Các phương tiện giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ là gì?

Giao tiếp xác lập các hành vi giữa người với người. Từ đó mà tạo nên các mối quan hệ hay tính cách của các chủ thể được phản ánh. Giao tiếp được thực hiện chủ yếu với lời nói. Bên cạnh đó là sự tham gia của hành vi, cử chỉ hay biểu cảm,… Từ đó mà mang đến các chức năng đảm bảo trong mối quan hệ xã hội. Thông thường, con người muốn gắn kết với nhau, thực hiện các nhu cầu và mục tiêu phải dựa trên điểm tựa từ giao tiếp. Vì vậy giao tiếp vô cùng quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu phương tiện giao tiếp là gì? Và giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ là gì? Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê chia sẻ sẽ giải đáp thắc mắc quý bạn đọc về vấn đề trên hãy cùng theo dõi nhé!

1. Khái niệm giao tiếp và phương tiện giao tiếp

Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Với các biểu đạt thông qua lời nói hoặc hành vi, thể hiện với ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ. Thực hiện với một hoặc nhiều các cách thức trên để phản ánh hiệu quả cảm xúc, thái độ. Cũng như mang đến các thông tin cung cấp để đánh giá đối tượng. Giao tiếp giúp con người có nhiều chủ đề để nói chuyện, quan tâm hoặc đánh giá lẫn nhau. Giao tiếp là sự xác lập và vận hành các mối quan hệ trong cuộc sống. Có thể xảy ra trong tính chất của mối quan hệ khác nhau một cách đa dạng. Cùng một chủ thể có thể có nhiều cách thức khác nhau, mang đến tính chất mối quan hệ khác nhau với những chủ thể khác. Nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định trong nắm bắt, đánh giá thông tin. Cũng như làm nên tình trạng phản ánh của các mối quan hệ như thân thiết, xã giao,… Giao tiếp bao gồm hàng loạt yếu tố. Như trao đổi thông tin, xây dựng chiến lược hoạt động phối hợp, tri giác và tìm hiểu người khác. Với mỗi mục đích khác nhau, người ta lại tiến hành lựa chọn cách thức giao tiếp khác. Hướng đến thể hiện bản thân cũng như tìm kiếm các giá trị mong muốn.

Phương tiện giao tiếp là phương tiện để con người truyền đi bất cứ một loại thông tin nào đó, như diễn tả tình cảm, ám chỉ, miêu tả sự vật. Phương tiện giao tiếp giúp thể hiện thái độ, tình cảm, tư tưởng, mối quan hệ và những tâm lý khác trong một cuộc giao tiếp. Phương tiện giao tiếp là những công cụ, phương pháp hay hệ thống được sử dụng để truyền tải thông tin giữa các cá nhân, tổ chức hoặc cộng đồng. Các phương tiện giao tiếp có thể là các công nghệ điện tử như điện thoại, email, tin nhắn, mạng xã hội, trang web hay các phương tiện truyền thống như thư tín, báo chí, sách vở, đài phát thanh, truyền hình, giao tiếp mặt đối mặt hoặc thông qua thư từ, và nhiều hình thức khác. Các phương tiện giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin và củng cố mối quan hệ giữa các cá nhân hoặc tổ chức. Có hai loại phương tiện giao tiếp là: Giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

 

2. Vai trò của giao tiếp

Brian Tracy, một trong những diễn giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản trị nhân sự đã từng nói: “Để thành công trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp của mình bạn cần học kỹ năng giao tiếp, 85% sự thành công của bạn được quyết định bởi chính khả năng xây dựng các mối quan hệ của mình và chỉ có 15% được quyết định bởi bằng cấp, kiến thức và trí thông minh của bạn”. Giao tiếp hiệu quả chính là bí quyết thành công của mỗi người trong cuộc sống. Giao tiếp không đơn thuần là một kỹ năng mà thực chất là một nghệ thuật, và bạn là một nghệ sĩ, một diễn viên, một người viết kịch bản đồng thời là một đạo diễn tạo nên sự thành công của chính mình trước công chúng. Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh và nhiều khi mang tính quyết định trong thành công của một thương vụ lớn. Không đơn thuần chỉ là nói cho hay, giao tiếp còn bao gồm rất nhiều khía cạnh từ ngoại hình, phong thái đến cách xử sự trong nhiều tình huống và nhiều đối tượng khác nhau.

Giao tiếp là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Bởi vì giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Giao tiếp có ảnh hưởng và tác động rất lớn lên suy nghĩ, hành động. Như vậy, cần tìm kiếm hiệu quả của giao tiếp để đảm bảo cho các nhu cầu khác được thực hiện tốt. Đồng thời giao tiếp còn là phương tiện thể hiện nhân cách. Tâm lý của con người được hình thành và phát triển trong giao tiếp với những người xung quanh. Với sự tự tin hay suy nghĩ chín chắn đều phải được rèn qua kinh nghiệm. Từ đó có tác động nhất định đến tâm lý của con người. Tính cách, thái độ và suy nghĩ cũng được hình thành và tác động qua giao tiếp. Mang đến tác động lớn đến các nhu cầu khác của con người.

 

3. Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ

3.1 Bản chất

Ngôn ngữ là hệ thống những từ ngữ, cấu trúc, ngữ pháp, câu được hệ thống nhằm diễn đạt suy nghĩ của con người. Ngôn ngữ là cái phức tạp nhất và nói chung, nó hiệu quả nhất đối với thị giác hơn là thính giác. Ngôn ngữ giao tiếp: Là ngôn ngữ được sử dụng để con người tiến hành trao đổi thông tin với nhau. Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ là các công cụ hoặc phương pháp sử dụng ngôn ngữ để truyền tải thông tin giữa các cá nhân hoặc các tổ chức. Các phương tiện giao tiếp ngôn ngữ bao gồm các loại ngôn ngữ chính thống như tiếng nói, viết, ngôn ngữ cơ thể, cũng như các phương tiện giao tiếp khác như điện thoại, email, tin nhắn văn bản, video hội nghị, mạng xã hội,…Tùy thuộc vào mục đích và ngữ cảnh sử dụng, các phương tiện giao tiếp ngôn ngữ có thể được sử dụng để truyền tải thông tin cụ thể, trao đổi ý kiến, thương lượng, đưa ra thông báo hoặc giải thích các vấn đề phức tạp. 

 Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ luôn dựa trên sự đồng hóa tự phát hoặc có ý thức của một ngôn ngữ nhất định của những người tham gia giao tiếp, không phải do bẩm sinh mà dựa trên kiến ​​thức đã thu nhận được. Nội dung của thông tin được ngôn ngữ truyền tải là vô hạn, vì bản thân kiến ​​thức của con người là vô hạn. Giao tiếp ngôn ngữ hoạt động như một sự trao đổi thông tin đặc biệt về mặt chất lượng – không chỉ là sự truyền đạt một số sự kiện hoặc truyền tải những cảm xúc liên quan đến chúng, mà còn là sự trao đổi suy nghĩ về những sự kiện này.

 

3.2 Phương tiện giao tiếp

Bao gồm lời nói và chữ viết được sử dụng trong giao tiếp thông qua 4 kỹ năng: viết – đọc, nói – nghe. Khi một người giao tiếp với người khác, thì người này và người kia đều phải sử dụng ngôn ngữ nói ra thành lời hoặc viết ra thành chữ để truyền đạt, trao đổi ý kiến, tư tưởng, tình cảm cho nhau. Có vốn ngôn ngữ phong phú thì rất thuận lợi trong giao tiếp. Trong giao tiếp, ngôn ngữ thể hiện không chỉ ý nghĩ và tình cảm của con người mà còn biểu hiện trình độ học vấn, trình độ văn hóa và nhân cách của con người. Bằng ngôn ngữ, con người có thể truyền đi bất cứ một loại thông tin nào, như diễn tả tình cảm, ám chỉ, miêu tả sự vật… Ở phương tiện này, sự giao tiếp thường dựa vào những yếu tố sau đây:

– Nội dung ngôn ngữ:  Là ý nghĩa của lời nói, của từ. Ở đây chúng ta cần lưu ý đến vai trò ý cá nhân của ngôn ngữ trong giao tiếp. Một từ hay một tập hợp từ đều có một hay vài ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa của ngôn ngữ có hai hình thức tồn tại: khách quan và chủ quan bởi nó không phụ thuộc vào sở thích, ý muốn của một cá nhân nào. Ngay trong một nhóm người, đôi khi cũng có những qui định ý nghĩa riêng cho một số tập hợp từ. Tiếng “lóng” là một ví dụ. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm người từ cộng đồng địa phương đến đẳng cấp dân tộc đều có những sắc thái riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ. Hiểu được ý cá nhân là cơ sở tạo nên sự đồng điệu trong giao tiếp, còn được gọi là khả năng đồng cảm.

– Tính chất của ngôn ngữ: Trong giao tiếp những tính chất của ngôn ngữ như nhịp điệu, âm điệu, ngữ điệu… cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cũng có người nhờ tiếng nói ấm áp, dịu dàng, quyến rũ làm cho người nghe cảm tình ngay, mặc dù dung mạo không lấy gì làm khả ái. Trong khi nói, chúng ta cần chú ý tới ngữ điệu. Lời nói có được rõ ràng, khúc chiết hay không, phụ thuộc nhiều vào cách nhấn giọng. Nhờ cách nhấn giọng, người nói có thể làm cho người nghe chú ý đến những lời nói của mình. Muốn nhấn giọng cho đúng phải hiểu rõ mình nói những gì và suy nghĩ, đắn đo từng lời một. Biết nhấn mạnh những lời quan trọng và để những lời nói phụ lướt đi. Hai yếu tố khác có thể làm thay đổi ý nghĩa lời nói là cách uốn giọng và ngữ điệu. Trong lúc nói phải có lúc lên giọng, xuống giọng, lúc nhặt, lúc khoan, lúc nói nhẹ, lúc gằn từng tiếng thì lời nói mới nổi bật lên

– Điệu bộ khi nói:  Điệu bộ là những cử chỉ của tay chân và vẻ mặt. Có khi vừa nói vừa chỉ, vừa nói vừa nhìn chằm chằm, vừa nói vừa liếc… Thường điệu bộ phụ họa theo lời nói để giúp thêm ý nghĩa cho nó. Tuy nhiên, việc sử dụng điệu bộ khi nói cũng phải phù hợp với phong tục, tập quán, nền văn hóa… Những cử chỉ, điệu bộ tự nhiên là đáng yêu nhất, đừng gò ép mình bắt chước điệu bộ của người này hay người khác. 

– Cách thức phát âm: Âm lượng, ngữ điệu, tốc độ phải phù hợp với vai trò, với nội dung, với đối tượng và với bối cảnh giao tiếp. Người ta không thể nói với giọng điệu của một lời kêu gọi trong một buổi tâm sự chỉ dành cho hai người và ngược lại, người ta không thể thủ thỉ khi lên diễn đàn đọc diễn văn.

– Chữ viết trong giao tiếp: Chữ viết được sử dụng trong giao tiếp qua hình thức thư từ, báo cáo, báo chí… Giao tiếp thông qua chữ viết đòi hỏi sự chuẩn xác cao hơn giao tiếp thông qua lời nói vì các chủ thể có nhiều điều kiện để nghiền ngẫm, chọn lọc nội dung, cách diễn đạt sao cho phù hợp, chính xác, hiệu quả. Trong giao tiếp thông qua chữ viết, xúc cảm của chủ thể qua hệ thống dấu câu, kiểu chữ…

 

4. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ

4.1 Bản chất

Giao tiếp phi ngôn ngữ, còn được hiểu là một phương thức giao tiếp ngôn ngữ thủ công, là quá trình truyền tải và nhận thông tin mà không cần sử dụng lời nói hoặc viết. Nói một cách nôm na, giao tiếp phi ngôn ngữ là cách gửi và nhận thông điệp từ những gì mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài trong quá trình giao tiếp. Trong một cuộc đối thoại, giao tiếp phi ngôn ngữ sẽ bao gồm nhiều điệu bộ, cử chỉ của từng bộ phận cơ thể khác nhau thể hiện qua khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu, dáng đứng và khoảng cách… 

Theo các nhà khoa học, trong quá trình giao tiếp, lời nói gồm 3 yếu tố chính là ngôn ngữ, cường độ giọng nói và phi ngôn ngữ. Trong đó, ngôn ngữ góp phần nhỏ nhất với 7,01% tác động đến người nghe, 37,98% là cường điệu giọng nói và phi ngôn ngữ trở nên quan trọng nhất với 55,01%. Chức năng của giao tiếp phi ngôn ngữ là giúp cho thông điệp được truyền tải nhanh chóng, dễ dàng, giúp người tham gia giao tiếp hiểu rõ hơn về cảm xúc của người đối diện nhằm đạt được mục đích giao tiếp.

 

4.2 Phương tiện giao tiếp

Trong xã hội hiện đại, nhất là công việc kinh doanh, giao tiếp phi ngôn ngữ lại có tầm quan trọng rất lớn. Nó giúp cho mỗi người trở nên tinh tế hơn, biết tự kiềm chế cảm xúc, tự ý thức và điều khiển được ngôn ngữ cơ thể. Đồng thời, giao tiếp phi ngôn ngữ cũng giúp chúng ta hiểu rõ đối tác mà ta đang tiếp cận để đưa ra những định hướng đúng đắn. Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ còn được thể hiện trong những tình huống khi chúng ta tiếp xúc lần đầu với một người khác. Ngoài việc để ý các cử chỉ, điệu bộ và nội dung của người đối diện, bạn còn phải học cách đọc và hiểu ý nghĩa của những chúng. Từ đó, bạn sẽ có được kinh nghiệm, giúp bạn nhận biết được người đối diện, nhận ra chính mình và học cách kiểm soát bản thân trong giao tiếp tốt hơn.

– Biểu hiện nét mặt: Xem xét lượng thông tin có thể được truyền đạt bằng một nụ cười hoặc một cái cau mày. Vẻ mặt của một người thường là thứ đầu tiên chúng ta nhìn thấy, thậm chí trước khi chúng ta nghe họ nói gì. Mặc dù giao tiếp và hành vi phi ngôn ngữ có thể khác nhau đáng kể giữa các nền văn hóa, nhưng các biểu hiện trên khuôn mặt cho hạnh phúc, buồn, tức giận và sợ hãi là biểu cảm phổ quát giữa các nền văn hóa.

– Hành động, cử chỉ: Các chuyển động và tín hiệu có chủ ý là một công cụ quan trọng để truyền đạt ý nghĩa mà không cần lời nói. Bạn có thể vẫy tay, chỉ tay, vẫy gọi hoặc dùng tay khi tranh luận hoặc khi nói một cách sinh động. Tuy nhiên, ý nghĩa của một số cử chỉ có thể khác nhau giữa các nền văn hóa. Với chúng ta, lắc đầu có nghĩa là không, gật đầu là có, thì với đất nước Hy Lạp hay Bulgaria, bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi thấy mọi thứ đều ngược lại hoàn toàn. Gật đầu trong văn hóa của họ là “không” còn lắc đầu lại mang ý nghĩa là “Có”. Vì thế, hãy cẩn thận khi sử dụng cử chỉ của cái để tránh gây ra những hiểu nhầm ngớ ngẩn. 

– Ngữ điệu khi nói: Không chỉ là những gì bạn nói, đó còn là cách bạn nói. Khi bạn nói, ngoài việc lắng nghe nội dung, đối phương còn chú ý tới tốc độ, âm lượng, giọng điệu, âm sắc, … mà bạn truyền đạt. Cân nhắc tác động nhấn và âm sắc của giọng nói đối với ý nghĩa của câu. Khi được nói bằng một giọng mạnh mẽ, người nghe có thể hiểu được sự tán thành và nhiệt tình. Những lời tương tự nói với giọng ngập ngừng có thể thể hiện sự không đồng tình, thiếu quan tâm.

– Ngôn ngữ cơ thể và tư thế: Tư thế và chuyển động cũng có thể truyền tải một lượng lớn thông tin khi chúng ta giao tiếp. Mặc dù những hành vi phi ngôn ngữ này có thể chỉ ra cảm xúc và thái độ, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy rằng ngôn ngữ cơ thể tinh tế hơn và ít dứt khoát hơn nhiều so với những gì chúng ta biết trước đây.

– Không gian: Mọi người thường đề cập đến nhu cầu của họ về “không gian cá nhân”, đây cũng là một loại giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng. Khoảng cách mà chúng ta cần và khoảng không gian mà chúng ta cảm nhận bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm chuẩn mực xã hội, văn hóa, yếu tố tình huống, đặc điểm tính cách và mức độ quen thuộc. Khoảng không gian cá nhân cần thiết khi trò chuyện bình thường với một người thường dao động trong khoảng từ 45cm đến 1.2 m. Mặt khác, khoảng cách cá nhân cần thiết khi nói chuyện với một đám đông là khoảng 3 m đến 3.5 m.

– Giao tiếp bằng mắt: Ai cũng biết đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, do đó đôi mắt đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ. Những hành vi như nhìn, nhìn chằm chằm và chớp mắt là những hành vi phi ngôn ngữ quan trọng. Khi mọi người bắt gặp người hoặc vật mà họ cảm thấy hứng thú, tỷ lệ chớp mắt tăng lên và đồng tử giãn ra. Việc phân tích ánh mắt khi bạn nhìn vào một người khác có thể chỉ ra một loạt các cảm xúc bao gồm thù địch, quan tâm và hấp dẫn.

– Giao tiếp qua xúc giác: Hãy thử suy nghĩ về những thông điệp khác nhau được đưa ra bởi một cái bắt tay yếu ớt/ một cái ôm ấm áp/ một cái vỗ nhẹ vào đầu,… Nhiều nghiên cứu chỉ ra những cá nhân có địa vị cao có xu hướng xâm phạm không gian cá nhân của người khác với tần suất và cường độ lớn hơn những cá nhân có địa vị thấp trong xã hội. Sự khác biệt về giới tính cũng đóng một vai trò trong cách mọi người sử dụng xúc giác để truyền đạt ý nghĩa. Phụ nữ có xu hướng sử dụng sự đụng chạm để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng. Mặt khác, đàn ông có nhiều khả năng sử dụng xúc giác để khẳng định quyền lực hoặc kiểm soát người khác.

– Vẻ bề ngoài: Sự lựa chọn của chúng ta về màu sắc, quần áo, kiểu tóc và các yếu tố khác ảnh hưởng đến ngoại hình cũng được coi là một phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ. Dễ thấy ngoại hình có thể đóng một vai trò trong việc mọi người được nhìn nhận như thế nào và thậm chí là số tiền họ kiếm được. Hoặc xét đến khía cạnh văn hóa, văn hóa là một ảnh hưởng quan trọng đến cách đánh giá ngoại hình. Mặc dù gầy có xu hướng được coi trọng ở các nền văn hóa phương Tây, một số nền văn hóa châu Phi, châu Á lại cho rằng cơ thể đầy đặn với sức khỏe, sự giàu có và địa vị xã hội tốt hơn.

Trên đây Luật Minh Khuê đã gửi tới các bạn bài viết Trình bày các phương tiện giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Qua đó các bạn nắm được cách phân biệt và đặc điểm của các phương tiện giao tiếp. Các bạn có thể đọc thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục tài liệu hữu ích khác trên website của Luật Minh Khuê để cập nhật thông tin mới nhất nhé!