Các bị cáo trong vụ đa cấp Liên Kết Việt chối tội
Trong ngày thứ 2 phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Liên Kết Việt, đa số bị cáo đều tìm cách chối tội. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo tại tòa lại vô hình trung “tố” vai trò của nhau.
“Chiêu bài” giúp đại tá “dỏm” Lê Xuân Giang lừa đảo hơn 68.000 người
Chỉ tư vấn nhưng nhận lương 2,2 tỉ đồng/tháng
Chỉ đứng sau Lê Xuân Giang, đồng thời là Phó tổng giám đốc kinh doanh của Công ty CP Liên Kết Việt (Công ty Liên Kết Việt), tại tòa bị cáo Nguyễn Thị Thủy phủ nhận toàn bộ cáo buộc rằng với mỗi khách đăng ký mã hàng 7 triệu đồng thì bị cáo được 90.000 đồng, cộng với hoa hồng và các loại tiền thưởng khác, tổng cộng bị cáo chiếm hưởng 38 tỉ đồng trong 17 tháng, trung bình mỗi tháng nhận 2,2 tỉ đồng. Thủy khai là một trong những khách hàng đầu tiên, đến tháng 4.2014 được Giang thuê làm nhân viên tư vấn, nhiệm vụ là trả lời khách hàng dựa vào thông tin Giang cung cấp. Còn việc khách có mua hàng hay không là tự nguyện chứ bản thân không tác động, thuyết phục, không trực tiếp thu tiền.
Về số tiền được nhận, Thủy nói chỉ nhận theo chính sách của công ty và không liên quan đến các chương trình khuyến mãi . Tuy nhiên, phần xét hỏi các bị cáo khác đã thể hiện, lời khai của Thủy mâu thuẫn với 4 thành viên còn lại của nhóm phát triển thị trường là Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng. Cả 4 bị cáo này đều xác nhận trước khi làm việc cho Công ty Liên Kết Việt đều không quen biết Lê Xuân Giang mà được Thủy mời về làm việc từ giữa năm 2014 và do trực tiếp Thủy là trưởng nhóm, chỉ đạo cả ê kíp.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy trả lời thẩm vấn tại tòa
ẢNH: TRẦN CƯỜNG
Cụ thể, bị cáo Dung khai được Giang và Thủy phân công phụ trách thuyết trình, lôi kéo bị hại trên danh nghĩa “dạy kỹ năng mềm”, nhưng không tuyên truyền thông tin sai lệch nào về pháp nhân của công ty để lôi kéo bị hại mà chỉ giảng dạy mọi người cách “tin và yêu cuộc sống”. Trong 13 tháng làm việc, Dung khai được trả hơn 4 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng nhận hơn 300 triệu đồng. “1.285 ngày ngồi trong trại giam, tôi luôn ân hận”, Dung vừa khóc vừa nói, song kết lại lời khai vẫn cho rằng: “Tôi phạm tội khách quan, không biết Giang và Liên Kết Việt lừa đảo cho đến khi bị bắt”.
“Không rõ tại sao” nhận thu nhập “khủng”
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Xuân Trường chịu trách nhiệm đào tạo kỹ năng thuyết trình , chăm sóc phát triển hệ thống nhà phân phối, hưởng lợi 4 tỉ đồng trong 13 tháng. Tại tòa, Trường khai là đồng hương với Thủy, được bị cáo này rủ vào làm việc từ tháng 7.2015. Mỗi tuần, Trường thực hiện từ 3 đến 4 buổi thuyết trình trước 1.000 – 2.000 người. “Bị cáo rất hiểu về kinh doanh đa cấp nên chưa bao giờ nói với khách hàng là chỉ cần nộp tiền, không cần làm gì vẫn được hưởng hàng trăm triệu. Bị cáo còn khuyên khách hàng, chỗ nào kinh doanh đa cấp mà nói vậy phải cảnh giác, vì thế là lừa đảo”, Trường khai trước tòa. Nghe lời khai này, nhiều bị hại phía cuối phòng xét xử cười lớn.
HĐXX phân tích, việc Trường tuyên truyền thông tin không đúng, như BQP và doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, và cho trình chiếu các bằng khen của Thủ tướng giả là để lôi kéo bị hại nộp tiền, bản chất là lừa đảo. Tuy nhiên, Trường vẫn đáp lại: “Vấn đề không phải tôi nói hay, mà là nói đúng nên người ta nghe”.
Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Xuân Sáng chiếm hưởng 17 tỉ đồng trong 16 tháng, là người hỗ trợ bộ phận công nghệ , hỗ trợ khách hàng đăng nhập vào ID trên website, xây dựng phần mềm trả thưởng… Sáng cho biết với mỗi khách nộp tiền sẽ được Giang chia cho 40.000 đồng. Số tiền 17 tỉ đồng, Sáng khai do chính sách chi lợi nhuận kinh doanh và hoa hồng có sẵn, “không rõ tại sao”, và phủ nhận liên quan đến hành vi lừa đảo, do nội dung thuyết trình trong hội thảo và thông tin trên website công ty không do Sáng soạn thảo, chỉ đưa lên theo chỉ đạo của cấp trên.
Nhân viên Liên Kết Việt chở bị hại đi rút tiền tiết kiệm để “chơi” đa cấp
Trong ngày xét xử thứ 2, HĐXX cũng thẩm vấn một số bị hại. Hồ sơ vụ án thể hiện có khoảng 68.000 người tham gia vào hệ thống của Công ty Liên Kết Việt, nhưng mới xác định được 6.053 bị hại, chủ yếu là người cao tuổi, đã nộp hơn 580 tỉ đồng và nhận 193 tỉ đồng hoa hồng.
Trả lời HĐXX, một số bị hại nói được nhân viên Công ty Liên Kết Việt mời chào, thấy sản phẩm dùng được, lại được hoa hồng nên mua nhiều để được hưởng nhiều tiền hoa hồng. Nhiều người đã bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng tiền tiết kiệm, lương hưu, tiền con cháu cho để dưỡng già, rồi nộp vào Công ty Liên Kết Việt. Thậm chí, có bị hại khai được nhân viên Công ty Liên Kết Việt chở đến tận ngân hàng để rút tiền tiết kiệm “nướng” vào đa cấp.
Trả lời thẩm vấn đa số bị hại đều bày tỏ mong muốn được nhận lại số tiền đã nộp vào Công ty Liên Kết Việt.