Bảo vệ môi trường, quản lý đất đai “tạo đà” phát triển du lịch bền vững – Sở tài nguyên và môi trường phú thọ
Thứ ba – 07/03/2023 14:54
(TN&MT)- Ninh Bình được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, là trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Xác định được lợi thế, tiềm năng sẵn có, những năm qua, Ninh Bình đã tích cực đầu tư, phát triển du lịch toàn diện. Tuy nhiên, để du lịch nơi đây phát triển bền vững thì những vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay là: bảo vệ môi trường, quản lý tốt đất đai, bảo vệ sinh kế người dân.
Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Cao Tấn – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Cao Tấn – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Cao Tấn – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
PV: Để phát triển du lịch bền vững, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong phát triển du lịch được Ninh Bình triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Cao Tấn: So với các địa phương khác trong cả nước, Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cũng như những di sản văn hóa độc đáo để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong số khoảng 1.500 di tích được thống kê có 89 di tích được xếp hạng quốc gia, nổi bật là Quần thể Danh thắng Tràng An được ghi danh là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ngoài ra còn có Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… là những nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, hấp dẫn.
Những năm gần đây, Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nếu năm 2007, Ninh Bình đón 1 triệu lượt du khách thì năm 2015, sau hơn 1 năm Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh di sản thế giới, Ninh Bình đã đón trên 6 triệu lượt du khách. Gần đây nhất, riêng trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh đón 397.086 lượt khách, trong đó có 29.500 khách quốc tế.
Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng du khách đến với Ninh Bình cũng có những tác động đến môi trường cảnh quan, du lịch cũng như công tác bảo tồn di sản. Do đó, từ năm 2001 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 3 nghị quyết về phát triển du lịch; trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường cả về tự nhiên và văn hóa, xã hội. Các nghị quyết, văn bản chỉ đạo từ Trung ương tới Tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, công tác quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch được thực hiện tốt; xây dựng và quản lý chặt chẽ các tour, tuyến du lịch, thực hiện nghiêm túc công tác BVMT trong triển khai thực hiện các dự án; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải ở các địa phương.
Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật có liên quan được quan tâm thường xuyên. Nhờ đó, môi trường tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ gìn sạch đẹp, hệ động thực vật tại các khu, điểm du lịch được bảo tồn, nguyên sơ, thậm chí được phục hồi, làm phong phú, đa dạng hơn. Rác thải đều được thu gom kịp thời. Các cơ sở lưu trú cơ bản thực hiện tốt các quy định về đảm bảo môi trường, xử lý nước thải.
Quần thể Danh thắng Tràng An được ghi danh là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Quần thể Danh thắng Tràng An được ghi danh là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Đặc biệt, tỉnh hết sức quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh với sự tham gia của các lực lượng trong xã hội bằng nhiều hình thức phong phú; khuyến khích các mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học…
PV: Cùng với BVMT; quản lý, sử dụng tốt đất đai ở vùng di sản cũng hết sức quan trọng. Hiện, Ninh Bình đã và đang quản lý, sử dụng đất khu vực này ra sao để cân đối giữa mục tiêu bảo tồn di sản và bảo đảm sinh kế người dân?
Ông Nguyễn Cao Tấn: Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản sống với hơn 47.000 cư dân đang sinh sống trong khu Di sản. Để đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn, gìn giữ các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, phát triển du lịch bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân; vấn đề quản lý, sử dụng đất trong khu Di sản rất được chú trọng.
Hiện, chúng tôi thực hiện quản lý Di sản theo Kế hoạch quản lý phân vùng với 5 phân vùng gồm: Khu vực cảnh quan thiên nhiên cần bảo vệ nghiêm ngặt; Khu vực di tích văn hoá cần bảo vệ; Khu vực bảo tồn và sử dụng bền vững; Khu vực cho phép hoạt động du lịch và các khu dân cư. Mỗi phân vùng đều có mục tiêu, chính sách, đề xuất các hành động cụ thể, đặc biệt là ở các khu dân cư.
Trong đó, các khu dân cư có diện tích 218,90 ha, chiếm 3,52% tổng diện tích khu Di sản, với mục tiêu cơ bản là duy trì khu dân cư hiện hữu; đảm bảo sử dụng tài nguyên theo phương thức truyền thống; theo dõi nhà ở, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và chính sách bảo vệ di sản; đánh giá hiện trạng một số hộ dân, cộng đồng, xem xét khả năng di dời khỏi vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di sản…
Để thực hiện mục tiêu, Sở Du lịch tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kinh doanh lưu trú khách du lịch. Đồng thời, kiên quyết phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất.
Hiện nay, Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, trong đó nhận diện các yếu tố tác động đến sinh kế người dân từ các quy định về quản lý và bảo tồn Di sản, xác định tốc độ tăng trưởng dân số trong khu Di sản. Từ đó, đề ra các giải pháp vừa đảm bảo sinh kế người dân, vừa đảm bảo quỹ đất và từng bước xác định khu tái định cư cho người dân.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; quản lý, sử dụng đất đai vùng di sản của Ninh Bình gặp khó khăn, bất cập gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Cao Tấn: Hiện các ngôi làng trong khu Di sản ở Ninh Bình hầu hết đã tồn tại trên dưới 100 năm nên quỹ đất rất hạn chế, thậm chí không còn. Trong khi đó, diện tích Di sản hầu hết nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, do đó quỹ đất để tái định cư còn rất ít; điều này tác động không nhỏ đến nơi ăn, chốn ở của người dân.
Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch bền vững
Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch bền vững
Thực tế, một số hộ dân vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp các quy định về quản lý và bảo tồn Di sản tự ý lấn chiếm đất, đất chân núi, hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây nhà, dựng homestay, kinh doanh lưu trú trái phép.
Mặt khác, chưa có các chính sách cụ thể về quỹ đất tái định cư nên việc di dời dân sống rải rác ở vùng lõi Di sản ra ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
PV: Vậy, để du lịch phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa sinh kế của người dân, tăng trưởng kinh tế với giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới môi trường, ngành du lịch Ninh Bình có định hướng và giải pháp như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Cao Tấn: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa sinh kế của người dân, tăng trưởng kinh tế với giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới môi trường, thời gian tới, ngành du lịch Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế để nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật về BVMT cho người dân, doanh nghiệp và Ban quản lý các khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch bảo tồn Di sản, trọng tâm là bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản nhưng vẫn phải đảm bảo sinh kế cho người dân. Đối với các khu dân cư tập trung, có những giải pháp cụ thể trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sở Du lịch đang tiến hành tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch từ nay đến năm 2030, trong đó tập trung bảo tồn di sản văn hoá, di tích lịch sử vùng nông thôn gắn với phát triển sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường để đảm bảo vừa tăng cường sinh kế, vừa bảo vệ môi trường, phát triển du lịch.
Thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nữa tham gia vào hoạt động phát triển du lịch từ đó hạn chế các tác động không tốt đến tài nguyên, môi trường, góp phần cho phát triển du lịch bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!