BHXHVN – Chế độ lương hưu giáo viên hiện nay quy định như thế nào?
Hiện nay chế độ lương hưu của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được pháp luật quy định ra sao? Cách tính lương hưu giáo viên là như thế nào? Mức hưởng là bao nhiêu? Bài viết dưới đây của Luật sư DFC sẽ giúp bạn đọc giải đáp tất cả những vướng mắc liên quan đến vấn đề này, hi vọng bài viết sẽ là một nguồn thông tin giúp ích cho bạn đọc.
Chế độ lương hưu giáo viên hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014, quy định về mức lương hưu hằng tháng, theo đó mức lương hưu giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT được quy định cụ thể như sau:
Kể từ ngày Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động có đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 62 của Luật này tương đương với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm một năm thì nam đóng thêm 2% và nữ đóng thêm 3%, do đó tối đa là 75%.
Tính từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể được tính như sau:
– Người lao động nam nghỉ hưu với thời hạn vào năm 2018 là 16 năm và năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
– Người lao động nữ nghỉ hưu với thời hạn từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Tiếp theo cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
– Với mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều này, tiếp đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Người lao động trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do người lao động nghỉ hưu trước tuổi.
– Trường hợp mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 thì được tính bằng số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau:
Người lao động đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Đóng từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
– Trường hợp mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH 2014 bằng mức lương cơ sở, như vậy sẽ trừ đi trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần của giáo viên khi nghỉ hưu được quy định như sau:
Những người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương theo quy định này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu sẽ được tính như sau:
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Người lao động có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của cả thời gian.
Trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội vừa thuộc hệ thống tiền lương do Nhà nước quy định, đồng thời có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo hệ thống tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các thời gian. Trong đó tiền lương đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Luật BHXH 2014.
Như vậy, trên đây là toàn bộ các quy định của pháp luật về chế độ lương hưu giáo viên, khi giáo viên về hưu. Do đó, khi đến tuổi nghỉ hưu thì giáo viên sẽ được hưởng mức lương hưu hằng tháng theo quy định về chế độ lương hưu của giáo viên tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Để nắm rõ hơn về vấn đề này mời bạn đọc liên hệ qua hotline Tư vấn bảo hiểm xã hội miễn phí 1900.6512 để được tư vấn tốt nhất.
Xin chân thành cảm ơn!
LS. Lê Minh Công