Bắt đầu kinh doanh đồ Handmade như thế nào?
2021-07-01
Kinh doanh đồ handmade tuy không mới nhưng lại có nhiều điểm thu hút, đặc biệt là với các bạn trẻ. Nhưng làm thế nào để bắt đầu kinh doanh đồ handmade và kinh doanh như thế nào để hiệu quả là một vấn đề mà bất kỳ ai có ý định và mong muốn kinh doanh ngành hàng này đều trăn trở. Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một vài gợi ý hướng dẫn cho các bạn để việc mở cửa hàng kinh doanh đồ handmade tiến hành dễ dàng hơn.
Mục Lục
1. Đồ handmade và kinh doanh đồ handmade là gì?
Đồ handmade là các sản phẩm được làm bằng tay, thông qua các công đoạn tỉ mỉ, khéo léo mà người làm sử dụng các vật liệu khác nhau tạo ra một sản phẩm ưng ý. Không giống với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp, mỗi món đồ handmade có sự khác nhau nhất định mà không giống bất kỳ sản phẩm nào khác dù cùng chủng loại và cùng người làm ra. Đồ handmade có thể là: túi xách, quần áo len tự đan, trang phục tái chế, bánh xà phòng, nến thơm, vòng tay, đồ chơi, áo phông thời trang tự vẽ, mỹ phẩm, tranh treo tường, trang sức phụ kiện, đồ gốm sứ thủy tinh, điêu khắc lọ hoa nghệ thuật, cây phong thủy, tác phẩm tranh biếm họa, đồ nội thất,…
Kinh doanh đồ handmade là việc người bán mang các sản phẩm chất lượng được làm bằng tay bán cho khách hàng thông qua các hoạt động bày bán và quảng bá sản phẩm của mình để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm.
Đồ handmade là gì?
Ngày nay, đồ handmade thật sự bán chạy và được đánh giá phổ biến nhất ở giới trẻ, những người nhạy cảm với những xu hướng mới và tạo nên những trào lưu trong cộng đồng của mình. Ngoài ra, đây là nhóm đối tượng có sự học hỏi nhanh chóng với những điều mới mẻ. Chính vì vậy, đồ handmade cũng một phần giúp người trẻ thể hiện tính cách cũng như chất riêng của bản thân, họ làm ra những món đồ thủ công và tặng chúng cho người thân, bạn bè. Đây cũng là một nền tảng để trong tương lai những người trẻ có thể bắt đầu sự nghiệp kinh doanh hút khách của mình.
2. Có nên kinh doanh đồ handmade?
2.1. Số vốn đầu tư không quá lớn
Đối với sản phẩm handmade, người bán thường không quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư ban đầu bởi nguyên vật liệu để làm đồ handmade có giá không quá cao. Chi phí chủ yếu đến từ tiền thuê cửa hàng và tuyển nhân viên nhưng người bán cũng không cần quá lo lắng bởi thu nhập từ việc bán mặt hàng này khá cao. Phần lợi nhuận là mức giá trả cho công sức lao động và sáng tạo của người tạo ra món đồ handmade đó nhờ sự tỉ mỉ trong từng khâu, sự sắp xếp độc đáo và tạo hình độc đáo.
Bên cạnh đó, kinh doanh đồ handmade có thể thu hồi vốn nhanh và có khả năng quay vòng vốn trong thời gian ngắn. Bởi người bán thường nhận đơn hàng thông qua các mẫu có sẵn hơn là tạo ra các sản phẩm rồi trưng bày nó bởi đây là mặt hàng có vòng đời ngắn, thường theo xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm.
2.2. Nhu cầu thị trường cao
Nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng nhanh của một bộ phận khách hàng bởi đồ handmade được sử dụng không chỉ trang trí cho không gian sinh hoạt của người dùng mà còn thường trở thành một món quà đong đầy ý nghĩa đến những người thân thiết như người thân và bạn bè. Các trào lưu cũng là một cơ hội lớn dành cho người bán khi có thể tận dụng nó tạo ra các sản phẩm hợp với thị hiếu cũng như xu hướng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Đồ handmade được thấy nhiều người trẻ sử dụng, tuy nhiên nó không chỉ phục vụ cho duy nhất nhóm người trẻ. Có thể thấy rằng, nhiều sản phẩm thủ công cũng được nhóm người lớn tuổi ưa thích và sử dụng bởi sự thân thiện của nó. Các món đồ hoài cổ không chỉ chứa đựng những sự tinh tế mà còn đem lại cảm giác gần gũi, trở về những ngày tháng xưa cũ của những người đã trải qua nhiều năm sóng gió cuộc đời. Ngoài ra, đồ handmade cũng thu hút được nhiều sự chú ý từ những em bé bởi sự ngộ nghĩnh của những món đồ chơi được làm thủ công.
Bên cạnh những ưu điểm của kinh doanh handmade thì người bán cũng đối diện với vấn đề quan trọng chính là khởi nghiệp. Bắt đầu kinh doanh luôn là một quyết định khó khăn, cần có nhiều thời gian để suy nghĩ. Dù bất kể đối với ai, khởi nghiệp luôn là một sự lựa chọn đòi hỏi nhiều suy tính bởi bước chân vào một ngành mới mà bản thân còn chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ làm nhiều người nhụt chí. Tuy nhiên, sau những khó khăn ấy, trái ngọt sẽ được tạo ra, kết quả chính là phần thưởng cho người có sự kiên trì. Chính vì vậy, để bắt đầu kinh doanh đồ handmade thì người bán cần rất nhiều kiến thức cũng như khả năng trong cả 2 lĩnh vực là kinh doanh và sáng tạo đồ handmade.
3. Các bước kinh doanh đồ handmade
Để hoạt động kinh doanh thuận lợi, người bán cần lập kế hoạch chi tiết cho từng công việc của mình.
Bước 1: Trau dồi kiến thức để làm đồ handmade
Để kinh doanh đồ handmade, người bán không chỉ cần cải thiện kỹ năng làm đồ handmade mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như học bọc và gói quà; học kỹ năng giao tiếp và thuyết phục khách hàng cũng như cách tư vấn cho khách hàng; học photoshop để quảng bá cho sản phẩm tốt hơn.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch kinh doanh
Đây là khâu quan trọng nhất quyết định việc kinh doanh có tốt hay không bởi nó định hướng cho chủ cửa hàng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nào, cung cấp sản phẩm gì, đối tượng khách hàng chủ yếu là ai,… Việc xác định những yếu tố trên là không khó nhưng nếu không có một định hướng rõ ràng thì người bán dễ đi nhầm hướng.
Bước 3: Xây dựng thương hiệu
Khi đã xác định được những yếu tố cần và đủ để bắt đầu hoạt động kinh doanh, người bán có thể xây dựng thương hiệu cho cửa hàng của mình thông qua cả quảng cáo cửa hàng trên các trang mạng xã hội hay website. Đây không chỉ là cơ hội để người bán có thể mang sản phẩm của mình đến nhiều người hơn mà còn có thể đến những nơi xa hơn.
4. Trang bị kiến thức để làm đồ handmade
4.1. Học hỏi kỹ năng làm đồ handmade
Để kinh doanh được đồ handmade, công việc phải làm đầu tiên chính là học hỏi các kỹ thuật, kiến thức để tạo ra các sản phẩm. Việc học các kỹ thuật thành thạo không chỉ giúp việc tạo ra các sản phẩm handmade được nhanh hơn, rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao hiệu suất khi tạo ra được nhiều sản phẩm hơn mà còn có nhiều thời gian để sáng tạo những món đồ độc đáo và lạ mắt theo ý tưởng của bản thân. Các sản phẩm của cửa hàng có những nét đặc trưng riêng biệt so với đối thủ trên thị trường khi chính sản phẩm đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho mình.
Kỹ năng làm đồ handmade
Ngoài ra, việc học về nguồn gốc, ý nghĩa và cách phối màu sắc cho các sản phẩm cũng là một việc khá quan trọng khi người bán có thể tư vấn được cho khách hàng các sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng của họ bởi với mỗi mặt hàng handmade, ý nghĩa cũng như công dụng của chúng là khác nhau.
Để trang bị cho mình những kiến thức này, người bán có thể tìm hiểu thông qua Internet, tự học trên các ứng dụng như Facebook, Instagram, Youtube,… hay tham gia các khóa học và câu lạc bộ làm đồ handmade để có người chỉ dẫn cho mình.
4.2. Tìm hiểu xu hướng, nhu cầu của thị trường
Việc tìm hiểu xu hướng của thị trường giúp người bán định hướng được thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm bắt kịp xu hướng. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh lớn khi người bán có thể cho ra mắt các sản phẩm mới nhất trước các đối thủ. Đồ handmade là loại sản phẩm có tính đơn chiếc do không có sản phẩm nào giống sản phẩm nào nên đối thủ bắt chước cũng không thể giống hoàn toàn sản phẩm của cửa hàng, đặc biệt là điểm đặc trưng của cửa hàng sẽ trở thành bí quyết kinh doanh tốt nhất.
Để cập nhật các xu hướng mới, các cửa hàng có thể sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube,… để nắm bắt một cách nhanh nhất các trào lưu và cho ra các dòng sản phẩm độc đáo, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng một cách nhanh chóng. Ngoài ra, các câu lạc bộ cũng là nơi mà nhiều người sáng tạo và tạo ra các xu hướng mới rất tốt, nắm bắt được cách tạo ra xu hướng, người bán có thể tự thiết kế cho mình một dòng sản phẩm với những sự kết hợp mới lạ giúp cửa hàng tạo ra một xu hướng mới.
4.3. Học hỏi kỹ năng có liên quan
– Kỹ năng bọc và gói quà:
Kỹ năng gói quà
Cửa hàng có thể cung cấp dịch vụ gói quà hộ giúp khách hàng có những món quà xinh xắn nhất để phục vụ mục đích làm quà tặng người thân, bạn bè – đây sẽ là một điểm cộng lớn. Ngoài ra, cửa hàng có thể thiết kế một cách gói quà riêng cho bản thân để làm một đặc trưng của mình, giúp người bán ghi nhớ đến cửa hàng nhiều hơn. Người bán có thể tăng độ nhận diện của cửa hàng mình thông qua cách gói quà như một lời cảm ơn đến những vị khách đã tin tưởng sử dụng sản phẩm của cửa hàng.
– Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục:
Kỹ năng giao tiếp và thuyết phục là 2 kỹ năng rất quan trọng khi kinh doanh bất cứ ngành nghề nào. Để có một cách truyền đạt dễ hiểu cũng như nắm bắt được tâm lý của khách hàng, người bán cần học hỏi kỹ năng giao tiếp cũng như luyện tập khả năng diễn đạt từ ngữ.
– Kỹ năng Photoshop
Nếu người bán có kỹ năng photoshop thì có thể đưa ra hình ảnh của sản phẩm độc đáo hơn là những bức hình chụp thông thường. Kỹ năng này có thể giúp sản phẩm của cửa hàng nổi bật trong số những sản phẩm khác của các đối thủ cạnh tranh. Chỉ cần với một số thao tác đơn giản, người bán có thể tạo ra những bức ảnh sáng tạo và cập nhật chúng lên website của cửa hàng giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được dòng sản phẩm của cửa hàng.
5. Xây dựng kế hoạch kinh doanh
5.1. Xác định khách hàng mục tiêu
Xác định chân dung khách hàng mục tiêu là bước vô cùng quan trọng khi định hướng phát triển dòng sản phẩm của cửa hàng và cũng để xác định cách thức tiếp cận khách hàng mục tiêu. Việc phân khúc được các đối tượng khách hàng khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, thu nhập, sở thích,… giúp người bán dễ dàng lên kế hoạch trước khi kinh doanh về sản phẩm, dịch vụ cần chú trọng; giá bán ra thị trường và tập trung vào nhóm khách hàng đó hơn như cung cấp sản phẩm nào thì sẽ thu hút được nhóm khách hàng này, các dịch vụ nào nhóm khách hàng này ưa chuộng, giá bán các sản phẩm cho nhóm khách hàng này ở mức nào thì phù hợp,…
Trên thị trường hiện nay cung cấp 2 nhóm sản phẩm chính là:
– Đồ handmade bình dân: Sản phẩm nhóm này có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn dành có các đối tượng là học sinh, sinh viên,… có thu nhập thấp. Các mặt hàng này thường có chủng loại cũng như mẫu mã đa dạng với sự dễ thương và độc đáo thu hút nhóm trẻ. Có thể nói, mô hình kinh doanh này dành cho những người có ít vốn đầu tư ban đầu.
– Đồ handmade cao cấp: Sản phẩm nhóm này có giá trị cao do được làm thủ công, giá thành sản phẩm còn phụ thuộc vào chất liệu sử dụng, tay nghề của thợ thủ công và thương hiệu của sản phẩm. Để kinh doanh loại sản phẩm này cần có số vốn lớn, tay nghề có kinh nghiệm nhiều năm và ổn định.
Mời bạn tham khảo: Kinh nghiệm bán hàng handmade online không thể bỏ qua
5.2. Xác định đặc trưng sản phẩm của cửa hàng
Như đã nói ở trên, cửa hàng khi tạo ra đặc trưng cho các sản phẩm của mình sẽ giúp khách hàng có sự gợi nhớ đến cửa hàng hơn và cũng là lợi thế lớn để cạnh tranh với những đối thủ khác. Người bán có thể sử dụng:
– Dòng sản phẩm cố định: Không ngừng sáng tạo và đổi mới những sản phẩm tưởng chừng đã cũ và lỗi thời là một cách giúp kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm bởi các sản phẩm từng có mặt trên thị trường và có nhiều mẫu mà được nhiều người biết đến hơn một sản phẩm mới. Việc đổi mới các sản phẩm giúp người tiêu dùng không thấy sản phẩm có sự nhàm chán mà còn thích thú với những thay đổi độc đáo.
– Gói quà độc đáo: Gói quà xinh xắn như một lời cảm ơn đến từ cửa hàng đến các khách hàng đã tin dùng sản phẩm của mình cũng là một điểm đáng xem xét khi nó giúp khách hàng cảm nhận được sự chân trọng đến từ cửa hàng.
5.3. Xác định số vốn phải bỏ và thời gian thu hồi vốn
Tùy vào hình thức cửa hàng mong muốn kinh doanh mà người bán cần chuẩn bị kiếm tiền vốn phù hợp cho mình. Khảo sát những người đã từng kinh doanh hoặc tham khảo giá cả những yếu tố cần thiết cho hoạt động kinh doanh để xác định lượng vốn cần có cho quy mô kinh doanh của mình. Ngoài ra, người bán cũng cần chuẩn bị vốn dự phòng cho 3 tháng đầu tiên để dự phòng cho các trường hợp không tốt xảy ra khi đầu tư kinh doanh.
5.4. Tìm kiếm nguồn hàng
Các nguồn nguyên liệu thường có thể tìm thấy tại các chợ đầu mối, có thể kể đến như Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Chợ Tân Thanh (Lạng Sơn), Chợ Bến Thành (thành phố Hồ Chí Minh),…; nếu sản phẩm có tính đặc thù thì người bán có thể tìm đến các làng nghề chuyên nghiệp chuyên cung cấp những nguồn nguyên liệu uy tín trên cả nước.
Chi phí cho nguồn nguyên vật liệu đầu vào khá quan trọng bởi đây là cơ sở cho người bán xác định giá bán ra thị trường một cách hợp lý nhất. Cũng như các loại sản phẩm khác, người bán nên tìm nguồn hàng có uy tín và tìm các cơ hội thương lượng để đi đến mức giá bán buôn có lợi cho đôi bên khi mua lượng lớn và lâu dài để tránh việc nhập nguồn nguyên liệu có giá cả thất thường ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.
6. Xây dựng thương hiệu
6.1. Cửa hàng bán trực tiếp
Đối với các cửa hàng bán đồ handmade, mặt bằng cửa hàng thường phụ thuộc vào đối tượng khách hàng của cửa hàng, những cửa hàng cung cấp những sản phẩm cao cấp có thể được đặt tại mặt đường lớn, các trung tâm giải trí, còn đối với những cửa hàng cung cấp sản phẩm bình dân nên được đặt tại những nơi có nhiều học sinh, sinh viên cũng như có vị trí không tốn quá nhiều chi phí. Cửa hàng có một không gian vừa đủ để vừa sản xuất vừa trưng bày hàng.
Các món đồ handmade thường có đa dạng mẫu mã, chủng loại bởi đặc thù yêu cầu sáng tạo mỗi sản phẩm nên không gian trưng bày cần đơn giản, nhẹ nhàng đề làm nổi bật các sản phẩm. Màu sắc chủ đạo của cửa hàng nên chọn những màu sáng và không quá chói như màu trắng hoặc vàng, không những làm nền cho các sản phẩm mà còn làm giảm sự chồng chéo của các mảng màu trên sản phẩm.
Các giá đỡ cùng tủ kệ là một trong những yếu tố quan trọng để cửa hàng trưng bày sản phẩm của mình để tránh lộn xộn. Với từng loại sản phẩm, người bán nên đặt tại những khu vực riêng để dễ dàng tìm kiếm cũng như kiểm soát hàng hóa.
6.2. Cửa hàng online
Công nghệ số là một sáng tạo tuyệt vời của con người mà các cửa hàng không nên bỏ qua. Kinh doanh trực tiếp là một hình thức kinh doanh truyền thống nhưng nó sẽ phát huy được nhiều hơn khi kết hợp với kinh doanh online. Các nền tảng nên được sử dụng có thể kể đến như Facebook, Instagram, Youtube, website riêng của cửa hàng,… là những lựa chọn không tồi để các sản phẩm có thể đến với nhiều người hơn và đến những nơi xa hơn.
Trên các nền tảng này, người bán cũng cần học cách xây dựng cho mình một không gian ngăn nắp, hợp lý để người dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm muốn mua và người bán dễ dàng kiểm soát các loại sản phẩm của mình.
Nhà bán hàng cũng cần phải biết tổ chức vận hành, quản lý tài chính, các chiến lược tiếp thị truyền thông và marketing của cả cửa hàng bán lẻ trực tiếp và cửa hàng trực tuyến sao cho quy trình tối ưu nhất với chi phí giá rẻ nhất.
Tổng kết, trên đây là những chia sẻ từ phần mềm bán hàng Nhanh.vn về việc bắt đầu hoạt động kinh doanh đồ handmade. Hy vọng bài viết giúp ích được cho bạn. Cảm ơn bạn đã luôn theo dõi những chủ đề trên trang web Nhanh.vn. Nếu bạn quan tâm đến phần mềm bán hàng Nhanh.vn, xin hãy liên hệ hotline 1900 2812 để được tư vấn về chi phí, cách đăng ký, hướng dẫn sử dụng nhanh nhất