Bọ cạp đốt và những điều bạn cần biết để phòng tránh
Bọ cạp là động vật ăn thịt, không xương sống thuộc lớp nhện. Chúng có tám chân và được nhận biết nhờ một chiếc đuôi mỏng, dài, chia thành từng đoạn và chứa nọc độc. Khi bị bọ cạp đốt nạn nhân có thể chỉ đau nhẹ cho tới nghiêm trọng như tử vong. Tuy nhiên, tử vong do nọc độc của bọ cạp không thường gặp. Ở người già và trẻ nhỏ tỉ lệ này có thể cao hơn một chút. Ngoài ra chỉ có khoảng 50 trong tổng số 1500 loài bọ cạp trên thế giới chứa nọc độc có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người.
Mặc dù vậy, bọ cạp đốt không phải ít gặp. Do đó việc biết các xử trí ban đầu vết cắn cũng như nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm tính mạng vẫn rất quan trọng.
1. Bọ cạp đốt nguy hiểm như thế nào?
Như đã nói, trên thế giới có khoảng 1500 loài bọ cạp. Trong số đó, chỉ có khoảng 50 loài có thể gây ra vết cắn đe dọa tính mạng con người. Những loại nguy hiểm nhất thường gặp ở châu Phi, Nam Ấn Độ, Trung Đông, Mexico, châu Mỹ Latin. Theo ước tính, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu người bị bọ cạp đốt.
Số người tử vong được thống kê trung bình là 3.250 người. Từ đó tỉ lệ tử vong do bọ cạp đốt rơi vào khoảng 0,27%. Số người tử vong còn khác nhau ở từng nơi. Ví dụ ở Mexico hàng năm có khoảng 1000 người chết vì nọc độc bọ cạp, trong khi đó ở Mỹ chỉ có 4 người chết trong 11 năm!
Ở Việt Nam có hai loài bọ cạp phổ biến là bọ cạp đen và bọ cạp nâu. Bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao. Vết chích của bọ cạp Việt Nam thường chỉ gây sưng, nóng, đỏ và đau nhức trong vòng 12 giờ. Nọc độc thường không gây chết người cũng như không cần điều trị y tế đặc biệt nào.
2. Những đối tượng nào dễ bị bọ cạp đốt?
Phần lớn trường hợp bị bọ cạp đốt là do tai nạn. Bọ cạp vốn là loài khá nhút nhát, chúng thường tránh xa con người. Những trường hợp bị đốt là khi chúng bị đe dọa, dồn vào góc hoặc vô tình bị dẫm lên.
Một số nguy cơ dễ khiến bạn bị bọ cạp đốt như:
- Sống hoặc đi tới những khu vực gặp nhiều bọ cạp như châu Phi, Mexico, Nam Mỹ.
- Những hoạt động như leo núi, cắm trại. Có thể gặp bọ cạp dưới những tảng đá, gốc cây, phiến gỗ trong rừng.
- Sử dụng giày dép, quần áo để một thời gian. Đây có thể là nơi bọ cạp ẩn náu.
3. Các triệu chứng khi bị bọ cạp đốt
Tùy theo độ độc của mỗi loài bọ cạp mà triệu chứng khác nhau. Những loài ít độc thường chỉ gây những triệu chứng tại chỗ như côn trùng khác đốt. Trong khi những loài độc hơn có thể gây nên triệu chứng toàn thân. Thời gian để xuất hiện các triệu chứng toàn thân khoảng 5 phút tới 4 giờ sau vết cắn. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 10 tới 48 giờ.
Các triệu chứng tại chỗ với nhiều mức độ như:
- Đau hoặc cảm giác bỏng rát tại chỗ đốt.
- Cảm giác ngứa và tê xung quanh chỗ đốt.
- Sưng, đỏ vùng đốt.
Các triệu chứng toàn thân có thể gặp ở những trường hợp nặng hơn như:
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều, thường xuất hiện đầu tiên. Bình thường nhịp tim là 60 tới 100 lần mỗi phút.
- Huyết áp cao hoặc thấp.
- Sốt.
- Khó thở, ngưng thở hoặc mất phản xạ bảo vệ đường thở như ho. Đây là nguyên nhân thông thường dẫn tới tử vong.
- Những cơn co giật cơ, có thể gây nhầm lẫn với động kinh.
- Những chuyển động bất thường ở vùng cổ, đầu và mắt.
- Nuốt khó, thường kèm theo chảy nước dãi.
- Chảy mồ hôi.
- Nhìn mờ.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Cảm giác bồn chồn, kích động.
Ở trẻ em các triệu chứng tương tự như người lớn nhưng thường nặng nề và kéo dài hơn. Một số trẻ nhỏ biểu hiện triệu chứng khóc khó dỗ, co giật tay chân không kiểm soát, nhăn nhó mặt.
4. Xử trí như thế nào khi bị bọ cạp đốt?
Phần lớn trường hợp bọ cạp đốt không cần tới điều trị đặc biệt mà chỉ cần xử trí ban đầu và theo dõi. Tuy nhiên một số trường hợp nặng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già thì việc nhập viện là cần thiết.
Xử trí ban đầu bao gồm những điều sau đây:
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch.
- Chườm lạnh để giảm sưng đau. Việc này còn giúp độc tố chậm hấp thu vào máu do nhiệt độ lạnh làm co các mạch máu.
- Uống thuốc giảm đau nếu cần. Thường dùng là paracetamol , liều lượng khác nhau ở người lớn và trẻ em, tuyệt đối không dùng quá liều.
- Kháng sinh thường không cần thiết trong những giờ đầu nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát sau vết cắn.
- Không trích rạch hay hút nọc độc ở vết thương.
Triệu chứng thường kéo dài từ 10 tới 48 giờ. Nếu trong vài giờ đầu nạn nhân không trở nặng và không có các triệu chứng tim mạch hay hô hấp thì tiên lượng thường tốt.
Như đã nói ở trên, bọ cạp ở Việt Nam thường không độc, do đó với một người khỏe mạnh việc xử trí ban đầu như trên là đủ. Tuy nhiên trong một số trường hợp như trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc các triệu chứng ở mức độ nặng lên, xuất hiện biểu hiện toàn thân thì việc đưa đến các cơ sở y tế là cần thiết. Lúc đó, điều trị sẽ đặc biệt hơn như kháng sinh, kháng độc tố, thuốc an thần…
5. Cần làm gì để phòng ngừa bọ cạp đốt?
Bọ cạp là loài nhút nhát, chúng thường tránh xa con người. Tuy vậy đôi khi chúng ta tình cơ dẫm lên chúng, dẫn tới việc bị đốt. Do đó ở những nơi thường có bọ cạp sinh sống như bìa rừng, nhà cũ, chúng ta vẫn nên thận trọng. Một số việc nên làm để không bị bọ cạp đốt như:
- Di chuyển các khối đá hoặc gỗ ra xa nơi ở vì đây là những vị trí bọ cạp thường lẩn trốn.
- Cắt gọn cỏ xung quanh nơi ở. Những cành cây nhô ra ở trên mái nhà nên được cắt bỏ để tránh tạo đường cho bọ cạp đi vào nhà ở.
- Kiểm tra những đồ vật như găng tay, giày dép nếu sử dụng lại sau một thời gian dài.
- Ở những nơi thường gặp bọ cạp nên đóng cửa kín khi đi ngủ để không cho bọ cạp chui vào nhà.
- Khi đi tới những nơi lạ như cắm trại, leo núi, nên đeo giày và kiểm tra kĩ chỗ ở. Không nên đi chân trần vào buổi tối vì đây là thời điểm bọ cạp ưa thích hoạt động.
Bọ cạp là loài động vật nhút nhát, chúng thường tấn công con người nếu bị dồn ép hoặc vô tình bị dẫm phải. Những trường hợp bị bọ cạp đốt không phải ít gặp, đặc biệt một số nơi còn khá thường xuyên. May mắn là tỉ lệ tử vong do bọ cạp đốt rất thấp. Hơn nữa bọ cạp ở Việt Nam thường chỉ gây triệu chứng tại chỗ.
Xử trí sớm và đúng cách vết đốt thường là đủ. Tuy nhiên không được chủ quan nếu triệu chứng nặng, kéo dài hoặc bọ cạp đốt ở trẻ em hoặc người lớn tuổi. Khi đó, điều quan trọng nhất là đến các cơ sở y tế sớm để được điều trị chuyên sâu hơn.