Blog du lịch bụi
NGÀY 8/5/2016: HÀ NỘI – YÊN BÁI – MÙ CĂNG CHẢI
Đi bộ từ nhà ra ga Gia Lâm để bắt chuyến tàu LC3 khởi hành lúc 6h25 đi Yên Bái. Xem lịch khởi hành & giá vé tại : http://www.dsvn.vn. Tôi đến ga Yên Bái vào lúc mười rưỡi. Tại đây tôi tính đi bộ ra bến xe Yên Bái để bắt chuyến đi Mù Căng Chải lúc 12h. Mấy bác xe ôm cứ nài nỉ ghê quá nên tôi đành đi xe ôm tới bến xe, tại đại lộ Nguyễn Thái Học cách ga Yên Bái khoảng 1km, với giá 10 ngàn. Sau khi ăn cơm rang, tôi leo lên xe đi Mù Căng Chải xuất phát lúc 12h trưa. Ở đây còn có 1 xe khác đi Mù Căng Chải xuất bến lúc 12h30.
Có một số đoạn đường từ Yên Bái đến Mù Căng Chải khá xấu. Hơn nữa xe dừng lại đón trả khách dọc đường rất nhiều lần nên tôi đến Mù Căng Chải khá muộn lúc khoảng 6h tối. Tôi ngủ lại New Moon guesthouse, có thể là guesthouse tốt nhất ở Mù Căng Chải vì tôi thấy khách sạn còn mới. Vả lại chủ khách sạn là 2 vợ chồng rất nhiệt tình.
Mù Căng Chải ở trên cao nên mát lắm không cần điều hòa, giá nhà nghỉ khoảng 180.000-200.000/phòng.
NGÀY 9/5/2016: CHẾ CU NHA – DẾ XU PHÌNH – LA PÁN TẨN
Ngày hôm trước bạn tôi có đi đường khác đến Mù Căng Chải bằng xe máy. Do đó hôm nay tôi cùng với bạn khám phá ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải bằng xe máy. Thị trấn Mù Căng Chải ở khá xa các bản người Mông, nơi có các ruộng bậc thang. Nếu không đi phượt bằng xe máy đến đây, bạn có thể thuê xe máy của chủ nhà, giá từ 100-200 ngàn/ngày chưa tính tiền xăng.
Để đi đến các bản thì rất dễ, có thể hỏi người dân địa phương & nhìn các biển chỉ dẫn bên đường. Đường vào bản Chế Cu Nha còn là đường đất & hơi khó đi bằng xe máy. Sau khi đến bản Chế Cu Nha, chúng tôi để xe máy lại đó & đi bộ lên 1 bản cao hơn. Phải nói là khung cảnh hoang sơ, rất đẹp & lại không có khách du lịch nên rất tuyệt vời. Lên đến 1 trường mẫu giáo & tiểu học trên đó tôi được các thầy cô giáo người Mông ở đây mời ăn mận. Tôi cũng lấy bánh ra chia cho bọn trẻ con, kiểu bánh qui bọn nó rất thích.
Tôi thấy ruộng bậc thang ở Chế Cu Nha & Dế Xu Phình đẹp hơn so với ở La Pán Tẩn. Các bạn có thể dễ dàng thăm cả 3 xã này trong ngày, nhớ mang đồ ăn pic nic buổi trưa. Chúng tôi đã mua xôi với giò rồi trải áo mưa ra ăn dưới những gốc thông ở Dế Xu Phình.
Ở Mù Căng Chải không có nhiều lựa chọn cho quán ăn. Các quán ăn trong chợ ít lựa chọn & nhìn không sạch sẽ lắm. Có quán ở ngay mặt đường đồ ăn ngon & giá khá phải chăng, chúng tôi ăn cơm bình thường hết 40.000/người. Quán này hay có Tây & các bạn lên đây du lịch cũng hay ăn ở đây.
NGÀY 10/5/2016: MÙ CĂNG CHẢI – SAPA
Tôi có nhờ chủ nhà nghỉ gọi điện đặt trước xe đi Sapa. 9h sáng xe đi qua khách sạn & đưa tôi đi Sapa với giá 120.000. Giá xe khá cao do xe đi đường đèo rất hại xe & tốn dầu nữa. Đoạn qua đèo Ô Quy Hồ tôi tin đó là 1 trong những đoạn đường đẹp nhất ở Việt Nam.
Tôi đến Sapa vào lúc 13h và ở tại khách sạn ở thị trấn.
Thị trấn Sapa rất đông khách du lịch, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Giá phòng thường tăng lên rất cao.
NGÀY 11/5/2016: SAPA – ĐI XE MÁY DỌC CÁC XÃ PHÍA NAM SAPA
Sau khi ăn sáng, đổ xăng & mua đồ ăn trưa pic nic, chúng tôi lên đường đi dọc các xã ở Sapa bằng xe máy (đi xuôi đường Lao Chải , Tả Van…) Chúng tôi đi đến tận xã Bản Phùng, cách thị trấn Sapa gần 50km. Đường vào đây toàn đá lổn nhổn nên bọn Tây liều mạng mấy cũng ngán. Được như vậy đâm lại khoái vì hầu như chẳng có ai trên đường. Phong cảnh thì đẹp mê li như lạc vào cõi khác. Chúng tôi ăn trưa tại lưng chừng trời, đối diện với dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, vừa ăn vừa ngắm mây bay. Đó là những khoảnh khắc rất tuyệt với. Chúng tôi trở về Sapa khoảng 4h chiều.
Bạn có thể thuê xe máy rất dễ dàng ở thị trấn Sapa nhưng lưu ý đừng thuê xe ga vì đường núi đi nguy hiểm.
NGÀY 12/5/2016: BẮC SAPA – BÁT XÁT – LÀO CAI – SAPA
Hôm nay chúng tôi đi các xã ở phía Bắc Sapa rồi vòng lên huyện Bát Xát và đi đến thành phố Lào Cai. Nếu không thích đi như vậy bạn có thể đi Y Tý tôi nghe nói cũng khá thú vị. Phong cảnh không đẹp tuyệt mĩ như ngày hôm trước nhưng sương giăng khắp nơi cũng khiến cho cảnh vật thêm kì ảo. Chúng tôi đến cửa khẩu & ngắm nhìn các tòa nhà của nước bạn Trung Quốc từ bên này. Tôi rất muốn đi sang Trung Quốc nhưng người Việt sang Trung Quốc lần đầu tiên chỉ được ở 15 ngày là tối đa, không được gia hạn visa & phải trả 60usd. Tôi sẽ đi Trung Quốc sau vậy.
Chúng tôi ngồi ở một quán nước ăn trưa pic nic & ngắm biên giới tự nhiên giữa hai nước. Đây chính là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Chiều đến chúng tôi quay lại Sapa sớm vì không chịu nổi cái nóng ở Lào Cai.
Tôi đã đi Sapa nhiều lần nên không đi thăm các bản. Bạn nào thích có thể đi bộ thăm các bản gần gần như Cát Cát, Lao Chải, Tả Van…
NGÀY 13/5/2016: SAPA – LÀO CAI – BẮC HÀ
Buổi sáng Sapa có mưa nên tôi chỉ ở khách sạn nghỉ ngơi.
13h tôi ra vườn hoa Sapa bắt xe bus đi Lào Cai hết 28.000. Xuống bến xe khách Lào Cai tôi bắt tiếp xe đi Bắc Hà. Có nhiều xe đi Bắc Hà lắm, hầu như mỗi tiếng lại có 1 chuyến nên không lo.
Tối đến Bắc Hà sau hơn 2h trên xe.
Ở Bắc Hà có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ nên không cần đặt trước. Để tiết kiệm tiền tôi ngủ ở Samu homestay cách trung tâm có 200m. Vì hôm đó ít khách nên tôi ở phòng riêng, giá có 80.000. Samu là nhà sàn rất đẹp, sạch sẽ, do 2 vợ chồng người Kinh làm chủ.
Buổi chiều tôi đi bộ ra chợ Bắc Hà, thấy họ bán khá nhiều đồ ăn ngon. Tôi liền mua con chim quay giá 15.000 và 3 bắp ngô ngồi ăn ngon lành.
NGÀY 14/5/2016: BẮC HÀ – CHỢ CẮN CẤU
Ngày hôm sau là thứ 7, chợ phiên Cắn Cấu sẽ họp nên tôi đi thăm chợ. Cắn Cấu nằm cách Bắc Hà 20km. Tôi bắt xe bus Lào Cai – Simacai chạy ngang Bắc Hà tầm 7h30. Bạn cứ đứng trước đền Bắc Hà, thấy xe chạy qua thì vẫy. Có xe khác chạy qua lúc 8h, giá vé là 30.000. Sau khi thăm chợ xong tầm 11h xe lại chạy qua rước tôi về Bắc Hà.
NGÀY 15/5/2016: CHỢ BẮC HÀ – CỐC PÀI – XÍN MẦN
Hôm nay là chủ nhật, chợ phiên Bắc Hà họp nên tôi ở lại thăm chợ phiên. Tôi đã thăm chợ này cách đây 3 năm & chợ ngày càng được mở rộng hơn. Nó còn lớn hơn rất nhiều những chợ dưới xuôi.
Sau khi thăm chợ, tôi đi xuôi đường từ Samu guesthouse vào bản Na Hối. Tôi cứ đi theo hết chị lại đến ông người Mông, đi qua bản Séc Bủng lên đến bản Phố. Nhà ông Vàng Seo Chia ở tít trên cao, có khi cao nhất bản Phố, mát mẻ quanh năm, view xuống các ruộng lúa thật đẹp. Ông mời tôi vào nhà uống nước còn rủ tôi ở lại ăn cơm nhưng sáng tôi ăn phở no quá với lại cũng phải về để bắt xe đi Xín Mần nữa. Tôi cảm ơn ông rất nhiều vì thực sự ông là người rất dễ thương
Sau đó lúc đang đi bộ trên đường quay lại thị trấn mỏi chân quá nên tôi vẫy tạm xe máy của 1 em thanh niên người Mông xin đi nhờ. Em này cứ hỏi sao tôi lại đi 1 mình, xinh như vậy đi vào đây không sợ bị người Mông bắt làm vợ ah. Tôi không xinh & cũng không thấy sợ nên cứ đi. Tôi kể là mình đi vào Séc Bủng với Bản Phố, em ấy cứ khăng khăng là người Hà Nội lên thì không thể tự đi như vậy được & chắn chắn rằng tôi là người ở Bắc Hà. Cười muốn đau ruột. Nhưng người Mông dễ thương nhỉ.
4h chiều tôi ra đền Bắc Hà bắt xe đi Xín Mần. Đây là xe khách duy nhất đi Xín Mần. Anh chủ Samu guesthouse còn khẳng định với tôi là không có xe khách đi Xín Mần đâu. Ngày hôm sau ở Xín Mần tôi cũng gặp 1 bạn người Đức đi bụi từ Bắc Hà sang Xín Mần bằng xe ôm. Bạn ấy bảo hỏi khách sạn ở Bắc Hà họ cũng không biết. Tự dưng tốn mất 300.000 tiền xe ôm nhỉ.
Đây là carte của nhà xe Lào Cai/Bắc Hà – Xín Mần:
Quãng đường từ Bắc Hà sang Cốc Pài, Xín Mần chỉ có 60km nhưng xe chạy mất 2h vì phải vượt qua đoạn 12km đường rất xấu, nhiều hôm mưa không đi được. Cốc Pài là thị trấn của huyện Xín Mần, Hà Giang.
Tôi đến Cốc Pài lúc 6h chiều. Vì trưa không ăn gì nên đói quá, tôi đi kiếm quán ăn cơm, tìm khách sạn rồi nghỉ ngơi. Ở Cốc Pài có khoảng 5-7 cái khách sạn & nhà nghỉ, giá từ 150-200-300. Quán cơm bụi cũng nhiều. Tôi nói chuyện với người địa phương thì biết ở Xín Mần có rất nhiều người La Chí sống. Nhưng muộn quá nên tôi không đi thăm bản của họ được. Bản của họ cũng cách đó cả 20km.
NGÀY 16/5/2016: XÍN MẦN – HOÀNG SU PHÌ – HÀ GIANG
Xe từ Xín Mần đi Hà Giang có chuyến lúc 5h, 12h & 12h30. Tôi đi chuyến lúc 12h30 vì chuyến này đi qua Hoàng Su Phì, tôi muốn nhìn những thửa ruộng bậc thang ở đấy. Xe này đón khách ở đối diện khách sạn Huyền An, khách sạn to & mới nhất ở đây. Tôi trả 90.000 tiền vé.
Nếu muốn đón các chuyến khác thì chỉ cần đứng ở chợ.
May mắn cho tôi bác tài xế chọn đi qua đường Thông Nguyên, Hoàng Su Phì vừa râm mát cảnh lại đẹp. Nếu đi vào mùa lúa chín thì đúng là tuyệt vời. Tôi không thích ngủ tại thành phố Hà Giang nên xuống chỗ Cầu Mè (bến xe duy nhất của Hà Giang hiện giờ) & thuê xe ôm đến Thôn Tha để ngủ homestay. Dọc đường đi xe ôm tôi nhìn thấy 1 bản ngay gần đó đẹp quá, anh xe ôm cũng bảo bản này đẹp hơn thôn Tha nhiều. Tôi liền bảo anh đưa vào bản đó ngủ. Anh xe ôm viện cớ này nọ không muốn, tôi liền bảo anh cứ vào đi em trả nguyên tiền 50 000 cho anh. Anh đồng ý liền & đưa tôi vào nhà chị Ngân, bản Mè, thôn Lâm Đồng: 0166.595.055 bốn. Ngủ homestay ở đây cũng như mọi chỗ, tức là 80.000/người.
Bản này quả thật rất đẹp
Người Tày ở đây họ rất thân thiện. Mái nhà họ đều lợp bằng lá cọ, lấy trên rừng cọ ở trên núi. Tối tôi ăn cơm luôn với gia đình chị Ngân.
NGÀY 17/5/2016: HÀ GIANG – ĐỒNG VĂN
Buổi sáng tôi đi bộ quanh bản thăm quan & chụp ảnh một lúc rồi về. 9h30 tôi đi bộ từ nhà chị Ngân ra bến xe Cầu Mè cách đó khoảng 1km. Vẫn như mọi lần, đi bộ được 1 lúc thì tôi xin đi nhờ xe. Chính ra xin đi nhờ xe ở miền Núi rất dễ vì người dân họ rất thân thiện, dễ thương. Tôi ngồi ở quán nước đối diện bến xe & đợi xe đi Đồng Văn.
10h xe đến nơi. Tôi trèo lên xe ngồi lẫn với đủ thứ hầm bà lằng hàng hóa. Xe Hà Giang đi Đồng Văn có rất nhiều chuyến chạy trong ngày. Nên đi chuyến sớm vì nếu đi chuyến muộn quá bạn sẽ tới Đồng Văn rất muộn. Đoạn đường khoảng 140km từ Hà Giang đi Đồng Văn mà xe đi tới mất gần 6h vì đường đèo với lại phải dừng lại đón khách hoặc trả hàng. Giá vé là 100.000
Ở Đồng Văn sau lễ hội Tam giác mạch vừa rồi quá nhiều khách du lịch đổ xô lên Đồng Văn nên bà con cũng tranh thủ kinh doanh phòng nghỉ. Khách sạn ở Đồng Văn nhiều nhan nhản, ngoài ra còn có đủ thể loại guesthouse, motel, phòng trọ giá bình dân. Ngày bình thường có thể dễ dàng tìm được phòng giá 140.000 cho 2 người hoặc thậm chí 100.000 cho 2 người.
NGÀY 18/5/2016: ĐỒNG VĂN
Hôm trước tôi tính sẽ xin đi nhờ xe từ Đồng Văn qua Mèo Vạc mà làm biếng dậy sớm quá nên sau khi ăn sáng tôi qua cà phê Phố Cổ lê la. Cà phê ở đây đúng là ngon, khác hẳn loại cà phê hóa chất tôi uống ở Bắc Hà. Sau đó, tôi đi dọc theo con đường mang tên Phố Cổ ngắm nghía những ngôi nhà cổ mang dáng dấp kiến trúc Trung Hoa. Nhìn chúng thật hay.
NGÀY 19/5/2016: ĐỒNG VĂN – MÈO VẠC – BẢO LẠC
Vì không có xe khách từ Đồng Văn đi Mèo Vạc mà thuê xe ôm phải mất tầm 250-300.000 nên tôi tính sẽ dậy sớm vác balo đi bộ & xin đi nhờ xe dọc đường. Tôi cũng muốn đi bộ để ngắm phong cảnh hùng vĩ bên dòng sông Nho Quế nữa. Quãng đường từ Đồng Văn đi Mèo Vạc chỉ hơn 20km nên nếu không ai cho đi nhờ tôi có thể cuốc bộ. Tôi đi bộ còn nhanh hơn cả tụi Tây. Có điều balo của tôi khá nặng, đi bộ lâu dưới trời nắng nghĩ cũng oải. Mà đi bộ cũng sợ bị xe đâm nữa. Xe ở trên này đường đèo dốc mà cứ chạy ầm ầm chả sợ ai.
Sáng ra tôi gặp chút chuyện với Xuân Thu guesthouse ở Đồng Văn. Lúc dắt tôi đi xem phòng nhân viên khách sạn đã đồng ý giá ở 1 người là 100.000 rồi. Tôi ở đó 2 đêm đến khi trả phòng thì nhân viên khách sạn nói thanh toán 150.000 với cả 2 chai nước nhỏ, mỗi chai 25.000 nữa. Tôi tưởng nước miễn phí nên uống & ngậm ngùi trả khoản này chứ còn tiền phòng thì tôi kiên quyết không trả. Tôi thấy ở Đồng Văn họ bắt đầu có dấu hiệu làm ăn kiểu chộp giật, như kiểu muốn đưa khách vào tròng.
Tôi bắt đầu đi bộ từ Đồng Văn sang Mèo Vạc khoảng 8h kém. Đi bộ được một đoạn thì tôi vẫy xe máy đi nhờ. Đó là xe của một anh đi lắp mạng internet của VNPT. Anh là người dưới xuôi lên đây làm việc & có dự định lập nghiệp, cưới vợ trên này luôn. Anh cũng có kể dạo này nhiều người dưới xuôi lên đây làm ăn lập nghiệp lắm. Làm công chức, giáo viên thì lương cao. Tôi nghe nói lương giáo viên khoảng 14-15 triệu. Làm ăn buôn bán cũng dễ, bán rau cũng có thể kiếm bạc triệu mỗi ngày. Rau ở đây bán rất đắt, 10.000 có khi được một nhúm bé tý. Các mặt hàng nhu yếu phẩm đều chở từ dưới xuôi lên nên giá cả rất cao. Hà Giang và Hà Nội là 2 nơi mà giá cả đắt nhất cả nước.
Anh VNPT dừng lại khi cách Mèo Vạc 11km & cho tôi xuống. Tôi xuống đi bộ một lúc khoảng 2km lại vẫy xe đi nhờ. Lần này là một anh cán bộ xã Pá Vi đang đi chuẩn bị cho công tác bầu cử. Đang đi xe máy mà anh có điện thoại liên tục, tôi thấy anh khá vất vả chuẩn bị cho bầu cử. Trụ sở xã nằm cách Mèo Vạc 3km nên anh lại thả tôi xuống cuốc bộ. Ngày hôm nay thật là một ngày tuyệt vời để đi bộ. Trời không nắng mà gió rất mát. Cảnh vật lại quá đẹp. Lòng tôi thấy lâng lâng hạnh phúc. Đi đường thỉnh thoảng tôi dừng lại chụp ảnh cảnh các gia đình người Mông & cho con họ vài cái bánh quy. Tôi thấy người ở đây rất tốt.
Đi bộ ngang qua chỗ bán phong lan thấy có 1 chiếc xe đậu ở đó. Mấy anh đang xem phong lan hỏi tôi đi bộ một mình à, có muốn đi nhờ không & cho tôi đi nhờ. Thực ra thị trấn Mèo Vạc ngay gần đó rồi nhưng thôi đi nhờ xe oto cũng thích nên tôi leo lên xe. Mấy anh là người Gia Lâm lên Mèo Vạc có việc gì đó. Tôi trêu bảo các anh là đi bộ từ dưới Hà Nội lên mà các anh tưởng thật hihi.
Tôi đến Mèo Vạc lúc 10h, vậy là hết hơn 2h cho quãng đường 21km & rất vui. Tôi tính đi Bảo Lạc để thăm bản người Lô lô đen ở đó nhưng rất tiếc từ Mèo Vạc chỉ có duy nhất xe đi Hà Giang. Nếu muốn sang Bảo Lạc bằng xe khách tôi phải quay lại Hà Giang, bắt xe qua Cao Bằng, rồi từ Cao Bằng bắt xe sang Bảo Lạc. Như vậy vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian lại vừa mệt trong khi Bảo Lạc cách nơi tôi đang đứng có 78km. Không còn cách nào khác tôi đành thuê xe ôm đi hết 350.000VND. Tôi không biết giá này có mắc không nhưng đường rất xấu & tôi nghĩ trả công như vậy xứng đáng với người xe ôm.
Tôi đến Bảo Lạc & ở tại khách sạn Đức Tài. Khách sạn này rất mới & đẹp nhất ở Bảo Lạc. Tôi ăn trưa ở quán đối diện chợ trung tâm, hết có 30.000 mà ngon quá trời với các món rau, đậu, sườn lợn mán, canh… Ăn món gì tùy chọn món đó. Tối tôi cũng quay lại đây ăn vì đồ ăn ngon, ở đây có món lạp sườn tôi rất thích. Nhìn quán thì hơi tối nhưng tôi rất ưng đồ ăn ở quán này.
NGÀY 20/5/2016: BẢO LẠC – CAO BẰNG
Sau khi ăn sáng bằng bánh cuốn tại chợ Bảo Lạc, chúng tôi lên đường thẳm bản Khuổi Khôn, bản của người Lô Lô đen. Chỉ cần đi theo đường hướng Cao Bằng khoảng 9-10km sẽ thấy có biển chỉ dẫn ở phía tay trái. Chúng tôi men theo con đường nhỏ lên núi 5km nữa thì đến bản của người Lô lô. Tiếc là lúc này đa số người dân đi làm hết. Chúng tôi vào vài nhà ngồi nói chuyện với người dân, họ không những cao ráo xinh đẹp mà còn hết sức thân thiện. Họ không để khách ngỏ lời mà chủ động mời vào nhà uống nước luôn. Đàn ông Lô lô muốn lấy vợ phải mang lễ sang nhà vợ 20 triệu tiền mặt, rồi lợn, rượu, gà…rất nhiều thứ. Tiền lễ mất tới 50 triệu, chưa kể tiền làm đám cưới. Nên đàn ông Lô lô lấy vợ rất tốn kém. Như vậy, gia đình nào có con gái cũng đỡ thiệt thòi.
Sau khi thăm bản chúng tôi trở lại thị trấn Bảo Lạc, ăn cơm trưa. 12h45 tôi lên xe đi Cao Bằng & tới bến xe Cao Bằng lúc 5h chiều. Ở Bảo Lạc có các chuyến xe lúc 5h, 7h, 7h30, 12h, 12h30 tới Cao Bằng. Xe chạy lúc 12h30-12h45 là mới & đẹp nhất. Giá vé là 90.000VND.
Đến Cao Bằng tôi ở tại Sunny hotel, khách sạn tự công nhận là đẹp nhất cao bằng nhưng tôi thấy nó còn kém xa khách sạn Đức Tài ở Bảo Lạc. Mà còn rất đắt nữa chứ. Ở Cao Bằng cũng có vài quán ăn đường phố. Kiếm nhà hàng tử tế cũng hơi khó. Có một nhóm khách du lịch người Việt ở cùng khách sạn với tôi họ cũng than như vậy.
NGÀY 21/5/2016: CAO BẰNG – THÁC BẢN GIỐC – NGƯỜM NGAO – CAO BẰNG
Ngày này tôi cùng với 1 người bạn đi xe máy thăm quan. Từ thành phố Cao Bằng chúng tôi đi đường Trùng Khánh để tới thác Bản Giốc, cách thành phố 85km. Cảnh quan 2 bên đường toàn là núi đá vôi, kiểu như vịnh Hạ Long không nằm trên biển mà nằm trên cạn vậy. Gần đến Bản Giốc bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà bằng gỗ của người dân tộc Tày, Nùng nhìn rất hay, hơi giống trong các bộ phim Trung Quốc vậy. Những ngôi nhà này ở mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm nên đồng bào ở đây gọi là nhà mát. Dọc đường có thể dừng lại thăm quan bản Pác Rằng, là điểm du lịch cộng đồng gồm nhiều nhà đất như vậy, có biển chỉ dẫn ở bên tay phải. Bạn cũng có thể dừng lại thăm quan các lò rèn Phúc Sen, nơi nổi tiếng là làm dao, kéo, công cụ lao động tốt. Tôi có mua 1 con dao về làm kỉ niệm, họ làm bằng sắt lấy ở nhíp ô tô Liên Xô.
Để thăm quan thác Bản Giốc bạn phải trả 20.000 tiền phí thăm quan & thêm 10.000 tiền gửi xe máy. Cũng có xe khách & xe bus địa phương chạy nửa giờ 1 chuyến đến thác Bản Giốc. Thông tin này bạn có thể tìm trên internet. Ở Bản Giốc có một vài quán ăn nhưng cũng như các điểm du lịch khác, giá cả khá đắt đỏ. Đi bè để đến gần thác khoảng 10 phút mất 50.000/người, tôi thấy không đáng. Bè du lịch bên phía Trung Quốc nhìn to, đẹp & cũng đông khách hơn. Thật hay là hai bên Việt Nam Trung Quốc có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau nhưng khách du lịch không được tự ý sang bờ bên kia. Những người địa phương thì tôi thấy họ vẫn sang như thường. Phần lớn họ nói tiếng Tày & vẫn hiểu được nhau.
Trước khi đi tôi có đọc được thông tin là thác Bản Giốc là thác nước lớn nhất ở Đông Nam Á. Đến thăm quan tôi thấy nghi ngờ thông tin này vì nhìn thác nước cũng bình thường, không quá đặc sắc. Đa phần mọi người đến đây chụp ảnh quay phim rồi về, vì cấm tắm. Mà công nhận nhìn ảnh chụp lên thì đẹp.
Trước khi quay lại thành phố Cao Bằng tôi có đi thăm động Ngườm Ngao ở dọc đường. Cũng trên đường đi thác Bản Giốc nhưng có biển chỉ dẫn rẽ vào Ngườm Ngao. Giá vé vào động là 35.000 tôi thấy cũng không đáng tí nào vì thực sự nếu đi hang Sửng Sốt hay các hang ở Quảng Bình rồi thì Ngườm Ngao chỉ là tép riu. Sau khi đi bộ khoảng vài trăm mét mà mấy ông xe ôm cứ kêu là 2km, chúng tôi băng qua mấy hàng lưu niệm để đến cửa hang. Hang cũng khá rộng nhưng tôi không ấn tượng lắm. Nếu người già đi thăm hang phải rất thận trọng vì hang ẩm ướt & rất trơn.
NGÀY 22/5: CAO BẰNG – THÁI NGUYÊN
Tôi bắt chuyến xe lúc 7h30 tại bến xe Cao Bằng để trở về quê tôi ở Thái Nguyên. Như vậy là tôi đã kết thúc chuyến đi bụi 2 tuần ở miền Bắc. Hành trình đi bụi của tôi chỉ mới bắt đầu.