Cả nước thiếu gần 88.500 giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông

Bậc mầm non có số lượng giáo viên nhiều nhất với 45.718 người, bậc tiểu học thiếu 20.062 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu 13.362 người và trung học phổ thông thiếu trên 9.000 nhà giáo.

 

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện cả nước vẫn đang thiếu gần 88.500 giáo viên nhưng đồng thời cũng đang thừa trên 16.000 nhà giáo. Đội ngũ giáo viên cũng cần được nâng chuẩn để đáp ứng yêu cầu mới của ngành giáo dục.

 

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước còn thiếu 88.449 giáo viên ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

 

Trong số đó, bậc mầm non có số lượng giáo viên nhiều nhất với 45.718 người, chiếm hơn một nửa. Tiếp đến là bậc tiểu học thiếu 20.062 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu 13.362 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu 9.307 giáo viên.

 

Thiếu số lượng giáo viên lớn nhưng ngành giáo dục cũng đang thừa trên 16.000 giáo viên; trong đó bậc trung học cơ sở thừa nhiều nhất với 8.480 giáo viên, bậc tiểu học thừa 6.788 giáo viên, trung học phổ thông thừa 1.048 giáo viên.

 Số lượng giáo viên thừa, thiếu ở các bậc học. Số lượng giáo viên thừa, thiếu ở các bậc học.

Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ theo địa phương và theo môn học là thực tế đã kéo dài trong nhiều năm do những bất cập trong tuyển dụng (tuyển dụng trên tổng biên chế, không trên môn học và theo trường), gây khó khăn trong đảm bảo cơ cấu môn học, đặc biệt là trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Nguyên nhân còn do công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên của nhiều địa phương chưa kịp thời  hoặc không hiệu quả, dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Một số địa phương thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ không đúng các quy định, đặc biệt là việc hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao đối với giáo viên.

 

Bên cạnh đó, việc một số địa phương thực hiện cứng nhắc chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ cũng ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên do số cán bộ, giáo viên chiếm trên một nửa tổng số công chức, biên chế của cả nước.

 Bậc mầm non đang thiếu giáo viên nhiều nhất. (Ảnh: PV) Bậc mầm non đang thiếu giáo viên nhiều nhất. (Ảnh: PV)

Để khắc phục vấn đề biên chế giao không đủ so với định mức quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế nhằm kịp thời tháo gỡ cho phép các cơ sở giáo dục được hợp đồng lao động đối với giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Nghị quyết tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc hợp đồng, bố trí giáo viên dạy những môn học mới như ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật,… trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học phổ thông.

 

Trước thực trạng thiếu giáo viên, Cục Nhà giáo cũng đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục việc bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sau 6 năm dừng triển khai.

 

Nâng chuẩn cho giáo viên

 

Không chỉ thiếu về số lượng, chuẩn chất lượng giáo viên cũng đang cần được nâng lên để đáp ứng yêu cầu mới. Năm 2019, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên được nâng lên. Đối với giáo viên mầm non, chuẩn được nâng từ trình độ trung cấp lên cao đẳng. Đối với giáo viên tiểu học và trung học phổ thông, chuẩn trình độ nâng từ cao đẳng lên đại học.

 

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy áp dụng theo Luật Giáo dục sửa đổi, năm học 2019-2020, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn của bậc tiểu học chỉ là 64,6%, bậc mầm non la 74,1%, trung học cơ sở  là 79,2%. Bậc trung học phổ thông có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao nhất với 98,9%.

 Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học năm học 2019-2020. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học năm học 2019-2020.

Để đáp ứng yêu cầu mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo yêu cầu rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên. Trên cơ sở nhu cầu của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các sở giáo dục và đào tạo lên kế hoạch bồi dưỡng và tạo điều kiện cho các nhà giáo học tập nâng chuẩn.

 

Bộ cũng đã trình Chính phủ phê duyệt đề án về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và phối hợp với các địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình. Phương thức tập huấn, bồi dưỡng kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp, trong đó tăng cường bồi dưỡng qua mạng.

 

Thực hiện đề án này, Bộ đã tổ chức xây dựng tài liệu, học liệu và tập huấn cho giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường sư phạm, cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và cho đội ngũ các tổ trưởng chuyên môn. Tính đến tháng 5/2020, Bộ đã bồi dưỡng cho khoảng 200 báo cáo viên nguồn để phát triển tài liệu; 800 giảng viên sư phạm chủ chốt; 1.028 cán bộ quản lý cấp sở, phòng giáo dục và đào tạo; 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; 15.500 tổ trưởng chuyên môn; 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc bồi dưỡng giáo viên phải được thực hiện liên tục và phải được chuyển thành quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp./.

 

Theo Phạm Mai (Vietnam+)