Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình

GD&TĐ –  Ngày 8/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về tình hình phát triển giáo dục-đào tạo, trong đó có việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại địa phương.

Cùng đi có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT. Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Ninh Bình có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình  ảnh 1

Nâng cao chất lượng giáo dục

Khẳng định sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình với công tác GD-ĐT, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Năm 2022 tỷ lệ chi ngân sách cho GD-ĐT chiếm 25% trên tổng chi ngân sách địa phương. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giáo dục, như chính sách về học phí, đầu tư cơ sở vật chất…

“Nếu Bộ GD&ĐT hỗ trợ, Ninh Bình sẵn sàng triển khai, sẵn sàng cầu thị. Nếu có mô hình giáo dục có thể triển khai diện rộng, Ninh Bình sẵn sàng làm” – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục thời gian qua, tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà, giáo dục Ninh Bình vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, như: Giáo dục phổ thông tương đối tốt, nhưng giáo dục mũi nhọn còn hạn chế; thiếu các trường chất lượng cao…

“Ngành Giáo dục đã làm tốt rồi nhưng vẫn ở mức tròn vai, chưa có sự bứt phá, chiều sâu, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh”. Chia sẻ điều nay, bà Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, định hướng của Bộ GD&ĐT để giáo dục Ninh Bình phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, có sự bứt phá trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình  ảnh 2

Báo cáo cụ thể tình hình GD-ĐT tại địa phương, ông Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 477 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX cấp THPT (trong đó có 12 trường tư thục); mỗi xã có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 trường THPT và 1 trung tâm GDNN-GDTX. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường trung cấp, 9 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 5 trường cao đẳng và 1 trường đại học.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Ninh Bình cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo tăng dần qua từng năm, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục. Toàn tỉnh có 15.288 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 3 tiến sỹ, trên 600 thạc sỹ. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn trở lên là 93,7%, trong đó trên chuẩn chiếm 33%.

Quy mô trường lớp các cấp học đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao, đạt được các mức độ cao nhất. Công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục, nền nếp chuyên môn được tăng cường.

Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt từ 36% đến 40% (cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước); ở độ tuổi mẫu giáo đạt từ 97% đến 99%; riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99%. Tỷ lệ trẻ vào lớp 1 trên 99%. Có từ 85% đến 93% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT và GDTX, học trung cấp nghề. 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Ninh Bình là một trong ba tỉnh của cả nước dẫn đầu về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Từ đầu năm học đến nay, học sinh cơ bản được học tập trực tiếp tại trường, thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động giáo dục.

Kết quả, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh được củng cố và nâng cao. Hằng năm, học sinh trong tỉnh tham gia các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia và khu vực đều đạt được kết quả tốt, nằm trong tốp khá khu vực Đồng bằng Sông Hồng và trên cả nước…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình  ảnh 3

Về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Phan Thành Công thông tin: Địa phương đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục lớp 1, lớp 2, lớp 6 đúng chỉ đạo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn địa phương. Bộ tài liệu giáo dục của địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 được đưa vào giảng dạy hiệu quả, chất lượng. Tỉnh đã hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10 trước 2 tháng so với kế hoạch.

Bên cạnh thuận lợi và những kết quả được, một số khó khăn, hạn chế của giáo dục Ninh Bình được ông Phan Thành Công chia sẻ. Trong đó có việc một số địa phương nguồn thu ngân sách khó khăn, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học.

Cùng với đó, hoạt động chỉ đạo rà soát, chuẩn bị điều kiện, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 được chú trọng. Tăng cường ngân sách đầu tư trang thiết bị dạy học, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc bố trí giáo viên dạy các môn “tích hợp”, nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS còn khó khăn. Chưa có giáo viên môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp THPT để thực hiện Chương trình mới. Trường ĐH Hoa Lư quy mô, ngành đào tạo còn ít, chưa sát và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

Thời gian tới, ông Phan Thành Công cho biết, giáo dục Ninh Bình sẽ chú trọng thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho dạy và học; nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục xoá mù chữ.

Tiếp đó, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số; thúc đẩy hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, trong đó có công tác dạy học ngoại ngữ; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Phát triển phải rõ mô hình, định hướng

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT đánh giá cao hiệu quả công tác giáo dục – đào tạo tại tỉnh Ninh Bình; đồng thời trao đổi, chia sẻ mong muốn, nhấn mạnh những vấn đề lưu ý địa phương, liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng đội ngũ bảo đảm cả số lượng và chất lượng; tiếp tục quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình  ảnh 4

Về phía tỉnh Ninh Bình, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh, Trường ĐH Hoa Lư, chia sẻ về tình hình giáo dục của địa phương, nhà trường, với cả những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất tới Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục – đào tạo trên địa bàn trong thời gian tới.

Đánh giá Ninh Bình là địa phương có truyền thống về chất lượng giáo dục với sự phát triển ổn định, bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời chia sẻ một số gợi ý để giáo dục địa phương phát triển hơn nữa. Trong đó có việc xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục phải rõ mô hình, định hướng; quy hoạch giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn; xây dựng các mô hình để đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập…

Đặc biệt nhấn mạnh đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo Thứ trưởng, để triển khai hiệu quả thì từ các cấp lãnh đạo đến mỗi giáo viên cần hiểu sâu sắc Chương trình; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ – một giải pháp quan trọng là bồi dưỡng, tập huấn có chất lượng…

Đồng lòng triển khai đổi mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Trong tương quan so sánh chung với các tỉnh thành trên cả nước, giáo dục tỉnh Ninh Bình đạt được kết quả khá, trong đó có những lĩnh vực nổi trội. Kết quả đạt được thể hiện sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo địa phương; trong đó đó việc ưu tiên dành nguồn lực của địa phương cho giáo dục – đào tạo. Nhân đây, Bộ trưởng cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của các tỉnh/thành đối với phát triển giáo dục; nhất là trong xu hướng phân cấp, phân chia trách nhiệm ngày càng rõ hơn, mạnh mẽ hơn giữa bộ ngành, địa phương…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình  ảnh 5

Trong phát biểu, Bộ trưởng đồng thời trao đổi một số nội dung quan trọng, liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đội ngũ giáo dục cả về số lượng và chất lượng; phòng chống dịch bệnh và những vấn đề xung quanh chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023.

Những thách thức đặt ra được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh là: Đổi mới toàn diện, sâu sắc, nhưng lại trong một thời gian gấp, tốc độ nhanh, kỳ vọng lớn, trong khi điều kiện chuẩn bị còn hạn chế và với cách làm phi truyền thống về mặt phương pháp, ở bối cảnh truyền thông phát triển và sự giám sát, phản biện mạnh mẽ của toàn xã hội.

Đặc biệt nhấn mạnh tính hệ trọng, những thách thức trong triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, đây là đổi mới khác hẳn về chất với những điều chỉnh, thay đổi rất sâu, từ tầm thứ triết lý, đến định hướng, mục tiêu, kỳ vọng. Thay đổi từ nền giáo dục thiên về trang bị kiến thức, sang phát triển năng lực, phẩm chất, lấy yếu tố phát triển con người làm trung tâm; hội nhập quốc tế về phương pháp; tái cấu trúc toàn bộ khung giáo dục… mục tiêu hướng đến tạo dựng con người của đất nước trong thời đại mới.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cái khó là ở hạ tầng, các điều kiện bảo đảm chất lượng; ở đội ngũ; nhưng khó nhất, thách thức nhất, theo Bộ trưởng chính là thay đổi tư duy, cách làm. Bộ trưởng chia sẻ và mong quá trình đổi mới có sự chia sẻ trong toàn bộ hệ thống; các địa phương thấy hết được khó khăn, thách thức, từ đó quyết tâm, cùng đồng lòng triển khai đổi mới.

Về phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng cho rằng: Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh đã khá ổn định, nhưng diễn biến tiếp sau khó lường trước. Do đó, bước vào năm học mới, địa phương tiếp tục khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh; củng cố kiến thức, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường các kỹ năng cần được hình thành qua trải nghiệm thực tiễn mà người học bị thiếu hụt trong thời kỳ dịch bệnh; tận dụng thời gian vàng để triển khai các hoạt động dạy học, giáo dục. Cùng với đó, địa phương cần lên kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng phương án nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình  ảnh 6

Một số vấn đề cần lưu ý trước năm học mới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc lựa chọn sách giáo khoa; thực hiện nghiêm các quy định về sách tham khảo, tuyệt đối không được gợi ý, ép buộc phụ huynh, học sinh trong mua tài liệu tham khảo. Cùng với đó, cùng tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất, có phương án tăng cường thiết bị dạy học trong năm học mới, chú trọng sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học, hạn chế dạy chay, học chay. Các vấn đề khác cũng được Bộ trưởng chia sẻ liên quan đến lựa chọn tổ hợp môn học với lớp 10 từ năm học 2022-2023; về giáo dục mũi nhọn…

Nhắc đến đặc trưng của tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng đồng thời lưu ý, đổi mới giáo dục trên địa bàn nên gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới, như một thành tố của quá trình xây dựng nông thôn mới, cung cấp nhân lực cho mục tiêu mà địa phương đang theo đuổi…

Trước đó, vào đầu giờ sáng, Bộ trưởng đã đến kiểm tra trực tiếp công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư, Ninh Bình).

Một nội dung lớn khác được Bộ trưởng chia sẻ là mong tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh xã hội hóa một cách đa dạng, toàn diện trong thời gian tới. Đồng thời, quan tâm đặc biệt đến phát triển đội ngũ bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một trong những giải pháp về chất lượng là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ. “Mong tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động này” – Bộ trưởng đề nghị.