Bảo vệ tổ quốc là gì? Quy định Hiến Pháp Việt Nam về bảo vệ tổ quốc

Bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là chức năng đối ngoại quan trọng nhất của bất cứ nhà nước nào. Ở nước ta, dựng nước và giữ nước luôn luôn đi đôi với nhau, là một đặc trưng của lịch sử dân tộc ta.

 

Vì vậy, đối với Nhà nước ta, vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta được xác định là: chống giặc ngoại xâm, bảo tồn nền độc lập dân tộc. Vì vậy, trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, Quốc hội đã xác định:

“Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.

Tại Chương II của Hiến pháp năm 1946, có 4 nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam thì 2 nghĩa vụ là bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ đi lýnh. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công, Nhà nước ta còn quy định thêm nghĩa vụ kháng chiến.

Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, miền Nam còn tạm thời bị chiếm đóng, Nhà nước ta vẫn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Năm 1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp trong đó có quy định:

“Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tồ quốc” (Điều 42 Hiến pháp năm 1959).

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, mặc dù đất nước đã được độc lập, thống nhất, bảo vệ Tổ quốc vẫn là một trong những nhiệm vụ chiến lược và được Quốc hội khoá VI dành ra một chương riêng (Chương IV) của Hiến pháp năm 1980 để quy định những vấn đề cơ bản nhất trong việc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, Nhà nước và nhân dân ta đã có một nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc là:

“Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quỷ của công dân” (Điều 45 Hiến pháp năm 2013).

Như vậy, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ mang tính bắt buộc mà còn là quyền cơ bản của công dân mang tính tự giác. Nhận thức mới này bắt nguồn từ thực tiễn của xã hội Việt Nam: dựng nước và giữ nước; độc lập dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình, cá nhân… luôn gắn liền với nhau.

Ngày nay, vấn đề bảo vệ Tổ quốc cũng là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”. Vì vậy, trong Hiến pháp năm 2013 vẫn có một chương (Chương IV) để quy định về “bảo vệ Tổ quốc”. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội. Do đó, trong Chương này không chỉ đề cập trách nhiệm và phương hướng xây dựng quân đội nhân dân mà còn đề cập đến trách nhiệm và phương hướng xây dựng công an nhân dân.

Để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, giữ vững an ninh quốc gia, Nhà nước ta chủ trương:

“… củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhăn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, Công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ” (Điều 64 Hiến pháp năm 2013).

Như vậy, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là phương châm để bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia. Phương châm này bắt nguồn từ bản chất giai cấp của Nhà nước ta – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, cũng như từ thực tế của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với tư tưởng chỉ đạo: lấy dân làm gốc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia, Nhà nước ta xác định đó là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy, nhà nước phải phát huy được sức mạnh tổng họp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước, xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân, ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn và trừng trị có hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội. Để đảm bảo quốc phòng, an ninh, cần thiết phải:

– Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;

– Kết hợp quốc phòng và an ninh với kinh tế;

– Gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh;

– Phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại;

– Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân;

– Tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng và an ninh;

– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an, đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh;

– Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tàng lớp trí thức làm nền tảng; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc và an ninh nhân dân.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)