Bảo vệ môi trường đất, vấn đề đặt ra (bài cuối)

Nhiều giải pháp đã được các ngành chức năng tỉnh đưa ra nhằm bảo vệ môi trường của tỉnh, trong đó có môi trường đất, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

[links()]

 

Bài cuối: Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững 

 

Nhiều giải pháp đã được các ngành chức năng tỉnh đưa ra nhằm bảo vệ môi trường của tỉnh, trong đó có môi trường đất, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

 

Các đơn vị chức năng đang vận chuyển bao bì hóa chất bảo vệ thực vật từ các kho lưu chứa tại huyện Đạ Tẻh đi xử lý tập trung

Các đơn vị chức năng đang vận chuyển bao bì hóa chất bảo vệ thực vật từ các kho lưu chứa tại huyện Đạ Tẻh đi xử lý tập trung

 

NHỮNG THÁCH THỨC

 

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, biến đổi khí hậu đang có xu hướng tác động mạnh đến Lâm Đồng hiện nay trong nhiều yếu tố như nhiệt độ, lượng mưa, tần suất mưa cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Các kết quả nghiên cứu dự báo dựa trên các diễn biến thực tế và kết quả tính toán mô hình thủy động lực đã cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang tác động gay gắt hơn đến tất cả các ngành và lĩnh vực của tỉnh như tài nguyên nước, nông nghiệp, sức khỏe cộng đồng, công nghiệp năng lượng…

 

Hiện nay, chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu suy giảm đã đặt ra cho tỉnh những thách thức mới, trọng tâm trong đó là việc Lâm Đồng cần sớm giải quyết hài hòa áp lực giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên bền vững. 

 

Vẫn còn tình trạng không ít doanh nghiệp trong tỉnh chưa chịu xây dựng các công trình xử lý môi trường, hoặc xây dựng với hình thức đối phó, không tuân theo quy định và cam kết; có xây dựng nhưng không vận hành nên không thể xác nhận công trình đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường.

 

Xử lý rác thải sinh hoạt cũng là một vấn đề cấp thiết cần giải quyết khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong tỉnh ngày càng gia tăng. Cộng với số rác thải tồn đọng lâu nay tại các bãi rác trong tỉnh chưa được xử lý triệt để; việc xử lý chủ yếu chỉ chôn lấp hở, không hợp vệ sinh, gây thách thức lớn trong quản lý môi trường, tạo áp lực lên đất. Các nhà máy xử lý rác đã được đầu tư trong tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ đầu tư, về công nghệ xử lý lẫn công suất xử lý. 

 

Ngành chức năng tỉnh cũng lưu ý đến hoạt động tái chế chất thải trong tỉnh hiện nay, đặc biệt là tái chế nhựa, có tính chất tự phát, bố trí phân tán. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ và bảo vệ môi trường không cao, công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

 

Trong thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, mặc dù ngành chức năng trong tỉnh phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động, tập huấn, ra quân hằng năm nhưng đến nay vẫn còn tình trạng vứt bỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng ngoài đồng, vứt xuống sông, suối hoặc đốt trực tiếp tại đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cảnh quan. Nhiều nơi có tình trạng không ít người bỏ cả rác thải sinh hoạt vào thùng chuyên dụng dùng chứa riêng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật hoặc vứt bỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật vào thùng chứa rác thải sinh hoạt. 

 

Và cho đến nay việc khắc phục đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các bãi rác thải sinh hoạt vẫn còn chậm. Các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh cũng triển khai chậm và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Kinh phí đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản để làm cơ sở đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

 

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT

 

Mục tiêu chung của Lâm Đồng đặt ra cho 5 năm đến theo Sở Tài nguyên – Môi trường, là tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

 

Đối với môi trường đất, đó là việc khắc phục suy thoái, khôi phục và nâng cao chất lượng môi trường; thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm môi trường và cân bằng sinh thái.

 

Ngành cũng đặt ưu tiên trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, kết hợp với bảo tồn trong việc chống thoái hóa đất và cải tạo đất bị suy thoái; xây dựng cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với từng địa bàn ưu tiên, bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên đất, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Ngành Môi trường tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để tác động đến người dân chọn phương thức canh tác nông nghiệp phù hợp; sử dụng nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi phù hợp, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu, hạn chế và loại bỏ dần các máy nông nghiệp lạc hậu tiêu thụ nhiều năng lượng. Ngành cũng tăng cường khuyến cáo người dân việc lạm dụng phân bón vô cơ khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém, giảm độ màu mỡ của đất; tăng cường sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân vi sinh thay cho hình thức đốt gây phát thải hay bỏ phí vứt đi gây ô nhiễm môi trường.

 

Một giải pháp khác được đưa ra đó là việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp; phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải hữu cơ trong canh tác rau, hoa, cây công nghiệp ngắn và dài ngày; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng ni-tơ trong phân bón; sử dụng hợp lý phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, bẫy cây trồng để dẫn dụ sâu hại, sử dụng than sinh học làm đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm cho cây trồng; tăng cường các giải pháp phổ biến đến người dân thay đổi phương cách sản xuất, hỗ trợ người dân dần áp dụng hình thức canh tác hữu cơ.

 

Một điểm quan trọng nữa là khuyến khích người dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong làm đất, tưới nước cho các loại cây trồng, đặc biệt là các cây trồng công nghiệp; ứng dụng các biện pháp canh tác tối thiểu như giảm làm đất, không cày,… nhằm hạn chế tổn thất lượng các-bon trong đất. Có thể áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ kết hợp với sử dụng kiến thức bản địa như trồng các loại cỏ, cây trồng có tác dụng che phủ, cải tạo, thúc đẩy lưu giữ các-bon đất ở những khu vực đất canh tác bị suy thoái, bạc màu; kết hợp trồng trọt, chăn nuôi trên đất lâm nghiệp, phát triển cây lấy gỗ, củi.

 

Tỉnh cũng cần có phương án hiệu quả để phục hồi các vùng đất bị suy thoái như tại các vùng đất sau khai thác khoáng sản, vùng đất bị sa mạc hóa… thông qua phủ xanh bề mặt như trồng cỏ, trồng rừng; cho rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải y tế sau xử lý, tiêu hủy bảo đảm an toàn đối với môi trường và con người.

 

Trong xử lý rác thải, ngành chức năng khuyến cáo tỉnh nên sớm triển khai ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hạn chế chôn lấp, an toàn và phù hợp với điều kiện từng địa phương; nâng cao tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Các địa phương cần dành ngân sách phù hợp để tăng cường năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng hệ thống các trạm trung chuyển chất thải rắn tại các vùng đô thị lớn, liên đô thị, các tuyến thu gom vận chuyển giữa các đô thị; mở rộng các mạng lưới thu gom và vận chuyển các loại chất thải, đặc biệt ở khu vực nông thôn. 

 

Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc phân loại chất thải rắn tại nguồn như cách huyện Đạ Tẻh và một số địa phương khác như Đạ Huoai, Đà Lạt đang làm thí điểm hiện nay. Ngành chức năng cần xây dựng các hướng dẫn phân loại, có các chương trình phổ biến và đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn trong cả tỉnh; thực hiện thí điểm các chương trình, dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong cộng đồng dân cư tại những địa phương chưa thực hiện để từ đó rút ra bài học nhân rộng.

 

Trong xử lý nước thải, Lâm Đồng cũng cần sớm có phương án đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung ở các đô thị, xử lý được phần lớn nước thải ở các thành phố; đồng thời, thực hiện các dự án chuyển đổi hơn 80% các bãi chôn lấp chất thải rắn không kiểm soát hiện nay sang có kiểm soát, đạt tiêu chuẩn môi trường; thực hiện các dự án về thu hồi nhiệt, thu hồi năng lượng từ các bãi chôn lấp rác thải để phát điện.

 

Riêng với Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng là đơn vị quản lý trực tiếp các vấn đề về môi trường, Sở cho biết trong thời gian đến sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, cập nhật và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp, nhất là quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến cấp xã để có sự bố trí sử dụng đất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của các ngành và các đối tượng sử dụng. 

 

Ngành cũng cho rà soát cẩn thận để đưa các tiêu chí môi trường vào quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động do chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên môi trường. Tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. 

 

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA CỘNG ĐỒNG

 

Để bảo vệ môi trường đất, ngành Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng cũng cam kết đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ môi trường đất trong cộng đồng, trong các doanh nghiệp và trong trường học trong thời gian đến; vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Đặc biệt, ngành cũng sẽ phối hợp để phát huy vai trò của các tổ chức chính trị -xã hội, các đoàn thể như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các cấp cùng các cơ quan thông tin đại chúng trong vận động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và môi trường đất nói riêng.

 

VIẾT TRỌNG