Bất cập ở trung tâm hành chính nghìn tỷ Đà Nẵng: ‘Thủ phạm’ là vật liệu kính?
Trung tâm hành chính (TTHC) TP Đà Nẵng vừa xây dựng chưa đầy 3 năm với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, nhưng lại đang có chủ trương di dời, vì đâu nên nỗi?
Kiến trúc thuộc về dĩ vãng
Ngay từ khi Trung tâm hành chính Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng, GS.KTS Hoàng Đạo Kính là một trong những người nêu ra cảnh tỉnh về những hệ luỵ của toà nhà này. Chia sẻ trên Zing.vn GS Kính cho rằng việc thiết kế toàn bộ tòa nhà với vật liệu bằng kính đã dẫn đến bất cập hiện nay, lối kiến trúc này cũng không còn phù hợp với xu hướng không gian xanh trên thế giới.
Ông Kính chỉ ra các điểm bất cập của tòa nhà. Thứ nhất, toà nhà được thiết kế theo hình tròn, thang máy nằm ở trung tâm, người ta sẽ phải di chuyển vòng quanh cái khối đó. Điều này rất không thuận tiện khi làm việc.
Thứ hai, thiết kế một chiếc hộp kính như vậy, trong bất cứ điều kiện nào cũng đều bất tiện. Vì nó tiêu tốn rất nhiều điện năng để chống bức xạ mặt trời, chống nóng… Toà nhà này hoàn toàn không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Đà Nẵng.
Thứ ba, kiến trúc của một cơ quan công vụ phải đàng hoàng, nghiêm túc. Nhưng thiết kế này không phù hợp với cơ quan nhà nước, người nói quả xoài, người nói trái bắp. Không ai nghĩ đó là công sở cả. Lẽ ra, nên tập trung trong một công sở có kiến trúc bình thường, với ban công, các khoảng cây xanh, khoảng không để thở. Đằng này đưa tất cả vào không gian bít bùng bằng kính.
“Thực tế, nhà kính đã là câu chuyện ngày hôm qua của kiến trúc rồi. Trên thế giới, mốt thời thượng ấy đã qua rồi. Nhưng ở Việt Nam bây giờ, ai cũng làm nhà kính và cho rằng như vậy mới thời thượng, hiện đại, tân tiến. Thực tế, đó là một giải pháp đã rơi vào dĩ vãng, hết sức tốn kém, tốn năng lượng, phản lại quan niệm về kiến trúc xanh ngày hôm nay, tách con người ra khỏi môi trường.
Đà Nẵng là thành phố biển đẹp. Tại sao phải tạo ra một không gian cách biệt như thế? Cách biệt với con người và cách biệt với thiên nhiên. Đáng ra, người ta phải xây dựng những công sở cởi mở, gần với người dân hơn, mới thể hiện được giá trị dân chủ mà chúng ta đang hướng đến” – GS Hoàng Đạo Kính nói.
Cùng chung quan điểm, ông Tô Hùng – trưởng Ban đô thị HĐND TP, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng bày tỏ quan điểm trên Tuổi trẻ: “Thiết kế công trình mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ, nhưng về mặt kỹ thuật việc sử dụng vỏ bao che diện tích lớn bằng kính chưa thật sự phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới, nhất là nơi có số giờ nắng bình quân trong năm hơn 2.000 giờ như Đà Nẵng.
Đối với các tầng trên cao, do thu nhỏ dần nên góc chiếu mặt trời lớn tạo khả năng hấp thu bức xạ mặt trời cao. Hình dạng mặt bằng tòa tháp được thiết kế với dạng hình tròn, khá bất lợi về mặt tiện nghi cho trụ sở làm việc, khó khăn cho việc phân chia và bố trí không gian làm việc”
Đồng tình quan điểm đó, KTS Hoàng Quang Huy, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng công trình này không phù hợp với điều kiện làm việc của Việt Nam. Lắp kính từ dưới lên trên, phủ hết tất cả tòa nhà gây nên độ nóng và hiệu ứng nhà kính. Trước đây từng có ý kiến phản biện của Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP cho rằng công trình có kiến trúc không phù hợp.
Sử dụng thiết bị của Trung Quốc?
Chia sẻ trên Vietnamnet, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 cho biết, trong suốt nhiệm kỳ đại biểu HĐND của mình (2011 – 2016), ông từng nhiều lần chất vấn, gửi câu hỏi liên quan tòa cao ốc này.
Ông Trần Văn Lĩnh nhấn mạnh rất quan tâm đến việc bảo mật và an toàn thông tin trong tòa nhà cao nhất Đà Nẵng này.
“Tôi đã đặt câu hỏi thiết bị thông tin trang bị trong tòa nhà hành chính là từ đâu, của nước nào, có phải do TQ cung cấp hay không. Tuy nhiên, TP chỉ trả lời là tất cả các thiết bị thông tin trong tòa nhà được lắp ráp bởi nhà thầu Việt Nam”.
Ông Lĩnh cho rằng trả lời như thế là chưa cho biết rõ ràng về nguồn gốc thiết bị.
Liên quan tới nghi ngại có dính tới yếu tố Trung Quốc, báo Đất Việt đưa tin, ngày 14/8, báo chí dẫn nhiều nguồn tin cho hay, việc lắp đặt kính bao quanh tòa nhà này do một công ty Trung Quốc đảm nhận.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cũng cho hay, việc cố gắng khắc phục sửa chữa có thể gây thêm lãng phí và mất an toàn. Phương án mở thêm kính lag không khả thi.
“Chứ bây giờ không biết bảo hành kính của (đơn vị) Trung Quốc còn hạn nữa hay không, nếu còn thì sức mấy họ cho mở”, nguồn tin này nói thêm