Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập

(GDVN) – Ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD & ĐT) cho biết, việc sửa đổi Thông tư 30 sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Tiểu học, qua 2 năm triển khai thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, Bộ Giáo dục đã tổng kết và chỉ ra những ưu điểm, đó là:

Việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 phù hợp với xu thế đổi mới đánh giá giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến, đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh tự tin, thích học, học tốt, không so sánh học sinh này vối học sinh khác, nhấn mạnh đánh giá quá trình.

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập ảnh 1

Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30

(GDVN) – Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.

Đa số giáo viên nhận thức rõ và thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 30, quan tâm nhiều hơn đến sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Giáo viên cũng thể hiện được sự nhiệt tình, trách nhiệm, gần gũi, sâu sát, quan tâm học sinh nhiều hơn.

Không chấm điểm thường xuyên, học sinh có tâm lý thoải mái, không mặc cảm, không bị áp lực về điểm số nên các em tự tin tích cực học tập, tham gia vào các hoạt động của trường, lớp.

Học sinh ở các vùng khó khăn không bỏ học vì điểm số. Bước đầu các em biết tự học, điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác, có hứng thú với học tập và rèn luyện để tiến bộ.

Đa số cha mẹ học sinh hiểu được mục đích ý nghĩa và đồng thuận việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30; không tạo áp lực về điểm số cho con em họ, không so sánh con mình với học sinh khác.

Các phụ huynh biết được con mình đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành nội dung gì, cách góp ý của giáo viên và phối hợp giúp học sinh hoàn thành nội dung học tập.

Môi trường giáo dục nhà trường dân chủ, bình đẳng, tích cực; mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh thân thiện, gần gũi hơn.

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập ảnh 2

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Thông tư 30 cũng xuất hiện một số điểm còn tồn tại: Quy định về nhật xét và viết nhận xét chưa rõ, cứng nhắc và giáo viên chủ yếu ghi lời nhận xét.

Do vậy ghi nhận xét từng học sinh vào vở và sổ theo dõi chất lượng giáo dục làm nặng công việc của giáo viên.

Quy định ghi sổ điểm theo dõi chưa hợp lý; hồ sơ đánh giá học sinh còn áp lực cho giáo viên. Quy định khen thưởng chưa cụ thể nên giáo viên bị lúng túng. Công tác quản lý ở nhiều địa phương vẫn còn máy móc, dẫn tới áp lực cho giáo viên.

Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cho biết, đối với nội dung khen thưởng, Hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen khen thưởng cuối năm học theo các mức sau:

Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: nếu kết quả đánh giá các môn học, các năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.  

Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện: nếu kết quả đánh giá có ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn học còn lại đạt mức B; các năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc B; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Đồng thời, có thể khen thưởng đột xuất cho học sinh có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc có thành tích đột xuất trong năm học.

Để khắc phục những điểm còn tồn tại, giúp cho việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học tốt hơn, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, về nguyên tắc việc sửa đổi vẫn sẽ giữ những điểm cốt lõi, cơ bản của tinh thần Thông tư 30, nhưng có điều chỉnh một số điểm để phù hợp hơn:

Ông Định thông tin: “Thứ nhất, về đánh giá thường xuyên, vẫn giữ quy định đánh giá bằng nhận xét không cho điểm nhưng sẽ không quy định giáo viên hàng tháng phải ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. 

Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân saocho phù hợp.

Thứ hai, hồ sơ đánh giá sẽ được giảm nhẹ đi khi chỉ có Học bạ của học sinh và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp thay cho sổ theo dõi chất lượng giáo dục hiện hành.

Thứ ba, để giúp cha mẹ nắm bắt được mức độ học tập, rèn luyện của con em, sẽ bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ.

Cuối cùng là làm rõ các nội dung khen thưởng để giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc ghi giấy khen. 

Việc sửa đổi này sẽ giúp giáo viên sẽ giảm bớt khối lượng công việc, đặc biệt là bớt việc ghi chép. Khi nào thấy thực sự cần thiết đễ hỗ trợ, giúp đỡ học sinh thì giáo viên mới phải ghi. Tùy thuộc điều kiện và tình hình cụ thể, giáo viên tự đưa ra hướng xử lý sao cho phù hợp”.

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập ảnh 3

Làm rõ hơn nội dung lượng hóa các mức A – B – C vào giữa và cuối mỗi học kỳ, khác với đánh giá điểm số ra sao?

Ông Phạm Ngọc Định cho hay, đối với các môn học, hoạt động giáo dục: giữa và cuối kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, đánh giá học sinh theo.

Mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Đối với năng lực và phẩm chất, giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, đánh giá mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh theo:

Mức A: nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin.

Mức B: nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin.

Mức C: nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú, thiếu tự tin.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Thông tư 30 sửa đổi sẽ khắc phục vấn đề nhận xét đối với từng học sinh mà phụ huynh quan tâm thời gian qua.

Ông Định cho biết: “Dự kiến ở lần sửa đổi này, việc cho điểm số ở cuối học kỳ 1 và cuối năm học vẫn giữ nguyên với các lớp 1, 2, 3. Riêng với 2 môn Toán và tiếng Việt ở lớp 4 và 5, sẽ có thêm bài kiểm tra bằng điểm số ở giữa kỳ.

Với cách đánh giá này, học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện: Tổng hợp đánh giá thường xuyên kết quả học tập cuối năm học từng môn học và hoạt động giáo dục, từng năng lực và phẩm chất cuối năm học mức A hoặc B; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn đạt từ 5 điểm trở lên.

Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.

Với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên hoặc ở lại lớp”.

Ngọc Quang