Các phương pháp giải quyết xung đột pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia
TÓM TẮT:
Dưới luật quốc gia, các điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết như công ước Hague, các hiệp định tương trợ tư pháp liên quan đến vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài, quy phạm pháp luật được đặt ra cho phép các bên được lựa chọn, thỏa thuận chọn luật áp dụng để phù hợp với ý chí tự do, bình đẳng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mối quan hệ này bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia nơi có liên quan đến quan hệ kết hôn để bảo vệ trật tự công cộng và phạm trù đạo đức tại quốc gia đó. Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới về tư pháp quốc tế thừa nhận các phương pháp điều chỉnh xung đột pháp luật. Vì thế, bài viết này làm rõ việc xác định quan hệ kết hôn trong tư pháp quốc tế và phương pháp giải quyết xung đột pháp luật.
Từ khóa: kết hôn có yếu tố nước ngoài, xung đột pháp luật, tư pháp quốc tế.
Mục Lục
1. Đặt vấn đề
Kết hôn là việc xác lập quan hệ giữa nam và nữ để đạt mục đích trong hôn nhân. Xét từ nhiều góc độ, kết hôn là một khía cạnh phức tạp, liên quan đến quyền con người quyền công dân ở mỗi quốc gia. Vì thế, với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, kết hôn không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa công dân của một quốc gia với nhau, mà nó còn mở rộng ra phạm vi quốc tế khi có sự tham gia của những chủ thể là người có quốc tịch và nơi cư trú khác nhau. Chính vì sự di cư, trao đổi văn hóa thường xuyên giữa các quốc gia như hiện nay, nên số lượng kết hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng và đòi hỏi phải có những quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ đặc biệt này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là sự liên quan của nhiều hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh một mối quan hệ có thể đưa đến những sự xung đột về khả năng áp dụng luật. Điều này khiến cho chủ thể khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của mình trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Vậy để giải quyết vấn đề này, phương pháp nào sẽ được sử dụng để tạo thuận lợi cho các bên khi hiện nay xung đột pháp luật vẫn là yếu tố cần được giải quyết hàng đầu tại pháp luật các quốc gia, trong khi nguồn luật áp dụng quá nhiều và chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia.
2. Xác định quan hệ kết hôn trong tư pháp quốc tế
Trên thực tế, việc xác định như thế nào là kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay vẫn chưa rõ ràng bởi vì các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ này ở mỗi quốc gia trên thế giới còn tồn tại nhiều sự khác biệt và chưa thống nhất bởi sự khác biệt giữa văn hóa, con người và tôn giáo. Tuy nhiên, xét về góc độ khoa học tư pháp quốc tế, quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài nhìn chung đều có sự liên quan đến ít nhất 1 trong 3 căn cứ chính: nơi đăng ký kết hôn (lex loci celebrationis), nơi cư trú (lex loci domicilli) và quốc tịch (lex nationalli)[1]. Cụ thể, luật của Úc và Anh đưa ra hàng loạt yêu cầu kiểm tra chặt chẽ đối với từng quan hệ cụ thể trong kết hôn, như việc công dân kết hôn với chủ thể là người nước ngoài được xác định theo quốc tịch và nơi tiến hành kết hôn (lex loci celebrationis). Trong khi đó giữa 2 chủ thể là người nước ngoài sẽ ràng buộc bởi nơi cư trú (Anh) và nơi tiến hành kết hôn (Úc). Theo Luật của Trung Quốc, bên cạnh các quy định nơi cư trú, quốc tịch, nơi tiến hành kết hôn, các yếu tố xác định mối quan hệ này có liên quan ngoài phạm vi quốc gia hay không? Hệ thống pháp luật có thẩm quyền riêng (Jurisdiction) tại quốc gia này cũng được xem xét. Ví dụ, người Hongkong, Macau dù có quốc tịch Trung Quốc khi kết hôn với người Trung Quốc ở lục địa cũng được xem là quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài[2]. Luật pháp của Việt Nam dù không đưa ra quy định cụ thể, nhưng thừa nhận 3 yếu tố chính để xác định mối quan hệ này đó là quốc tịch, nơi cư trú và nơi tiến hành kết hôn trong đối tượng điều chỉnh. Theo đó, yếu tố nước ngoài trong quan hệ kết hôn sẽ xác lập trong 3 trường hợp: công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; người nước ngoài kết hôn với nhau ở Việt Nam; công dân Việt Nam kết hôn với nhau ở nước ngoài[3].
3. Phương pháp giải quyết xung đột trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và các nước trên thế giới
3.1. Phương pháp thực chất trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài
Đầu tiên, phương pháp thực chất trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu là phương pháp cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng quy phạm thực chất của luật nội dung để trực tiếp giải quyết quan hệ phát sinh từ việc kết hôn có yếu tố nước ngoài chứa xung đột pháp luật bao gồm luật áp dụng, điều kiện, hình thức và đăng ký kết hôn. Ví dụ, theo khoản 1 điều 124 của Văn bản số 386 sửa đổi Bộ luật Dân sự Phillipines có quy định về việc kết hôn giữa người chồng là người Phillipines và người vợ là người nước ngoài, bất kể là kết hôn ở Phillipines hay ở đâu, luật dân sự Phillipines vẫn phải được áp dụng. Rõ ràng, trong quan hệ này, pháp luật quốc gia được áp dụng trực tiếp để loại bỏ khả năng xảy ra xung đột pháp luật giữa nước mà người vợ có quốc tịch và luật Phillipines nơi người chồng có quốc tịch[4]. Quy phạm thực chất trong quan hệ kết hôn ở đây đó chính là các quyền, nghĩa vụ, biện pháp chế tài đối với các chủ thể tuân thủ điều kiện kết hôn, thực hiện việc đăng ký kết hôn và hợp pháp hóa hóa hình thức kết hôn. Trong văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân của Trung Quốc,vấn đề đăng ký kết hôn được thông qua bởi Chính phủ ngày 17/8/1983 quy định cả nam và nữ khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Trung Quốc bắt buộc phải tuân theo Luật Hôn nhân của nước này và các điều khoản phù hợp của Luật này[5]. Vì thế, cả vợ và chồng, bất kể là người nước ngoài hay không, khi thực hiện việc xin đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đều cần phải tuân theo pháp luật quốc gia của nước này về hôn nhân, bao gồm các điều kiện kết hôn (điều 5,6,7 quy định tại Luật Hôn nhân Trung Quốc 1980) và các giấy tờ thực hiện thủ tục đăng ký để hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân của cả 2 tại Trung Quốc[6].
Nhìn chung, xét về khả năng áp dụng, phương pháp thực chất nhanh chóng và dễ dàng cho các chủ thể áp dụng. Khi tham gia vào quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, các chủ thể được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ trực tiếp theo pháp luật quốc gia có thẩm quyền, không cần phải viện dẫn và xem lại bất kỳ quy phạm nào ở pháp luật quốc gia khác. Tuy nhiên, phương pháp này không mang tính khách quan, vì chủ yếu dựa trên ý chí quốc gia để giải quyết các vấn đề mang tính quốc tế. Ví dụ, theo khoản 2 điều 1 Luật Hôn nhân Indonesia 1974 quy định việc kết hôn chỉ hợp pháp khi cả nam và nữ có cùng tôn giáo và niềm tin[7]. Indonesia loại bỏ việc kết hôn khác tôn giáo trong hôn nhân, trong khi hầu hết quốc gia trên thế giới thừa nhận nguyên tắc không phân biệt tôn giáo trong hôn nhân, ví dụ như Việt Nam, Úc, Canada,… Theo điều 56 khoản 1 của Luật này cũng yêu cầu việc kết hôn có yếu tố nước ngoài của người Indonesia cũng phải tuân theo luật nơi đăng ký kết hôn và luật Indonesia nếu không thì việc kết hôn đó sẽ không được công nhận. Vì thế, nếu một người nước ngoài lấy một công dân Indonesia mà không cùng tôn giáo thì hôn nhân đó sẽ không được công nhận tại Indonesia[8]. Ngoài ra, trên thực tế, việc sử dụng phương pháp, thực chất để xây dựng quy phạm pháp luật trong tư pháp quốc tế tương đối khó và số lượng không đủ đáp ứng để điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài như hiện nay.
3.2. Phương pháp xung đột trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài
Phương pháp thứ hai mà hầu hết các quốc gia ưu tiên lựa chọn và sử dụng đó là phương pháp xung đột. Phương pháp này xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia để đảm bảo được sự tự do ý chí của các bên trong việc áp dụng luật, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể ngang bằng nhau, dù cho họ là những cá nhân không cùng quốc tịch và nơi cư trú. Khác với cách thức giải quyết trực tiếp của phương pháp thực chất, phương pháp xung đột giải quyết gián tiếp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm cả các vấn đề kết hôn thông qua việc chọn luật áp dụng[9]. Quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể không được giải quyết trực tiếp, mà phải giải quyết gián tiếp thông qua áp dụng quy phạm xung đột. Quy phạm xung đột không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên mà chỉ quy định chọn luật nào sẽ áp dụng để ràng buộc các bên. Nếu quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật quốc gia nào thì luật của quốc gia đó được áp dụng. Ví dụ, theo Luật Hôn nhân của Úc 1961, quy định công dân Úc kết hôn với người nước ngoài thì các điều kiện và cách đăng ký kết hôn sẽ phụ thuộc vào nơi tiến hành kết hôn, nếu tiến hành ở Úc thì luật của Úc sẽ được áp dụng[10].
Trong luật các nước điều chỉnh vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài, việc dẫn chiếu quy phạm xung đột để chọn luật áp dụng cũng tương tự như các quan hệ dân sự có yêu tố nước ngoài thông thường. Hai trường hợp thường có thể xảy ra đó là dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba và dẫn chiếu ngược. Trường hợp thứ nhất xảy ra khi pháp luật của nước thứ nhất có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ hai, trong khi đó pháp luật nước thứ hai lại có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì pháp luật của nước thứ ba được áp dụng. Trường hợp thứ hai xảy ra khi quy phạm xung đột pháp luật của nước thứ nhất dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ hai, trong khi pháp luật của nước thứ hai lại có quy phạm xung đột dẫn chiếu ngược trở lại áp dụng pháp luật nước thứ nhất thì pháp luật nước thứ nhất được áp dụng[11]. Ví dụ: Ông Paul, quốc tịch Anh, đến từ năm 1998 và đã sống Việt Nam hơn 20 năm để mở nhà hàng kinh doanh ăn uống. Đây là nơi cư trú của ông Paul hiện tại. Đến năm 2019, ông kết hôn và lập gia đình với chị Mai là người có quốc tịch Việt Nam. Dựa trên khoản 1 Điều 126 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam về điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của quốc gia mình về điều kiện kết hôn. Nếu nơi tiến hành kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, người nước ngoài còn phải đáp ứng theo các điều khoản của Luật này về điều kiện kết hôn. Theo quy định này, chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài này là chị Mai và ông Paul. Trong đó, chị Mai là công dân Việt Nam, nên chị sẽ tuân theo các điều kiện kết hôn của pháp luật Việt Nam quy định tại Điều 8 của Luật này. Về ông Paul, ngoài đáp ứng các điều kiện kết hôn theo luật Việt Nam, còn phải đáp ứng các điều kiện này theo luật Anh. Dưới thẩm quyền pháp luật Anh, Đạo luật hôn nhân 1994 quy định điều kiện kết hôn được điều chỉnh bởi pháp luật nơi cư trú và hình thức tổ chức kết hôn sẽ theo luật nơi tiến hành kết hôn[12]. Do vậy, điều kiện đăng kết hôn của ông Paul được pháp luật nước Anh dẫn chiếu ngược trở lại nơi cư trú và nơi tiến hành kết hôn là pháp luật Việt Nam.
Trên thực tế, việc xây dựng quy phạm xung đột tương đối dễ dàng, vì chỉ cần xác định được các luật liên quan nào có thể áp dụng để giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, thay vì phải diễn giải ra từng vấn đề, từng trường hợp. Chẳng hạn, theo quy định điều 126 Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam năm 2014, điều khoản về luật áp dụng cho điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài được trình bày ngắn gọn theo cách thức chọn luật, nhưng giải quyết cả 3 mối quan hệ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, người Việt Nam kết hôn ở nước ngoài và người nước ngoài kết hôn ở Việt Nam. Ngoài ra, việc sử dụng quy phạm xung đột còn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia từ khía cạnh của pháp luật quốc tế. Từ đó, các bên tham gia quan hệ sẽ được đảm bảo lợi ích ngang bằng nhau cho dù họ có quốc tịch hay nơi cư trú khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc áp dụng quy phạm xung đột trong việc giải quyết các quan hệ có yếu tố nước ngoài lại buộc các bên phải dẫn chiếu quy định đến một hệ thống pháp luật khác. Điều này khiến cho người sử dụng cảm thấy tốn thời gian, công sức khi họ phải tìm hiểu một lần nữa về hệ thống pháp luật của quốc gia có thẩm quyền hay có khả năng áp dụng.
4. Kết luận
Từ những điều đã đề cập cho thấy cách thức giải quyết xung đột pháp luật mà các quốc gia áp dụng trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài là phương pháp thực chất và xung đột. Thực tế, các quốc gia trên thế giới đang ngày càng cố gắng hài hòa hóa pháp luật để giảm bớt sự khác biệt về điều kiện kết hôn, nghi thức kết hôn và thậm chí là cách thức công nhận hôn nhân có yếu tố nước ngoài để nhằm đảm bảo quyền cơ bản và nhu cầu hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, bởi vì sự khác nhau về lịch sử, tư tưởng và văn hóa của mỗi quốc gia, quá trình này đòi hỏi cần nhiều thời gian hơn nữa để thực hiện và do đó việc áp dụng các phương pháp giải quyết xung đột pháp luật là điều cần thiết để điều chỉnh quan hệ kết hôn trong tư pháp quốc tế.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Strasser, M. (2017). Marriage, Divorce, and Domicile. University of Missouri – Kansas City Law Review, 152.
[2] Lu, M. and Yang, W.(2010). Asian Cross-Border Marriage Migration. Amsterdam, Amsterdam University Press, 165.
[3] Nguyễn Huy (2019). Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Truy cập tại: https://luatminhgia.com.vn/kien-thuc-hon-nhan/quan-he-hon-nhan-va-gia-dinh-co-yeu-to-nuoc-ngoai.aspx.
[4] Điều 124 của Văn bản số 386 sửa đổi Bộ luật Dân sự Phillipines.
[5] Văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân của Trung Quốc về vấn đề đăng kí kết hôn, được thông qua bởi Chính phủ ngày 17/8/1983.
[6] Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980
[7] Luật Hôn nhân Indonesia năm 1974
[8] Huis, S. and Wirastri, T. (2012). Muslim Marriage Registration in Indonesia: Revised Marriage Registration Laws Cannot Overcome Compliance Flaws. Australian Journal of Asia Law,8
[9] Trường Đại học Luật Hà Nội (2015). Giáo trình Tư pháp quốc tế. NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[10] Luật Hôn nhân của Úc năm 1961
[11] Nguyễn Văn Dương (2020). Giải quyết xung đột về kết hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài. Truy cập tại: https://luatduonggia.vn/giai-quyet-xung-dot-phap-luat-ve-viec-ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai/.
[12] Luật Hôn nhân Anh năm 1994.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Hôn nhân Indonesia năm 1974
- Luật Hôn nhân của Úc năm 1961
- Luật Hôn nhân Anh năm 1994
- Quốc hội (2014). Luật Hôn nhân và Gia đình năm
- Văn bản số 386 sửa đổi Bộ luật Dân sự Phillipines
- Văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân của Trung Quốc về vấn đề đăng kí kết hôn, được thông qua bởi Chính phủ ngày 17/8/1983.
- Strasser, M. (2017). Marriage, Divorce, and Domicile. University of Missouri-Kansas City Law Review, 152.
- Lu, M. and Yang, W.(2010). Asian Cross-Border Marriage Migration. Amsterdam, Amsterdam University Press, 165.
- Nguyễn Huy (2019). Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Truy cập tại: https://luatminhgia.com.vn/kien-thuc-hon-nhan/quan-he-hon-nhan-va-gia-dinh-co-yeu-to-nuoc-ngoai.aspx.
- Huis, S. and Wirastri, T. (2012). Muslim Marriage Registration in Indonesia: Revised Marriage Registration Laws Cannot Overcome Compliance Flaws. Australian Journal of Asia Law, 8.
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2015). Giáo trình Tư pháp quốc tế. NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Dương (2020). Giải quyết xung đột về kết hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài. Truy cập tại: https://luatduonggia.vn/giai-quyet-xung-dot-phap-luat-ve-viec-ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai/.
SOLUTIONS TO SOLVE THE CONFLICT OF LAW IN THE MARRIAGE
INVOLVING FOREIGN ELEMENTS UNDER LAWS OF VIETNAM
AND OTHER COUNTRIES
LE HO TRUNG HIEU1
DINH LE OANH1
1Faculty of Law, Van Lang University
ABSTRACT:
Under domestic laws, international treaties which many countries sign such as the Hague Convention, mutual aid agreements on marriage involving foreign elements, rules allow partners to freely and equally agree and apply the law. However, in some cases, this relationship is required to comply with provisions under domestic laws to protect the public order and the morality of a country. Vietnamese and other countries recognize solutions to solve conflict of laws. This paper identifies the marriage involving foreign elements in private international law and solutions to solve its conflict of laws.
Keywords: marriage involving foreign elements, conflict of laws, private international law.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2022]