BCKN “MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM – KỸ NĂNG XÃ HỘI CHO TRẺ MẪU GIÁO 4 – 5 TUỔI”.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM – KỸ NĂNG XÃ HỘI CHO TRẺ MẪU GIÁO 4 – 5 TUỔI.
Như chúng ta đã biết phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội là một trong năm lĩnh vực phát triển của chương trình giáo dục mầm non, có ảnh hưởng sâu sắc và liên quan mật thiết đến sự phát triển của trẻ ở các lĩnh vực khác như: phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ…góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách. Giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non là nhằm giúp trẻ có những tình cảm, những chuẩn mực đạo đức, những kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, sáng tạo, tạo cơ hội cho trẻ vận dụng những kỹ năng đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn gần gũi với đời sống hàng ngày của trẻ. Ngày nay xã hội hiện đại mang đến cho con người cuộc sống đầy đủ, sự thoải mái và nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái, đặc biệt là đối với trẻ em. Tình trạng trẻ em hiện nay được các gia đình bao bọc, nuông chiều, làm sẵn, làm hộ khiến trẻ ỷ lại, nhút nhát, thiếu tự tin không có khả năng chờ đến lượt, không biết chú ý lắng nghe và làm việc theo nhóm, các kỹ năng trong cuộc sống rất hạn chế, chưa có cách xử lý phù hợp với những tình huống diễn ra hằng ngày… Vì vậy việc giáo dục tình cảm và kĩ năng xã hội cho trẻ càng trở nên quan trọng đã được các trường mầm non nói chung và bản thân tôi nói riêng thực hiện nghiêm túc. Song khi thực hiện nội dung giáo dục phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội cho trẻ của lớp mình bên cạnh rất nhiều thuận lợi, tôi thấy còn một số hạn chế, khó khăn sau:
Bản thân tôi thường tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội theo hướng lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động giáo dục khác nên nội dung chưa được sâu.
Đa số trẻ ở nhà được gia đình nuông chiều, bao bọc, làm sẵn, làm hộ khiến trẻ ỉ nại, ích kỉ không quan tâm đến người khác, một số trẻ ít giao tiếp, nhút hát, thụ động, dựa dẫm, không có tính tự lập, lãnh cảm với môi trường xung quanh, một số trẻ ngang bướng không kính trọng người trên, có thái độ thờ ơ, ít lễ phép…
Một số phụ huynh mới chỉ quan tâm đến việc ăn uống, sức khỏe và học tập kiến thức chưa quan tâm đến việc rèn kỹ năng gây khó khăn cho trẻ khi có tình huống sảy ra.
Từ hạn chế, khó khăn như vậy, tôi đã áp dụng “Một số biện pháp phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi” ở lớp tôi như sau:
Biện pháp thứ nhất. Tích cực tự bồi dưỡng chuyên môn cho bản thân.
Để nâng cao hiểu biết về kiến thức tổ chức giáo dục phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội cho trẻ tôi nghiên cứu các tài liệu để nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của trẻ 4 -5 tuổi, đọc kỹ phần “Phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội” trong sách Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non Mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi; tìm kiếm thông tin trên mạng enternet… từ đó học tập được những đề tài mới, có thêm những kiến thức, hiểu biết sâu sắc về phương pháp phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội vận dụng vào dạy trẻ. Đồng thời tôi đã đăng ký dạy tiết dạy phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội ở tổ mình để các thành viên trong tổ dự giờ góp ý thêm cho tôi, đây là một hình thức tự bồi dưỡng chuyên môn hiệu quả. Bên cạnh đó tôi thường xuyên học hỏi từ Ban giám hiệu, đồng nghiệp, dự chuyên đề “Phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội” do nhà trường tổ chức và tham khảo các video tiết dạy phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội trên nhóm giáo viên mầm non, kênh youtube…
Biện pháp thứ hai. Xác định nội dung giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội đưa vào kế hoạch giáo dục:
Để phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội cho trẻ ở lớp được sâu hơn thì việc xây dựng kế hoạch và xác định nội dung giáo dục tình cảm – kỹ năng xã hội là vô cùng quan trọng, tôi đã xác định nội dung đưa vào kế hoạch giáo dục bằng cách: Căn cứ đặc điểm tâm sinh lý, mục tiêu lĩnh vực phát triển tình cảm – kĩ năng xã hội của trẻ 4 -5 tuổi và tình hình thực tế của trẻ ở lớp để xác định những nội dung giáo dục, xây dựng mạng hoạt động, trong đó tôi chú ý tăng thêm các tiết dạy giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội chuyên biệt đưa vào kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với từng chủ đề. Ví dụ: Chủ đề “Trường mầm non” tôi đưa nội dung “Dạy trẻ biết chào hỏi lễ phép với người lớn và bạn bè”; chủ đề Bản thân “Dạy trẻ nhận biết một số trạng thái cảm xúc vui, buồn, tức giận”, chủ đề “Thế giới thực vật” tôi dạy trẻ kĩ năng chăm sóc cây… Tôi cũng xác định những nội dung giáo dục phát triển tình cảm – kĩ năng xã hội theo hướng lồng ghép, tích hợp qua các môn hoạt động khác: Ví dụ: Qua hoạt động PTNN thơ “Phải là hai tay” tôi giáo dục trẻ lễ phép, đưa người lớn phải đưa bằng 2 tay, qua hoạt động góc tôi giáo dục trẻ biết đoàn kết, chia sẻ, … Từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể hàng ngày để giáo dục trẻ được hiệu quả.
Biện pháp thứ 3. Lồng ghép, tích hợp giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội thông qua các hoạt động:
+ Qua hoạt động học:
Dựa vào nội dung của từng hoạt động, từng bài học cụ thể, tôi lựa chọn nội dung lồng ghép, tích hợp giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ một cách phù hợp.Ví dụ: Với đề tài: “Gia đình thân yêu của bé”, tôi hướng cho trẻ quan tâm tới các thành viên trong gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên, thói quen, sở thích của mỗi người. Từ đó trẻ thêm yêu quý gia đình mình và tôn trọng thói quen, sở thích riêng của mỗi người, giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của mọi người giành cho mình và thể hiện được tình cảm của trẻ với mọi người…
Ở hoạt động làm quen với tác phẩm văn học như Truyện “Tích Chu”, “Cô bé quàng khăn đỏ”… tôi giáo dục trẻ biết vâng lời và cho trẻ vận dụng những tình cảm và hành vi đạo đức đúng đắn mà trẻ lĩnh hội được trong giờ học vào cuộc sống.
+ Qua hoạt động chơi ngoài trời, dạo chơi tham quan:
Hoạt động ngoài trời, dạo chơi thăm quan là môi trường trải nghiệm thực tiễn giúp trẻ phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội một cách tự nhiên nhất. VD: Khi cho trẻ quan sát thiên nhiên, cây xanh… tôi giáo dục trẻ yêu thiên nhiên, bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường; khi chơi tự do tôi hướng dẫn và giáo dục trẻ chơi an toàn, chơi đoàn kết, nhường nhịn, chia sẻ, không chen lấn, xô đẩy…Khi cho trẻ tham gia vào các hoạt động lao động như nhổ cỏ, lau lá cây…tôi trò chuyện biết được lợi ích việc làm của mình, từ đó hình thành lòng tự hào khi được góp công sức của mình vào việc bảo vệ môi trường… Qua hoạt động dạo chơi thăm quan, trẻ được thể hiện tình yêu với con người, với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, với làng xóm, khu phố, quê hương đất nước trẻ dần hình thành các hành vi giao tiếp văn minh nơi công cộng.
+ Qua giờ hoạt động ở các góc:
Hoạt động góc là hoạt động mang màu sắc tình cảm – kỹ năng xã hội rõ rệt, trong hoạt động này, trẻ có thể thỏa sức chia sẻ, giãi bày và khẳng định được chính bản thân mình. Thông qua các trò chơi: như bán hàng, gia đình, nấu ăn, xây dựng, bác sỹ…. trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong xã hội người lớn, trẻ hiểu được quy tắc ứng xử đúng đắn như thái độ chu đáo, ân cần, sự đồng cảm, tinh thần tương trợ và những phẩm chất đạo đức khác. Từ đó trẻ học được cách giao tiếp, cách ứng xử văn minh, lịch sự, các chuẩn mực đạo đức nhằm phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ. Ví dụ: Tôi gợi ý trẻ: Theo các con khi đóng vai bác sỹ, vai mẹ, vai người bán hàng.., các con sẽ thể hiện như thế nào?. Tôi cho trẻ trả lời theo sự hiểu biết của mình và định hướng cho trẻ: Vai bác sỹ thường trầm tính, chỉn chu và cẩn thận. Người bán hàng thì luôn tươi cười, đon đả đón khách….
+ Qua giờ ăn, ngủ, vệ sinh:
Trong giờ ăn, ngủ, vệ sinh các kỹ năng tự phục vụ được rèn luyện thường xuyên. Ngay từ đầu năm học tôi dạy trẻ biết giữ gìn quần áo, chân tay sạch sẽ, biết rửa tay, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn; Dạy trẻ hành vi văn minh trong ăn uống, biết nhặt cơm rơi, không nói chuyện khi ăn, biết mời trước khi ăn; biết giúp cô lau dọn bàn ăn, đặc biệt biết xếp hàng chờ đến lượt khi lấy cơm về chỗ ăn. Qua đó dạy trẻ kỹ năng lao động tự phục vụ, rèn tính tự lập…
Trong giờ ngủ tôi rèn trẻ đi ngủ đúng giờ, trong khi ngủ không nói chuyện, biết lấy và gập cất chăn gối khi ngủ dậy. Cứ như vậy hàng ngày trẻ sẽ hình thành thói quen và tự thực hiện.
+ Qua các hoạt động ngày hội, ngày lễ:
Việc tổ chức ngày hội, ngày lễ ở trường mầm non chính là cơ hội để trẻ thâm nhập vào cuộc sống xã hội, trong những thời điểm có ý nghĩa xã hội nhất định, để giáo dục truyền thống và mang lại niềm vui, niềm tự hào góp phần giáo dục toàn diện cho trẻ. VD: Khi trẻ được tham gia các ngày Khai giảng, Tết trung thu, Tết thiêu nhi…….tham gia vào các tiết mục văn nghệ, các trò chơi, trẻ được giao lưu với bạn bè …Từ đó trẻ được rèn luyện tính độc lập, tính tập thể, sự tự tin vào bản thân và mạnh dạn trong giao tiếp.
Ngoài các hoạt động trên tôi luôn chú ý dạy trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động
Biện pháp thứ 4: Chú trọng tổ chức giờ học chuyên biệt về giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ:
Để khắc sâu kiến thức và hình thành thói quen cho trẻ, ngoài việc lồng ghép tích hợp tôi đã chú trọng tổ chức các giờ học chuyên biệt để trẻ được thực hành, trải nghiệm, biết cách ứng xử phù hợp với những tình huống diễn ra hằng ngày.
Ví dụ: Tổ chức giờ dạy trẻ “Chào hỏi lễ phép với người lớn và bạn bè”.
– Tôi thu hút trẻ vào hoạt động bằng cách cùng trẻ hát bài“Con chim vành khuyên”, trò chuyện dẫn dắt trẻ vào nội dung chính của bài học.
– Ở nội dung trọng tâm của bài tôi cho trẻ xem video “Bé Minh lễ phép khi ở nhà” sau đó tôi gợi ý cho nhận xét thông qua trả lời hệ thống các câu hỏi:
+ Buổi sáng ngủ dậy phải làm gì?
+ Khi có người lớn đi cùng phải như thế nào?
+ Phải làm gì khi ngồi ăn?…
Sau những câu trả lời tôi khái quát lại nội dung cần dạy trẻ thông qua đoạn video; Tiếp theo tôi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi, qua trò chơi“Tìm nhanh chọn đúng”nhằm củng cố và khắc sâu kiến thức cho trẻ. Cuối cùng tôi cho trẻ thực hành “chào cô, chào bạn” để rèn cho trẻ kỹ năng ứng xử phù hợp với tình huống.
Với những giờ học chuyên biệt như vậy, sẽ tạo nhiều cơ hội cho trẻ được tìm hiểu sâu, thực hành, trải nghiệm và rèn nề nếp, thói quen cho trẻ.
Biện pháp thứ 5. Làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh.
Tôi đã mời phụ huynh dự giờ tiết học phát triển tình cảm – kĩ năng xã hội ở lớp tôi, tôi cũng gửi cho phụ huynh xem các video tiết dạy giáo dục phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội. Đồng thời thông qua giờ đón, trả trẻ, họp phụ huynh, qua bài tuyên truyền, tranh ảnh treo ở góc tuyên truyền tôi tuyên truyền đến phụ huynh vai trò của giáo dục phát triển tình cảm – kĩ năng xã hội cho trẻ. Từ đó phối hợp với phụ huynh tạo môi trường giáo dục tốt cho trẻ, luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của trẻ, gương mẫu trước trẻ, không làm hộ, dạy trẻ những kĩ năng đơn giản khi trẻ ở nhà trẻ để hình thành và phát triển thái độ, hành vi ứng xử tốt đẹp của trẻ đối với con người và cuộc sống xung quanh.
Sau khi tôi áp dụng những biện pháp trên, kết quả đạt được như sau:
– Bản thân tôi đã chú trọng tổ chức các tiết dạy chuyên biệt và lồng ghép, tích hợp nội dung phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.
100% trẻ lớp tôi, mạnh dạn, tự tin tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường; biết thể hiện tình cảm với mọi người, trẻ dần biết rung động trước cái đẹp của những sự vật hiện tượng xung quanh, biết quan tâm, chia sẻ, biết chào hỏi lễ phép với mọi người xung quanh.
– 100% phụ huynh lớp tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ phát triển tình cảm kỹ năng xã hội; 87 % phụ huynh thường xuyên phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ.
Trên đây là một số “Biện pháp phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi” tôi đã áp dụng tại lớp 4 tuổi A1. Rất mong được sự góp ý của hội đồng sư phạm, để tôi hoàn thiện hơn. Xin trân trọng cảm ơn!