Các nguy cơ toàn cầu năm 2018

Trong báo cáo Đánh giá Chiến lược năm 2017 vừa được công bố, các chuyên gia IISS cho rằng mối quan ngại lớn nhất trong năm tới sẽ là nguy cơ phổ biến hạt nhân, trong đó có hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, sự mong manh của thỏa thuận hạt nhân với Iran. Bên cạnh đó, IISS cảnh báo về rạn nứt giữa các đồng minh phương Tây và nguy cơ chiến tranh thông tin ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới.

Báo cáo còn dự báo về nguy cơ xảy ra xung đột ở dọc biên giới của Nhà nước Do Thái với Syria và Lebanon. Ngoài ra, IISS cũng cảnh báo Kế hoạch Hành động Chung toàn diện (JCPOA)  – một thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, có thể đổ vỡ, kéo theo nguy cơ Israel hoặc Mỹ tiến hành không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.


Phổ biến vũ khí hạt nhân đang là một trong những nguy cơ hàng đầu – biếm họa của Paresh Nath

Báo cáo cũng cho rằng việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên tiếp hứng chịu thất bại có nguy cơ làm gia tăng làn sóng tấn công khủng bố trên toàn cầu, trong đó Mỹ hoặc Ảrập Xêút có thể phải hứng chịu các vụ tấn công thảm khốc, trong khi mối đe dọa khủng bố ngày một hiện hữu mạnh hơn tại châu Á.

Cũng theo báo cáo trên, trong bối cảnh quy mô và tính chất phức tạp của các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, phổ biến hạt nhân và chiến tranh thông tin ngày càng gia tăng, các đồng minh của Mỹ sẽ ngày một lo ngại hơn trước những hoài nghi về cách thức Mỹ xác định lợi ích và vai trò toàn cầu của nước này dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo báo cáo, những quyết sách và động thái của Chính quyền Mỹ trong thời gian qua đã đưa đến sự đổ vỡ trong các mối liên minh quốc tế và các mối quan hệ chiến lược vốn rất vững chắc trước kia. “Phần còn lại của thế giới đang đợi xem liệu việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có phải là một chỉ dấu cho thấy Mỹ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình hay là sự bắt đầu của một tiến trình mà vai trò của Mỹ đang được định nghĩa lại”, báo cáo khẳng định.

Về châu Âu, IISS cũng cho rằng, nhiệm vụ phải duy trì một châu Âu đoàn kết sau khi Anh rút khỏi EU cũng như sự nổi lên của các đảng dân túy theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang buộc các nước châu Âu phải suy nghĩ lại về chính sách của mình. 

Trong khi đó, theo Giám đốc IISS John Chipman các nước đang chứng tỏ có những hạn chế nhất định trong quá trình hợp tác. Ông cho rằng cần phải điều chỉnh lại các thể chế khu vực và các quan hệ đối tác an ninh để sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ này trong tương lai.