, cách tiếp cận về an ninh phi
truyền thống rất phong phú, đa dạng, thể hiện đây là vấn đề mới và
phức tạp, phạm vi mở rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng điểm thống nhất
rất căn bản giữa học giới và chính giới là thách thức an ninh phi
truyền thống uy hiếp và hủy hoại những yếu tố nền tảng đảm bảo cho
sinh tồn và phát triển của con người, cộng đồng xã hội, quốc gia dân
tộc và nhân loại. Vì vậy, ứng phó với thách thức an ninh phi truyền
thống cần huy động những chủ thể, nguồn lực và sử dụng phương thức
hoàn toàn khác với ứng phó với thách thức an ninh truyền thống. Để
đảm bảo ứng phó và quản trị an ninh phi truyền thống hiệu quả,
trước hết cần phải định hình một khung khổ lý thuyết, đề xuất các
hình thức và phương pháp tác động phù hợp.

(Dẫn theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, PGS.TS Phạm Thành
Dung, PGS.TS Đoàn Minh Huấn: An ninh phi truyền thống – Những vấn đề lý
thuyết và thực tiễn. Nxb Lý luận chính trị, H, 2015).

 


1 Richard H.Ullman là
thành viên của Ban Biên tập tờ New York
Times
. Từ tháng 7-1977, ông là Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton.

1 http://www.globalindiafoundation.org/nontradionalsecurity.
htm, truy cập ngày 14-7-2011.

1 Saurabh Chaudhuri:
Difining no-traditional security threats
, http://www.globalindiafoundation.org.

1 Amitav Acharya là Chủ tịch của UNESCO trong những
vấn đề thách thức xuyên quốc gia và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu ASEAN.
Trước đó, ông là Giáo sư Đại học Bristol, Đại học Toronto, Đại học Công nghệ
Nanyang (Xingapo), Ủy viên Trung tâm châu Á của Đại học Harvard, Trường John F.
Kenedy.

1 Ralf Emmers, Mely Calballero-Anthoy and Amitav Acharya: Studying Non-Traditional Security in Asia
(Sigapore: Marshall Cavendish), 2006, p.23. Dẫn theo Nguyễn Vũ Tùng: “Tiếp cận
thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 (144)-2008, tr.4.

1 Xem thêm Wang Yong: East Asia Community and Non traditional Security – A
Proposal from China
, Waseda University, Tokyo,
Japan,
September 23-25, 2005.

1 Trần Văn Trình: “An
ninh phi truyền thống – Những thách
thức mang tính toàn cầu”, 2006.
http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/thoiluan/2006/8/79352.cand, truy cập
ngày 24-7-2011.

1 Tham khảo trang:
http://www.un.org.

2 Tạ Minh Tuấn: “Hợp tác
Mỹ – Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3-2008, tr.87.

1 Lê Văn Cương: “Tác động
của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn hóa và con người ở một
số nước Đông Á”, Tạp chí Thông tin Khoa
học xã hội
, số 9-2008, tr.9.

1 Xem thêm Luận Thùy
Dương, Khổng Thị Bình và Hoàng Thị Tuấn Anh: “Các thách thức an ninh phi
truyền thống ở khu vực Đông Nam Á”, in trong Phạm Bình Minh (Chủ biên): Cục diện thế giới đến 2020, Nxb. Chính
trị quốc gia, H.2010, tr.559-597.

Share Post

Một số bài viết khác

– Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa – Tác giả: GS.TS. Ngô Đức Thịnh

– Các trường phái lý thuyết chính trong nhân học – Tác giả: Tùng Nguyễn

– Các lý thuyết về chính trị thế giới – Tác giả: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond – Biên dịch: Lê Thùy Trang – Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

– Cách tiếp cận hệ thống và các lý thuyết, biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

– Tiếp cận lý thuyết về hệ giá trị – Tổng hợp Th/s Trần Minh Hoàng

– Lý thuyết về thực thể tôn giáo – Dẫn theo đề tài TN3/X6 “Vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên”

– Lý thuyết về thể chế và thể chế phát triển vùng – Dẫn theo PGS.TS Hà Huy Thành

– Lý thuyết về chức năng vùng – Dẫn theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng