Bệnh loét dạ dày – Rối loạn tiêu hóa – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia

Với liệu pháp điều trị bằng thuốc hiện nay, số bệnh nhân cần phẫu thuật đã giảm đáng kể. Chỉ định bao gồm thủng, tắc nghẽn, chảy máu không kiểm soát hoặc chảy máu tái phát và mặc dù hiếm gặp, các triệu chứng không đáp ứng với liệu pháp dùng thuốc.

Phẫu thuật bao gồm một thủ thuật làm giảm tiết axit và thường kết hợp với một thủ thuật đảm bảo dẫn lưu dạ dày. Các phẫu thuật được khuyến cáo cho loét tá tràng tính chọn lọc cao, hoặc tế bào thành hoặc thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị (chỉ giới hạn ở phân bố thần kinh ở thân vị và không cần cho hang vị, do đó không cần thiết phải làm thủ thuật dẫn lưu dạ dày). Thủ thuật này có tỷ lệ tử vong rất thấp và tránh được bệnh lý liên quan đến cắt bỏ và thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị kinh điển. Các thủ thuật ngoại khoa làm giảm axit khác bao gồm phẫu thuật cắt bỏ hang vị, phẫu thuật cắt một phần hai dạ dày, phẫu thuật cắt một phần dạ dày và cắt ba phần tư dạ dày (tức là cắt bỏ từ 30 đến 90% phần dưới dạ dày). Các thủ thuật này thường kết hợp với thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị ở thân vị. Những bệnh nhân được làm thủ thuật cắt dạ dày hoặc những người bị tắc cần phải dẫn lưu dạ dày bằng phẫu thuật nối dạ dày-tá tràng (Billroth I) hoặc phẫu thuật nối dạ dày-hỗng tràng (Billroth II).

Tỷ lệ và loại triệu chứng sau phẫu thuật thay đổi theo loại phẫu thuật. Sau phẫu thuật, có đến 30% số bệnh nhân có các triệu chứng đáng kể bao gồm sút cân, kém tiêu hóa, thiếu máu, hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, hạ đường huyết phản ứng, nôn ra mật, các vấn đề cơ học và tái phát loét.

Sút cân phổ biến sau khi cắt bỏ ba phần tư dạ dày; bệnh nhân có thể ăn ít vì cảm giác no sớm (vì túi dạ dày còn lại nhỏ) hoặc để ngăn ngừa hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng và các hội chứng sau ăn khác. Với dạ dày nhỏ, chướng bụng hoặc cảm giác khó chịu có thể xảy ra thậm chí sau bữa ăn với số lượng vừa phải; nên khuyến khích bệnh nhân ăn các bữa ăn nhỏ hơn và thường xuyên hơn.

Tiêu hóa kém và đi ngoài phân mỡ do phẫu thuật bắc cầu tụy-mật, đặc biệt là với nối thông Billroth II, góp phần làm giảm cân.

Hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng có thể xảy ra sau các phẫu thuật ở dạ dày, đặc biệt là cắt dạ dày. Mệt, chóng mặt, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn ói và đánh trống ngực xảy ra ngay sau khi ăn, đặc biệt là các thức ăn ưu trương. Hiện tượng này được gọi là dạ dày rỗng nhanh sớm, nguyên nhân vẫn còn chưa rõ ràng nhưng có thể liên quan đến phản xạ thần kinh thực vật, giảm thể tích nội mạch và phóng thích các peptide từ ruột non. Thay đổi chế độ ăn uống, với các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn và giảm lượng carbohydrate thường có tác dụng.

Hạ đường huyết phản ứng hoặc dạ dày rỗng nhanh muộn (một dạng khác của hội chứng này) là kết quả của hết carbohydrate nhanh chóng trong túi dạ dày. Đạt đỉnh glucose máu sớm kích thích sự phóng thích quá mức insulin, dẫn đến tình trạng hạ đường huyết triệu chứng một vài giờ sau bữa ăn. Khuyến khích sử dụng chế độ ăn giàu chất đạm, ít carbohydrate và lượng caloric thích hợp (trong các bữa ăn nhỏ thường xuyên).

Vấn đề cơ học (bao gồm liệt dạ dày nhẹ và hình thành khối bít tắc dạ dày Cục bã dị vật Cục bã dị vật là một khối tích tụ được bao chặt bằng chất liệu tiêu hóa một phần hoặc không tiêu hóa được, thường xuất hiện trong dạ dày. Cục bã dị vật dạ dày có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi… đọc thêm Cục bã dị vật ) có thể xảy ra thứ phát do giảm nhu động dạ dày giai đoạn III, những thay đổi này xảy ra sau phẫu thuật cắt hang vị và thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị. Tiêu chảy đặc biệt phổ biến sau khi làm thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị, thậm chí cả khi không cắt (tạo hình môn vị).

Loét tái phát, theo các nghiên cứu trước đây, loét tái phát xuất hiện ở 5 đến 12% số bệnh nhân sau khi làm thủ thuật cắt dây thần kinh phế vị chọn lọc cao và trong 2 đến 5% số bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt dạ dày. Loét tái phát được chẩn đoán bằng nội soi và thường đáp ứng với thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2. Đối với loét tiếp tục tái phát, cắt hoàn toàn dây thần kinh phế vị cần được kiểm tra lại bằng phân tích dịch vị, H. pylori nên được loại bỏ nếu có và u gastrin nên được loại trừ bằng xét nghiệm gastrin huyết thanh.