Các hình thức nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam theo quy định của pháp luật
Xin chào Luật Minh Khuê ! Hiện nay công ty tôi muốn nhập khẩu một lô hàng từ nước ngoài vào Việt Nam. Luật sư cho tôi hỏi có các hình thức nhập khẩu như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn !
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật Thương Mại 2005
Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BCT năm 2017 hợp nhất nghị định hướng dẫn luật thương mại về hoạt động mua bán quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Mục Lục
1. Chuyên viên tư vấn:
Nhập khẩu là hoạt động kinh doanh buôn bán trên phạm vi quốc tế, là quá trình trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá lấy tiền tệ là môi giới. Nó không phải là hành vi buôn bán riêng lẻ mà là một hệ thống các quan hệ buôn bán trong một nền kinh tế có cả tổ chức bên trong và bên ngoài.
Nhập khẩu của doanh nghiệp là hoạt động mua hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoàI phục vụ cho nhu cầu trong nước hoặc táI xuất nhằm phục vụ mục đích thu lợi nhuận. Hay nhập khẩu là việc mua hàng hóa từ các tổ chức kinh tế, các công ty nước ngoàI và tiến hành tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu tại thị trường nội địa hoặc táI xuất khẩu với mục đích thu lợi nhuận và nối liền sản xuất với tiêu dùng
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Thương Mại 2005 định nghĩa như sau: “Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.
2. Nhập khẩu trực tiếp :
Đối với hình thức này thì người mua và người bán hàng hóa trực tiếp giao dịch với nhau, quá trình mua và bán không hề ràng buộc lẫn nhau. Bên mua có thể mua mà không bán và ngược lại. Nhập khẩu trực tiếp được tiến hành khá đơn giản. Hoạt động nhập khẩu trực tiếp là hình thức nhập khẩu độc lập của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường trong và ngoài nước, tính toán đầy đủ các chi phí đảm bảo kinh doanh có lãi, đúng phương hướng, chính sách luật pháp của Nhà nước cũng như quốc tế.Trong hoạt động nhập khẩu tự doanh, doanh nghiệp hoàn toàn nắm quyền chủ động và phải tự tiến hành các nghiệp vụ của hoạt động nhập khẩu từ nghiên cứu thị trường, lựa chọn bạn hàng, lựa chọn phương thức giao dịch, đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp phải tự bỏ vốn để chi trả các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh và được hưởng toàn bộ phần lãi thu được cũng như phải tự chịu trách nhiệm nếu hoạt động đó thua lỗ.Khi nhập khẩu tự doanh thì doanh nghiệp được trích kim ngạch nhập khẩu, khi tiêu thụ hàng nhập khẩu doanh nghiệp phải chịu thuế doanh thu, thuế lợi tức. Thông thường, doanh nghiệp chỉ cần lập một hợp đồng nhập khẩu với nước ngoài, còn hợp đồng tiêu thụ hàng hoá trong nước thì sau khi hàng về sẽ lập.
3. Nhập khẩu uỷ thác :
Hoạt động ủy thác nhập khấu được quy định trong chương 4 của Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BCT năm 2017 hợp nhất nghị định hướng dẫn luật thương mại về hoạt động mua bán quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Hoạt động nhập khẩu uỷ thác là hoạt động nhập khẩu hình thành giữa một doanh nghiệp hoạt động trong nước có ngành hàng kinh doanh một số mặt hàng nhập khẩu nhưng không đủ điều kiện về khả năng tài chính, về đối tác kinh doanh… nên đã uỷ thác cho doanh nghiệp có chức năng trực tiếp giao dịch ngoại thương tiến hành nhập khẩu hàng hoá theo yêu cầu của mình. Bên nhận uỷ thác phải tiến hành đàm phán với nước ngoài để làm thủ tục nhập khẩu theo yêu cầu của bên uỷ thác và được hưởng một hoa hồng gọi là phí uỷ thác. Quan hệ giữa doanh nghiệp uỷ thác và doanh nghiệp nhận uỷ thác được quy định đầy đủ trong hợp đồng uỷ thác.
Nhập khẩu uỷ thác có đặc điểm: trong hoạt động nhập khẩu này, doanh nghiệp Xuất nhập khẩu (nhận uỷ thác) không phải bỏ vốn, không phải xin hạn ngạch (nếu có), không phải nghiên cứu thị trường tiêu thụ vì không phải tiêu thụ hàng nhập mà chỉ đứng ra đại diện cho bên uỷ thác để giao dịch với bạn hàng nước ngoài, ký hợp đồng và làm thủ tục nhập hàng cũng như thay mặt cho bên uỷ thác khiếu nại đòi bồi thường với nước ngoài khi có tổn thất.
Khi tiến hành nhập khẩu uỷ thác thì đại diện của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ được tính kim ngạch xuất nhập khẩu chứ không được tính doanh số, không chịu thuế doanh thu. Khi nhận uỷ thác, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu này (nhận uỷ thác) phải lập hai hợp đồng: Một hợp đồng mua bán hàng hoá với nước ngoài. Một hợp đồng nhận uỷ thác với bên uỷ thác.
4. Tạm nhập tái xuất :
Tạm nhập tái xuất là hình thức mà thương nhân Việt Nam nhập khẩu tạm thời hàng hóa vào Việt Nam, nhưng sau đó lại xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam sang một nước khác. Hình thức này là tiến hành nhập khẩu hàng hóa nhưng không để tiêu thụ trong nước mà để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm thu lợi nhuận. Giao dịch này bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu với mục đích thu lại lượng ngoại tệ lớn hơn số vốn ban đầu đã bỏ ra. Khi tiến hành tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp cần tiến hành đồng thời hai hợp đồng riêng biệt, gồm: hợp đồng mua hàng ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng ký với thương nhân nước nhập khẩu.
Lưu ý : có trường hợp gần giống như tạm nhập tái xuất, nhưng hàng hóa được chuyển thẳng từ nước bán hàng sang nước mua hàng, mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Đó gọi là hình thức chuyển khẩu.
5. Nhập khẩu liên doanh :
Đây là một hoạt động nhập khẩu hàng hoá trên cơ sở liên kết kỹ thuật một cách tự nguyện giữa các doanh nghiệp (trong đó có ít nhất một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp) nhằm phối hợp kỹ năng, kỹ thuật để cùng giao dịch và đề ra các chủ trương biện pháp có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động này phát triển theo hướng có lợi nhất cho cả hai bên, cùng chia lãi nếu lỗ thì cùng phải chịu.
Nhập khẩu liên doanh có đặc điểm: so với tự doanh thì các doanh nghiệp nhập khẩu liên doanh ít chịu rủi ro bởi mỗi doanh nghiệp liên doanh nhập khẩu chỉ phải góp một phần vốn nhất định, quyền hạn và trách nhiệm của các bên cũng tăng theo số vốn góp, việc phân chia chi phí, thuế doanh thu theo tỷ lệ vốn góp, lãi lỗ hai bên phân chia tuỳ theo thoả thuận dựa trên vốn góp cộng với phần trách nhiệm mà mỗi bên gánh vác.
Trong nhập khẩu liên doanh thì doanh nghiệp đứng ra nhận hàng sẽ được tính kim ngạch xuất nhập khẩu. Khi đưa hàng về tiêu thụ thì chỉ được tính doanh số trên số hàng tính theo tỷ lệ vốn góp và chịu thuế doanh thu trên doanh số đó.
Doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp tham gia liên doanh phải lập hai hợp đồng: Một hợp đồng mua hàng với nước ngoài. Một hợp đồng liên doanh với doanh nghiệp khác (không nhất thiết phải là doanh nghiệp Nhà nước).
6. Nhập khẩu gia công:
Hoạt động gia công được quy định tại chương 6 của Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BCT năm 2017 hợp nhất nghị định hướng dẫn luật thương mại về hoạt động mua bán quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Nhập khẩu gia công là hình thức nhập khẩu theo đó bên nhập khẩu( là bên nhận gia công) tiến hành nhập khẩu nguyên vật liệu từ phía người xuất khẩu(bên đặt gia công)về để tiến hành gia công theo những quy định trong hợp đồng ký kết giữa hai bên.
7. Những loại thuế doanh nghiệp có thể phải nộp khi nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam là?
– Thuế nhập khẩu: theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuê nhập khẩu năm 2016 thì đây là một trong những đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Cụ thể Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có quy định:
“Điều 2. Đối tượng chịu thuế
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu”.
Đồng thời, công ty nhập khẩu nguồn hàng hóa này về Việt Nam để bán lại, tiêu thụ cho các công ty khác để sản xuất, nên căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 thì công ty được xác định là người nộp thuế.
Có một số hàng hóa thuộc diện hàng hóa miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016. Nếu doanh nghiệp nhập hàng hóa nằm trong danh mục này thì cần kê khải và làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu.
– Thuế giá trị gia tăng: Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung bởi Luật thuế giá trị gia tăng năm 2013 thì thuế giá trị gia tăng được xác định là loại thuế được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Đối với loại thuế này thì căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì, đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) được xác định là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) trừ các đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013.
Cũng căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì người nộp thuế được xác định như sau:
“Điều 4. Người nộp thuế
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).”
Cũng như thuế nhập khẩu, pháp luật cũng quy định danh mục hàng hóa miễn thuế gtgt theo quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013. Nếu doanh nghiệp nhập hàng hóa nằm trong danh mục này thì cần kê khải và làm thủ tục miễn thuế GTGT.
– Lệ phí làm thủ tục hải quan. Theo quy định tại Điều 1, Khoản 1 Điều 3 và Biểu mức thu lệ phí trong lĩnh vực hải quan ban hành kèm theo Thông tư số 274/2016/TT- BTC của Bộ Tài Chính thì lệ phí làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu là 20.000 đồng/Tờ khai.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Lương Thị Lan – Bộ phận tư vấn pháp luật Thuế – Công ty luật Minh Khuê