Bóng ma doping làm vẩn đục thể thao Việt Nam

Không được miễn trừ

Một bác sĩ của đoàn thể thao VN dự SEA Games 31 cho biết, danh mục chất cấm hằng năm vẫn được Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) bổ sung, cập nhật liên tục và ngành thể thao VN luôn cố gắng bám sát danh mục này để thực hiện công tác tuyên truyền cho các HLV, VĐV, cán bộ của các đội tuyển quốc gia. Số lượng chất cấm lên đến hàng nghìn chất, nhưng thường chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm có tác dụng lợi tiểu mà trên thế giới, các VĐV thể dục dụng cụ và điền kinh muốn dùng để giảm cân. Nhóm 2 là nhóm chất kích thích và thường được các VĐV thể hình, cử tạ chọn sử dụng vì nhóm này làm tăng cơ bắp. Nhóm 3 là nhóm có trong các loại thuốc làm thay đổi nội tiết tố, khiến VĐV trở nên có sức mạnh phi thường, thực hiện được những thành tích thể thao cực kỳ nổi bật.

THÁI NINH

Như Thanh Niên đã đề cập, hai trường hợp VĐV điền kinh VN sau khi giành huy chương vàng, huy chương bạc SEA Games 31 đã được chỉ định lấy mẫu thử doping. Kết quả xét nghiệm mẫu A cho thấy, cả hai VĐV này đều sử dụng hoạt chất furosemide – thuộc nhóm 1 là nhóm có tác dụng lợi tiểu để giảm cân như vừa nêu ở trên. Hiện tại, 2 VĐV này đã làm đơn xin xét nghiệm mẫu B và nếu vẫn cho kết quả dương tính với chất cấm thì họ sẽ phải làm giải trình, trong đó phải báo cáo rõ, trong quá trình sinh hoạt, tập luyện và thi đấu, đã từng sử dụng những loại thuốc nào, uống trong khoảng thời gian trước thi đấu tại SEA Games 31 bao nhiêu lâu, tự mua thuốc uống hay có đơn thuốc của bác sĩ và được sự đồng ý của HLV chưa?

Thêm một thông tin đáng lưu ý nữa là 2 tuyển thủ của đội điền kinh VN không nằm ở dạng được miễn trừ. VĐV có hồ sơ bệnh án đang cần phải sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm được xin hưởng miễn trừ do điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế về miễn trừ do điều trị. Việc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm phù hợp với các quy định của điều khoản miễn trừ do điều trị sẽ không bị coi là hành vi vi phạm doping. Tuy nhiên, 2 VĐV điền kinh VN vừa bị phát hiện có doping ở mẫu A không có hồ sơ bệnh án như nêu trên.

Một HLV điền kinh cho hay: “Trước SEA Games 31, có 6 VĐV đội tuyển thể hình bị loại khỏi danh sách tham dự đại hội nhưng gần đây thông qua báo chí, các HLV và VĐV của các đội tuyển khác mới biết. Đáng lẽ, ngoài việc tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng chống doping trước và trong khi SEA Games 31 diễn ra, thông tin này nên được chia sẻ rộng rãi trong giới VĐV như một lời cảnh tỉnh, cảnh báo và biết đâu, sẽ không có VĐV nào dám hành động dại dột, liều lĩnh. Bản thân chúng tôi khi quản lý VĐV, phải liên tục giám sát, hỏi han và dặn dò rất kỹ là không được phép sử dụng thực phẩm chức năng và thuốc riêng.

Trên thế giới, doping ngày càng nhiều loại. Cách thức sử dụng cũng khá tinh vi và loại doping từ đắt đến rất đắt, rất khó phát hiện. Loại doping rẻ tiền thường sẽ bị phát hiện ngay và nguy hiểm đến sức khỏe, không chỉ tác động tiêu cực đến cơ thể mà còn có thể gây đột tử. Có thể trong quá trình chuẩn bị trước SEA Games 31, thời kỳ phải cấm trại để phòng tránh Covid-19, một số VĐV đã bị tăng cân nên tìm cách giảm cân chăng? Sự việc đã xảy ra rồi và rõ ràng, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh thể thao VN nói chung, điền kinh VN nói riêng, nhất là trong bối cảnh, chúng ta lại là nước đăng cai SEA Games 31. Bóng ma doping đã từng ám ảnh thể thao VN ở SEA Games 22 và ở một số đại hội thể thao tầm cỡ khác. Nay bóng ma doping trở lại, làm hoen ố, ảnh hưởng đến bức tranh chung của sự nỗ lực từ tất cả các HLV, VĐV hay các thành viên khác của thể thao VN”.

Độc Lập

Cần điều tra có hay không việc chỉ đạo dùng chất cấm

Trong 2 thập niên qua, thể thao VN đã từng xảy ra 19 trường hợp bị phát hiện sử dụng doping ở các giải đấu khác nhau cấp độ khu vực, châu lục và thế giới. Gần đây nhất năm 2019, VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh do tự đi điều trị bệnh đau lưng và sử dụng thuốc không có ý kiến của bác sĩ đội tuyển cũng như bác sĩ của đơn vị chủ quản. Và khi xét nghiệm doping, Vinh đã dính đến 2 chất cấm nên sau đó bị cấm thi đấu 4 năm và phải đến hết tháng 2.2023, án phạt mới hết hiệu lực. Cuối tháng 9.2022, nữ VĐV cử tạ Nguyễn Thị Phương Thanh mới hết án kỷ luật bị cấm thi đấu 3 năm cũng vì bị phát hiện dùng doping.

Trước đó, VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương vì muốn cơ thể không bị nặng nề khi thi đấu tại Olympic 2008 nên tự ý uống thuốc giảm cân (tương tự như 2 VĐV điền kinh dự SEA Games 31) và bị cấm thi đấu 1 năm. VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn cũng tự ý uống thuốc cảm trong thời gian tập huấn ở Trung Quốc và bị cấm thi đấu 2 năm. VĐV môn thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng từng bị cấm thi đấu 1 năm bởi dương tính với chất furosemide sau khi dùng thuốc để chữa bệnh đau thắt lưng và bí đường tiểu.

Điểm chung của các VĐV này là tự ý “kê đơn” cho mình, tự ý chữa bệnh và hậu quả để lại là vô cùng nặng nề. Đối với trường hợp 2 VĐV điền kinh VN, điều đặc biệt đáng chú ý là nếu chỉ một VĐV dính chất furosemide thì có thể do vô tình nhưng nghi vấn được đặt ra khi loại chất cấm có tác dụng lợi tiểu lại đều xuất hiện ở mẫu thử của cả hai VĐV. Theo nguồn tin của Thanh Niên, do mẫu xét nghiệm của họ đều xuất hiện cùng một loại chất cấm giống hệt nhau nên ngành thể thao sẽ phải tính đến việc tiến hành điều tra, để xem xét 2 VĐV rủ nhau tự ý dùng thuốc hay có sự chỉ đạo từ HLV, bác sĩ đội tuyển; liệu việc sử dụng chất cấm đó có hệ thống không và tại sao cả hai cùng dính hoạt chất này?

Được biết, sau 2 VĐV điền kinh, sẽ có thêm một vài VĐV VN khác có thể sẽ bị nêu danh tính về việc sử dụng doping tại đại hội. Họ sẽ nhận án phạt nặng từ bị đình chỉ thi đấu trong 3 – 4 năm thay vì 2 năm như trước đây đến có thể cấm vĩnh viễn. Những HLV, bác sĩ, cán bộ quản lý và người hỗ trợ VĐV nếu có hành vi lừa dối, ép buộc VĐV sử dụng doping, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cũng bị xử phạt từ 4 năm đến vĩnh viễn không được hành nghề.

VĐV từng sử dụng doping nói gì ?

Báo Thanh Niên đã liên lạc với một số cựu tuyển thủ từng bị phát hiện dùng chất cấm trong thể thao. Một VĐV từng giành thành tích chói sáng đấu trường thế giới chia sẻ: “Tôi đã từng trải qua cảm giác xấu hổ và đau đớn khi nhận kết quả dương tính với doping. Bài học đắt giá này, tôi vĩnh viễn không bao giờ quên được. Chúng tôi đã chủ quan, dùng thuốc mà không hỏi ai, trong khi kể cả tự dùng vitamin cũng phải hỏi bác sĩ, HLV đội. Mong rằng, với 2 trường hợp vừa bị phát hiện, sẽ như hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên một lần nữa để thể thao VN không còn xảy ra bê bối tương tự”.

L.P

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi các vụ việc liên quan đến những ca doping của thể thao VN, có thể nhận định, ngành thể thao và các đơn vị, cá nhân có liên quan chưa thực sự coi đây là một phần việc đặc biệt quan trọng của ngành. Tháng 12.2015, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Thông tư số 17 về phòng chống doping trong hoạt động thể thao. Tuy nhiên, một số nội dung nêu trong thông tư chưa được hiện thực hóa. Ví dụ như Tổng cục TDTT chưa trình Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành theo thẩm quyền văn bản, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng chống doping trong hoạt động thể thao. Mặc dù, Tổng cục TDTT cũng đã tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping nhưng còn mang tính hình thức. Chưa tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia phòng chống doping. Chưa thực sự mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ kinh phí và trao đổi thông tin liên quan vấn đề này.

Do thiếu kinh phí nên ở các giải quốc nội, không tiến hành xét nghiệm doping, dẫn tới tư tưởng chủ quan của các HLV, VĐV khi thi đấu quốc tế. Ủy ban Olympic và các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia chưa xây dựng quy tắc hành nghề và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của VĐV, HLV, trọng tài thể thao gắn với việc phòng, chống doping. Vẫn còn tình trạng HLV, VĐV chưa tự thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về các chất bị cấm và phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao; chưa tuân thủ các quy định của bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các quy định pháp luật về phòng, chống doping của VN; chưa thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của VĐV trong phòng, chống doping; vẫn có VĐV sử dụng thuốc, chất bổ dưỡng, thực phẩm chức năng, các phương tiện hồi phục sức khỏe đặc biệt khác khi chưa được bác sĩ và HLV cho phép.

Trung Ninh