Các phòng ban

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Đào tạo Sau đại học

1. Chức năng:

a) Quản lý và phát triển các loại hình đào tạo sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ của Trường.

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo cho bậc sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ của Trường.

c) Quản lý kế hoạch học tập và kết quả học tập của học viên cao học, nghiên cứu sinh và người học khác đối với các chương trình đào tạo được giao phụ trách.

d) Thống kê và tổng hợp giờ giảng quy đổi đối với hệ sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ.

2. Nhiệm vụ:

2.1. Quản lý và phát triển các loại hình đào tạo sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ trong và ngoài Trường (trừ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Trường).

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng mới và rà soát, nâng cấp các chương trình đào tạo sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ; thẩm định hồ sơ mở ngành, chuyên ngành đối với các chương trình đào tạo sau đại học (trừ một số chương trình đặc biệt có đơn vị quản lý riêng).

b) Tham mưu cho BGH phê duyệt danh mục và nội dung bài giảng, danh mục sách và giáo trình để in hoặc mua mới phục vụ cho công tác đào tạo bậc sau đại học.

c) Cung cấp các thông tin cần thiết và phối hợp với Phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp và các đơn vị chức năng liên quan trong việc truyền thông và quảng bá các chương trình đào tạo sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Phòng.

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ; xây dựng phương án và kế hoạch tuyển sinh hàng năm trình Hiệu trưởng phê duyệt, thực hiện các nhiệm vụ và quy trình tuyển sinh.

e) Chủ trì xây dựng quy trình quản lý đào tạo sau đại học, thực hiện luận văn tốt nghiệp thạc sĩ và luận án tiến sĩ.

f) Thực hiện các nhiệm vụ sau tuyển sinh theo quy định.

g) Quản lý và theo dõi việc thực hiện các văn bản, hợp đồng liên kết đào tạo với các cơ sở ngoài Trường trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của phòng.

2.2. Công tác xây dựng kế hoạch đào tạo

a) Phối hợp với các khoa lập kế hoạch giảng dạy cho từng học kỳ; lập thời khóa biểu và lịch thi cho các lớp học; xây dựng kế hoạch năm học cho đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ; phối hợp với Phòng Đào tạo Đại học để tích hợp vào kế hoạch đào tạo chung cho tất cả các bậc học trong Trường.

b) Phối hợp với các khoa, các bộ môn, bộ phận thanh tra và các đơn vị chức năng liên quan giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo, các quy định giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra, bảo vệ luận văn, luận án.

c) Phối hợp với Phòng Đào tạo Đại học và các đơn vị liên quan trong việc lập kế hoạch sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.

2.3. Công tác quản lý học viên, nghiên cứu sinh, người học và kết quả học tập trong và ngoài trường

a) Quản lý và thường xuyên theo dõi, rà soát, cập nhật số liệu về số lượng học viên, nghiên cứu sinh đang theo học; kiểm soát thực trạng kết quả học tập của học viên, nghiên cứu sinh; phối hợp với Phòng Công tác Chính trị – Sinh viên xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về học viên, nghiên cứu sinh.

b) Quản lý và giám sát dữ liệu kết quả học tập của học viên, nghiên cứu sinh đang theo học.

c) Tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan tới quản lý quá trình học tập của học viên và nghiên cứu sinh (nghỉ học tạm thời, thôi học, trở lại học, học lại cùng khóa sau, chuyển hệ, chuyển trường…).

d) Xét điểm tương đương, công nhận học phần, bảo lưu kết quả học tập đối với học viên và nghiên cứu sinh; xét điều kiện và tổ chức bảo vệ luận án, luận văn; đề nghị cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ, cấp chứng chỉ các môn học, các chứng chỉ bổ túc kiến thức, chứng chỉ bồi dưỡng.

e) Quản lý việc sử dụng phôi và in sao bằng tốt nghiệp, bảng điểm tốt nghiệp, giấy chứng nhận, các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định phân cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trình Hiệu trưởng ký trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của phòng.

f) Quản lý thông tin văn bằng, chứng chỉ; chứng nhận và xác nhận thông tin văn bằng, chứng chỉ.

g) Phối hợp với các khoa, các bộ môn, bộ phận thanh tra và các đơn vị chức năng liên quan giám sát việc thực hiện quy chế giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

h) Phối hợp với Trung tâm Thông tin – Thư viện trong bảo quản, lưu trữ và xây dựng cơ sở dữ liệu luận án, luận văn nộp về trường sau khi được chỉnh sửa theo quy định trước khi cấp bằng tốt nghiệp.

2.4. Công tác thống kê và tổng hợp giờ giảng quy đổi đối với hệ sau đại học, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ

a) Thống kê giờ giảng của giảng viên từng học kỳ, từng năm học; xác nhận khối lượng công việc của từng giảng viên (giờ giảng dạy lý thuyết và giờ giảng dạy quy đổi); chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan duyệt và tính khối lượng giảng dạy trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của phòng.

b) Phối hợp với các phòng, ban chức năng đề xuất các mức học phí, lệ phí đối với học viên và nghiên cứu sinh; tính toán các loại kinh phí chi chuyên môn trong đào tạo đối với học viên và nghiên cứu sinh.

c) Phối hợp với các Phòng Kế hoạch Tài chính và Phòng Tổ chức – Cán bộ trong công tác thu, quyết toán học phí đối với người học và thanh toán công tác phí cho giảng viên giảng dạy tại các cơ sở liên kết đào tạo; ký xác nhận các hợp đồng thỉnh giảng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của phòng.

3. Nhiệm vụ khác:

 – Tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Trường triển khai các hoạt động chuyên môn và quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được quy định cụ thể cho mỗi đơn vị trong Quy định này, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Trường.

– Thường xuyên rà soát và cập nhật các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng quy định; chủ động, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ trình Hiệu trưởng ban hành nhằm chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Trường liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

– Chủ động ra các quyết định quản lý, điều hành nếu được ủy quyền.

– Đề xuất với Hiệu trưởng kế hoạch năm, quý, tháng, tuần; phương án thực hiện các kế hoạch; và giải quyết các công việc đối nội, đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

– Quản lý, theo dõi, tổng hợp và giải quyết công tác chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền được giao.

– Thực hiện công tác lưu trữ theo quy định tất cả các văn bản do đơn vị làm đầu mối thực hiện và các văn bản khác (bản cứng và bản mềm) liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

– Hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công tác nghiệp vụ đối với các đơn vị thuộc Trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

– Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác để thực hiện tốt công việc của Trường. Quản lý trực tiếp và toàn diện cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị.

– Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, viên chức trong đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ và đáp ứng các yêu cầu phát triển của Trường.Quản lý, sử dụng tài sản được giao một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.

– Xây dựng và văn bản hóa quy trình giải quyết các công việc được giao theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

– Chủ trì và làm đầu mối phối hợp với Phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp tổ chức các sự kiện của Trường liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

– Ngoài nhiệm vụ chung được quy định tại Điều này, các đơn vị chức năng còn có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định riêng cho mỗi đơn vị trong Quy định này và thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng trường (HĐT) và Ban Giám hiệu (BGH) chỉ đạo.