Bộ GDĐT quy định trang phục, ngôn ngữ của giáo viên, phụ huynh
–
Thứ năm, 18/04/2019 07:00 (GMT+7)
Lần đầu tiên, Bộ GDĐT ban hành Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục. Quy tắc này quy định cách ứng xử, trang phục, ngôn ngữ… của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trong môi trường giáo dục.
Thông tư quy định người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Thông tư này áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Nội dung quy tắc gồm 7 điều về quy tắc ứng xử chung: Ứng xử của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ học sinh và khách đến làm việc.
Trong quy định về quy tắc ứng xử chung có bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục, tính chất công việc. Người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
Quy tắc cũng nêu rõ: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Ngôn ngữ phải chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.
Việc ứng xử giữa các đối tượng phải đảm bảo ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28.5.2019.