Bật mí kĩ thuật trồng đậu tương cho năng suất cao

Bật mí kĩ thuật trồng đậu tương cho năng suất cao

Cây đậu tương là giống cây họ đậu rất giàu hàm lượng đạm được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc. Trồng đậu nành rất dễ mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm từ cây đậu nành được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ lượng lớn trong cuộc sống hàng ngày, từ sử dụng trực tiếp hạt thô hoặc các chế phẩm đậu tương như: đậu phụ, dầu đậu nành, tương chấm, bánh kẹo, sữa đậu nành…Ngoài ra, rễ cây đậu nành có tác dụng tăng lượng đạm trong đất, cải tạo đất và hỗ trợ tăng năng suất các cây trồng khác. Bài viết dưới đây xin gửi tới bà con kĩ thuật trồng đậu tương cho năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho những ai lựa chọn trồng loại cây này.

Kỹ thuật trồng đậu tương (01)

Chia sẻ kĩ thuật trồng đậu tương đúng cách từ chuyên gia

Thời vụ trồng cây đậu tương

Thời vụ trồng đậu tương ở miền Bắc được chia ra làm 3 vụ chính là: đông xuân, xuân hè và hè thu do đặc điểm phân bố 4 mùa của khu vực này:

  • Vụ đông xuân: Bà con gieo giống từ tháng 11-12 dương lịch hàng năm và thu hoạch vào tháng 2-3 dương lịch.
  • Vụ xuân hè: Gieo giống trong khoảng tháng 2 -3 dương lịch và thu hoạch vào tháng 5-6 dương lịch.
  • Vụ hè thu: Gieo giống trong khoảng tháng 4-5 dương dịch và thu hoạch vào tháng 7-8 dương lịch.

Trong miền Nam, bà con có thể trồng đậu tương vào bất kì thời điểm nào trong năm, miễn là cung cấp đủ nước tưới cho giống cây trồng này.

Kỹ thuật trồng đậu tương (02)

Đất trồng cây đậu tương

Đậu tương có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, từ đất cát đến đất thịt nhẹ, thậm chí bà con có thể trồng trên cả đất sét. Tuy nhiên, để đậu nành sinh trưởng và phát triển tốt nhất nên trồng trên các loại đất cồn, đất phù sa ven sông hoặc đất rẫy có pH dao động từ 5,5 -6,5.

Chọn giống đậu tương

Một số giống đậu nành được trồng nhiều ở nước ta hiện nay như:

STT
Tên giống đậu tương
Thời gian sinh trưởng (ngày)
Chiều cao cây (cm)
Năng suất đậu tương (tấn/ha)

1
MTĐ 176
80 – 90
45 – 55
2.0 – 2.5

2
HL 203
85 – 90
35 – 45
2.0 – 2.2

3
OMĐN 1
81 – 88
52 – 58
2.2 – 2.8

4
ĐT 2000
100 – 110
40 – 50
2.5 – 3.0

5
ĐT 2006
83 – 92
40 – 50
2.5 – 3.0

Tùy theo điều kiện thực tế và thổ nhưỡng, bà con có thể lựa chọn một trong các giống đậu nành kể trên cho phù hợp.

Kỹ thuật trồng đậu tương (03)

Chuẩn bị đất trồng cây đậu nành

Không cần làm đất

Trong một số trường hợp, không cần làm đất vẫn có thể trồng đậu nành:

  • Nếu bà con trồng trên nền đất phù sa trồng lúa với mục đích xen canh để tăng cường lượng đạm cho đất thì cần đốt gốc rạ và cỏ trước khi gieo hạt.
  • Không nên để đất khô quá trong khi trồng đậu tương. Nếu đất nứt nẻ, bà con cần bơm nước để đất mềm ra, dễ dàng xôm lỗ.
  • Nếu bà con gieo hạt bằng tỉa lỗ, nên sử dụng chày có đường kính 2cm, đầu dẹp nhọn, tránh làm dẽ đất khi xôm lỗ. Hoặc bà con có thể sử dụng dụng cụ gieo hạt 3A, được tích hợp được cả ba tính năng: tạo hốc, gieo hạt và lấp đất
  • Sau khi gieo cần phải ủ rơm, rạ lên trên bề mặt nhằm giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại mọc và giảm phải tưới nước nhiều. Bà con có thể sử dụng 20 mét khối rơm cho 1 hecta đất trồng đậu tương.

Kỹ thuật trồng đậu tương (04)

Làm đất trồng đậu tương

Bà con cần xới đất từ 2-3 lần đảm bảo đất tơi xốp, giúp rễ đậu tương bám sâu, phát triển tốt nhất.

Chú ý trong quá trình làm đất trồng đậu tương

  • Cần thiết kế hệ thống thủy lợi nội đồng: do sử dụng phương pháp tưới tràn khi trồng đậu tương, nên cần đảm bảo hệ thống mương nội đồng có khả năng đưa nước vào và rút nước ra nhanh chóng, không đọng vũng nước, nếu không sẽ làm giống cây trồng này úng nước và chết (do đậu tương là giống cây trồng cạn).
  • Thời gian từ khi bắt đầu đưa nước vào ruộng đến khi nước rút hết không quá 10 tiếng đồng hồ.
  • Cần cắt gốc rạ nếu trồng xen canh với lúa. Bà con có thể tiến hành cắt gốc rạ trước và sau khi gieo hạt đều được. Nếu cắt trước khi gieo trồng sẽ thuận lợi hơn để sử dụng cụng cụ gieo hạt. Sử dụng máy cắt cỏ để cắt gốc rạ, vừa đảm bảo cắt nhanh, cắt sát gốc mà còn giúp rải đều gốc lên bề mặt đất để che phủ, tránh làm mất hơi ẩm trong đất.

Kỹ thuật trồng đậu tương

Gieo hạt đậu tương

– Lượng hạt giống cần chuẩn bị từ 70 -120 kg/ha tùy giống.

– Mật độ và khoảng cách trồng: Tùy theo chiều cao của cây đậu nành, mùa vụ và độ phì nhiêu của đất để lựa chọn ra mật độ trồng phù hợp nhất. Nhưng cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Nếu chọn giống đậu tương cao cây, phân cành nhiều thì cần trồng thưa ra.
  • Nếu đất tốt, màu mỡ và lựa chọn thâm canh thì phải trồng thưa ra, đảm bảo cho hệ rễ phát triển tốt nhất. Nếu đất xấu, trồng xen canh thì có thể trồng mật độ cao, vừa đảm bảo tốt đất, vừa tăng năng suất cây trồng.
  • Mùa nắng cần trồng dày hơn mùa mùa mưa, đảm bảo che phủ đất, tránh làm mất ẩm.

– Bà con có thể sử dụng một trong hai cách trồng đậu tương sau:

  • Gieo hàng với khoảng cách 40×10 cm, mỗi lô 2-3 hạt, tiêu tốn khoảng 70 -80 kg hạt giống/ha.
  • Gieo sạ lan hoặc kéo hàng cần 100 -120 kg hạt giống/ha.

Kỹ thuật trồng đậu tương (05)

Tưới nước khi trồng đậu tương

Ngay sau khi gieo hạt, bà con cần tưới nước ngay đảm bảo cho đất có đủ độ ẩm để hạt giống nhanh chóng nảy mầm, tỉ lệ nảy mầm cao và đồng đều. Nếu trồng trên ruộng, vườn có bề mặt bằng phẳng và thoát nước tốt có thể sử dụng phương pháp tưới tràn với mật độ tưới từ 7 -10 ngày/lần trong mùa nắng.

Làm cỏ và tỉa dặm đậu tương

Sau khi gieo hạt giống từ 5-7 ngày, cây đã nhú mầm lên khỏi mặt đất, bà con cần quan sát tỉa dặm lại những nơi cây không lên để đảm bảo mật độ trồng. Có thể phun các loại thuốc diệt trừ cỏ dại trước hoặc sau khi gieo hạt như: Dual Gold, Dual, Ronstar…Khoảng 2 -3 tuần sau khi gieo nếu có cỏ (từ 3-6 lá), nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ như: Onecide, Targa Super, Select,… Chú ý những giai đoạn sau không nên sử dụng các loại thuốc diệt cỏ tránh làm tồn dư lượng hóa chất trên cây đậu tương. Nếu cỏ dại mọc nhiều thì chỉ nên nhổ bỏ bằng phương pháp thủ công.

Kỹ thuật trồng đậu tương (06)

Bón phân

Bà con sử dụng lượng phân bón cho 1 ha như sau: 60 kg urê + 125 kg DAP + 100 kg NPK (20 – 20 – 15). Chia làm 3 đợt bón phân:

  • Bón lót: 7-10 ngày sau khi gieo hạt bón 30 kg urê + 50 kg DAP.
  • Bón thúc đợt 1: 20 – 25 ngày sau khi gieo bón 30 kg urê + 75 kg DAP.
  • Bón thúc đợt 2: 40 – 45 ngày sau khi gieo bón 100 kg NPK.

Lưu ý: Trên những đất mới trồng đậu nành lần đầu và không áp dụng chủng vi khuẩn nốt sần thì đậu nành sẽ không tạo nốt sần. Vì vậy, để hỗ trợ cây đậu tương sinh trưởng và phát triển tốt cần bón thêm 100-150 kg urê/ha. Lượng phân có thể được chia ra các lần bón sau:

  • Bón thúc lần 1: (10 ngày sau khi gieo hạt): 1/4 lượng urê.
  • Bón thúc lần 2 (30-35 ngày sau khi gieo hạt): 1/4 lượng urê khi cây bắt đầu trổ hoa.
  • Bón thúc lần 3 (50 – 60 ngày sau khi gieo hạt): 1/2 lượng urê còn lại. Tùy tình sinh trưởng của cây đậu mà có thể sử dụng các loại phân bón lá kết hợp với các lần phun thuốc trừ sâu theo định lượng hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Kỹ thuật trồng đậu tương (07)

Phòng trừ sâu bệnh trên cây đậu tương

Nhóm sâu hại trên cây đậu tương

– Dòi đục thân: Chủ yếu gây hại ở giai đoạn đầu từ 1 -2 tuần sau khi gieo hạt. Dòi bắt tấn công từ lá đục và luồn vào trong thân làm chết cây. Phun các loại thuốc diệt dòi như Polytrin, Kinalux, Padan,…

– Sâu ăn tạp (sâu đàn): Xuất hiện trong cả thời gian sinh trưởng của cây đậu nành, nhưng xuất hiện nhiều ở giai đoạn cây con đến khi trổ hoa, chúng tập trung cắn phá lá và các phần non của cây làm cây kém phát triển. Bà con phun các loại thuốc để phòng trừ: Karate, Sherpa, Basudin, Abamectin,…

– Rầy cánh phấn: Loài sâu bọ này sống thành từng đàn thường tập trung ở mặt dưới lá, chích hút nhựa cây, làm cho cây chậm phát triển. Chúng thường tấn công mạnh và gây hại nặng vào mùa nắng trên những ruộng đậu thiếu nước kém phát triển. Phòng trị bằng cách bón phân tưới nước đầy đủ, giúp cây phát triển mạnh đủ sức chống chịu và có thể dùng các loại thuốc trừ sâu như Hopsan, Admire, Applaud,… để diệt rầy cánh phấn.

– Sâu đục trái: Đây là đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên cây đậu tương. Thường khiến bà con thất thu nếu như không có các biện pháp phòng bệnh và chữa trị kịp thời. Chúng thường tấn công vào giai đoạn trổ hoa tượng trái đến khi vỏ trái cứng. Để tiêu diệt loại sâu này hiệu quả nhất, có thể dùng các loại thuốc như Peran, Kinalux, Regent, Basudin,…để phun hoặc rải định kỳ 7-10 ngày/lần trong thời gian sâu đục trái gây hại tập trung.

– Sâu xanh da láng: Phát triển mạnh trong mùa nắng (từ tháng 1-4 dương lịch) và giảm mật độ khi trời mưa nhiều. Nếu lượng sâu trong ruộng cao, chúng ăn trụi lá và các phần non của cây đậu làm giảm năng suất. Loại sâu này có khả năng kháng thuốc trừ sâu mạnh, nên trong phòng trừ cần chú ý luân phiên thuốc và có thể dùng nhóm thuốc chống lột xác sẽ có tác dụng cao hơn như: Pegasus, Atabron, Match,…

Nhóm bệnh hại trên cây đậu tương

– Bệnh rỉ sắt (Phakopspora pachyrhizi): Do chủng nấm rỉ sắt tấn công trên lá, làm lá dễ rụng sớm, giảm khả năng quang hợp ảnh hưởng đến năng suất. Có thể dùng các loại thuốc gốc đồng như: Copper-zinc, Dithane, Champion, COC 85, Tilt, Tilt Super, Folicur,… để trị bệnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì thuốc.

– Bệnh héo rũ: Do nấm Rhizoctonia solani tấn công ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây đậu tương. Đặc biệt bệnh gây thiệt hại nặng nhất vào giai đoạn cây con từ khi gieo đến 2 tuần tuổi. Lúc cây còn nhỏ từ 3-15 ngày sau gieo, phần thân sát mặt đất của cây bị bệnh teo tóp lại, cổ rễ và rễ già biến thành màu nâu đỏ. Bệnh nặng làm chết toàn bộ cả cây làm ảnh hưởng đến năng suất. Trị bệnh bằng cách trồng luân canh với các loại cây trồng khác, chọn giống có khả năng kháng bệnh tốt, trồng đúng mùa vụ, bố trí ruộng thoát nước tốt, chống ngập úng rễ. Xử lý hạt giống trước khi trồng với Zineb liều lượng 10gr/1kg hạt. Có thể dùng dung dịch phèn xanh hòa trộn vôi bột theo tỷ lệ 1/1 với liều lượng 30 kg/ha để xử lý đất trước khi xuống giống. Khi thấy các triệu chứng bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như: Anvil, Validacine, Bonnanza 100SL, Carbendazim, Monceren,… để trị bệnh.

– Bệnh đốm phấn: Tác nhân do nấm Peronospora manshurica. Ở điều kiện ẩm độ cao, sáng sớm có sương mù, ngày nắng nóng như khí hậu miền Bắc làm bệnh dễ phát triển mạnh. Vết bệnh tấn công chủ yếu trên lá, mặt dưới lá màu trắng. Lúc đầu xuất hiện những đốm màu tro hình tròn, về sau vết bệnh có hình tròn hoặc hình không rõ rệt, màu nâu vàng, xung quanh viền nâu thẫm, có ranh giới với phần xanh còn lại của lá. Bệnh tiến triển nặng làm lá bị vàng và rụng sớm làm ảnh hưởng đến năng suất. Bà con lựa chọn giống sạch bệnh và kháng bệnh tốt, luân canh và sử dụng các loại thuốc trị bệnh như: Folpan, Ridomil, Score, Dithan M, Antracol,…

– Bệnh héo rũ do nấm (Fusarium oxysporam): Bệnh dễ phát triển ở đất cằn cỗi, thiếu nguyên tố vi lượng, mặt đất thường bị đóng váng, ruộng trồng độc canh đậu nành nhiều vụ liên tiếp. Bệnh thường gặp ở những cây lớn, lá phía dưới vàng trước rồi lan dần lên những lá phía trên. Khi chẻ dọc thân và quan sát sẽ thấy hệ thống dẫn nhựa của thân bị thối đen hoặc chuyển nâu, quan sát kỹ thấy có sợi nấm li ti màu trắng. Khi cây bệnh nặng rễ chính bị hư nên cây mọc nhiều rễ con trên cổ rễ chính, tạo thành hệ thống rễ chùm. Phòng trừ bệnh bằng cách: Trồng xen canh hay luân canh với các loại cây trồng khác (trừ cây ngô). Xử lý hạt trước khi gieo, tăng cường khả năng kháng bệnh. Khi phát hiện bệnh, bà con sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun: Kasuran 47WP, Kasumin 2L, Copper B75WP, Topsin 70WP, Ridomil MZ 72WP,…Thu hoạch đậu tươngBà con quan sát khi cây đậu tương già, toàn bộ lá sẽ chuyển sang màu vàng và rụng dần từ dưới lên, vỏ của quả đậu tương cũng bắt đầu khô dần bề mặt, ruộng đậu có 1 vài quả ở phía dưới bắt đầu tách vỏ lộ hạt, thì có thể thu hoạch được.

Thu hoạch đậu tương

bằng cách cắt thân thành bó gom và đưa vào máy tuốt ra hạt. Sau đó loại bỏ các hạt sâu, mốc, tạp chất,… phơi sấy đạt ẩm độ 12 – 13% là có thể bảo quản, cất trữ để ăn hoặc bán.

Kỹ thuật trồng đậu tương (08)

Phương pháp chọn giống và bảo quản giống đậu nành

– Loại bỏ các cây kém phát triển, cây bị bệnh trong 3 giai đoạn: Giai đoạn cây con (5-7 ngày) dựa vào màu gốc và loại bỏ những cây dị dạng, bị bệnh và xấu. Giai đoạn ra hoa (30-32 ngày tuổi), dựa vào màu hoa và chiều cao cây để tiến hành tỉa bỏ những cây có dạng hình khác biệt. Giai đoạn chín, cần tiến hành loại bỏ trước khi thu hoạch dựa vào dạng quả, cách đóng quả, màu quả đậu tương khi chín, màu và dạng hạt bên trong.

– Chọn giống: Áp dụng tiêu chuẩn 4 tốt: ruộng tốt, cây tốt, quả tốt và hạt tốt để lựa chọn ra các hạt ưu tú làm giống.

– Bảo quản giống: Sau khi đập để tách hạt, loại bỏ sạch vỏ và phơi từ 2 -3 nắng nếu nắng to, kinh nghiệm cho thấy hạt ở ẩm độ 7-8% để trong mát rồi cho vào lu có miệng nhỏ để bảo quản, dưới đáy và bên trên lót 1 lớp than hoặc tro củi giúp ngăn cản sâu mọt phát triển và hút ẩm, giữ hạt luôn luôn khô.

Trên đây, may3a.com vừa gửi tới bà con chia sẻ chuẩn nhất của chuyên gia về kỹ thuật trồng đậu tương. Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp đủ các thông tin hữu ích giúp bà con thu được năng suất cao khi trồng giống cây này. Chúc bà con bội thu.

Mời bà con và các bạn theo dõi video sử dụng dụng cụ gieo hạt cầm tay 3A

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: [email protected]

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: [email protected]

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!