Bình đẳng giới và xã hội hiện đại
Trong hơn 20 năm trở lại đây, sự phát triển kinh tế – xã hội và sự thay đổi mạnh mẽ của gia đình và xã hội đã đem lại nhiều thay đổi về chất của vấn đề giới và phụ nữ. Những đóng góp của phụ nữ không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Vì vậy, để tạo ra sự cân bằng giữa vị trí và vai trò của phụ nữ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giới và vấn đề bình đẳng giới để xóa dần khoảng cách giới ở nước ta.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường chủ trì và phát biểu tại Hội thảo. Ảnh minh họa.
1. Bàn về vai trò và vị thế xã hội của nam giới và nữ giới trong xã hội hiện nay
Simone De Beauvoir, nhà triết học, nhà văn người Pháp (1908 – 1986), nhà sáng lập thuyết Nữ quyền hiện sinh, một bộ phận của học thuyết Nữ quyền hiện đại, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Giới tính thứ hai” (The Second Sex), là một trong những người đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ “vị trí xã hội” để so sánh với thuật ngữ “vai trò xã hội” của phụ nữ từ góc độ triết học và xã hội học. Xuất phát từ sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới đang tồn tại trong xã hội nam quyền, bà nhận thấy người phụ nữ đã phải chịu nhiều bất công khi chỉ tính đến vai trò của phụ nữ mà không quan tâm nhiều đến vị trí, vị thế xã hội của họ. Cho đến nay, tình trạng này vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Vậy sự khác biệt của hai khái niệm này như thế nào?
Dưới góc độ khoa học xã hội học, “vai trò xã hội” xác định những gì cá nhân phải làm ở một không gian và thời gian nhất định theo những quy tắc và chuẩn mực mà xã hội đặt ra. Cuộc sống của cá nhân chủ yếu do nhiều vai trò xã hội khác nhau, do đó họ phải tuân theo một số khuôn khổ có sẵn. Ví dụ: người phụ nữ có vai trò là người sản xuất, người vợ, người mẹ trong gia đình; còn nam giới có vai trò là người sản xuất, người chồng, người cha.
Vai trò là một khái niệm quan trọng, theo G. Herbert Mead – người sáng lập ra học thuyết xã hội học “Tương tác biểu trưng” thì sự phát triển các vai trò xã hội trong một cá thể là bởi con người: một mặt thừa nhận tính mong manh và hạn chế của bản thân khiến họ phải tìm những quan hệ với người khác để có thể sống; mặt khác là tìm kiếm và lựa chọn những kiểu hành động có lợi cho sự hợp tác, giao dịch xã hội. Vì vậy, vai trò là tập hợp các mong đợi, các quyền và nghĩa vụ mà xã hội đặt ra, gán cho con người. Những vai trò được hình thành dựa theo những đòi hỏi của văn hoá và xã hội. Vai trò của cá nhân là một hoặc nhiều chức năng mà cá nhân ấy phải đảm trách trước xã hội. Đồng thời, họ cũng nhận được những quyền lợi xã hội tương ứng với việc thực hiện vai trò của mình.
Thuật ngữ “vị trí xã hội” hoặc “vị thế xã hội” dùng để chỉ địa vị của một người đứng trong cơ cấu tổ chức xã hội, theo sự thẩm định và đánh giá của xã hội đó. Vì vậy, vị thế xã hội của một người là địa vị hay thứ bậc mà người đó có. Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về “vị thế xã hội”, nhưng có thể định nghĩa một cách tổng quát nhất: vị trí xã hội hay vị thế xã hội của một người là cái mà xã hội công nhận với người đó xét trong thang bậc xã hội. Địa vị xã hội, về cơ bản là một hiện tượng nhận thức, trong đó các cá nhân hoặc nhóm này được so sánh với người khác và nhóm khác về sự khác nhau dựa trên cơ sở một số đặc điểm hoặc phẩm chất được cho là có ý nghĩa trong xã hội đó. Mặt khác, sự xếp đặt địa vị của một người hay một nhóm người được bắt nguồn từ những quan điểm của những người khác, những quan điểm này được dựa trên một hệ thống giá trị của cộng đồng.
Vị thế và vai trò của cá nhân trong xã hội bắt nguồn từ vị trí kinh tế, chính trị, xã hội của họ, được quy định bởi địa vị của các cá nhân trong giai cấp và các nhóm xã hội mà cá nhân đó là thành viên. Mỗi cá nhân có nhiều vị thế, vai trò khác nhau trong gia đình, ngoài xã hội… và tuỳ theo vai trò của mình mà cá nhân sẽ có cách ứng xử, hành vi, tác phong, hành động tương ứng với vai trò mà cá nhân đảm trách. Vị thế và vai trò luôn gắn bó mật thiết với nhau. Vị thế của cá nhân được xác định bằng việc trả lời cho câu hỏi: người đó là ai? Vai trò của các nhân được xác định bằng cách trả lời câu hỏi: người đó phải làm gì? Vai trò phụ thuộc vào vị thế (vị thế nào, vai trò ấy).
Về nguyên tắc, vị trí xã hội của mọi cá nhân trong xã hội là như nhau và không có sự phân biệt, sắp xếp cao thấp. Tuy nhiên, trong xã hội có giai cấp và phân biệt giới thì điều này tùy thuộc vào lập trường giai cấp và giới tính của cá nhân.
Từ những phân tích trên, Simone De Beauvoir đã đưa ra quan điểm: phụ nữ có vai trò rất lớn trong xã hội là sinh đẻ và nuôi dưỡng các thế hệ, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần, chăm sóc các thành viên gia đình, nhưng vị thế của họ lại rất thấp, bị coi rẻ và phụ thuộc vào nam giới. Sự khác biệt giữa vị thế và vai trò của phụ nữ chính là điểm bất công trong nhận thức và hành vi của xã hội khiến cho sự áp bức giới càng trở nên trầm trọng. S.De Beauvoir khẳng định: làm phụ nữ không phải là một chứng tật và “Tôi không chịu khuất phục ai cả, tôi luôn là người chủ của bản thân tôi”. Phụ nữ không chỉ được sinh ra mà còn phải được tôn trọng.
Đồng quan điểm trên, nhà xã hội học người Mỹ Betty Friedan (1921-2006), thành viên sáng lập của thuyết Nữ quyền tự do, tác giả cuốn “Huyền thoại nữ tính” (Feminine Mystique) cũng đã có những tranh luận nổi tiếng với các tác giả của thuyết Cấu trúc chức năng (một thuyết lớn của xã hội học hiện đại) phản đối cách phân chia xã hội theo hướng tôn ti trật tự nam quyền của thuyết này, trong đó nam giới là người thống trị, còn phụ nữ là người bị trị.
Trong tác phẩm “Về phụ nữ”, Đại văn hào Lỗ Tấn (1881 – 1936 ), nhà văn hoá lớn của Trung Quốc viết: “Chế độ xã hội này đã ép phụ nữ trở thành nô lệ dưới mọi hình thức rồi còn đổ lên đầu họ bao nhiêu là tội lỗi… Trong xã hội theo chế độ tư hữu, phụ nữ vốn cũng bị xem là của riêng, là hàng hoá. Hết thảy mọi quốc sản, mọi tôn giáo đều có những điều lệ lạ lùng, cổ quái, xem phụ nữ là một động vật mang điềm không lành, doạ nạt họ, bắt họ phục tùng như nô lệ đồng thời lại muốn họ làm đồ chơi cho giai cấp cao đẳng”.
Cho đến nay trên phạm vi toàn cầu, nhận thức về vai trò và vị thế xã hội của nam và nữ chưa có nhiều thay đổi và ở mức độ khác nhau trong các nước khác nhau. Chẳng hạn, ở các nước văn minh thì khoảng cách của hai thuật ngữ này càng bị thu hẹp, còn ở các nước lạc hậu, kém phát triển thì khoảng cách càng cách biệt.
2. Những khoảng cách giữa vai trò và vị thế xã hội của nam giới và nữ giới ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của gia đình và xã hội, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi về chất của vấn đề giới và phụ nữ. Ngày nay, người ta gần như không còn dùng từ “phái yếu” để chỉ phụ nữ nữa. Thay vào đó là những từ “phái đẹp” hoặc thậm chí là những người “đàn bà thép”.
Trên thực tế, những đóng góp to lớn của phụ nữ cho gia đình và xã hội, cường độ lao động, tri thức và trí tuệ trong lao động, thời gian lao động đáng kinh ngạc đã khiến cho nhiều người thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ, trong khi đó, pháp luật và xã hội đã tôn vinh vị thế của họ. Những đóng góp của phụ nữ đã không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh và còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động (tương đương với nam giới) nhưng phụ nữ thường làm những công việc nặng nhọc, lương thấp hoặc có mặt nhiều trong vùng kinh tế phi chính thức (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2019). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con, cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi sinh còn thấp.
Trong kinh doanh, phụ nữ chiếm 30% các chủ doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong các cơ quan dân cử và cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, số lượng phụ nữ chưa cao. Phụ nữ chiếm 27,3% tổng số đại biểu Quốc hội và được đánh giá là cao nhất Đông Nam Á, nhưng nếu so với tỷ lệ dân số, tỷ lệ lao động và so với khả năng của phụ nữ thì vẫn chưa tương xứng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là trên 20%, tuy nhiên nhiều trường hợp vẫn bị coi là được “nâng đỡ, ưu tiên”.
Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, sự tham gia của phụ nữ là khá cao. Theo thống kê, 90% phụ nữ biết đọc, biết viết, số lượng nữ sinh theo học tại bậc trung học phổ thông là 53,8%, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ là 33,95%, tiến sĩ là 25,96%, giáo sư và phó giáo sư là 16,5% (thống kê năm 2009). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao trong các lĩnh vực trí tuệ, khoa học, kỹ thuật và quyền lực lãnh đạo tỷ lệ phụ nữ thấp hơn rất nhiều so với nam giới? Phải chăng là do năng lực của phụ nữ kém hơn nam giới? Có thể nêu lên hai vấn đề sau:
Thứ nhất là, những định kiến giới về “đàn ông nông nổi giếng khơi; đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” hay “đàn bà thì biết gì” đã đi sâu vào cuộc sống, thói quen, phong tục tập quán từ hàng nghìn năm khiến nhiều người không tin tưởng vào khả năng của phụ nữ. Trong các cuộc bầu cử, người ta thường chú ý đến các ứng cử viên là nam giới mà ít chú ý đến các ứng cử viên là nữ giới. Nhiều nơi phải đặt ra cơ cấu để đưa nữ giới vào diện bầu cử. Đặc biệt, trong các cuộc bầu cử ở cấp xã hiện nay, tư duy dòng họ đã khiến người dân quan tâm tới việc bỏ phiếu cho dòng họ mình mà quên cả việc bầu cho nữ giới, vì vậy số lượng ứng cử viên là nữ trúng cử quá thấp và thường được đặt trong vòng “ưu tiên”.
Thứ hai là, sự phân công lao động theo giới còn rất bất công trong gia đình và xã hội. Quan niệm coi việc nhà là đương nhiên chỉ dành cho phụ nữ vẫn còn phổ biến trong xã hội. Sau giờ làm việc, ở các quán bia, quán ăn thường tràn ngập nam giới. Họ đi giải trí sau một ngày lao động vất vả, hoặc đôi khi trao đổi công việc ngay tại bàn bia. Ngược lại, sau giờ lao động, người phụ nữ tất tưởi đi đón con và về nhà làm các công việc gia đình như nấu cơm, dọn dẹp. Đối với họ, tan giờ làm việc ở công sở, nhà máy chỉ là sự thay đổi hình thức lao động từ việc sản xuất sang việc gia đình. Do đó, sức khỏe của phụ nữ bị vắt kiệt, thời gian bị bào mòn. Họ hầu như không có thời gian giải trí, đọc sách hay sinh hoạt văn hóa, không được tái sản xuất sức lao động cho ngày hôm sau. Ngày qua ngày, trí tuệ của phụ nữ dần dần trì trệ và bận rộn vì các công việc nội trợ khiến họ không đủ năng lực như nam giới để vươn lên trong công việc. Điều này đã kéo lùi vị thế của phụ nữ trong suy nghĩ của lãnh đạo và đồng nghiệp. Các cuộc điều tra xã hội học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam từ những năm 1990 đến nay đã khẳng định rằng: phụ nữ Việt Nam làm việc khoảng 14-16 tiếng/ ngày, trong khi nam giới là 8-9 tiếng/ngày. Sự phân công lao động như vậy cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ phải làm các công việc không được trả công (sinh đẻ, nuôi con, việc nhà) quá nhiều và điều này đã đưa vai trò của họ lên cao nhưng kéo lùi vị thế của họ xuống thấp. Trong hoàn cảnh như vậy, phụ nữ phải có nghị lực rất lớn mới có thể đạt được vị trí như nam giới trong công việc và số này rất hiếm hoi. Thậm chí, xã hội còn rất khắt khe khi thừa nhận những cố gắng của họ. Xã hội đã gán cho phụ nữ rất nhiều chức năng: người vợ, người mẹ, người con dâu hoàn hảo, người tiếp phẩm, người cấp dưỡng, thầy thuốc gia đình, người sản xuất giỏi… bằng danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, trong khi đàn ông chỉ cần “giỏi việc nước” là đủ. Với thân thể yếu mềm, sức lực có hạn của phụ nữ thì điều này thật không tưởng và xã hội cũng không thể đòi hỏi trí tuệ của phụ nữ phải đạt ngang tầm nam giới.
Xã hội cần khuyến khích cả nam giới và nữ giới kết hợp hài hòa chia sẻ công việc gia đình để có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Phụ nữ đóng vai trò giữ lửa trong gia đình nhưng cần sự chia sẻ của nam giới. Người phụ nữ cần phải được tạo mọi cơ hội để được phát triển, cân bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa vị trí và vai trò. Bất bình đẳng giới sẽ cản trở không chỉ cho sự phát triển của phụ nữ mà còn cho các thành viên gia đình, đặc biệt là thế hệ con cái.
Nhiều nhà khoa học nữ, cả về tự nhiên và xã hội đã thực sự ghi dấu ấn vào các công trình nghiên cứu của mình và cống hiến cho xã hội. Có 27,3% phụ nữ là đại biểu Quốc hội đã không thua nam giới về trình độ nhạy bén chính trị, cách nhìn các vấn đề quan trọng của đất nước, nhân dân bằng con mắt sắc sảo, có lý, có tình. Ngày nay, người ta đã làm quen với thuật ngữ “quyền lực mềm” của nhiều phụ nữ. Họ năng động, chủ động, sáng tạo trong nghề nghiệp, trong hoạt động xã hội và cũng rất xinh đẹp, hiện đại trong cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, trong những thời khắc được xã hội vinh danh, nhiều phụ nữ đã bật khóc vì vui sướng và cũng vì những cay đắng đã phải trải qua. Nhiều người do cống hiến quá nhiều cho công việc đã bị tan vỡ gia đình trong khi điều này ít xảy ra với nam giới. Trong những trường hợp này, họ không những không được chồng ủng hộ mà còn bị chồng tìm cách phá hoại, ngoại tình hoặc ruồng bỏ. Bên cạnh đó, những day dứt về trách nhiệm gia đình luôn đè nặng lên người phụ nữ. Làm thế nào để dung hòa được gia đình và công việc? Câu hỏi ấy luôn được giới phụ nữ đặt ra, đặc biệt là những người phụ nữ thành đạt và điều này làm phân tán trí tuệ, thời gian của họ.
Nam giới chỉ cần tập trung vào một công việc, còn phụ nữ phải hai hoặc ba công việc và điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ phải phấn đấu gian khổ, thậm chí gấp nhiều lần so với nam giới. Có người chọn cách sống độc thân để tìm kiếm sự tự do tuyệt đối cho mình, có người không muốn sinh con…
Những hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, xã hội mà còn đến chính người phụ nữ. Nhu cầu của phụ nữ được chia sẻ tình cảm ấm áp trong gia đình, được nương tựa vào người chồng trước sóng gió của cuộc đời không phải lúc nào cũng được đáp ứng, ngược lại họ phù hợp với vị trí “đằng sau sự thành đạt của đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ” và khi “đứng sau đàn ông” thì an toàn hơn là khi họ đứng trước đàn ông. Tài năng của phụ nữ, vì thế đã bị hạn chế rất nhiều.
Các chính sách về giới của nước ta đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay vẫn còn tồn tại sự kỳ thị trong đánh giá khả năng, đào tạo và đề bạt phụ nữ trong nhiều cơ quan, tổ chức. Các chính sách được ban hành chưa thực sự phù hợp với sự khác biệt về giới giữa nam và nữ, bởi vậy trong nhiều trường hợp chưa đem lại sự công bằng thực sự cho phụ nữ. Phụ nữ có vai trò to lớn, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nhưng xã hội chưa thực sự quan tâm đến phụ nữ, địa vị xã hội của họ, vì thế cũng còn nhiều mặt chưa tương xứng với vai trò to lớn của họ.
Nhà nước và xã hội cần phải tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ để họ có thể được hưởng quyền bình đẳng giới và phát triển tài năng của mình.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp để tạo sự cân bằng giữa vị trí và vai trò của phụ nữ, nhưng việc thực hiện trong thực tiễn chưa được như mong đợi. Khoảng cách giữa thực tế và luật pháp còn khá xa, bởi việc thực thi pháp luật từ cơ chế đến việc tuyên truyền luật còn mang tính hình thức. Muốn thực thi được pháp luật về giới thì phải có con người hiểu biết về giới và có tâm vì sự công bằng. Điều đó có nghĩa là bình đẳng giới và công bằng giới là hai lĩnh vực liên quan phải cùng được thực hiện thì mới đưa đến bình đẳng giới thực chất.
Cần phải xác lập hệ thống chỉ tiêu giới rõ ràng, không chung chung để phấn đấu, chẳng hạn, nếu một nam và một nữ cùng có trình độ ngang nhau ở cơ quan, tổ chức thì phải tính đến con đường đi đến thành công của họ có khác biệt giới để ứng xử công bằng. Phụ nữ tuyệt đối không cần ưu tiên vì thực tế đã chứng minh sự phấn đấu của phụ nữ là phi thường.
Việc giám sát các kế hoạch có tính đến giới và thực thi luật pháp về giới phải làm thường xuyên, hiệu quả và hiệu quả đó phải đo được từ thực tế. Chính quyền, cơ quan chức năng, người dân phải kịp thời có các giải pháp chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, bạo lực và buôn bán người. Các giải pháp cần được thực hiện nghiêm túc và đề cao tính thượng tôn của pháp luật, lấy việc bảo vệ nạn nhân là mục tiêu. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Thực hiện bình đẳng và công bằng giới cần sự đồng bộ giữa nhiều giải pháp từ pháp luật đến đạo đức để xóa dần khoảng cách giới ở nước ta./.
—————————————
Tài liệu tham khảo:
1. Ann Oakley (1974) The Sociology of Housewife; Martin Roberton.
2. John J. Macionis (1987), Sociology ; Prentic Hall, Toronto – Canada.
3. Bùi Thị Tỉnh, Phụ nữ và giới, Nxb CTQG, H.2010
4. Lê Thị Quý, Giáo trình Xã hội học Giới, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.2010.
5. Lỗ Tấn, Tạp văn, Nxb Văn hoá thông tin, H.2003.
6. Sara Delamont (2003), Feminist Sociology, SAGE Publiction Ltd, 6 Bonhill Street, London EC2A 4PU.
7. Tổng cục Thống kê, Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, Nxb Lao động, Thương binh và Xã hội, H.2017.
8. Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam, Nxb Thống kê, H.2019.
GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển
tcnn.vn