Các dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ
Nữ giới cho rằng bệnh lý tim mạch đa số chỉ xảy ra ở nam giới và thực tế cho thấy đúng như vậy. Tuy nhiên, sự khác biệt sẽ xảy ra khi phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh vì các bệnh lý tim mạch lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở giai đoạn này. Vậy những dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ là gì?
Mục Lục
1. Tại sao nhồi máu cơ tim ít gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi?
2. Dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ là gì?
Tương tự những bệnh nhân tim mạch khác, những dấu hiệu của bệnh tim mạch ở nữ giới thường bao gồm:
2.1. Hồi hộp, đánh trống ngực
Hồi hộp, đánh trống ngực là triệu chứng xảy ra khi tim đập rất nhanh, khiến người bệnh khó chịu và đôi khi cảm thấy hụt hẫng ở ngực. Dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh này có thể gợi ý đến bệnh lý nhịp nhanh kịch phát trên thất do vòng vào lại tại nút nhĩ thất. Tuy nhiên, bệnh lý này hiện nay có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng biện pháp đốt có tần số radio.
Một nguyên nhân khác khiến phụ nữ mãn kinh hay hồi hộp đánh trống ngực là các cơn rung nhĩ. Việc nhận biết và chẩn đoán sớm rung nhĩ rất quan trọng, đặc biệt ở thời kỳ này, vì nó có thể dẫn đến tai biến mạch máu não hoặc nếu để kéo dài có thể dẫn đến suy tim. Các biện pháp điều trị rung nhĩ hiện nay bao gồm triệt đốt bằng sóng có tần số radio trên hệ thống lập bản đồ 3 chiều, dùng thuốc kiểm soát tần số co bóp tâm thất hoặc thuốc chuyển rung nhĩ về nhịp xoang.
2.2. Khó thở có thể là dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ
Dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ hay gặp tiếp theo chính là khó thở. Nếu cảm giác khó thở mỗi khi leo cầu thang hoặc gắng sức, chị em tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ vì đây có thể là triệu chứng của bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim hoặc rung nhĩ. Để xác định nguyên nhân khó thở có phải do bệnh tim hay không, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như đo điện tim hoặc siêu âm tim.
2.3. Cảm giác đè nặng ở ngực
Triệu chứng này là một trong những dấu hiệu của bệnh tim mạch, hay nói chính xác hơn là bệnh lý mạch vành. Nhiều người lầm tưởng khi bị nhồi máu cơ tim, cơn đau ngực sẽ diễn ra rất dữ dội hay đau như xé ngực. Thực tế nhiều người bệnh nhồi máu cơ tim chỉ có cảm giác đè nặng ở ngực, thậm chí mức độ rất nhẹ và không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến cuộc sống nhưng lại bị tái đi tái lại và mức độ tăng dần theo thời gian. Do đó, khi có dấu hiệu này, nữ giới giai đoạn mãn kinh nên sắp xếp đến khám bệnh càng sớm càng tốt ở các bệnh viện chuyên khoa tim mạch.
2.4. Đau đầu ở phụ nữ
Đau đầu là dấu hiệu rất hay gặp ở nữ giới tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan vì đau đầu có thể là triệu chứng của bệnh lý tăng huyết áp, một bệnh tim mạch rất phổ biến hiện nay. Đồng thời, dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ này cũng có thể là triệu chứng báo trước của tai biến mạch máu não.
2.5. Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng
Nguyên nhân dẫn đến những dấu hiệu này có thể bao gồm đái tháo đường, suy tim, rối loạn nhịp tim (như là rung nhĩ hoặc nhịp nhanh kịch phát trên thất).
2.6. Dấu hiệu đau hàm
Đau hàm thực tế là một trong những dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ cần được quan tâm. Đau hàm có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim, một bệnh lý cực nguy hiểm ở giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ. Đặc biệt, khả năng sẽ cao hơn khi tình trạng đau hàm tái đi tái lại nhiều lần mà không tim được nguyên nhân nào khác, đồng thời mức độ, thời gian và chu kỳ cơn đau sẽ càng ngày càng tăng.
2.7. Dấu hiệu bệnh tim là phù chân
Phụ nữ chưa bước vào thời kỳ tiền mãn kinh vẫn có thể bị phù chân nhẹ mỗi khi hành kinh và được xem là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, triệu chứng phù chân có thể do ứ đọng dịch bất thường với nguyên nhân suy tim ứ trệ. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng này, chị em tốt nhất hãy đến thăm khám và được chẩn đoán chính xác nguyên nhân tại các bệnh viện chuyên khoa tim mạch.
2.8. Khó nằm ở tư thế đầu bằng
Tình trạng này có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh tim mạch, cơ chế do dự ứ đọng dịch bất thường ở phổi và là triệu chứng đặc trưng của suy tim. Do đó, chị em thời kỳ tiền mãn kinh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi có triệu chứng này, từ đó tìm ra biện pháp can thiệp phù hợp.
3. Cần làm gì khi có các dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ
Khi có dấu hiệu bệnh tim, nữ giới nên lưu ý và thực hiện những điều sau:
- Đến bệnh viện càng sớm càng tốt: Phụ nữ có xu hướng hay chần chừ, thiếu quyết đoán hơn nam giới trong việc quyết định có nên đến gặp bác sĩ hay không. Tuy nhiên, phụ nữ tuyệt đối không được chủ quan hay nghĩ rằng các dấu hiệu bệnh tim này không nghiêm trọng hoặc sẽ nhanh chóng biến mất;
- Hạn chế hoặc không tự lái xe: Khi có các dấu hiệu bệnh tim ở phụ nữ, tốt nhất chị em không nên tự lái xe hay đến tự đến bệnh viện một mình. Thay vào đó hãy nhờ sự trợ giúp của người thân hoặc bạn bè để được hỗ trợ khi cần thiết;
- Duy trì cân nặng hợp lý: Cải thiện tình trạng thừa cân, đôi khi chỉ cần giảm một ít cân nặng đã có thể hỗ trợ kiểm soát tăng huyết áp, hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và rất tốt cho tim mạch;
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo và thịt nạc… Đồng thời hạn chế các chất béo bão hòa hoặc chuyển hóa, thức ăn nhiều đường và muối;
- Từ bỏ thuốc lá: Mặc dù tỷ lệ nữ giới hút thuốc là không cao nhưng chị em nên biết rằng chỉ 1 năm từ bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm đến 50% nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Do đó, chị em nào không hút thuốc lá thì tuyệt đối không bắt đầu thói quen này và tránh khói thuốc càng xa càng tốt;
- Tập thể dục: Nữ giới giai đoạn mãn kinh chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày là có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ;
- Kiểm soát căng thẳng: Tình trạng này làm cho động mạch co thắt lại, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt là bệnh mạch vành;
- Hạn chế rượu bia: Nếu đang sử dụng nhiều hơn 1 ly mỗi ngày, chị em hãy từ bỏ chúng;
- Tuân thủ kế hoạch điều trị: Phụ nữ thời kỳ mãn kinh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, bao gồm sử dụng các loại thuốc kiểm soát huyết áp, kháng đông máu và Aspirin. Đồng thời cần quản lý tốt các tình trạng sức khỏe khác như cholesterol máu cao và đái tháo đường.
Không phải tất cả các vấn đề về tim đều có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Một số triệu chứng bệnh tim thậm chí không xảy ra trong lồng ngực. Do đó, nếu nữ giới nằm trong nhóm những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim, cần phải chú ý đến tất cả các dấu hiệu không bình thường xảy ra trên cơ thể để thăm khám sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.