Business Laptop là gì? Có gì đặc biệt? Nên mua hay không?

Có thể bạn đã nghe qua những khái niệm như laptop doanh nghiệp, Business Laptop…, nhưng chúng có gì đặc biệt, có gì khác so với những dòng laptop thông thường?

Trước tiên, phần lớn tất cả các nhà sản xuất laptop thường chia ra làm hai mảng Business (doanh nghiệp) và Consumer (sản phẩm tiêu dùng). Trong những sản phẩm Consumer thì được chia làm laptop gaming, laptop văn phòng, thời trang, mỏng nhẹ… Còn dòng Business Laptop thì thường hướng vào hai đối tượng chính: Văn phòng và máy trạm.

Vậy Business Laptop là gì? 

Business Laptop là dòng laptop được thiết kế tối ưu cho công việc, chúng không sinh ra để giải trí. Trong Business Laptop, người ta cũng thường chia làm hai phân khúc cơ bản gồm SMB (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và professional business dành cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam, do những dòng professional business thường có giá khá cao, nên nhiều khi còn được gọi là laptop doanh nhân.

Laptop doanh nghiệp thường được thiết kế với độ bền cao, thời lượng pin dài, tập trung vào sự đơn giản, dễ sử dụng, nhiều cổng kết nối chứ không chạy theo trend, không màu mè, cũng không cắt giảm hết các kết nối để làm mỏng nhẹ hơn.

Business Laptop có gì đặc biệt?

Nếu như người dùng cá nhân thông thường chỉ cần một chiếc laptop cấu hình đủ mạnh, thiết kế đẹp, mỏng nhẹ, có thể sử dụng được vài năm rồi có thể đổi máy mới để bắt kịp xu hướng thì laptop doanh nghiệp khác hoàn toàn. Người dùng doanh nghiệp cần sự ổn định, bền bỉ, có thể hoạt động liên tục và linh hoạt ở nhiều điều kiện, môi trường.

Chính vì vậy mà những dòng laptop doanh nghiệp thường đạt độ bền chuẩn quân đội Mỹ với nhiều bài test từ thả rơi, độ ẩm cao, nhiệt độ cao, bức xạ, rung lắc… Nhiều dòng laptop còn có bàn phím chống tràn để bảo vệ máy an toàn nếu không may đổ nước lên. Đồng thời, laptop doanh nghiệp cũng tập trung vào trải nghiệm và sự tiện lợi, thế nên thường có đầy đủ cổng kết nối, bàn phím cho cảm giác gõ tốt, màn hình dịu mắt dễ chịu khi sử dụng lâu, thời lượng pin dài… 

Ngoài ra, đa phần laptop doanh nghiệp còn có khả năng nâng cấp ví dụ như nâng cấp RAM, nâng cấp lưu trữ… Cũng vì thế mà đa số Business Laptop thường dày và nặng hơn các dòng laptop phổ thông. Tất nhiên là vẫn có ngoại lệ, những dòng laptop doanh nghiệp cao cấp, ở Việt Nam còn hay gọi là laptop doanh nhân như ThinkPad X1 Carbon, HP EliteBook x360 1030/1040 vẫn có thiết kế mỏng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo độ bền và được trang bị nhiều cổng kết nối, tuy nhiên không nâng cấp RAM được.

Bên cạnh những yếu tố về độ bền, trải nghiệm thì laptop doanh nghiệp cũng cần đảm bảo khả năng bảo mật và các giải pháp quản lý CNTT. Hầu hết các dòng laptop doanh nghiệp đều có tùy chọn nền tảng Intel vPro cũng như được cài sẵn hệ điều hành Windows 10 Pro, các nền tảng này sẽ hỗ trợ các công nghệ, tính năng giúp cho bộ phận CNTT của công ty dễ dàng theo dõi, quản lý, thậm chí là sao lưu dữ liệu hay xóa dữ liệu từ xa của tất cả các thiết bị trong hệ thống. 

Các nhà sản xuất laptop cũng tích hợp nhiều công nghệ bảo mật cũng như xác thực danh tính cho những sản phẩm Business Laptop. Cơ bản nhất là xác thực vân tay, khuôn mặt. Hơn nữa là xác thực bằng Smart Card, tuy nhiên giải pháp này không phổ biến tại Việt Nam. Bên trong thường có chip bảo mật TPM mã hóa phần cứng, mỗi nhà sản xuất khác nhau lại trang bị thêm nhiều phần cứng cũng như phần mềm bảo mật.

Người dùng cá nhân có nên mua laptop doanh nghiệp

Nghe qua thì có vẻ như Business Laptop khá là lý tưởng, nhưng không phải ai cũng phù hợp. Đầu tiên là về mức giá, cùng cấu hình thì Business Laptop thường mắc hơn so với laptop tiêu dùng thông thường, tuy nhiên không phải tính năng nào cũng hữu ích cho tất cả mọi người, ví dụ như Smart Card hay Intel vPro.

Bên cạnh đó, thiết kế của những dòng laptop doanh nghiệp thường không bắt mắt, không chạy theo xu thế. Ví dụ như HP Envy 13, Dell XPS dù đẹp, mắc tiền nhưng không phải Business Laptop, còn HP EliteBook hay Dell Latitude là dòng Business Laptop đắt tiền nhưng lại không đẹp.

Vì vậy tùy thuộc vào bạn thích gì, nếu thích đẹp, giá rẻ, cấu hình cao và độ ổn định, bền bỉ, an toàn dữ liệu không thực sự quá quan trọng thì laptop tiêu dùng đa dạng mẫu mã, chủng loại, ngoại hình cho bạn lựa chọn hơn. Còn nếu thích một chiếc laptop ổn định, bền bỉ, độ tin cậy cao và đặc biệt trải nghiệm tốt từ màn hình, bàn phím cho đến thời lượng pin và không quá quan trọng vấn đề thiết kế thời trang, hợp xu hướng thì Business Laptop thực sự đáng để đầu tư.

Những dòng Business Laptop được biết đến nhiều trên thị trường người dùng có thể tham khảo như HP ProBook, HP EliteBook, Dell Latitude, Lenovo ThinkPad dòng T và dòng X cao cấp, Toshiba Portege, Panasonic Toughbook… Ngoài ra những dòng laptop workstation như HP ZBook, Dell Precision… cũng được xếp vào phân khúc Business Laptop và cũng thường đảm bảo các tiêu chí độ bền bỉ, ổn định, bảo mật nhưng hiệu năng cao hơn nhờ trang bị CPU mạnh mẽ cùng card rời Quadro chuyên dụng.