Bưởi Đỏ “xứ Mường” khoe sắc chào đón Tết Nguyên Đán 2020
Moitruong.net.vn
– Những ngày đầu tháng chạp, tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình rộn ràng cảnh người bán, kẻ mua bưởi đỏ để phục vụ cho dịp tết Canh Tý 2020.
Trong quan niệm của người Việt từ xưa tới nay Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, quả bưởi được tượng trưng cho Hành – Thổ, là trung tâm của vạn vật. Biểu tượng của sự đầy đủ, sung túc. Vì thế trong mâm ngũ quả ngày tết quả bưởi được đặt trang trọng, chính giữa trong mâm ngũ quả.
Bưởi Đỏ có nguồn gốc nhiệt đới và á nhiệt đới. Cây bưởi có thể sống và phát triển được trong khoảng nhiệt độ 13-38oC, nhiệt độ thích hợp nhất từ 23-29oC. Giống bưởi Đỏ có nguồn gốc từ xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, được đưa về trồng đầu tiên tại gia đình ông Trần Văn Hùng, xóm Tân Hương 1 – xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc từ năm 2004. Bưởi Đỏ có quả hình tròn, vỏ màu vàng, khi chín chuyển sang màu hồng. Phần cùi khi chín có màu đỏ, khối lượng trung bình từ 700 – 800 gram. Tỷ lệ phần ăn được từ 55 – 60%, múi và vách núi dễ tách rời nhau. Thịt quả có màu đỏ hồng, mọng nước, ăn giòn, ngọt không he đắng. Mật độ trồng khoảng 400 – 500 cây/ha, sau thời gian kiến thiết cơ bản từ 3 – 4 năm cây bắt đầu bói quả. Từ năm thứ 7 cây sẽ cho quả ổn định, năng suất bình quân 250 – 300 quả/cây, giá bán dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/quả, hiệu quả kinh tế đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Người dân tấp nập thu hoạch bưởi đỏ để phục vụ thị trường tết Nguyên Đán Canh Tý
Bưởi đỏ còn được gọi là bưởi “xứ Mường” bởi bưởi này tập trung chủ yếu ở xã Thanh Hối, nơi đây tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường định cư sinh sống. Giống bưởi đỏ “xứ Mường” cho nhiều quả và mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều người dân nơi đây giàu lên nhanh chóng. Đặc biệt ở xã Thanh Hối của huyện Tân Lạc, trình độ thâm canh bưởi đỏ Tân Lạc của các lão nông nơi đây khiến nhiều nơi khác phải “ghen” tị. Mỗi cây bưởi cho thu từ 400-600 quả không còn là chuyện lạ, thậm chí có những cây bưởi cho thu cả nghìn quả.
Những ngày này khi đi qua xã Thanh Hối, điều dễ dàng nhận ra là cảnh mua bán tập nập bưởi đỏ để dự trữ phục vụ cho dịp tết Nguyên Đán. Khi đi vào làng, ở 2 bên vệ đường là những gian hàng trưng bày bưởi làm rợp vàng những con đường.
Trò chuyện với phóng viên Môi trường và Cuộc sống, chị Nguyễn Thị Hánh, một người trồng bưởi ở thôn Tân Hương cho biết: “Tôi bắt đầu trồng bưởi từ năm 2008, tính đến bây giờ cũng đã hơn 10 năm rồi. Giống bưởi này, trồng tầm khoảng 3 năm thì cây bắt đầu cho quả. Để có một quả bưởi ngon đến tay khách hàng thì phải trồng theo tiêu chuẩn Việt Gap nên quả bưởi có chất lượng và an toàn. Bưởi của nhà tôi thì lúc nào cũng ngọt, thơm. Nhà tôi nhiều lúc thương lái đến mua nhưng không có bưởi mà bán.”
“Năm nay số lượng bưởi không có nhiều như các năm trước, song chất lượng vẫn rất ngon, ngọt. Đặc biệt có nhiều cây bưởi có đến 600 quả nhưng đến thời điểm hiện tại khách đặt hàng đông quá tôi không còn bưởi để bán nữa. Từ đầu tháng Chạp đến giờ ngày nào tôi cũng tiếp vài chục cuộc điện thoại và nhiều đoàn khách đến tham quan, đặt mua bưởi song phần lớn số khách trên đều phải ra về không vì tôi không còn bưởi để bán” – Chị Hánh cho biết thêm.
Người dân cắt bưởi để dự trữ phục vụ tết Nguyên Đán 2020
Chị Bùi Thị Kích một người trồng bưởi lâu năm chia sẻ: “Mỗi năm vườn bưởi của tôi cho thu nhập tầm 500 triệu, tuy nhiên năm nay bưởi mất mùa nên nó cũng kém hơn. Mỗi cây bưởi có thể cho ra tầm 300 – 400 quả. Nếu cây trên 10 năm tuổi, vào những năm sai quả có thể cho ra đến 600 quả/cây. Theo người dân ở đây để chọn được một quả bưởi ngon thì vỏ phải mỏng mịn, quả phải tròn đều, núm quả phải lún xuống”
Thời gian thu hoạch bưởi Đỏ bắt đầu từ giữa tháng 11 hằng năm. Độ chín thích hợp để thu hái căn cứ vào một số tiêu chí như: Sự biến đổi màu sắc quả khoảng trên 50%, hàm lượng trong quả trên 50% trọng lượng quả… Khi thu hái quả phải dùng kéo cắt cuống quả, không được làm xây xát vỏ, gãy cành, rụng lá, quả để nơi thoáng mát phân loại chờ vận chuyển đến nơi bảo quản và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Thao – Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hối cho biết: “ Hiện nay, diện tích trồng bưởi trong xã khoảng gần 150 héc ta, mỗi năm có khoảng 7 héc ta diện tích bưởi được trồng mới. Hiện nay xã Thanh Hối có 12 xóm, tuy nhiên chỉ có vài xóm trồng chủ lực về bưởi như: Tân Hương, Tân Tiến, Xóm Đông… Bình quân một héc ta bưởi sẽ cho thu hoạch khoảng 700 – 900 triệu. Ở thời điểm hiện tại mỗi quả bưởi đỏ có giá hơn 20/quả tại vườn. Thanh Hối chiếm khoảng 1/5 diện tích bưởi của toàn huyện Tân Lạc. Hiện tại bưởi đỏ đang là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương, tại vì theo như các nhà vườn mỗi quả bưởi có giá khoảng 20 ngàn mà mỗi cây cho khoảng 300 quả nên bưởi mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hiện tại xã đang kết nối với các công ty để đưa quả bưởi đỏ đi đến thị trường cả nước.”
Hiện nay bưởi Đỏ là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng ngon, chín muộn vào trung tuần tháng 11 hàng năm và thật sự trở thành một loại hoa quả đặc biệt mà ai cũng muốn thưởng thức, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân làm vườn.
Đức Hiếu