Brexit – thách thức và thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình hội nhập
(HNMO) – Ngày 3-8, tại TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức hội thảo “Brexit và Cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập”, qua đó, nhằm tạo diễn đàn chia sẻ các quan điểm khoa học về hội nhập quốc tế và thảo luận các giải pháp góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước.
Theo đó, Brexit: được ghép từ hai từ “Britain” (nước Anh) và exit (thoát ra). Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, những người đi bỏ phiếu sẽ có hai lựa chọn: Nước Anh nên “rời khỏi Liên minh châu Âu EU” hay “ở lại và vẫn là thành viên của tổ chức này”.
Brexit có thể làm cho các thành viên ASEAN có sự dịch chuyển lao động có tay nghề cao giữa các nước trong khối. Do đó có 2 hệ quả, một là, nếu môi trường làm việc không thuận lợi, một số lao động có tay nghề cao sẽ sang các nước khác trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) làm việc, gây ra hiện tượng chảy máu chất xám; hai là, nếu nguồn nhân lực của Việt Nam không đủ, chất lượng không cao, không đáp ứng yêu cầu phát triển, lao động có tay nghề cao từ AEC sẽ sang làm việc tại Việt Nam và đẩy lao động trong nước ra nước ngoài.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), và là cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán TPP, đã nêu ra quan điểm trên khi nói về sự tác động của Brexit đến quá trình liên kết ASEAN. Tham gia hội thảo, ngoài các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước còn có sự tham dự, phát biểu tham luận của các giáo sư từ Trường ĐH RMIT (Úc) và Viện công nghệ Á Châu (AIT, Thái Lan).
Tại hội thảo, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho hay, với việc Việt Nam tham gia vào AEC đầu năm 2016 là một bước tiến quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của nước ta. Tuy nhiên, đứng trước cánh cửa hội nhập AEC, ngoài những cơ hội sẽ đan xen không ít thách thức. “Nếu biết tận dụng tốt cơ hội từ AEC thì kinh tế Việt Nam có thể bứt phá ngoại mục, khẳng định vị thế nền kinh tế lớn trong khu vực và vươn ra thế giới. Nếu không, cơ hội sẽ trở thành thách thức. Và từ thách thức trong khu vực sẽ buộc chúng ta phải thay đổi, phải vượt lên chính mình lẫn đối thủ cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội”, tiến sĩ Ánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã phân tích, bàn luận về nguyên nhân và tác động của sự kiện 52% người dân nước Anh bỏ phiếu đồng ý tách khỏi Cộng đồng kinh tế Châu Âu và tác động của sự kiện này đến nền kinh tế Việt Nam và tiến trình liên kết của ASEAN.
Theo các chuyên gia kinh tế, với Việt Nam, bài học mà Brexit mang đến là sự thận trọng trong việc lựa chọn đường hướng phát triển quốc gia trên cơ sở cân nhắc tính hợp lý giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế. Đặc biệt, cần chú ý đến tăng cường nhận thức của người dân về vai trò, vị thế của quốc gia trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa gắn liền với chủ nghĩa khu vực.
Cũng theo các đại biểu, thực tế, các quốc gia không thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà luôn cần tìm kiếm lợi ích riêng trong lợi ích chung. Với thế và lực của mình, Việt Nam có thể hướng đến vị thế của một cường quốc tầm trung trong khu vực thông qua việc tích cực đóng góp vào quá trình hội nhập và phát triển của ASEAN.
Từ đó, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, trước mắt, Việt Nam cần phát huy vai trò tiên phong trong việc đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến khu vực, giữ vai trò điều hòa quan hệ quốc tế tại khu vực với tư cách là một thành viên năng động, tích cực và chủ động.
Để làm được điều đó, cần xây dựng và phát triển một nguồn nhân lực chất lượng cao và chủ động trong hội nhập quốc tế, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, Điều này cũng vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm nặng nề của các trường đại học Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế.