Bước thay đổi ngoạn mục về nữ quyền – Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Hơn 1 thế kỷ qua đi, kể từ ngày 8/3/1910, thế giới chứng kiến những bước thay đổi ngoạn mục về nữ quyền. Phụ nữ giờ đây đã tiến công vào cả những lĩnh vực vốn là lãnh địa của đàn ông như làm bộ trưởng quốc phòng, điều kiển tàu vũ trụ, thậm chí là đứng trên đỉnh cao quyền lực “nói một tiếng triệu người nghe”.
Cách mạng nữ quyền
Trở lại lịch sử, đã có một thời gian dài phụ nữu chấp nhận quan niệm giá trị lấy đàn ông làm trung tâm, tự nguyện vứt bỏ mọi quyền lợi, không thể và cũng không muốn tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội bên ngoài. Ngay cả hôn nhân, họ cũng không được làm chủ và đương nhiên là không có quyền sở hữu tài sản, không có cơ hội được huấn luyện chuyên nghiệp. Trong trường hợp được đặc cách giáo dục, đó cũng là nhằm chuẩn bị hành trang để làm tốt vai trò của người phụ nữ.
Vào giữa thế kỉ 19, quan điểm thiên chức chủa phụ nữ là thuộc về gia đình đã bị thách thức. Khi đó, nhà tư tưởng theo chủ nghĩa tự do John Stuart Mill đã tấn công trực diện vào quan niệm giá trị lấy đàn ông làm trung tâm. Trong cuốn “Áp bức của phụ nữ” năm 1869, Mill thừa nhận phụ nữ cũng là “người trưởng thành” (mature adults)và được hưởng quyền tự do, bình đẳng giống như nam giới. Dẫu vậy, phải đợi tới khi phong trào nữ quyền trở nên rầm rộ và Hội đồng Phụ nữ Quocó tế (ICW) được thành lập vào năm 1888, số phận của phụ nữ mới có được bước đột phá và có lẽ xuất phát điểm chính là giáo dục.
Thực tế cho thấy, trong quá trình tri nhận thế giới thông qua giáo dục, phụ nữ không hề tỏ ra kém cạnh so với đàn ông trí lực của 2 giới không tồn tại khác biệt. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực mang tính chuyên nghiệp, phụ nữ còn biểu hiện xuất sắc hơn cả đàn ông. Ngay từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều công xưởng vũ khó ở Anh, Pháp đã chiêu mộ một lượng lớn lao động nữ để thay thế đàn ông đang xông pha ngoài chiến trường. Quan niệm phụ nữ và đàn ông khác biệt từ khi sinh ra đã bị phá vỡ.
Vươn lên mạnh mẽ
Cùng với sự tiến bộ của xã hội, vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao, qua đó, thế giới cũng sẽ nhận được “hậu đãi”. Một số nghiên cứu cho thấy ở Ấn Độ, chỉ cần đưa tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ về mức ngang bằng với nam giới thì có thể tạo ra mức tăng trưởng tương đương 9% GDP của Nhật Bản hoặc 10% GDP của cả châu Phi và tới năm 2020, Ấn Độ sẽ thay đổi toàn diện, không còn là một đất nước đang phát triển như hôm nay. Trên bình diện thế giới, phụ nữ đang kiểm soát 75% lượng tiêu dùng toàn cầu, là khách hàng của 50% số xe hơi và máy tính bán ra. Điều đó có nghĩa nói tới vai trò của phụ nữ là đề cập tới sức mua của thị trường, một vấn đề tối quan trọng đối với sự tồn tại cảu doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ cũng trỗi dậy mạnh mẽ. Tại đất nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, lần đầu tiên người ta thấy Bộ Chính trị nước này có tới 2 gương mặt nữ là nà Lưu Diên Đông và bà Tôn Xuân Lan. Ở “đầu tàu” kinh tế thế giới, Mỹ, phụ nữ đã xây dựng được thế trận mạnh mẽ nhất từ trước tới nay tại Quốc hội. Với 9 ghế liên nhiệm và 11 ghế trúng cử mới, lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có tới 20 gương mặt nữ, chiếm tới 20%, tăng 10 lần so với cách đây 20 năm. Tại hạ viện, kỉ lục 73 ghế Nghị sĩ thuộc phái yếu trước đây cũng bị phá khi có thêm 18 nữ ứng cử viên giành chiến thắng trong bầu cử. Cộng thêm 59 nữ Nghị sĩ tái đắc cử, tổng số Nghị sĩ là nữ ở Hạ viện Mỹ hiện nay là 77 người, chiếm hơn 17,7%.
Ngoài hai đất nước trên, người ta còn thấy phụ nữ xuất hiện ở cương vị cao hơn như Tổng thống hay Thủ tướng. Trong đó có thể kể tới Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Brasil Dilma Rousseff, Tổng thống Malawi Joyce Ban da, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shi-nawatra, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt… Không chỉ có vậy, phụ nữ còn tấn công cả lãnh địa của nam giới. Chủ tịch tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin lớn nhất Mỹ hiện nay là bà Marilly Hewson. Lần đầu tiên hãng máy tính lừng danh IMB có nữ Chủ tịch, đó là bà Ginni Rometty…
Tất cả những gì nêu trên cho thấy, sau khi thoát ra khỏi cái bóng của đàn ông, phụ nữ đã vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, thế giới không phải đã hết rào cản đối với phụ nữ. Tại một số quốc gia như Quatar, Arập Xêút… phụ nữ vẫn vắng bóng trong nhiều lõnh vực, bao gồm chính trị. Bên cạnh đó, ngay cả khi tư tưởng đã được cởi trói, nhưng không phải là biến thành hành động thực tế ngay. Lo ngại chuyện thai sản, một số ông chủ doanh nghiệp rất ngại tuyển dụng lao động nữ. Vì thế cơ hội độc lập kinh tế của phụ nữ cũng giảm đi và câu chuyện bảo vệ nữ quyền vẫn cần phải thúc đẩy. Thay đổi đã xảy ra, nhưng thành quả rất cần được bảo vệ, phát triển và thế giới cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữ để biến tuyên bố “bình đẳng giới” trở thành hiện thực.
Chủ đề của Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “Một lời hứa chỉ là một lời hứa. Đến lúc hành động để chấm dứt bạo lực chống lại phụ nữ”. Chủ đề này được Liên hợp quốc lựa chọn nhằm định hướng các hoạt động trong năm 2013 tập trung vào việc đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, chống lại phụ nữ.