Blogger Chi Nguyễn – Người mẹ Tối Giản: Tôi rất ít khi mua đồ chơi cho con
•Tên thật: Nguyễn Phương Chi
•Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 2013, du học tại Mỹ lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hiện cô là nghiên cứu sinh ngành Quản lý Giáo dục.
•Lĩnh vực nghiên cứu: các vấn đề bình đẳng xã hội và cơ hội học tập cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.
•Tác giả của blog The Present Writer và tựa sách “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”.
Sau 4 năm theo đuổi lối sống tối giản, người mẹ trẻ nhận thấy mình được nhiều hơn mất. Cái cô được là sự tự do và giải phóng bản thân khỏi những thứ mà xã hội cho rằng mình “phải” có. Và chỉ mất đi những thứ không còn cần thiết với cô.
– Càng có nhiều đồ thì càng có thêm lựa chọn.
– Thêm nhiều thứ là thêm niềm vui.
– Luôn PHẢI cố gắng giữ mối quan hệ tốt đẹp và làm hài lòng tất cả mọi người, PHẢI làm nhiều hơn, có nhiều mục tiêu hơn…
Đó là những quan niệm được áp đặt lên Chi từ khi còn nhỏ xíu. Lớn lên, cô cảm thấy mình như trong một cuộc đua. Phải có thêm nhiều hơn nữa, thêm nhiều mối quan hệ nữa, nhiều mục tiêu lớn hơn nữa,… thì mới là hạnh phúc.
“Nhưng thực sự trong tâm hồn, mình biết là mình sống không đúng với bản ngã của mình và mình luôn cảm thấy không hài lòng, thỏa mãn với cuộc sống dù đã có rất nhiều”, Chi Nguyễn tâm sự.
Cho đến khi sang nước ngoài, chuyển nhà nhiều lần, có nhiều biến cố và thay đổi trong cuộc sống, cô nhận ra bản thân cần thay đổi vì cuộc sống cũ đối với cô quá nặng nề và mỏi mệt. Từ đó, Chi lên mạng tìm hiểu và đọc sách của những người đồng quan điểm. Lần đầu tiên trong đời, Chi nhận ra lối sống nhẹ nhàng, đơn giản, ngăn nắp mà cô hằng mong muốn hoàn toàn có thể thực hiện được.
Và cô không còn phải sống theo cách đám đông vẫn đang sống.
“Chủ nghĩa tối giản đã tìm thấy mình từ đó”, nữ blogger nói.
Bắt đầu biết đến lối sống tối giản cũng là lúc Chi mới kết hôn, bởi vậy cả cô và chồng đều trải qua một cuộc hành trình thay đổi bản thân theo cách riêng. Cuộc sống của Chi thay đổi nhưng bản thân cô lại cảm thấy mình được trở lại đúng con người thực sự của chính mình.
“Có thể nhìn từ bên ngoài mọi người thấy cuộc sống của mình quá nội tâm và tĩnh lặng, nhưng từ bên trong, mình biết mình đang làm những việc có ý nghĩa, tích cực, với nguồn nội lực lớn. Những điều này có lẽ không thể xảy ra nếu mình không tối giản hóa cuộc sống, bỏ bớt những thứ vật chất làm mình cảm thấy bộn bề, ngột ngạt làm mình lo sợ rằng đang sống khác người, và những thứ vụn vặt làm mình xao nhãng khỏi mục tiêu chính”.
Khi có con nhỏ, cuộc sống của cô thay đổi thêm một lần nữa. Một em bé ra đời sẽ làm phát sinh thêm rất nhiều thứ lặt vặt trong nhà không dễ gì bỏ được. Thêm nữa, chăm trẻ con rất bận nên không phải bố mẹ nào cũng có thời gian dọn dẹp đồ đạc thường xuyên và cân nhắc kỹ trước khi mua món mới.
Tối giản khi có con nhỏ đòi hỏi tập trung và kỷ luật hơn. Thậm chí, sau khi có con, cô càng nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của lối sống tối giản, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho con và cả gia đình.
Chi thừa nhận rất ít mua đồ chơi mới mà hay đưa con đi chơi ở công viên, thư viện; ít mua sách mới cho con mà mượn sách ở thư viện thiếu nhi về đọc. Đưa con đi thư viện, công viên… hai vợ chồng không phải tốn kém tiền mua đồ chơi cho con hay cân nhắc chỗ chứa thêm đồ, vì những nơi này vốn đã có sẵn đồ chơi, bé chỉ cần đến là có cái để nghịch, lại có thêm cơ hội tương tác với các bạn đồng lứa. Hơn nữa, con được khám phá thiên nhiên — những thứ mà không loại đồ chơi nào có thể so sánh được.
Về cái ĐƯỢC của việc không mua sắm đồ chơi quá nhiều, Chi nhớ lại câu chuyện một y tá từng nói. “Tình cờ, Jaden có một cô y tá đến nhà thăm khám định kỳ. Ngồi một lúc trong phòng khách nhà Jaden, cô nhận xét: “Tôi rất thích là nhà bạn không bày ra nhiều đồ chơi cho em bé. Có mấy nhà tôi đến khám họ để đồ chơi ra nhiều quá, ngộn lên chóng mặt, đến đứa trẻ cũng không biết nên chơi cái gì”.
“Gia đình nào có con tuổi sàn sàn nhau cũng có thể làm “play date” nho nhỏ để các bé đến nhà nhau chơi chung và đổi đồ chơi cho nhau”, người mẹ trẻ gợi ý.
Hiện tại, mỗi thành viên trong gia đình Chi đều có một lịch sinh hoạt chặt chẽ để đảm bảo mọi thứ được vận hành trơn tru nhất, tối ưu nhất. Điều này vô cùng quan trọng đối với gia đình Chi Nguyễn vì chỉ có vợ chồng cô vừa chăm em bé vừa đi làm/đi học, không gửi trẻ, không có giúp việc/vú em, và không có ông bà trợ giúp.
“Sau 4 năm, không chỉ mình mà chồng mình (và có lẽ cả em bé mới 9 tháng của chúng mình) cũng thực hành tối giản hóa cuộc sống. Bọn mình không tối giản đến mức “cực đoan” nhưng có lẽ chặt chẽ hơn những người bình thường ở số lượng đồ đạc sở hữu, độ ngăn nắp trong gia đình, phong cách du lịch gọn nhẹ, thời gian dành cho nhau và cho gia đình, bạn bè…”, Chi chia sẻ sau 4 năm theo đuổi Chủ nghĩa tối giản.
Chừng ấy thời gian học cách “buông bỏ”, Chi thừa nhận đã “được” nhiều hơn “mất”. Cái Được lớn nhất chính là sự tự do và giải phóng bản thân khỏi những thứ mà xã hội cho rằng mình “phải có”.
“Mình không nghĩ là mình mất đi cái gì nhiều – có chăng là những thứ mình không cần thiết – nhưng nếu nói là khó khăn thì khó khăn nhất là giải thích cho những người xung quanh tại sao mình nói “không” nhiều hơn với những thứ mình không muốn có trong cuộc sống”, cô chia sẻ.
Đối với Chi Nguyễn, đây là một lối sống hiện đại và tích cực. Bạn có thể không muốn theo đuổi lối sống này một cách hoàn toàn, nhưng việc áp dụng vài ý tưởng để tối giản hóa cuộc sống vốn bộn bề hiện tại cũng không hề tệ chút nào. Vậy tại sao ta không thử tìm hiểu từ bây giờ?
“Mình hy vọng sẽ có nhiều người biết đến lối sống này một cách đầy đủ và đúng đắn, thay vì chỉ biết một vài mặt nào đó khiến cho cách hiểu trở nên “nửa vời” hoặc quá cực đoan. Còn sống theo lối sống này hay không, hoàn toàn phụ thuộc ở bạn”.