Bị sưng lợi phải làm sao?

Lợi bị sưng phồng là hiện tượng dễ bắt gặp, mặc dù đa phần không quá nghiêm trọng nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan, lơ là. Nhiều bệnh nhân thắc mắc khi bị sưng lợi phải làm sao?

1. Lợi bị sưng phồng có nguy hiểm không?

Bị sưng lợi phải làm sao là vấn đề mà nhiều người đặt ra. Lợi hay nướu răng là một bộ phận quan trọng cần được chăm sóc. Bộ phận này cấu tạo từ các mô màu hồng, dày, xơ và chưa đầy mạch máu. Phần lợi bị sưng phồng thường xuất phát ở vị trí tiếp xúc trực tiếp với răng, dẫn đến phình hoặc nhô ra bên ngoài và thậm chí khi sưng nghiêm trọng có thể che mất các bộ phận của răng.

Nướu răng hay lợi bị sưng phồng thường là do mô nướu quá nhạy cảm và dễ bị kích ứng bởi các yếu tố bên ngoài hoặc đơn giản sưng nướu là triệu chứng của các bệnh lý răng miệng tiềm ẩn. Hầu hết các trường hợp lợi bị sưng phồng sẽ không nghiêm trọng và có thể được điều trị bằng các biện pháp tại nhà, sử dụng thuốc chống viêm hoặc điều trị theo hướng dẫn của nha sĩ. Tuy nhiên, nếu lợi bị sưng phồng kéo dài hơn 2 tuần, đồng thời gây viêm nhiễm, đau nhức khó chịu thì bệnh nhân cần đến gặp nha sĩ để được hướng dẫn điều trị cụ thể.

2. Nguyên nhân khiến lợi bị sưng phồng

Khi bị sưng lợi nên làm gì? Để trả lời câu hỏi này trước hết bệnh nhân cần tìm hiểu các nguyên nhân gây sưng lợi. Theo các chuyên gia, sưng lợi là tình trạng nha khoa phổ biến và đa phần không liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng, hầu hết có thể được khắc phục tại nhà.

Cụ thể các nguyên nhân tiềm ẩn khiến lợi bị sưng phồng bao gồm:

2.1. Kẹt thức ăn trong chân răng

Nguyên nhân lành tính phổ biến nhất khiến lợi bị sưng phồng là do các mảnh thức ăn kẹt ở chân răng hay các kẽ răng. Tình trạng này dẫn đến kích ứng, sưng tấy nướu răng ở khu vực bị ảnh hưởng. Đa phần tình trạng lợi bị sưng phồng này sẽ được cải thiện nhanh chóng khi người bệnh súc miệng, chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảnh thức ăn.

2.2. Vệ sinh răng miệng kém

Kỹ thuật vệ sinh răng miệng không phù hợp được xem là một yếu tố làm các mảnh vụn thức ăn bị kẹt ở kẽ răng và đường viền nướu, qua đó khiến lợi bị sưng phồng, đồng thời tăng nguy mắc các bệnh nướu răng khác và cả bệnh sâu răng. Bị sưng lợi phải làm sao thì biện pháp có lẽ đơn giản nhất chính là làm sạch răng/kẽ răng bằng chỉ nha khoa nhằm mục đích loại bỏ các mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn và các mảng bám.

2.3. Viêm lợi

Viêm lợi hay viêm nướu răng là giai đoạn sớm của bệnh nha chu, có thể gây kích ứng và khiến lợi bị sưng phồng. Viêm lợi đa số liên quan đến chế độ vệ sinh răng miệng kém đã tạo điều kiện cho vi khuẩn và mảng bám tích tụ trên đường viền nướu răng. Bên cạnh lợi bị sưng phồng, bệnh lý này có thể dẫn đến một số triệu chứng khác như:

  • Hôi miệng hoặc hơi thở rất hôi;
  • Răng tăng nhạy cảm;
  • Răng lung lay hoặc mất răng;
  • Phần nướu đỏ kèm theo đau, đặc biệt khi nhai thức ăn;
  • Lợi bị chảy máu;
  • Tụt nướu gây lộ chân răng.

2.4. Viêm nha chu

Viêm nha chu là bệnh lý nhiễm trùng của nướu và các mô quanh nướu, thường xuất phát từ các mảng bám không được xử lý trong thời gian dài. Trường hợp viêm nha chu nghiêm trọng có thể kéo tụt nướu, dẫn đến lộ chân răng, thậm chí làm hỏng xương nâng đỡ răng. Hậu quả là răng bị lung lay hoặc thậm chí rụng. Một người bệnh viêm nha chu có thể có những biểu hiện sau:

  • Nướu răng hay lợi bị sưng phồng;
  • Khoảng cách giữa các răng lớn;
  • Răng lung lay;
  • Xuất hiện ổ mủ ở giữa răng và lợi;
  • Thay đổi cách các răng khớp với nhau khi cắn.

2.5. Thai kỳ

Tình trạng lợi bị sưng phồng có thể liên quan đến thai kỳ. Quá trình mang thai khiến cơ thể phụ nhẽ sản sinh ra nhiều hormone hỗ trợ, và mặt khác lại làm thay đổi lưu lượng máu đến nướu răng. Sự gia tăng lượng máu đến nướu có thể dẫn đến tăng kích ứng, dễ sưng tấy hoặc chảy máu.

2.6. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng khoang miệng có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có tình trạng sưng lợi. Herpes, nấm miệng hoặc sâu răng do vi khuẩn nếu không được điều trị đều có thể dẫn đến áp xe răng và gây sưng lợi cục bộ.

2.7. Suy dinh dưỡng

Thiếu hụt một số loại vitamin, đặc biệt là vitamin B và vitamin C có thể khiến lợi bị sưng phồng. Trong đó vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và sửa chữa răng cũng như nướu răng. Nguyên nhân suy dinh dưỡng gây sưng lợi thường phổ biến ở những người lớn tuổi, tuy nhiên những người theo chế độ ăn kiêng hoặc hạn chế một số loại thực phẩm cũng có thể mắc phải hiện tượng này.

2.8. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể làm lợi bị sưng phồng, mặc dù không phổ biến, bao gồm:

  • Lợi bị sưng phồng do tác dụng phụ của một số loại thuốc;
  • Nướu răng nhạy cảm với các sản phẩm chăm sóc răng miệng, như thành phần trong kem đánh răng hoặc nước súc miệng;
  • Đeo răng giả, mão răng hoặc sử các thiết bị nha khoa không phù hợp;

3. Bị sưng lợi phải làm sao?

Hầu hết các trường hợp lợi bị sưng phồng có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc đơn giản tại nhà.

3.1. Sử dụng nước súc miệng khử trùng

Các loại nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn có thể kiểm soát sự phát triển của các loại vi khuẩn cũng như hỗ trợ loại trừ các mảng bám trên răng. Người có phần lợi bị sưng phồng có thể sử dụng các loại nước súc miệng có thành phần sát trùng mạnh, như Cetylpyridinium Chloride. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể được nha sĩ kê toa một loại nước súc miệng có thành phần Chlorhexidine giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.

3.2. Súc miệng bằng nước muối

Bệnh nhân dùng nước muối súc miệng có thể hỗ trợ làm lành các tổn thương ở nướu răng. Các chuyên gia cho biết, súc miệng với dung dịch muối 1.8% trong 2 phút và tần suất 3 lần mỗi ngày giúp tăng cường quá trình hồi phục tổn thương và cải thiện tình trạng lợi bị sưng phồng.

3.3. Súc miệng bằng nước thảo dược

Một số nghiên cứu đã chứng minh tác dụng chống viêm của nước súc miệng thảo dược, như các sản phẩm chứa tinh dầu trà xanh, đinh hương và húng quế. Loại nước súc miệng này có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm nhiễm hiệu quả. Việc súc miệng với nước súc miệng thảo dược trong 21 ngày có thể cải thiện tình trạng lợi bị sưng phồng và hỗ trợ tăng cường bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, một số loại nước súc miệng có thành phần thảo dược còn giúp loại bỏ mảng bám và hỗ trợ điều trị viêm nướu răng tại nhà.

3.4. Chườm nóng và lạnh

Biện pháp này giúp giảm đau và cải thiện tình trạng lợi bị sưng phồng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình chườm phải thực hiện trên mặt thay vì trực tiếp lên nướu răng.

3.5. Sử dụng nha đam

Khi bị sưng lợi nên làm gì? Một trong những biện pháp có thể thực hiện tại nhà là sử dụng các sản phẩm có thành phần nha đam tự nhiên. Nha đam được biết đến với tác dụng kháng viêm và diệt vi khuẩn hiệu quả, qua đó cải thiện các triệu chứng khi nướu răng bị viêm. Bệnh nhân có thể bôi và thoa nhẹ nhàng gel từ lá nha đam, sau đó rửa sạch lại với nước ấm và thực hiện tương tự như trên vài lần mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả.

3.6. Nghệ

Củ nghệ với thành phần curcumin giúp giảm đau và cải thiện tình trạng sưng lợi nướu răng hiệu quả. Bệnh nhân trộn bột nghệ với nước thành bột nhão, sau đó bôi lên nướu răng và thoa nhẹ, cuối cùng rửa sạch bằng nước ấm.

3.7. Gừng

Bệnh nhân có lợi bị sưng phồng hãy trộn bột gừng với muối, sau đó bôi trực tiếp lên khu vực tổn thương.

4. Một số cách điều trị lợi bị sưng phồng

Các trường hợp lợi bị sưng phồng nghiêm trọng, đặc biệt khi xảy ra ở hàm trên hoặc vùng mọc răng khôn, cần được điều trị bằng các biện pháp y tế để hạn chế xảy ra các rủi ro không mong muốn. Cụ thể các biện pháp điều trị nha khoa sẽ bao gồm:

4.1. Cạo vôi răng

Cạo vôi răng là biện pháp vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp giúp loại bỏ vôi, mảng bám và đồng thời hỗ trợ điều trị viêm lợi cũng như tình trạng lợi bị sưng phồng. Trong quá trình thực hiện, nha sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ cao răng. Sau đó tiến hành làm mịn và đánh bóng bề mặt răng nhằm ngăn ngừa mảng bám tích tụ lại trong tương lai.

4.2. Sử dụng thuốc

Người có lợi bị sưng phồng nghiêm trọng kèm theo đau nhức cần sử dụng các loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như ibuprofen, đặc biệt trong trường hợp áp xe răng hoặc viêm nha chu.

Các loại kháng sinh đường uống thường được bác sĩ chỉ định để tiêu diệt vi khuẩn và điều trị áp xe răng. Trong các trường hợp lợi bị sưng phồng kèm nhiễm trùng nặng, người bệnh cần ở lại bệnh viện và điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch để tránh các biến chứng không mong muốn.

4.3. Chích rạch áp xe

Khi bị sưng lợi nên làm gì? Một trong những biện pháp hay được thực hiện chính lad chích rạch ổ áp xe để loại bỏ ổ nhiễm trùng. Sau đó tiến hành dẫn lưu và vệ sinh sạch sẽ khu vực bị tổn thương bằng nước muối.

4.4. Lấy tủy răng

Các trường hợp nhiễm trùng răng nghiêm trọng, gây chết răng, nha sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân lấy tủy răng để loại bỏ vi khuẩn triệt để. Nha sĩ sẽ tiếp cận chân răng thông qua thân răng, sau đó lấy sạch tủy răng và trám đầy lỗ hổng bằng các vật liệu chuyên dụng.

4.5. Nhổ răng

Biện pháp cuối cùng để điều trị viêm khiến lợi bị sưng phồng là nhổ răng, đặc biệt khi nhiễm trùng răng trở nên nghiêm trọng. Biện pháp nhổ răng giúp điều trị triệt để và tránh lây nhiễm ra khu vực xung quanh.

5. Phòng ngừa tình trạng lợi bị sưng phồng

Bị sưng lợi phải làm sao? Thay vì cứ phải tìm cách điều trị thì tốt nhất vẫn là phòng ngừa để viêm lợi không xảy ra ngay từ đầu. Tình trạng lợi bị sưng phồng có thể được phòng ngừa bằng cách vệ sinh răng miệng phù hợp và tham khảo các bước chăm sóc nướu răng như sau:

  • Đánh răng thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày hoặc sau mỗi bữa ăn;
  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng thường xuyên, ít nhất là 1 lần/ngày;
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng nhẹ nhàng;
  • Hạn chế sử dụng đồ uống ngọt, để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ bên trong khoang miệng;
  • Không hút thuốc lá;
  • Tránh dùng sản phẩm cồn và nước súc miệng có cồn;
  • Tránh các loại thức ăn sắc nhọn như khoai tây chiên, hạt và bỏng ngô vì chúng dễ mắc vào răng, từ đó gây sưng lợi và đau nhức.

Mọi người nên đến nha sĩ để khám răng định kỳ ít nhất 1 hoặc 2 lần mỗi năm, ngay cả khi sức khỏe răng miệng bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân cần đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt ngay lập tức nếu nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Lợi bị sưng phồng hoặc chảy máu;
  • Xuất hiện đốm hoặc vết loét ở miệng, kéo dài hơn 1 tuần;
  • Đau hàm hoặc khớp cắn không đều;
  • Khó nhai hoặc khó nuốt;
  • Đau kèm sưng bên trong khoang miệng, xương hàm, mặt hoặc cổ;

Lợi bị sưng phồng là hiện tượng phổ biến và thường không liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra các triệu chứng nếu tình trạng sưng phồng lợi kéo dài hơn 2 tuần, qua đó trao đổi với nha sĩ về các biện pháp điều trị và chăm sóc răng miệng phù hợp hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.