Bệnh thành tích trong giáo dục gây ra những hậu quả gì?
Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học: “Thực trạng bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay: Giải pháp ngăn chặn, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục” vừa qua tại Hà Nội, TS Tạ Quang Đàm – Th.S Đỗ Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Học viện Chính trị đã phân tích căn nguyên của Bệnh thành tích trong giáo dục.
Dễ ảo tưởng, giả dối
Phân tích về căn Bệnh thành tích trong giáo dục, TS Tạ Quang Đàm – Th.S Đỗ Thị Minh Nguyệt khẳng định: Bệnh thành tích trong giáo dục cho ra sản phẩm giả mạo, gian dối, che giấu chất lượng thấp bằng những nhãn mác in dấu chất lượng cao. Một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự.
Căn Bệnh thành tích trong giáo dục khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Bệnh thành tích trong giáo dục khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
Chính vì vậy, TS Tạ Quang Đàm cho rằng, các biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục đã và đang xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội.
Căn nguyên của loại “Bệnh” này có nhiều nhưng TS Tạ Quang Đàm đã đề cập đến 4 căn nguyên cơ bản:
Thứ nhất, do áp lực từ “trường chuẩn”
Muốn đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các trường phải đạt rất nhiều tiêu chí cụ thể được quy định bởi Bộ GD&ĐT. Đáng chú ý ở chỗ, đa số các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (nhất là các trường trong nội thành, khu vực đô thị) thường được đầu tư cơ sở vật chất tốt nên sẽ có khá nhiều học sinh xin vào học. Ðiều đó dẫn đến áp lực rất lớn với các trường và đã xảy ra tình trạng bằng mọi giá phấn đấu đạt trường chuẩn, rồi tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”.
Hệ quả là nhiều trường được công nhận đạt chuẩn nhưng lại có lớp số học sinh/lớp học quá đông, chật chội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Đặc biệt, quy định khống chế tỷ lệ lưu ban, rồi áp lực “giữ chuẩn” để không “rớt chuẩn” khiến nhà trường và giáo viên buộc phải tìm mọi cách để cố “giữ chuẩn”, từ đó tạo áp lực học tập, phấn đấu rất lớn lên học sinh và xảy ra tình trạng một số trường học ở nhiều nơi “học sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí không được phép lưu ban.
Áp lực trường chuẩn còn đến từ nhiều hoạt động khác ngoài hoạt động giáo dục, cụ thể các trường chuẩn quốc gia buộc phải tham gia đầy đủ các phong trào cấp trên tổ chức, nhất là các phong trào mũi nhọn như thi Toán, tiếng Anh trên mạng, thi vở sạch chữ đẹp các cấp, thi sáng tạo trẻ… Sức ép thành tích, sức ép của cái mác trường chuẩn quốc gia không ai khác phải gánh chịu mà chính là giáo viên và học sinh cùng người nhà của họ.
Thứ hai, do háo danh
Thông thường, từ háo danh nên sinh ra “bệnh” thành tích và từ thành tích gian dối có được càng thúc đẩy sự háo danh nảy nở, phát triển. Bệnh thành tích trong giáo dục là mặt trái của thành tích trong giáo dục.
Đó là thành tích giáo dục giả, thành tích ảo, thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có; hoặc có thể là thành tích “thật một nửa” nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự nỗ lực, cố gắng trong thi đua có được mà để đạt được bằng mọi giá thông qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”.
Bệnh thành tích trong giáo dục, bệnh này còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường còn những môn khác thì học cho xong, không cần đầu tư thời gian công sức học tập.
Thứ ba, do thói ghen ăn tức ở
Bệnh thành tích trong giáo dục có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy.
Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng giáo dục họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta hoàn thành hết.
Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích trong giáo dục, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Đội ngũ lãnh đạo các cấp cần kiểm tra, giám sát tích cực hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời có hệ thống chế tài quản lý khoa học, bảo đảm tính răn đe.
Thứ tư, do áp lực thi đua
Trong một xã hội, khen thưởng và xử phạt luôn song song tồn tại bởi nó sẽ giúp cho những cá nhân, tập thể không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả tốt. Thành tích là những kết quả tốt mà từng cá nhân hay tập thể đã đạt được sau những nỗ lực phấn đấu hết mình.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thành tích như là một thước đo cho trình độ của con người trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên, vì nó là cái thước đo nên đã gây ra một mặt trái vô cùng nguy hiểm. Đó là vì thành tích mà các trường thi đua để đạt bằng mọi giá.
Sự quá tải trong lao động nghề nghiệp, đặc biệt là cung cách quản lý, tạo ra nhiều sức ép, cộng với bệnh thành tích trong giáo dục như một “trường đua” đã trở thành nỗi sợ và nỗi ám ảnh của đại đa số giáo viên hiện nay.
Cả hệ thống giáo dục hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Áp lực thi đua hình thức làm người ta quan tâm đến những cái bên ngoài hơn là cái bên trong, cái cốt lõi dẫn đến đảo lộn những bậc thang giá trị như dạy chay, học vẹt, mua điểm, chạy trường, chạy bằng…
Nghiên cứu về Bệnh thành tích của GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam.
Làm đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp
Theo TS Tạ Quang Đàm những căn nguyên của bệnh thành tích trong giáo dục trên đã làm đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn nguyên ấy sinh ra bệnh giả dối, gian dối trong giáo dục nhằm mục đích vụ lợi. Tác hại của nó rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà.
Để tìm thuốc chữa căn bệnh thành tích trong giáo dục, theo TS Tạ Quang Đàm cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò quyết định trong chống bệnh thành tích trong giáo dục.
Trên thực tế, những đội ngũ cán bộ chủ chốt đặc biệt là người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường phải là người định hướng, thoát khỏi tư duy chạy theo điểm số, chỉ tiêu.
“Nếu người đứng đầu và đội ngũ cán bộ chủ chốt một ngành hay cơ sở giáo dục như một kiến trúc sư trưởng, họ chỉ cập trung vào điểm số, thành tích thì rất khó để mọi người ở dưới thay đổi, thành công. Do vậy, việc chọn người đứng đầu, đội ngũ cán bộ chủ chốt phải thực sự là “công bộc” của dân, có ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, làm việc đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình” – TS Tạ Quang Đàm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS Tạ Quang Đàm cho rằng, rất cần tới một sự thanh liêm, trong sáng, khách quan của các cơ quan chức năng trong xem xét, đánh giá để quyết định khen thưởng đúng những thành tích giáo dục thật của các cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện những “ngụy” thành tích – biểu hiện của bệnh thành tích.
Đồng thời, cũng cần sự nghiêm minh và kiên quyết trong công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục; trong đó, hết sức chú ý vai trò các bộ phận chuyên trách làm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của ngành giáo dục.
Ngoài ra, tránh phô trương, hình thức trong công tác thi đua, kiên quyết loại bỏ những biểu hiện gian dối “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhất là các khâu tổ chức kỳ thi.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt về hậu quả mà bệnh thành tích mang lại là vô cùng nghiêm trọng. Nó đã không đánh giá được đúng năng lực của học sinh, cũng như chất lượng của nhà trường.
TS Tạ Quang Đàm cho biết, những học sinh được nhận bằng tốt, điểm tốt, lại cho rằng là mình đã giỏi mà lơ là việc học. Nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của nhiều học sinh. Công tác tuyên truyền để mọi cấp mọi ngành nhận thức được việc cần làm ngay bây giờ là ngăn chặn kịp thời căn bệnh này, đó là sự nhận thức đúng đắn đến từ không chỉ những học sinh mà từ các bậc phụ huynh, thầy cô, nhà trường.
Đồng thời, cho phép thành lập hệ thống cơ quan kiểm định giáo dục và đạo tạo; khuyến khích các hiệp hội ngành nghề xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng độc lập chuyên ngành và tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh, sinh viên cuối bậc học.
“Các cơ quan chức năng trong ngành giáo dục cần phải mạnh tay đưa ra các biện pháp để xóa bỏ loại bệnh này bằng cách tăng cường kiểm tra giám sát đột xuất. Việc loại bỏ căn bệnh này không phải của riêng ai, mà là căn bệnh của tất cả mọi người, cần chung tay để một mai không còn bệnh thành tích trong giáo dục có đất để tồn tại” – TS Tạ Quang Đàm kiến nghị.