Bỏ túi 8 mẹo đơn giản giúp trẻ sơ sinh hết khóc dạ đề! – ELEMIS TẮM BÉ THẢO DƯỢC
1. Khóc dạ đề là gì?
Khóc dạ đề là tình trạng trẻ sơ sinh có biểu hiện khóc thét, khóc dai dẳng trên 30 phút thành từng đợt trong ngày đặc biệt là vào ban đêm. Trẻ khóc dữ dội thường kèm theo biểu hiện gập chân, co bụng, có thể kèm nôn trớ, đỏ bừng mặt và rất khó dỗ.
Khóc dạ để xảy ra ở trên 20% trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 1-4 tháng tuổi
Tình trạng khóc dạ đề thường xảy ra ở trẻ ngoài 3 tuần tuổi và theo kinh nghiệm của các bà các mẹ ngày xưa là sau 3 tháng 10 ngày sẽ hết.
Tuy nhiên chắc hẳn chẳng mẹ nào nỡ nhìn con yêu của mình “khóc hết nước mắt” trong cơn khóc dạ đề kéo dài mấy tháng trời đâu phải không nào? Rồi các mẹ nghe các bà bảo phải đốt vía, thắp hương, lấy áo của trẻ buộc vào chân giường… nhưng vẫn không hiệu quả. Vậy nguyên nhân của khóc dạ đề có phải thực sự là do vấn đề tâm linh không?
2. Nguyên nhân thật sự của khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh bao gồm 2 vấn đề: sinh lý và bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý
Nhu động ruột ở trẻ đang hoàn chỉnh: Do trẻ sơ sinh đang hoàn thiện về cấu trúc và chức năng của nhu động ruột. Trước 6 tháng tuổi, nhu động ruột ở trẻ sơ sinh thường tăng do phải làm quen với việc tiêu hóa thức ăn “thô”, không còn giống các chất dinh dưỡng được chuyển trực tiếp từ mẹ sang như khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhu động ruột tăng sẽ làm trẻ quấy khóc, song hiện tượng này sẽ hoàn toàn biến khi trẻ ngoài 4-6 tháng tuổi.
Do trẻ bị đói: sai lầm của mẹ là cứ tưởng mới cho con ăn cách đó 1-2 tiếng rồi thì con sẽ không thể vì đói mà khóc. Thực tế thì, khi trẻ bú mẹ hoàn toàn mà người mẹ có thói quen chuyển bên vú cho con bú quá sớm (trẻ chưa kịp bú hết 1 bên) sẽ khiến trẻ nhanh đói hơn do sữa cuối chứa nhiều chất béo và chất dinh dưỡng cho trẻ hơn, ngược lại sữa đầu chứa nhiều đường lactose, khi nạp vào người trẻ quá nhiều trong một lần bú có thể khiến trẻ bị đầy bụng do không thể tiêu hóa hết đường lactose trong sữa mẹ, trong khi đó chất béo và chất dinh dưỡng khác lại thiếu.
Trẻ sơ sinh bị đói là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng khóc dạ đề
Do điều kiện bên ngoài: quá nhiều ánh sáng hay tiếng ồn cũng sẽ khiến trẻ dễ giật mình và khóc thét trong đêm. Đặc biệt, có nhiều trẻ rất “nhạy” với ánh sáng và âm thanh khi ngủ, hay các mẹ còn thường gọi là “thính giấc”, do đó chỉ cần 1 luồng ánh sáng hay âm thanh rất nhỏ cũng có thể khiến trẻ giật mình tỉnh giấc, khó chịu và cất tiếng khóc.
Do trẻ tè dầm: nguyên nhân này hay gặp phải tuy nhiên trong trường hợp này, trẻ thường khó chịu vặn mình, khóc nhè nhưng không khóc thét, chỉ cần các mẹ thay tã, bỉm cho con và lau khô mông trẻ là trẻ có thể sớm đi vào giấc ngủ.
Nguyên nhân bệnh lý
Do thiếu canxi: thiếu canxi là tình trạng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, ở trẻ sơ sinh mô xương phát triển nhanh nên đòi hỏi lượng canxi nhiều. Khi thiếu canxi sẽ dẫn đến hiện tượng trẻ bị nhức xương, đặc biệt là vào ban đêm. Thiếu canxi có thể xảy ra ở trẻ bên ngoài rất bụ bẫm.
Thiếu canxi là nguyên nhân bệnh lý hàng đầu dẫn đến chứng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh
Do thiếu vitamin D: vitamin D được các nhà khoa học ví như “chiếc xe chuyên chở canxi”, tức là có vitamin D thì cơ thể mới có thể hấp thu được canxi. Do đó thiếu vitamin D cũng tương tự như thiếu Canxi ở trẻ sơ sinh.
Do đau bụng: hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt do đó chỉ cần ăn phải những loại sữa hay thức ăn không phù hợp sẽ có thể dẫn đến rối loại tiêu hóa ở trẻ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc về đêm.
Do bệnh lồng ruột: trường hợp này sẽ cực kì nguy hiểm nếu mẹ không đem con đi cấp cứu ngay. Biều hiện của khóc dạ đề do bệnh lồng ruột là: trẻ khóc dữ dội, có thể kèm theo nôn, đi ngoài ra máu, bụng nổi cục…
Tuy nhiên hiện nay khóc dạ đề chưa có trong danh mục các bệnh ở trẻ sơ sinh do đó các mẹ có thể theo dõi con và hoàn toàn có thể sử dụng các cách để tránh và làm giảm hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh ngay tại nhà.
3. Một số mẹo giúp cha mẹ khắc phục hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh
Cách 1: Đảm bảo trẻ bú đủ no
Cho trẻ bú cũng là một kĩ thuật đòi hỏi mẹ thật khéo léo và tinh tế. Mẹ cần cho trẻ bú hết mỗi bên vú trước khi chuyển sang bên còn lại để đảm bảo trẻ nhận được đủ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách và đảm bảo đủ no giúp trẻ hết chứng khóc dạ đề
Khi trẻ bú mẹ cần kiểm soát được trẻ có thực sự bú được sữa vào miệng không hay trẻ chỉ no do nuốt nhiều không khí. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng đầy hơi và quấy khóc ở trẻ.
Cách 2: Chăm sóc chế độ ăn uống của mẹ
Trong giai đoạn trẻ bú mẹ, chế độ ăn của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Mẹ cần chú ý tránh ăn những loại thức ăn gây khó tiêu ở trẻ như các loại cải (cải bắp, súp lơ), dầu mỡ, sô cô la… và các loại thức ăn dễ gây dị ứng ở trẻ như đậu nành, đậu phộng, sữa, lúa mạch, trứng…
Mẹ lưu ý rằng không phải cần kiêng hoàn toàn các loại thức ăn dễ gây dị ứng này mà mẹ cần theo dõi khi mình ăn những loại thức ăn đó trẻ có hay khóc nhiều hay không, nếu có thì có thể trẻ đang dị ứng hay gặp phải khó khăn trong việc tiêu hóa chúng. Khi đó, mẹ hãy chuyển sang các loại thức ăn khác thay thế để tránh cung cấp thiếu chất cho trẻ.
Mẹ ăn uống khoa học cũng là một giải pháp giúp trẻ không còn khóc dạ đề
Ngoài ra, chế độ ăn của mẹ cần bổ sung thêm nhiều sắt và canxi vì hai chất này trẻ sẽ lấy hoàn toàn từ sữa mẹ. Do đó những thực phẩm giàu sắt và canxi như gan, thịt, sữa, hay thực phẩm chức năng cung cấp sắt và canxin cũng rất cần thiết trong giai đoạn đang cho con bú các mẹ nhé. Tuy nhiên khi mẹ uống viên bổ sung sắt, canxin cần lưu ý vì có thể dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ.
Cách 3: Cho trẻ tắm nắng
Các chuyên gia khuyến khích việc cho trẻ tắm nắng vào trước 7h30 sáng hoặc sau 4h30 chiều để cung cấp vitamin D giúp hấp thu canxi cho cơ thể trẻ. Do đó việc tắm nắng cho trẻ sẽ giúp chống còi xương ở trẻ đồng thời sẽ làm giảm đáng kể tình trạng trẻ khóc dạ đề.
Cách 4: Massage cho trẻ thường xuyên
Trẻ sơ sinh rất thích được vuốt ve chơi đùa, do đó việc massage sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều trong việc có được giấc ngủ ngon không còn tỉnh giấc nửa đêm và quấy khóc dạ đề.
Về cách tiến hành massage cho trẻ mẹ cũng không cần quá cầu kì vì chỉ cần hơi ấm và sự vuốt ve nhẹ nhàng của mẹ cũng đủ giúp trẻ thấy thoải mái và ngủ một cách dễ dàng.
Massage đơn giản giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon, hết khóc dạ đề
Mẹ chỉ cần đặt trẻ nằm sấp trên bụng, ngực mình hoặc nằm trên đệm và mẹ sẽ nằm ngay bên cạnh. Mẹ đưa những ngón tay của mình nhẹ nhàng vuốt ve lưng và bụng cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái và thích thú.
Các mẹ nên tiến hành massage cho trẻ sau khi tắm và trước khi ngủ để trẻ có thể cảm thấy dễ chịu nhất nhé.
Lưu ý: mẹ cần cắt tỉa móng tay gọn gàng tránh làm xướt làn da mỏng manh của trẻ mẹ nhé.
Cách 5: Không nên tập trung quá đông người quanh trẻ
Việc mọi người tập trung vây quanh khi trẻ đang cơn khóc dạ để có thể khiến cho trẻ hoảng sợ và quấy khóc dữ dội hơn, do đó, thay vì việc mọi người cùng vây quanh trẻ nếu mẹ quá mệt vì dỗ trẻ thì có thể chuyển sang cho bố hoặc người nhà dỗ tiếp.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cho thấy người mẹ có khả năng trấn an trẻ tốt hơn so với mọi người khác.
Cách 6: Mở nhạc nhẹ
Âm thanh nhẹ nhàng từ những bản nhạc ballad hay những bài hát ru cũng giúp trẻ thoải mái hơn rất nhiều. Ngoài ra hầu hết các trẻ đều thích những âm thanh thuộc về thiên nhiên như tiếng chim hót, tiếng nước chảy… Do đó mẹ đừng ngần ngại mà thử nhiều thể loại nhạc nhẹ nhàng trong trẻo để tìm ra sở thích của trẻ mẹ nhé
Âm nhạc giúp trẻ sơ sinh thoải mái, ngủ ngon và hết chứng khóc dạ đề
Một số mẹo giúp dỗ trẻ ngay trong cơn khóc dạ đề
- Ngay trong khi trẻ khóc dạ đề sẽ rất khó dỗ để trẻ nín được, tuy nhiên mẹ có thể sử dụng những cách sau để rút ngắn thời gian trẻ khóc:
- Ẵm trẻ trên tay hoặc trên vai hay mang trẻ ở phía trước.
- Cho trẻ vào xe đẩy đẩy khắp nhà.
- Đặt trẻ vào nôi đung đưa và hát ru.
- Cho trẻ tắm nước ấm.
- Mát xa hoặc chườm ấm bụng cho trẻ.
Mẹo dân gian chữa trẻ sơ sinh khóc dạ đề
Trong tình thế “cấp bách” các mẹ cũng có thể sử dụng ngay những mẹo dân gian chữa khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh như sau:
- Lấy 1 cục than củi to bằng bao diêm hoặc hơn mang lên bếp đốt cho cháy.
- Sau đó cho than đang cháy hồng ra cửa nhà rồi cho một nhúm muối trắng vào than cho nổ lách tách
- Nếu nhà có thờ Bồ Tát, thờ Phật, thờ tổ tiên thì bạn hãy thắp nhang lên bàn thờ
- Miệng nhẩm đọc đoạn kinh sau:
Khể thủ quy y tô tất đế
Đầu diện đảnh, lễ tất cu chi
Ngã kim xưng tán đại chuẩn đề
Duy nguyện từ bi thùy da hộ
Nam mô tát đã nẫm
Tam miệu tam bồ đề
Cu chi nẫm tát diệt tha
Án chiếc lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha
Rồi bế em bé hơn qua than cách khoảng 50cm nam 7 lần, nữ 9 lần (cần cẩn thận cháy vào tả lót của trẻ)
Mang than đi xông quanh nhà miệng nhẩm đọc đoạn kinh và thành tâm cầu khấn cho em bé không bị quấy nhiễu, khỏe mạnh, ngoan ngoãn thông minh.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý, cách trên đây chỉ là cách được lưu truyền theo kinh nghiệm dân gian không có đủ căn cứ khoa học, do đó chỉ sử dụng những lúc bé khóc quá lâu mà không thể dỗ được bằng cách khác và không biết nguyên nhân do đâu. Còn cách tốt nhất mẹ vẫn nên nhìn nhận vấn đề trẻ sơ sinh khóc dạ đề theo hướng nhìn của khoa học như vậy sẽ khắc phục được từ nguyên nhân trẻ khóc dạ đề.
Với những kiến thức khoa học và kinh nghiệm dân gian đã chia sẻ trên đây, mong rằng sẽ giúp được các mẹ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh đầy vất vả và khó khăn các mẹ nhé.