Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên
GDVN- Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, công tác dự báo, lập kế hoạch tuyển dụng vào biên chế đối với giáo viên chưa sát với tình hình thực tế của từng địa phương.
Tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số biên chế được giao của ngành Giáo dục trong năm học 2020-2021 là 1.113.101 giáo viên; số giáo viên, viên chức có mặt đến 31/3/2021 gồm 1.070.327; số giáo viên chưa sử dụng 42.774; số giáo viên thừa 10.178; số giáo viên thiếu theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở tổng hợp của các địa phương là 94.714 giáo viên.
Chế độ tiền lương của giáo viên hiện nay vẫn còn thấp
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, các bộ, ngành địa phương đã rà soát, chấm dứt hợp đồng lao động làm không đúng tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có vị trí việc làm đối với giáo viên.
Để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc bố trí giáo viên đứng lớp tạm thời thay thế cho các trường hợp giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP cho phép ký hợp đồng lao động đối với vị trí việc làm là giáo viên trong định mức biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.
Bộ Nội vụ cũng đã ban hành các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, tại những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo đã được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ, giáo viên công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP gồm các phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp lần đầu và một số các trợ cấp khác.
Nhà giáo và cán bộ công tác tại các trường chuyên biệt được hưởng trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm… Giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP và được hỗ trợ một khoản bằng số tiền dạy thực tế trong năm học.
“Có thể nói đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là cán bộ, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn đã được hưởng chế độ chính sách về tiền lương cao hơn so với cán bộ công chức, viên chức của một số ngành khác.
Tuy nhiên, chế độ tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên theo tính chất đặc thù của ngành vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế”, bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Đề xuất bổ sung hơn 27.000 biên chế giáo viên
Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, những năm qua, dân số trong đối tượng đi học tăng đột biến, nhất là ở những khu công nghiệp và nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới nên cần bổ sung thêm số lượng lớn cán bộ, giáo viên.
Ngoài ra, công tác dự báo, lập kế hoạch về biên chế giáo viên, tuyển dụng giáo viên chưa sát với tình hình thực tế của từng địa phương đối với từng bậc học.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương đã tiến hành sắp xếp lại quy mô, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên dẫn đến tình trạng thừa giáo viên.
Nói về giải pháp giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó đưa ra dự báo, đánh giá về xu thế phát triển, xây dựng những dự án, đề án để giải quyết những vấn đề cấp bách trong quá trình thực hiện chiến lược;
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đề xuất cụ thể để các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy tự chủ cũng như thúc đẩy xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với cấp học mầm non và tiểu học, xã hội hóa buổi học thứ 2 đối với những nơi có điều kiện.
Tiếp tục đẩy mạnh tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, có lộ trình đào tạo, nâng chuẩn cho giáo viên theo quy định về chuẩn đào tạo của Luật Giáo dục năm 2019; xây dựng cơ chế chính sách để chuyển mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc sắp xếp lại các trường liên cấp, liên xã, thu gọn các điểm trường để đưa học sinh về học tại các trung tâm, vừa đảm bảo sĩ số học sinh trên lớp, vừa gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.
Hoàn thiện, ban hành các quy định về vị trí việc làm và định mức, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP, phù hợp với cơ cấu vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn, khu vực, địa phương. Đồng thời sửa đổi định mức học sinh, định mức giáo viên trên lớp để phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non.
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát những bất cập để sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức nói chung và trong đó có đội ngũ viên chức giáo viên; xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định về hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có nghiên cứu để quy định rõ hơn đối với việc thực hiện hợp đồng với giáo viên theo thời vụ, theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng kiến nghị Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021-2022.
Thiên Nhi