Các môn thể thao truyền thống: Món ăn tinh thần ngày Tết
–
Thứ bảy, 21/01/2023 13:09 (GMT+7)
Những giá trị truyền thống của thể thao dân tộc chính là điểm nhấn gần gũi và ấn tượng nhất đối với mỗi người dịp đầu năm mới.
Cờ người
Thú vui nhàn nhã mà trí tuệ ngày Tết chính là môn cờ người – một môn thể thao độc đáo xuất phát từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi được phố biến trên cả nước, cờ người cũng có những sự thay đổi theo văn hoá từng vùng miền.
Ví dụ như ở Nam Bộ, cờ người được lồng ghép thêm những những pha đấu võ thuật cổ truyền, mang đến một màu sắc mới lạ cho môn thể thao thú vị này.
Cờ người là môn thể thao truyền thông mỗi dịp Tết đến. Ảnh: Đắc Lâm
Khác với cờ tướng, cờ người thường được tổ chức ở sân đình, chùa, những khu vực sinh hoạt văn hoá chung rộng rãi. Tính cộng đồng của môn thể thao này rất cao, thu hút đông đảo người xem cùng những màn cổ động náo nhiệt. Thậm chí, khán giả còn trổ tài bình bán từng bước đi của các kỳ thủ, tăng thêm sự kịch tính cho mỗi bàn cờ người.
Điểm đặc biệt của cờ người chính là những màn biểu diễn trước và trong trận đấu. Mỗi nước đi của các kỳ thủ đều có trống cái và cờ ngũ sắc phụ hoạ. Không khí trở nên náo nhiệt và hấp dẫn hơn khi tiếng trống dồn dập báo chiếu tướng hoặc sát cục (dọa chiếu hết).
Đấu vật
Từ thuở xa xưa, đấu vật luôn là môn thể thao được ưa thích dịp Tết Nguyên đán. Trải qua quãng thời gian dài, đấu vẫn vẫn gìn giữ được những nét văn hoá truyền thống và bản sắc nhất của làng quê Việt Nam.
Xuất phát từ những cuộc thi mà nữ tướng Lê Chân khởi xướng dưới thời Hai Bà Trưng, đấu vật dần phát triển, hoàn thiện và tồn tại trong những ngày Tết cho đến tận bây giờ. Đây là môn thể thao tôn vinh sức mạnh, sự nhanh nhẹn cùng khả năng xử lý của từng người.
Hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tồn tại 400 năm tuổi. Ảnh: Phúc Đạt
Đua thuyền
Bộ môn đua thuyền thường được tổ chức ở những làng quê Việt Nam có các khúc sông lớn, hồ nước rộng và biển vào thời điểm Tết đến.
Môn thể thao này xuất phát từ thời cha ông ta, nhưng đến nay vẫn chưa bị mai một và biến mất. Đua thuyền có sức hút mạnh mẽ ở làng quê, một thú vui tập thể được duy trì để gìn giữ giá trị truyền thống.
Lễ hội đua thuyền năm nào cũng thu hút hàng trăm người dân đứng dọc hai bên sông, bờ biển để theo dõi và cổ vũ cho các tay chèo. Tiếng trống hội rộn rã, tiếng reo hò nhiệt tình đã tạo nên một bầu không khí đặc trưng của ngày Tết.
Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn. Ảnh: Lê Hồng Khánh
Kéo co
Kéo co là môn thể thao tập thể rất phổ biến tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là một hoạt động vui chơi giải trí mang đậm nét truyền thống, đề cao tinh thần tập thể, sự đoàn kết và sức mạnh.
Kéo co là trò chơi khá đơn giản, chỉ với dụng cụ là một chiếc dây thừng nhưng lại mang đến những cảm xúc thú vị nhất cho mỗi người. Kéo co có số lượng người chơi lớn, được chia thành hai đội, thi đấu với nhau để giành chiến thắng.
Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Hải Minh
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống khác nở rộ trên khắp làng quê Việt Nam. Đặc biệt, ở các bản làng dân tộc thiểu số, những giá trị tinh thần trên đã giúp nét văn hoá đặc trưng ngày Xuân càng thêm phần rực rỡ.
Không chỉ có đua thuyền, kéo co, cờ người,… các môn thể thao như bắn nỏ, đẩy gậy hay ném còn cũng rất được yêu thích ngày Tết. Đó không chỉ là những trò chơi nâng cao tính cộng đồng mà còn là biểu tượng cho văn hoá, sinh hoạt mang bản sắc dân tộc.