Bảo vệ môi trường là nền tảng để phát triển bền vững
MT&XH – Muốn phát triển bền vững (PTBV) thì đầu tiên phải tính đến yếu tố môi trường. Bởi môi trường là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hộicần thiết cho sự sinh sống và sản xuất của con người. Có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tác động lẫn nhau trong thế cân đối thống nhất: Môi trường tự nhiên (bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên) cung cấp nguyên liệu và không gian cho sản xuất xã hội. Sự giàu nghèo của mỗi nước phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tài nguyên: Rất nhiều quốc gia phát triển chỉ trên cơ sở khai thác tài nguyên để xuất khẩu đổi lấy ngoại tệ, thiết bị công nghệ hiện đại. Có thể nói, tài nguyên nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội (KT-XH) ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương.
Mối quan hệ mật thiết giữa môi trường và phát triển bền vững KT-XH
Môi trường là nơi cung cấp các nguyên, nhiên vật liệu cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, con người cần phải khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên trong môi trường. Theo đó, nhu cầu của con người về các nguồn tài nguyên cũng không ngừng tăng lên về cả số lượng lẫn chất lượng và mức độ phức tạp theo trình độ phát triển của xã hội. Nó cung cấp và lưu giữ cho con người các nguồn gen, các loài động thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các vẻ đẹp, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ, tôn giáo và văn hoá khác.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã xác định PTBV là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, bao gồm:
– Phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế).
– Phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm).
– Bảo vệ môi trường (BVMT) (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
Trong đó, tiêu chí để đánh giá sự PTBV là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; Thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Như vậy, BVMT là một trong ba yếu tố cấu thành của PTBV. Vấn đề đặt ra đối với mọi quốc gia là không thể xem nhẹ, hoặc coi trọng BVMT, hay phát triển kinh tế, phát triển xã hội, mà trọng quá trình hoạch định chính sách, đặt ra các quy định pháp luật, các quốc gia đều phải bảo đảm hài hòa việc PTBV cả ba yếu tố này. Đây là một bài toán khó không chỉ đối với các nước kém phát triển mà cả đối với các nước phát triển và đang phát triển.
Bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
Giữa môi trường và sự phát triển bền vững KT-XH có mối quan hệ chặt chẽ. Môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Trong hệ thống KT-XH, hàng hóa được di chuyển từ sản xuất đến lưu thông, phân phối và tiêu dùng cùng với dòng luân chuyển của nguyên liệu, năng lượng, sản phẩm, chất thải. Các thành phần đó luôn luôn tương tác với các thành phần tự nhiên và xã hội của hệ thống môi trường đang tồn tại trong địa bàn đó. Và môi trường chính là nơi chứa đựng các phế thải của mọi quá trình sản xuất và tiêu dùng đó, cũng là nơi con người tồn tại và phát triển. Nhưng chất lượng môi trường sống của con người ngày càng giảm xuống do các hoạt động của chính mình dẫn chỉ số ô nhiễm mỗi trường đang ở mức báo động ở một số nước trên thế giới.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK), nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu thiệt hại 38 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí. Đó là số tiền mà chính quyền Trung Quốc phải chi trả để khắc phục hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy những thiệt của việc lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên môi trường quá mức, đưa các phế thải của mọi quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thải ra môi trường mà không qua xử lí là rất lớn.
Bảo vệ môi trường chính là để giúp cho sự phát triển kinh tế cũng như xã hội được bền vững. KT-XH phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc. Điều đó lại tạo điều kiện ổn định chính trị xã hội để KT-XH phát triển. BVMT là việc làm không chỉ có ý nghĩa hiện tại, mà quan trọng hơn, cao cả hơn là nó có ý nghĩa cho tương lai. Nếu một sự phát triển có mang lại những lợi ích kinh tế trước mắt mà khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường, làm cho các thế hệ sau không còn điều kiện để phát triển mọi mặt (cả về kinh tế, xã hội, thể chất, trí tuệ con người…), thì sự phát triển đó có ích gì! Nếu hôm nay thế hệ chúng ta không quan tâm tới, không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, làm cho môi trường bị hủy hoại thì trong tương lai, con cháu chúng ta chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ.
Chính sách của Việt Nam
Nhận thức rõ điều đó, trong bối cảnh chúng ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngay những dòng đầu tiên, Chỉ thị đã nêu rõ: “BVMT là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới”. Như vậy BVMT có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” không thể thực hiện được nếu chúng ta không làm tốt hơn nữa công tác BVMT.
Tính đến năm 2019, cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch, bảo đảm yêu cầu về mặt bằng cho phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở. Cùng với đó, tình trạng lãng phí, vi phạm pháp luật về đất đai được đẩy mạnh giải quyết, với việc xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai (diện tích 18.844ha). Nguồn thu từ tài nguyên đạt cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó thu từ đất tính đến ngày 25-12-2019 đạt hơn 172.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% thu ngân sách nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến nay đạt 9.354 tỷ đồng (năm 2019 thu 1.165 tỷ đồng); tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt của cả nước là 50.909 tỷ đồng (năm 2019 thu 4.780 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai giảm 10,7%; tỷ lệ người dân phản ánh có “bôi trơn” trong làm thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 29%; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) tăng đều qua 3 năm.
Các hoạt động sản xuất, xây dựng, công nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị.
Ngoài ra, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, công tác quản lý, BVMT có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ trong quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa được triển khai. Đồng thời cũng triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông; đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường… Một điểm sáng nữa của ngành trong năm 2019 là đã hoàn thành việc điều tra, lập bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên quy mô toàn quốc, đồng thời là ngành đầu tiên ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0…
Tuy còn có nhiều khó khăn về kinh tế, song Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tích cực về công tác BVMT như: Xây dựng hệ thống pháp luật về BVMT ngày càng hoàn thiện; xây dựng hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương; tăng cường đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý về môi truờng; đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội có ý nghĩa về BVMT.
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 55/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/6/2014 tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoàng Bảo