Biến đổi khí hậu

Thách thức lớn nhưng cũng có nhiều giải pháp

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, nhiều giải pháp ứng phó đã và đang được tiến hành, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta và bảo vệ môi trường tự nhiên. Chúng ta cũng có các khuôn khổ và thỏa thuận toàn cầu để thúc đẩy và giám sát tiến độ triển khai, chẳng hạn như các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris. Trong đó, ba trụ cột hành động chính gồm: cắt giảm phát thải, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, và tài trợ cho các điều chỉnh cần thiết.

Việc chuyển đổi hệ thống năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lương mặt trời…) sẽ làm giảm lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050, tuy nhiên khoảng một nửa lượng khí thải sẽ phải được cắt giảm vào năm 2030 (thông qua nhiều biện pháp, trong đó có loại bỏ CO2 khỏi khí quyển…) để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C. Cùng với đó, sản lượng nhiên liệu hóa thạch phải giảm khoảng 6% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2030.

Thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu giúp bảo vệ con người, nhà cửa, doanh nghiệp, sinh kế, cơ sở hạ tầng và các hệ sinh thái tự nhiên. Những tác động này bao gồm ở hiện tại và cả trong tương lai. Thích ứng sẽ là yêu cầu tất yếu đối với mọi khu vực trên thế giới, nhưng cần được ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất với nguồn lực đối phó các hiểm họa khí hậu hạn chế nhất. Điều này có thể mang lại “tỷ suất lợi nhuận cao”, chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm thảm họa có thể cứu người và tài sản, đồng thời mang lại lợi ích cao gấp 10 lần so với chi phí ban đầu.

Hành động bây giờ hoặc trả giá đắt trong tương lai

Hành động vì khí hậu đòi hỏi các khoản đầu tư tài chính đáng kể từ các chính phủ và doanh nghiệp. Nhưng nếu không hành động, cái giá phải trả có thể sẽ còn đắt hơn rất nhiều. Một trong số những bước đi quan trọng là các nước công nghiệp phát triển cần thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để họ có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới thúc đẩy các nền kinh tế xanh hơn.