Brexit: Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi lên ngôi?
Kết quả trưng cầu dân ý mới đây tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (trong bài này gọi tắt là Anh) cho thấy đa số người dân nước này quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). TS Bùi Hải Đăng, chuyên gia nghiên cứu châu Âu, Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định việc Anh rời khỏi EU (phong trào Brexit) sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho khối này.
Sự giằng co nội bộ nước Anh
. Phóng viên: Sau khi trưng cầu dân ý Anh đã quyết định rút khỏi EU. Theo ông, đâu là nguyên nhân đáng chú ý của “cuộc chia tay” rất có thể sẽ sớm diễn ra vào thời gian tới?
+ TS Bùi Hải Đăng: Nguyên nhân người Anh muốn rút khỏi EU đã được đưa ra từ sớm và có nhiều nhưng trực tiếp nhất vẫn là việc người ta lo sợ về tình trạng dân nhập cư vào EU, tình hình kinh tế khó khăn, nợ công ở một số nước thành viên. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như Anh là một thành viên đặc biệt của EU không phải vì vai trò và vị trí của Anh trong EU mà vì luôn được ưu ái từ khi đàm phán gia nhập cho đến hiện nay. Cụ thể là Anh không tham gia vào liên minh tiền tệ (không sử dụng đồng tiền chung euro), không tham gia vào Hiệp ước Schengen. Điều 50 Hiệp ước thành lập EU (TEU) cho phép các nước thành viên có thể rút nếu thông báo chính thức và tiến hành thương thảo một thỏa thuận rút lui. Tôi nghĩ ít nhất cũng phải mất hai năm để Anh chính thức không còn là thành viên EU.
. Tỉ lệ chọn rời khỏi EU và ở lại EU tương ứng là 51,9% và 48,1%. Trong đó khu vực Scotland, Bắc Ireland, London và cận London không muốn rời EU. Nhưng lợi thế này đã mất đi do tỉ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía Bắc Anh. Tại sao lại có sự chênh lệch mong muốn giữa các vùng này?
+ Tỉ lệ 51,9% và 48,1% cho thấy không hẳn đại đa số người Anh muốn rời EU và sự phân chia tỉ lệ phiếu theo vùng cho thấy sự giằng co tương đối lớn trong nội bộ dân chúng của Anh. Theo tôi, có lẽ nguyên nhân nằm ở sự khác biệt trong nhận thức và vấn đề về cân đối thông tin và truyền thông giữa các vùng, khu vực của Anh. Có quá nhiều người đã hoảng sợ, một nỗi sợ có cơ sở (sau các vụ khủng bố, bê bối tấn công tình dục, suy giảm kinh tế do gánh nặng phúc lợi xã hội… liên quan đến người nhập cư xảy ra ở châu Âu) nhưng cũng có phần thiếu cân nhắc, thiếu tỉnh táo về lợi ích thật sự (biểu hiện là những nơi như Scotland, Bắc Ireland, London và cận London vẫn tin vào EU). Thế nên sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, không ít những người bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã bày tỏ sự tiếc nuối và hối hận vì nhận thấy những tác động tức thì như sự chao đảo của thị trường chứng khoán, đồng bảng Anh rớt giá một cách kinh khủng chưa từng có kể từ năm 1985; không ít người thuộc giới trẻ bày tỏ thái độ khó chịu khi mà các bậc cha mẹ, chú bác và anh chị của mình đã tước đi quyền tự do đi lại và sinh sống trên 27 quốc gia của họ. Thậm chí họ nêu khẩu hiệu “các bậc tiền bối cướp đi tương lai của chúng tôi”.
Đức trước đây tuyên bố sẵn sàng để Anh rời EU chứ không thỏa hiệp về nguyên tắc người lao động được phép tự do đi lại trong khối này. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: AFP
“Nhà chung” là hình thức, bản chất là “hợp đồng”
. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Anh với khối EU về giải quyết các khó khăn của EU thời gian qua, điển hình là bốn vấn đề: Nợ công, suy giảm kinh tế, khủng bố và nhập cư?
+ Anh là nền kinh tế gần như lớn thứ hai trong EU sau Đức nên vai trò của Anh trong thời gian cùng với các quốc gia khác trong việc giải quyết những khó khăn của vấn đề nợ công và suy giảm kinh tế trong thời gian về lý thuyết là quan trọng. Thế nhưng dù là một đối tác kinh tế rất lớn của EU nhưng cũng chính nước Anh lại biểu hiện là một mắt xích yếu trong gắn kết kinh tế với EU khi nước này không tham gia vào liên minh tiền tệ. Đồng thời vai trò của Anh trong các vấn đề về khủng bố và nhập cư thực chất cũng không nhiều bởi Anh không tham gia Hiệp ước Schengen.
. Còn vai trò của Anh trong khối EU về mặt bản sắc EU thì ở mức độ nào, thưa ông?
+ Từ góc độ nỗ lực xây dựng một bản sắc chung, việc Anh rút khỏi EU ít nhiều cũng tiếc nuối, tác động không tốt và không hề nhỏ đến dự án xây dựng một ngôi nhà chung châu Âu. EU có những khát khao cho nền hòa bình vĩnh cửu của khu vực này trên cơ sở của một cơ chế “siêu quốc gia” không có sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, xóa bỏ triệt để mọi xung đột. Nhưng nhìn lại, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của EU, Anh vẫn là một thành viên đặc biệt giữ cho mình những nét riêng; hay nói một cách khác Anh vẫn chưa hoàn toàn hội nhập vào cộng đồng khu vực này ở nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị, văn hóa hay ngay cả địa lý vẫn là một khoảng cách không hề nhỏ.
Tôi nghĩ Anh không phải là một trong sáu thành viên sáng lập nên nước này cũng chỉ chia sẻ có mức độ về lý tưởng, lợi ích chung của EU. Đối với Anh, việc tham dự vào EU như là một hình thức ký kết “hợp đồng kinh tế” (không phải là một thị trường chung duy nhất) nên khi người Anh cảm thấy lợi ích không còn hoặc bị đe dọa thì việc “thoát” là bình thường. Theo tôi, việc kết nạp Anh và vai trò của Anh trong EU nặng về chính trị, về những toan tính chính trị của giới lãnh đạo EU, trước đây là EC.
Tấn công “niềm tin EU”
. Việc Anh rời EU ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc chính trị, bản sắc và việc giải quyết các khó khăn của EU trong thời gian tới đây?
+ Tôi vẫn cho rằng Anh rời EU không ảnh hưởng thật sự nghiêm trọng đến việc giải quyết những khó khăn hiện tại hay vấn đề của bản sắc châu Âu nhưng có lẽ ảnh hưởng lớn đến những vấn đề chính trị và kinh tế xuất phát từ những hệ lụy khi Anh chính thức rút khỏi EU.
Thứ nhất, đây là một tiền lệ xấu ít nhiều đang chứng minh cho sự đúng đắn của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế (lợi ích quốc gia, quyền lực quốc gia là trên hết; không tin có sự hợp tác nào là vĩnh viễn – PV). Trong khi EU tin vào chủ nghĩa tự do, đề cao hợp tác mang về lợi ích chung kể từ khi sáu nước Tây Âu ủy thác một phần chủ quyền của mình, lờ đi những nhà hiện thực, cùng bắt tay xây dựng cộng đồng than thép châu Âu từ năm 1951 thì nay quan điểm này đã bị Brexit tấn công. Điều này rất nguy hiểm nếu tình trạng khó khăn về kinh tế, bế tắc về chính trị cùng với nạn khủng bố kéo dài.
Thứ hai, vẫn còn đó khả năng về việc một số quốc gia hoặc người dân ở một số quốc gia khác cũng có ý muốn rút khỏi EU. Tôi muốn nhấn mạnh là ý muốn vì chính những ý muốn cũng có thể gây ra những vấn đề chính trị từ nhỏ đến lớn cho chính trị nội bộ của các nước thành viên và cho EU.
Thứ ba, trong trường hợp giải quyết không khéo các vấn đề hiện tại sau khi Anh hoàn toàn rút khỏi EU sẽ là cơ hội cho các quốc gia, vốn không mấy hào hứng cổ vũ hay ủng hộ cho một EU phát triển hùng mạnh vì đang có những mâu thuẫn với EU, điển hình như Nga và Trung Quốc. Vì thế, rất có thể EU sẽ gặp phải những khó khăn, sức ép mới phát sinh từ góc độ quan hệ quốc tế.
. Xin cám ơn ông.
“Giọt nước tràn ly” để EU cải tổ
Dù nếu Anh rời EU thì tôi tin là không có hiệu ứng domino dẫn đến việc một số quốc gia thành viên khác cũng sẽ trưng cầu dân ý và rút khỏi EU như Anh. Nhưng không thể loại trừ khả năng này một cách tuyệt đối, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, cơ bản nhất vẫn là tình hình khó khăn ở châu Âu hiện nay cả từ lĩnh vực kinh tế tài chính cho đến vấn đề về nhập cư và an ninh được giải quyết như thế nào. Nếu nhìn lạc quan, tôi cho rằng Brexit cũng là một động lực để lãnh đạo EU nhìn lại, đánh giá lại mọi góc độ để từ đó điều chỉnh, thay đổi hướng đến một châu Âu ổn định và bền vững hơn, bởi cải tổ EU vốn đã được nhiều lãnh đạo khối nước này nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
ĐẠI THẮNG thực hiện