Bình đẳng giới thực chất đã có trong Luật
Trước hết, cần khẳng định rằng BĐG và BĐGTC có mối liên hệ rất mật thiết và đương nhiên, trong chừng mực nào đó chúng là một. BĐG được định nghĩa trong Luật “là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Như vậy, xét về bản chất BĐG cũng chính là BĐGTC, khi mà mọi thứ giữa nam và nữ đều “ngang nhau” và “như nhau”. Nếu không có BĐGTC thì làm sao có thể gọi là bình đẳng được. Tuy nhiên, vẫn còn có chút khác biệt giữa hai khái niệm này.
Có thể hiểu BĐGTC là sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trên thực tế (chứ không phải “trên giấy”). Đây chính là mục đích mà Luật hướng tới và cũng là tham vọng của các nhà làm luật. Bởi nếu xét dưới lăng kính giới, hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn được quốc tế ca ngợi là tiến bộ, tuyên ngôn về bình đẳng chúng ta đã có từ lâu mà không cần đợi tới khi có Luật. Nhưng thật đáng tiếc, giữa luật lệ với việc thực thi chúng còn có một khoảng cách khá xa, hay nói cách khác, chúng ta vẫn chưa có bình đẳng thực chất. Bất bình đẳng vẫn tồn tại và nhiều năm liền Việt Nam cũng chỉ được Liên Hiệp Quốc đánh giá là nước có chỉ số BĐG ở mức trung bình (Năm 2004 được xếp hạng 87/144 quốc gia).
Lấy gia đình làm một ví dụ: so với nam giới, phụ nữ thường mất hơn 3-4 giờ mỗi ngày cho những công việc nội trợ không tên và không được trả công, vẫn còn có những phân biệt đối xử và bạo lực trong gia đình… Dù đã có rất nhiều nỗ lực trong xây dựng chính sách, pháp luật để bảo đảm BĐG, song gia đình vẫn thực sự là một thành luỹ kiên cố của bất bình đẳng nằm ngoài khuôn khổ tác động của luật pháp. Phải thêm hai chữ “thực chất” ở đây là vì thế.
Còn một lý do khác là khi nói đến bình đẳng nam, nữ thường có xu hướng chung coi họ như một “khối thống nhất” (vì đều là con người) có những quyền cơ bản ngang nhau và cần được đối xử như nhau. Song, bình đẳng cần được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, có tính đến những điều kiện và hoàn cảnh khác biệt của cả hai giới nam và nữ. Bình đẳng không có nghĩa là đối xử với ai cũng như ai, bất chấp những xuất phát điểm rất khác nhau của họ.
Chính vì có tính đến những sự khác biệt ấy mà để đạt được mục tiêu BĐGTC hàng loạt các biện pháp lâu dài có, tạm thời có đã được quy định trong Luật. Về tổng thể, các biện pháp này được xây dựng trên nền tảng công bằng ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… cho tới tận gia đình, chúng ta đều thấy có quy định “nam, nữ bình đẳng”. Song bên cạnh đó, không thiếu những điều khoản trong Luật có vẻ “thiên vị” đối với một giới nào đó (mà thường là giới nữ). Chính điều này đã tạo ra sự “chia rẽ” trong các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại nghị trường về dự án Luật này.
Đối với các biện pháp đặc thù để hỗ trợ và bảo vệ người mẹ thì không có vấn đề gì. Các ĐBQH khi biểu quyết thông qua những điều luật này có lẽ đều thấy đằng sau những luật lệ đó là gương mặt của những người phụ nữ – những người mẹ. Mà trách nhiệm làm mẹ của họ thì đàn ông dẫu muốn cũng khó lòng san sẻ được. Nhưng đối với các biện pháp thúc đẩy BĐG thì lại không suôn sẻ như vậy. Về bản chất đây là các biện pháp bất bình đẳng. Vẫn biết rằng đây chỉ là những biện pháp tạm thời nhằm thúc đẩy nhanh BĐG trên thực tế, sẽ chấm dứt khi mục đích BĐG đã đạt được, nhưng vẫn có rất nhiều “bất mãn” với chúng và phải khó khăn lắm mới đưa được vào trong Luật. Tuy mang vỏ bọc bất bình đẳng song đây lại chính là những biện pháp hữu hiệu nhằm tiến tới BĐGTC. Dĩ nhiên sẽ không bao giờ có bình đẳng tuyệt đối giữa những nhóm người khác nhau trong xã hội, nhưng bằng những nỗ lực này chúng ta có thể giảm bớt tối đa sự bất bình đẳng vốn có từ trước tới nay.
Vậy là không chỉ BĐG mà cả BĐGTC đều đã được ghi nhận trong luật. Các quy định pháp luật như vậy là tương đối đầy đủ, thiếu chăng chỉ còn việc đưa những quy định này vào thực thi. Các thảo luận gay cấn tại nghị trường cho thấy thực thi vẫn là câu hỏi lớn và không hề đơn giản. Và luật dẫu sao cũng chỉ như một thứ khuôn khổ mà vượt ra ngoài nó còn có biết bao mạng lưới chằng chịt, vô hình trói buộc thân phận người phụ nữ.
Thanh Trà