Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới

BBT

HUYỆN ỦY GÒ CÔNG TÂY

https://huyenuygocongtay.vn/uploads/logocobay.gif

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận không tách rời và chiếm vị trí trọng yếu trong Biển Đông – một khu vực địa lý giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn lợi ích liên quan đến các tranh chấp chủ quyền biển, đảo phức tạp và kéo dài trong lịch sử. Biển gắn bó với bao thế hệ người Việt, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc ta, là nơi nương tựa cho hàng triệu người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Vì vậy, bảo vệ, khai thác, phát triển mọi mặt ở khu vực biển, đảo của Việt Nam là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Cục diện Biển Đông bước sang giai đoạn mới với những diễn biến phức tạp trên cả thực địa và các mặt trận pháp lý, ngoại giao, tuyên truyền. Các nước có yêu sách ở Biển Đông tiếp tục thể hiện thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận không tách rời và chiếm vị trí trọng yếu trong Biển Đông – một khu vực địa lý giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn lợi ích liên quan đến các tranh chấp chủ quyền biển, đảo phức tạp và kéo dài trong lịch sử. Biển gắn bó với bao thế hệ người Việt, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc ta, là nơi nương tựa cho hàng triệu người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Vì vậy, bảo vệ, khai thác, phát triển mọi mặt ở khu vực biển, đảo của Việt Nam là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

 

* KHÁI QUÁT VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

1. Vị trí, vai trò của Biển Đông

– Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 3° đến 26° vĩ Bắc và từ 100° đến 121° kinh Đông. Có 9 nước tiếp giáp với Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan.

– Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh.

+ Đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch.

+ Đồng thời, đây cũng là khu vực đang chịu nhiều sức ép về bảo vệ môi trường sinh thái biển.

– Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm, duy trì liên tục trong vòng 15 đến 20 năm tới.

 + Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng: Brunei – Saba, Sarawak – Malay, Pattani – Thái, Nam Côn Sơn, Mêkông, sông Hồng, cửa sông Châu Giang.

+ Ngoài ra, khu vực Biển Đông còn chứa đựng một khối lượng lớn tài nguyên khí đốt đóng băng (băng cháy).

+ Tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai.

+ Băng cháy (Mê tan Hyđarat) là một dạng mê tan bị giam hãm trong 1 cấu trúc tinh thể nước, tạo thành 1 chất rắn tựa như băng đá. Băng cháy là 1 nguồn năng lượng khổng lồ, cứ 1m3 băng cháy giải phóng khoảng 164 m3  methane (cao gấp 2-5 lần khí thiên nhiên, lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường vì là hyđrat đông lạnh, ít tạp chất). theo ước tính của các nhà khoa học, lượng băng cháy trên thế giới dao động từ 280 nghìn tỷ đến 2.800 nghìn tỷ m3, đáp ứng được nhu cầu khí đốt toàn cầu từ 80 đến 800 năm với mức tiêu thụ hiện tại. Hiện nay trên thế giới có Nhật Bản và Trung Quốc đã khai thác thành công băng cháy. Việt Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu từ năm 2007.

– Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây là tuyến đường vận tải quốc tế lớn thứ hai của thế giới.

+ Mỗi ngày có khoảng 150 đến 200 tàu các loại qua lại Biển Đông.

+ Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông.

+ Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường giao thông này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- Xin-ga-po và Trung Quốc.

+ Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế, quốc phòng, an ninh và giao thông hàng hải.

– Đối với Việt Nam, Biển Đông đóng vai trò quan trọng về kinh tế và quốc phòng, an ninh.

 + Biển Đông nằm trong tuyến phòng thủ hướng Đông của Việt Nam. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng.

2. Vị trí địa lý của biển, đảo Việt Nam và các Vùng biển Việt Nam

a) Vị trí địa lý của biển, đảo Việt Nam

– Việt Nam là quốc gia ven biển nằm ven bờ tây của Biển Đông (tiếp giáp với biển ở cả ba phía: Đông, Nam và Tây Nam), có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng bậc nhất trong khu vực. Với chiều dài bờ biển trên 3.260km trải từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.

+ Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển), đứng đầu các nước Đông Dương, Thái Lan và xấp xỉ Ma-lai-xi-a. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh thành ven biển.

– Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu kilômét vuông, gấp trên 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ nằm trên thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước.

+ Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển.

+ Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển; 12 huyện đảo cụ thể là:

1. Quảng Ninh, 2. Hải Phòng, 3. Thái Bình, 4. Nam Định, 5. Ninh Bình, 6. Thanh Hóa, 7. Nghệ An, 8. Hà Tĩnh, 9. Quảng Bình, 10. Quảng Trị, 11. Thừa Thiên Huế, 12. Đà Nẵng, 13. Quảng Nam, 14. Quảng Ngãi, 15. Bình Định, 16. Phú Yên, 17. Khánh Hòa, 18. Ninh Thuận, 19. Bình Thuận, 20. Bà Rịa-Vũng Tàu, 21. TP Hồ Chí Minh, 22. Tiền Giang, 23. Bến Tre, 24. Trà Vinh, 25. Sóc Trăng, 26. Bạc Liêu, 27. Cà Mau, 28. Kiên Giang

Việt Nam chúng ta có 12 huyện đảo thuộc 9 tỉnh. Cụ thể: 2 Huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn – Tỉnh Quảng Ninh; 2 Huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải – Tỉnh Hải Phòng; Huyện đảo Cồn Cỏ – Tỉnh Quảng Trị; Huyện đảo Hoàng Sa Tỉnh Đà Nẵng; Huyện đảo Lý Sơn Tỉnh Quảng Ngãi; Huyện đảo Phú Quý Tỉnh Bình Thuận; Huyện đảo Trường Sa Tỉnh Khánh Hòa; Huyện đảo Côn Đảo Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu  và 2 Huyện đảo Kiên Hải, Phú Quốc –Tỉnh Kiên Giang.

b) Các vùng biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam năm 2012 xác định vùng biển Việt Nam bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo luật pháp Việt Nam, điều ước quốc tế về ranh giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

* Các vùng biển của Việt Nam

– Đường cơ sở: Là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy, do quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo định ra phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Là đường dùng làm căn cứ để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác. Có hai loại cơ sở:

 Đường cơ sở thông thường: Là đường sử dụng ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ biển hoặc hải đảo.

 Đường cơ sở thẳng: Là đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo. Đường cơ sở thẳng áp dụng khi bờ biển quốc gia ven biển bị chia cắt hoặc có chuôi đảo gắn liền và chạy dọc theo bờ biển.

+ Nước ta có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển được vận dụng để xác định đường cơ sở thẳng. Năm 1982, Chính phủ nước ta ra tuyên bố xác định đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam gồm 10 đoạn nối 11 điểm. Trừ điểm A8 nằm trên mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa), các điểm còn lại đều nằm trên các đảo. Điểm 0 nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia. Điểm Al: Hòn Nhạn (Kiên Giang), A2: Hòn Đá Lẻ (Cà Mau), A3: Hòn Tài Lớn (Bà Rịa – Vũng Tàu), A4: Hòn Bông Lang (Bà Rịa – Vũng Tàu), A5: Hòn Bảy Cạnh (Bà Rịa – Vũng Tàu), A6: Hòn Hải (nhóm đảo Phú Quý – Bình Thuận), A7: Hòn Đôi (Bình Thuận), A8: Mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa), A9: Hòn Ông Căn (Khánh Hòa), Al0: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), A11: Đảo cồn cỏ (Quảng Trị).

– Nội thủy: Là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.

– Lãnh hải: Là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (1 hải lý bằng 1.852m) tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

+ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

+ Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chủ quyền đối với vùng lãnh hải không phải là tuyệt đối như vùng nội thủy, tàu thuyền các nước khác được “đi qua không gây hại” trong lãnh hải.

+ Các quốc gia ven biển có quyền ấn định các tuyến đường, quy định việc phân chia các luồng giao thông dành cho tàu nước ngoài đi qua lãnh hải nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích của mình.

– Vùng tiếp giáp lãnh hải: Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

+ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình nhằm ngăn ngừa và xử lý hành vi, vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

– Vùng đặc quyền kinh tế: Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

+ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò khai thác bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

+ Có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế.

 + Có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

+ Có thẩm quyền trong bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

– Thềm lục địa: Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

+ Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

+ Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 200 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m.

+ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

* QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN TRÊN BIỂN ĐÔNG HIỆN NAY

1. Quan điểm

– Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc.

+ Kiên quyết: Đấu tranh bảo vệ chủ quyền;

+ Kiên trì:  Lâu dài gian khổ

– Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

– Giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, nhất là các nước láng giềng các nước lớn.

2. Chủ trương

– Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành thống nhất của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong giải quyết tranh chấp, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

– Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc dựa vào nội lực là chính, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tranh thủ điểm đồng thuận, sự ủng hộ của các nước, nhất là các nước lớn, các nước trong khối ASEAN. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, pháp lý, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng và an ninh.

– Đấu tranh kiên trì, kiên quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và các cam kết mà Việt Nam là thành viên.

Không gây căng thẳng, phản ứng quá mức, không để mắc mưu khiêu khích, rơi vào thế đối đầu, bị cô lập, bị lôi cuốn vào cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang.

– Không mơ hồ mất cảnh giác, né tránh, nhân nhượng vô nguyên tắc; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ chính đáng, xử trí thắng lợi các tình huống.

– Giải quyết tốt các vụ việc; tiến hành các biện pháp đấu tranh trên thực địa từ thấp đến cao, không để nước ngoài lợi dụng sơ hở để kích động gây rối bên trong hoặc leo thang tranh chấp trên biển, đảo.

– Giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì bền bỉ. Trước mắt cần giữ nguyên trạng, ngăn chặn, phản đối các nước xây dựng, cải tạo, nâng cấp tăng cường hoạt động quân sự trên các đảo nhân tạo; kiên trì cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thực thi có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đồng thời nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

– Tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông; đấu tranh kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lý của các nước ở Biển Đông. Giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo đó, việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

3. Giải pháp (Tập trung vào 6 giải pháp cơ bản sau):

* Về chính trị tư tưởng

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đảo. Quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhận thức rõ đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam, đối tượng tác chiến của quân đội.

– Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, kịp thời định hướng tư tưởng, không để bị kích động.

Tích cực, chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin, luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ, phá hoại quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn, chống các tư tưởng quá khích, đòi sử dụng vũ lực hoặc nhân nhượng vô nguyên tắc.

* Về thông tin tuyên truyền:

– Tăng cường vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và ngành tuyên giáo các cấp, thống nhất định hướng thông tin tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

+ Tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trao đổi, chia sẻ thông tin, chủ động cung cấp thông tin có định hướng tư tưởng, dư luận trong nước và quốc tế về các vấn đề trên Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây khó khăn cho ta.

– Thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, thống nhất nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo đúng luật pháp quốc tế.

– Tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin, chủ động cung cấp thông tin có định hướng tư tưởng, dư luận trong nước và quốc tế …

– Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên các vùng biển, đảo, nhất là phổ biến Luật Biển để hạn chế tình trạng ngư dân khai thác trái phép, vi phạm chủ quyền vùng biển nước khác. Thông tin cho ngư dân trên biển, khi bị các lực lượng nước ngoài bắt giữ phải bình tĩnh xử lý, không manh động, không ký vào các văn bản thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của nước ngoài để tránh bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền sai sự thật.

– Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, nhất là các nước lớn, nước láng giềng, các nước ASEAN, các nhân sĩ trí thức tiến bộ và kiều bào ta ở nước ngoài để phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

* Về đối ngoại :

– Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, tạo sự đan xen về lợi ích chiến lược sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, trọng tâm là củng cố, tăng cường quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng.

+ Tận dụng các diễn đàn, các cơ chế song phương, đa phương, tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế; tranh thủ các học giả, nhân sĩ có uy tín trên thế giới viết bài, tổ chức hội thảo quốc tế ủng hộ các quan điểm của Việt Nam.

– Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, phản đối, yêu cầu nước ngoài dừng hoạt động đối với việc thăm dò, khai thác xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng biển Việt Nam.

+ Lấy xây dựng lòng tin chiến lược làm cơ sở để đấu tranh; bằng mọi kênh tiếp xúc, ngoại giao, cố gắng không để xảy ra xung đột, làm “đứt gãy” quan hệ hữu nghị với các nước. Tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia, các nước ASEAN, không để nước ngoài lợi dụng, kích động, gây sức ép trên bộ khi xảy ra bất ổn trên biển, đảo.

–  Thúc đẩy thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các đường dây nóng của lãnh đạo Đảng nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam với Trung Quốc và các nước láng giềng, các nước liên quan tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

– Tăng cường các bản ghi nhớ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước có biển tiếp giáp với Việt Nam.

+ Tổ chức tuần tra chung ở các vùng biển đã được phân định; cùng các nước ASEAN diễn tập cứu hộ, cứu nạn; nghiên cứu phương án phối hợp tuần tra chung bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

– Coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và thực hiện các cam kết đã ký với Trung Quốc.

+ Thực hiện phương châm “16 chữ”: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

* Về pháp lý:

– Tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm các cam kết mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, DOC và các hiệp định về biển, thực hiện các biện pháp duy trì hòa bình, giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

– Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu tư liệu, chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm cơ sở để đấu tranh pháp lý. Theo dõi sát những diễn biến sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đối với vụ kiện của Phi-líp-pin để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ta.

+ Tích cực, chủ động xây dựng hồ sơ pháp lý để phục vụ đấu tranh ngoại giao, đấu tranh dư luận và sẵn sàng phương án đưa ra cơ quan tài phán quốc tế khi cần thiết.

– Nắm chắc luật pháp quốc tế và tình hình thực địa, vùng thông báo bay, kiên quyết phản đối máy bay, tàu chiến nước ngoài xâm phạm lãnh hải và vùng trời trên các đảo mà ta đang quản lý.

+ Yêu cầu các nước phải xin phép khi đưa máy bay, tàu, các phương tiện quân sự vào khu vực ta đóng quân. Yêu cầu Tổ chức Hàng không quốc tế thực hiện đúng thỏa thuận về vùng thông báo bay, bảo đảm an toàn bay quốc tế trên Biển Đông.

– Tích cực đấu tranh phản đối các yêu sách phi lý của các nước ở Biển Đông.

* Về quốc phòng, an ninh:

– Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh và tăng cường huấn luyện các phương án tác chiến bảo vệ biển, đảo.

– Tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ vùng trời.

+ Hoàn thiện hệ thống quan sát, trinh sát, chỉ thị mục tiêu, thông tin trên biển, nâng cao khả năng quan sát, theo dõi, phát hiện từ sớm, từ xa để chủ động đối phó với các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

– Sản xuất, mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại hóa một số quân binh chủng, lực lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

+ Củng cố, hoàn thiện hệ thống công sự trận địa, tổ chức các biện pháp bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tăng cường khả năng phòng ngự bảo vệ các đảo.

– Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

* Về kinh tế – xã hội:

– Đẩy mạnh các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, phát triển mạng lưới giao thông, du lịch, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển.

+ Tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, triển khai các trạm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, dịch vụ y tế…; xây dựng các nghiệp đoàn, tổ, đội hoạt động nghề cá để tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, kịp thời hỗ trợ lẫn nhau.

– Tích cực bảo hộ ngư dân, tàu cá, bảo vệ môi trường truyền thống của ta. Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thăm dò, khai thác, cùng hợp tác khai thác, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển…

***

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng cao cả đó, đòi hỏi phải thường xuyên quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển./.