Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân
Biên phòng – Dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc, đó là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước Việt Nam. Qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, các thế hệ người Việt Nam luôn biết tiếp nối truyền thống cha ông, chung sức, đồng lòng bảo vệ đất nước trước các thế lực ngoại xâm. Quy luật đó vẫn đúng, dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc chỉ có thể được bảo toàn trọn vẹn khi có sự tham gia, vào cuộc của toàn dân.
Trung tâm Huấn luyện BĐBP tiếp nhận chiến sĩ mới trong ngày hội tòng quân năm 2023. Ảnh: Đình Ngọc
Điều 45, Hiến pháp năm 2013 của nước ta khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Như vậy, mọi công dân, không phân biệt thành phần, dân tộc, giới tính đều có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà bảo vệ Tổ quốc cũng chính là bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ chế độ XHCN… Nội hàm bảo vệ Tổ quốc đã được mở rộng và bao quát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi công dân tùy theo khả năng của mình đều có nghĩa vụ tham gia vào các công việc bảo vệ Tổ quốc. Điều 44, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rất rõ: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.
Hiện nay, trong xã hội và trên mạng xã hội đang dấy lên nhiều quan điểm cho rằng, thời bình thì làm gì phải bảo vệ Tổ quốc? Đất nước hòa bình rồi thì việc gì phải tổ chức ra quân đội? Nhiều người còn đưa ra quan điểm cho rằng, bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của Quân đội chứ không phải của người dân… Đây là những nhận thức đơn giản, chưa thấy hết về tính bức thiết của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Không loại trừ một số đối tượng chống phá đất nước, họ đưa ra quan điểm này để nhằm tạo nên sự hoài nghi trong xã hội, gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện tuyển chọn thanh niên nhập ngũ.
Trước hết, chúng ta đều thấy, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước, không chỉ Việt Nam mà quốc gia nào cũng vậy, họ đều tổ chức ra Lực lượng vũ trang, tổ chức ra Quân đội làm lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống giặc ngoại bang, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự tấn công từ bên ngoài. Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức ra để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Trong thời bình, Quân đội còn là lực lượng xung kích bảo vệ nhân dân trước những đe dọa của thiên tai, dịch bệnh. Bảo vệ tính mạng của nhân dân cũng chính là bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng nghìn, hàng vạn người con ưu tú của đất nước đã lên đường nhập ngũ. Nhiều thanh niên, sinh viên đã viết đơn tình nguyện bằng máu, gác lại những ước mơ trên giảng đường, xếp bút nghiên lên đường ra chiến trường. Nhiều thương nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa ở nước ngoài, theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia nhập quân đội, ủng hộ kháng chiến. Nhờ đó, Quân đội được củng cố và phát triển ngày càng lớn mạnh, đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước. Cũng chính vì bao lớp người đã hi sinh xương máu, bao ước mơ tuổi thanh xuân bị gác lại, chúng ta mới có được cuộc sống hòa bình hôm nay.
Đất nước hòa bình, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Các thế lực thù địch vẫn luôn nuôi dưỡng mưu đồ chống phá đất nước, phá hoại con đường đi lên CNXH, phá hoại cuộc sống hòa bình của nhân dân. Họ muốn biến nước ta thành quốc gia lệ thuộc, thành con rối trên bàn cờ chính trị của các nước lớn. Nếu chúng ta không cảnh giác, không xây dựng quân đội và tiềm lực quân sự đủ mạnh, đủ sức răn đe thì chúng ta sẽ không đủ khả năng phòng thủ để bảo vệ đất nước.
Để xây dựng quân đội ngày càng lớn mạnh, hằng năm, chúng ta đều tổ chức tuyển chọn thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, đó chính là việc làm để bổ sung lực lượng cho quân đội, thay thế lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương. Công việc đó liên tục được tiếp nối, để tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Khi hòa bình, chúng ta vừa có lực lượng thường trực hợp lý, vừa có lực lượng dự bị rộng khắp. Khi đất nước có chiến tranh, chúng ta nhanh chóng huy động được lực lượng, hình thành nên thế trận toàn dân đánh giặc. Nhờ đó, chúng ta sẽ không bị động trong mọi tình huống.
Quan điểm cho rằng, đất nước hòa bình rồi thì việc gì phải tổ chức ra quân đội là quan điểm không đúng cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Hiện nay, chúng ta thấy, trừ một số quốc gia có thể chế đặc biệt thì quốc gia nào cũng tổ chức ra quân đội. Đặc biệt như ở Hàn Quốc, chế độ quân dịch bắt buộc được áp dụng từ năm 1957, quy định tất cả công dân nam trong độ tuổi từ 18 đến 35 đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự, bất kể người đó là ai hoặc có xuất thân từ đâu. Mặc dù quy định này đã được sửa đổi từ năm 2020, nhưng về cơ bản, thanh niên Hàn Quốc khi đến 18 tuổi đều bắt buộc phải ghi danh nhập ngũ. Ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia như Triều Tiên, Singapore, Israel gần như toàn bộ nam giới cũng đều tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Mặt khác, dù hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo của thế giới đương đại. Nhưng trên thực tế, sau khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, trong vòng hơn 30 năm, từ năm 1991 đến nay, chúng ta đã chứng kiến hơn 5 cuộc chiến tranh, hàng trăm vụ khủng bố, hàng nghìn cuộc xung đột, đảo chính, nội chiến, tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Điều đó cho thấy, thế giới vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn. Vì thế, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là thường xuyên, liên tục và cần phải có lực lượng thường trực cho nhiệm vụ đó. Nếu không có sự chuẩn bị, hoặc mất cảnh giác, đó sẽ là cơ hội để các thế lực chống phá trong nước nổi lên, các thế lực bên ngoài hô hào tiếp ứng, điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ đất nước bị tấn công, Tổ quốc bị lâm nguy từ nhiều phía.
Bài học trong lịch sử cũng đã cho thấy, nhiều quốc gia, triều đại chỉ một phút lơ là, mất phòng bị đã bị kẻ thù phát động tấn công, xâm lược, nhanh chóng rơi vào hoảng loạn, thất thủ, đất nước rơi vào lệ thuộc, nhân dân sống trong cảnh lầm than, cơ cực. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, biện pháp phòng ngừa chiến tranh hiệu quả nhất chính là phải luôn luôn chuẩn bị và đề phòng cho chiến tranh, luôn luôn thấu suốt phương châm, giữ nước từ khi nước chưa nguy, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì vậy, mỗi thanh niên khi đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự cần nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với đất nước.
Trúng tuyển và tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý, được nhân dân tin tưởng, gửi gắm và trao nhiệm vụ trên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc. Bình yên của nhân dân, hòa bình của đất nước đang được giữ vững khi luôn có người chiến sĩ trên tuyến đầu gian khó.
Diệp Chi